trợ giúp pháp luật về trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính
sách xã hội
Quá trình thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách của tỉnh Thanh Hoá thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai và tổ chức chính thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách của địa phương vẫn còn những khó khăn, hạn chế, cần có quan điểm và giải pháp để khắc phục, cụ thể là:
Thứ nhất, nhận thức về công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo và
đối tượng chính sách của một số cơ quan, tổ chức, UBND, cán bộ nhà nước ở một số nơi chưa đúng mức, chưa quán triệt đầy đủ quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác trợ giúp pháp lý. Vì vậy, quá trình thực hiện các qui định của pháp luật về trợ giúp pháp lý thời gian qua chưa được thông suốt, thậm chí có địa phương còn né tránh, hoặc e ngại tiếp xúc làm việc với Trung tâm Trợ giúp pháp lý và cộng tác viên trợ giúp pháp lý, khi nội bộ có vướng mắc hoặc nhận thức "sai lệch" về hoạt động trợ giúp pháp lý, còn cho rằng là tổ chức trợ giúp pháp lý "xui dân kiện", công tác trợ giúp pháp lý chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư nguồn lực cần thiết từ một số cơ quan, tổ chức có liên quan. Người dân, trong đó có cán bộ cơ sở chưa biết đến hoạt động trợ giúp pháp lý hoặc chưa hiểu đầy đủ mục đích, ý nghĩa của hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách nên chưa tiếp cận để được hưởng quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí. Qua khảo sát 5469 người dân tộc thiểu số ở tỉnh Thanh Hoá, có 578 người = 10,5% khi được hỏi về trợ giúp pháp lý họ trả lời "chưa biết ở tỉnh Thanh Hoá có Trung tâm Trợ giúp pháp lý", khảo sát 196 người là thành viên của các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp thì vẫn còn 40 người = 20% trả lời là "không biết ở Thanh Hoá có
hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách xã hội".
Thứ hai, sự phối hợp giữa các cơ quan tổ chức trong công tác trợ giúp
pháp lý chưa đồng bộ, chưa hiệu quả, một số cơ quan, ban, ngành ở tỉnh và ở cấp huyện như các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các đoàn thể quần chúng chưa thực sự chủ động phối hợp với trung tâm trợ giúp pháp lý để phối hợp, chỉ đạo triển khai công tác trợ giúp pháp lý. Nhiều kiến nghị của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thanh Hoá gửi đến các cơ quan chức năng, nhưng chưa được trả lời kịp thời, hoặc không giải quyết như một số đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân, từ đó dẫn đến hậu quả là đơn thư khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, người dân phải đi lại nhiều lần, mất nhiều thời gian và công sức, tiền bạc, gây mất lòng tin của nhân dân đối với nhà nước. Mặt khác, việc cung cấp thông tin, tài liệu để giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý gặp không ít khó khăn, bất cập.
Thứ ba, mô hình tổ chức thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách chưa thống nhất, chưa đồng bộ.
Hiện nay, hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý, gồm tổ chức trợ giúp pháp lý ở Trung ương và cấp tỉnh. ở cấp huyện và cấp xã pháp luật trước đây quy định chưa cụ thể. Do đó, trong quá trình thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách, ở một số địa phương đã thành lập một số tổ chức trợ giúp pháp lý, theo chủ trương chỉ đạo điểm của Bộ Tư pháp như việc thành lập chi nhánh trợ giúp pháp lý ở một số huyện, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở cấp xã. Việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý ở cấp huyện và cấp xã thực hiện không đồng bộ, phụ thuộc nhiều vào địa phương. Do vậy, quá trình thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý là sự ra đời các tổ chức trợ giúp pháp lý ở cơ sở không thống nhất về tên gọi. Việc quản lý nhà nước đối với công tác trợ giúp pháp lý ở cơ sở chưa quan tâm đúng
mức, sự phối hợp giữa tổ chức trợ giúp pháp lý với chính quyền địa phương thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ trong việc củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý, nhất là về biên chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, kinh phí hoạt động các tổ chức trợ giúp pháp lý ở cấp huyện và cấp xã.
Luật Trợ giúp pháp lý có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2007, Luật qui định cho phép thành lập chi nhánh trợ giúp pháp lý thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, nhưng việc thành lập các chi nhánh trợ giúp pháp lý lại tuỳ thuộc vào từng địa phương, luật không bắt buộc. Xuất phát từ sự thiếu thống nhất về mô hình tổ chức trợ giúp pháp lý cơ sở đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách.
