Hiện nay về hệ thống tổ chức, bộ máy thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách của tỉnh Thanh Hoá đã có những thuận lợi và đạt được những kết quả nhất định, nhưng so với yêu cầu của Luật Trợ giúp pháp lý và tình hình thực tế của địa phương, còn nhiều khó khăn hạn chế và bất cập, đó là:
Thứ nhất: Nhận thức về công tác trợ giúp pháp lý miễn phí cho người
nghèo và đối tượng chính sách của một số cơ quan tổ chức, cán bộ ở một số nơi chưa đúng mức, chưa quán triệt đầy đủ các quan điểm chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách. Vì vậy, trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý thời gian quan chưa thông suốt, chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư nguồn lực cần thiết và kịp thời từ một số cơ quan tổ chức liên quan. Nhiều người dân chưa hiểu biết đến hoạt động trợ giúp pháp lý hoặc chưa
hiểu đầy đủ mục đích, ý nghĩa của hoạt động trợ giúp pháp lý, do đó chưa tiếp cận để được hưởng trợ giúp pháp lý của mình.
Thứ hai: Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong công tác trợ giúp
pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách chưa đồng đều, chưa chặt chẽ và hiệu quả. Một số ngành chưa thực sự chủ động để phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn để triển khai có hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý việc xác nhận hộ nghèo một số địa phương chưa thống nhất, còn gây khó khăn cho người nghèo.
Thứ ba: Cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động trang thiết bị làm việc đã
được quan tâm nhưng còn thiếu và hạn chế, chưa đáp ứng được so với yêu cầu nhiệm vụ trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách yêu cầu trợ giúp pháp lý của nhân dân ngày càng tăng. Hiện nay trụ sở Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước Tỉnh Thanh Hoá là nhà cấp 4, cũ nát. Việc tăng cường việc tổ chức đi trợ giúp pháp lý lưu động là hoạt động thường xuyên của trung tâm và tiếp tục được đẩy mạnh trong những năm tới, nhưng đến nay phần lớn cán bộ, cộng tác viên trợ giúp pháp lý phải tự túc phương tiện, trung tâm không có xe chuyên dùng để phục vụ hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động, đôi khi phải thuê xe để phục vụ hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động, phục vụ vận chuyển tài liệu xuống cơ sở, ảnh hưởng đến sức khoẻ của cán bộ, cộng tác viên trợ giúp pháp lý và hiệu quả của hoạt động trợ giúp pháp lý, nhất là đi công tác ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa vào mùa mưa bão, lũ lụt. Kinh phí ngân sách cấp còn thấp, các hoạt động trợ giúp pháp lý như công tác tập huấn nghiệp vụ, phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý, cộng tác thông tin, trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, Trung tâm Trợ giúp pháp lý chủ yếu chờ kinh phí hỗ trợ của Bộ Tư pháp thông qua các dự án quốc tế. Mặt khác, kinh phí Nhà nước cấp để thanh toán cho Luật sư tham gia, cộng tác viên trợ giúp pháp lý quá thấp, vì vậy chưa động viên
thoả đáng cho luật sư tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách xã hội.
Thứ tư: Chậm có chiến lược, quy hoạch phát triển trợ giúp pháp lý dài
hạn, có lộ trình cụ thể, xác định rõ yêu cầu mới, hình thức mới, định hướng mới, gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Một số cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa thấy rõ tác dụng về ý nghĩa của hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách trong việc góp phần làm ổn định tình hình chính trị, an toàn xã hội ở địa phương để phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ tư: Số lượng chuyên viên trợ giúp pháp lý ở trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thanh Hoá chưa đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ để mỗi chuyên viên chịu trách nhiệm một lĩnh vực pháp luật, đến nay trung tâm mới có 2 trợ giúp viên pháp lý, lực lượng cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ rất mỏng mặc dù lực lượng cộng tác của trung tâm có số lượng tham gia không ít (120 người).
Thứ năm: Cách thức tổ chức, bộ máy trợ giúp pháp lý chưa thực sự hợp
lý, chưa có nhiều tổ chức pháp lý ở khu vực và ở cơ sở, công tác quản lý và thông tin hai chiều giữa trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với các cộng tác viên ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Thứ sáu: Hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động là một trong những hoạt
động trợ giúp pháp lý hết sức hiệu quả và có ý nghĩa được nhân dân rất đồng tình, ủng hộ, nhiều cơ quan, chính quyền cơ sở tạo điều kiện tốt cho hoạt động này. Tuy nhiên, cũng không ít cán bộ ở địa phương e ngại tiếp xúc với đoàn công tác trợ giúp pháp lý lưu động, thậm chí có địa phương do có những vấn đề vướng mắc trong nội bộ tổ chức, né tránh hoặc cố tình từ chối làm việc với đoàn trợ giúp pháp lý lưu động tại địa phương mình.
Thứ bảy: Thanh Hoá là một tỉnh có vị trí địa lý, địa hình tương đối phức
tạp có 3 vùng rõ rệt: Vùng biển, vùng trung du - đồng bằng, và vùng miền núi. Riêng vùng miền núi đã có 11 huyện dân số chiếm gần 1/3 dân số của tỉnh lại
có nhiều xã, chòm, bản ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội.