hôn nhân
Theo quy định tại Điều 29 Luật HN&GĐ năm 2000 thì vợ chồng có thể thỏa thuận hoặc yêu cầu tòa án chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân khi vợ chồng đầu tư, kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác; việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Chia tài sản chung nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản không được pháp luật công nhận. Như vậy, để được coi là hợp pháp, việc chia tài sản chung của vợ chồng phải đồng thời đáp ứng các điều kiện cả về mặt nội dung và về hình thức.
* Điều kiện về nội dung
Về nội dung, chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân phải có lý do chia phù hợp với quy định pháp luật và mục đích chia không nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản.
Lý do chia tài sản chung
Chia tài sản chung để vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng
Khái niệm đầu tư kinh doanh riêng không bị bó hẹp trong các loại hình doanh nghiệp, người đầu tư không nhất thiết phải là thương nhân theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại… Khái niệm đầu tư kinh doanh riêng được nhà làm luật nêu ra ở đây có nội hàm rộng và mở. Đó có thể là vợ, chồng bỏ vốn thành lập công ty riêng, trở thành một thành viên sáng lập của một công ty hay tham gia một dự án đầu tư… Trong điều kiện kinh tế thị trường ngày càng đa dạng, phong phú thì nhu cầu đầu tư kinh doanh riêng của vợ chồng cũng ngày một gia tăng. Chia tài sản chung trong trường hợp này sẽ tạo điều kiện cho vợ, chồng được độc lập sử dụng tài sản vào hoạt động kinh doanh một cách chủ động, linh hoạt hơn bởi tài sản chung sau khi chia sẻ trở thành tài sản riêng, việc sử dụng, định đoạt tài sản sẽ áp dụng quy chế đối với tài sản riêng. Khi đó, việc sử dụng tài sản được chia không bị chi phối bởi các
quy định hạn chế trong việc sử dụng tài sản chung của vợ chồng. Đồng thời, chia tài sản chung trong trường hợp này cũng đồng thời giúp bảo vệ lợi ích của gia đình, tránh những ảnh hưởng tiêu cực do hoạt động kinh doanh mang lại bởi bản thân hoạt động đầu tư kinh doanh thường chứa đựng nhiều rủi ro.
Chia tài sản chung để vợ chồng thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng
Nghĩa vụ dân sự riêng là nghĩa vụ được bảo đảm thực hiện bằng tài sản riêng của vợ hoặc chồng có nghĩa vụ. Khi có nghĩa vụ dân sự riêng, về nguyên tắc, người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản riêng của mình mà không thể lấy tài sản chung của vợ chồng để thanh toán. Nếu vợ, chồng không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thực hiện nghĩa vụ thì có thể yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng để lấy tài sản được chia cho mình thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là, với những nghĩa vụ xác lập trong tương lai thì vợ chồng có quyền yêu cầu chia tài sản chung để thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hay không? Theo tác giả Nguyễn Ngọc Điện thì:
Luật không nói rõ nghĩa vụ tài sản riêng là nghĩa vụ hiện hữu hay nghĩa vụ sẽ được xác lập trong tương lai. Bởi vậy, việc chia tài sản chung cũng có thể được tiến hành nhằm bảo đảm việc thực hiện một nghĩa vụ mà ở thời điểm tài sản chung được phân chia, chỉ nằm trong dự tính của vợ hoặc chồng [12, tr. 171].
Chia tài sản chung khi có lý do chính đáng khác
Ngoài chia tài sản chung của vợ chồng để vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng, pháp luật còn ghi nhận vợ chồng có quyền thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án chia tài sản chung khi có lý do chính đáng. Điều 29 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định "Khi hôn nhân còn tồn tại,
trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung" [34]. Như vậy, có lý do chính đáng là một trong những điều kiện để vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.
Tuy nhiên, đến nay, Luật HN&GĐ năm 2000 và văn bản hướng dẫn chưa giải thích thế nào là lý do chính đáng và những trường hợp nào được coi là có lý do chính đáng theo quy định tại Điều 29 kể trên.
Chia tài sản chung của vợ chồng không nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản
Theo nguyên tắc thực hiện nghĩa vụ dân sự, "bên có nghĩa vụ phải
thực hiện nghĩa vụ của mình một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác, đúng cam kết, không trái pháp luật, đạo đức xã hội" [38, Điều 283]. Vì vậy,
nếu vợ chồng chia tài sản chung nhằm mục đích làm giảm sút hoặc mất đi khả năng thực hiện nghĩa vụ về tài sản do giá trị khối tài sản đảm bảo thực hiện nghĩa vụ đã giảm sau khi chia là vợ chồng đã không trung thực và thiếu tinh thần hợp tác…trong quá trình thực hiện nghĩa vụ, tức là vi phạm nguyên tắc thực hiện nghĩa vụ dân sự. Trong trường hợp này, pháp luật quy định những người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố vô hiệu đối với việc chia tài sản chung của vợ chồng. Các nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng bao gồm: nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng người khác theo quy định pháp luật; nghĩa vụ bồi thường thiệt hại; nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố tuyên bố phá sản doanh nghiệp; nghĩa vụ nộp thuế và nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; nghĩa vụ trả nợ cho người khác và các nghĩa vụ tài sản khác theo quy định của pháp luật (Điều 11 Nghị định 70/2001/NĐ-CP).
* Điều kiện về hình thức
Thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng phải được lập thành văn bản và có thể được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định pháp luật. Trong văn bản chia phải thể hiện rõ các nội dung như lý do chia tài sản, phần tài sản chia, phần tài sản còn lại không chia (nếu có), thời điểm phát sinh hiệu lực của việc chia tài sản chung…(Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP). Trong trường hợp vợ chồng không tự thỏa thuận được về việc chia tài sản chung và yêu cầu Tòa án giải quyết, các vấn đề cụ thể về chia tài sản chung được thể hiện trong quyết định của Tòa án. Như vậy, chia tài