Thứ tư, lực lượng cán bộ, cộng tác viên trợ pháp lý thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý còn thiếu và yếu chưa đáp ứng được yêu cầu trợ giúp pháp lý của người nghèo và đối tuợng chính sách của tỉnh Thanh Hoá ngày một tăng.
Năm 2008, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thanh Hoá có 18 biên chế, nhưng chỉ có 2 trợ giúp việc trợ giúp pháp lý, lực lượng cán bộ nghiệp vụ thiếu nghiêm trọng.
Về kỹ năng và nghiệp vụ của lực lượng cán bộ trợ giúp pháp lý của Trung tâm nhìn chung còn yếu, kỹ năng sử dụng, áp dụng các qui định của pháp luật để giải quyết từng vụ việc cho người nghèo và đối tượng chính sách còn hạn chế, hầu hết đội ngũ cán bộ trợ giúp pháp lý chưa có nhiều kinh nghiệm trong thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý, mặc dù đã được đào tạo có bằng cử nhân Luật hoặc cử nhân chuyên ngành khác.
Việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp Đại học Luật hoặc khoa luật các trường Đại học khác về công tác tại trung tâm trợ giúp pháp lý hết sức khó
khăn, với tâm lý chung là thu nhập thấp, lại phải đi công tác ở các vùng sâu, vùng xa, khó khăn, nhất là Thanh Hoá là tỉnh có 11 huyện miền núi.
Đối với đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý, hiện nay Thanh Hoá có 120 công tác viện trợ trợ giúp pháp lý, trong đó có 22 cộng tác viên thường xuyên làm việc tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thanh Hoá. Có thể khẳng định lực lượng cộng tác viên trợ giúp pháp lý phát triển nhanh, được bố trí từ tỉnh đến cơ sở xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, so với yêu cầu trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách còn thấp, kỹ năng, kinh nghiệm thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý còn nhiều hạn chế và bất cập. Một số lĩnh vực pháp luật như dân sự, đất đai, nhà ở, giải phóng mặt bằng, chế độ chính sách... Số lượng cộng tác viên chuyên sâu ở các lĩnh vực này chưa nhiều.
Thực tế hiện nay có một số tổ chức, cơ quan, tại nơi đó có các bộ, công chức tự nguyện và hăng hái đắng ký tham gia làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý nhưng họ không được chấp nhận của lãnh đạo cơ quan, tổ chức với lý do là nếu tham gia làm cộng tác viên thì lơi là với nhiệm vụ chính ở đơn vị. Đối với vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn lực lượng cán bộ tư pháp xã, tổ viên tổ hoà giải, già làng, trưởng bản... đây là lực lượng đông đảo có thể xem xét và công nhận làm cộng tác viên nhưng thực tế lực lượng này ở địa phương tham gia chưa nhiều vì thủ tục công nhận còn phiền hà. Vấn đề cập nhật văn bản pháp luật và các tài liệu phục vụ hoạt động trợ giúp pháp lý còn hạn chế.
Đối với cộng tác viên trợ giúp pháp lý, là luật sư, hiện nay Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thanh Hoá có 7 luật sư tham gia, trong khi số lượng luật sư các tỉnh hiện nay là 49. Như vậy, số lượng luật sư tham gia làm cộng tác viên là ít, nguyên nhân là do thù lao thanh toán cho luật sư tham gia trợ giúp pháp lý quá thấp 70.000đ/buổi, trong khi thù lao ngoài thị trường gấp hàng chục lần kinh phí Nhà nước chi trả.
Thứ năm, kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc còn thiếu thốn và hạn chế.
Yêu cầu, nhiệm vụ thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách ở Thanh Hoá là rất nặng nề, nhưng ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động tuy có tăng lên hàng năm nhưng vẫn còn hạn chế và khó khăn. Từ năm 2000 đến nay, mỗi năm ngân sách nhà nước cấp cho Trung tâm 296 triệu đồng bên cạnh đó tổ chức SIDA Thụy Điển đã hỗ trợ kinh phí hoạt động từ năm 2002 đến nay, mỗi năm từ 80 đến 300 triệu đồng. Các nguồn tài chính này sử dụng vào việc chi trả kinh phí cho cộng tác viên tham gia trợ giúp pháp lý, tổ chức trợ giúp tại cơ sở, tổ chức pháp lý lưu động, tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, kinh phí sinh hoạt của câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở cơ sở... với nhiều mục phải chi như trên thì kinh phí được ngân sách cấp và hỗ trợ của dự án quốc tế là quá ít.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc còn khó khăn, thiếu thốn. Hiện nay Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thanh Hoá trụ sở vẫn là nhà cấp 4, chật hẹp, chưa có ô tô là phương tiện chuyên dùng phục vụ trợ giúp pháp lý lưu động và vận chuyển tài liệu phổ biến pháp luật nói chung và các văn bản pháp luật về trợ giúp pháp lý nói riêng xuống cơ sở. Hiện nay trung tâm tổ chức các đợt trợ giúp lưu động phải hoạt động phương tiện chủ yếu là xe máy của cán bộ và cộng tác viên, đi lại khó khăn, bất cập.
Thứ sáu, thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý miễn phí cho người
nghèo và đối tượng chính sách xã hội ở tỉnh Thanh Hoá thời gian qua chưa tranh thủ rộng rãi được sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các đoàn thể quần chúng trong việc lồng ghép các chương trình, dự án với công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách. Mặt khác, thực hiện pháp luật của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội -
nghiệp và các tổ chức khác còn rất hạn chế, hoạt động chủ yếu là giới thiệu thành viên, hội viên của mình tham gia làm công tác cộng tác viên trợ giúp pháp lý và phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý và cấp huyện tập huấn cho hoà giải viên cơ sở.
Thứ bảy, kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý, các địa phương trong tỉnh
không đồng đều, kết quả hoạt động ở một số huyện, xã còn hạn chế, chất lượng trợ giúp pháp lý chưa cao, còn nhiều người dân chưa biết đến trợ giúp pháp lý, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn và đa dạng của người nghèo và đối tượng chính sách trong tỉnh.
Thứ tám, Sở Tư pháp và Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh
Thanh Hoá chưa có chiến lược, qui hoạch phát triển trợ giúp pháp lý dài hạn, xác định rõ yêu cầu, định hướng gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chưa phát huy hết vai trò tác dụng của trợ giúp pháp lý trong việc góp phần làm ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.
Thứ chín, trong một thời gian dài, thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp
lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách chưa được đưa vào như là một bộ phận của chương trình giảm nghèo quốc gia chỉ như một nhiệm vụ riêng của ngành Tư pháp. Tuy nhiên, vừa qua chính sách về trợ giúp pháp lý đã được bổ sung vào các chương trình giảm nghèo quốc gia giai đoạn 2006-2010 nhưng mới là bước đầu triển khai, mức đầu tư còn hạn chế, do đó trách nhiệm của địa phương, các ban ngành trong phối hợp còn khó khăn, vướng mắc.
Tóm lại, từ phân tích ở trên chúng ta có thể đánh giá một số khó khăn, hạn chế trong thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách ở tỉnh Thanh Hoá thể hiện đó là: Chưa có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, ban ngành trong việc triển khai, tổ chức thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý, công tác phổ biến, giáo dục, tuyên truyền pháp luật về trợ giúp pháp lý chưa thường xuyên, chưa hiệu quả, còn nhiều người dân chưa hiểu biết hoặc hiểu biết chưa nhiều về trợ
giúp pháp lý miễn phí. Do đó, họ không được hưởng quyền trợ giúp pháp lý miễn phí của mình. Năng lực chuyên môn, kỹ năng trợ giúp pháp lý của cán bộ, công chức và công tác viên, trợ giúp pháp lý còn hạn chế, biên chế còn thiếu, chưa có nhiều cán bộ chuyên sâu về một số lĩnh vực pháp luật quan trọng. Cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư cho thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý còn hạn chế, gây khó khăn cho thực hiện trợ giúp pháp lý và người được trợ giúp pháp lý, chế độ thù lao chi trả cho cộng tác viên quá thấp, nhất là thiếu kinh phí phục vụ công tác trợ giúp pháp lý lưu động. Đây là một trong các hình thức trợ giúp pháp lý rất hiệu quả và khả thi; đối tượng trợ giúp pháp lý còn hạn hẹp, nhiều đối tượng yếu thế trong xã hội mong muốn được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý nhưng chưa được pháp luật qui định; hệ thống văn bản pháp luật về trợ giúp pháp lý có những điểm chưa hợp lý, việc triển khai và thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý còn chậm; thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý chưa đều khắp giữa các vùng, miền trong tỉnh, chưa rộng khắp đến các thôn, làng, bản, xóm nhất là vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa như huyện Mường Lát, Quan Hoá, Quan Sơn; chưa có chính sách khuyến khích, động viên, thu hút nhiều tổ chức, nhiều người tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý, chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho xu hướng xã hội hoá hoạt động trợ giúp pháp lý; nhận thức của người nghèo và đối tượng chính sách xã hội chưa đồng đều còn ảnh hưởng đến kết quả công tác thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách xã hội.