tài sản chung và nguyên tắc chia tài sản chung tại Tòa án
Theo quy định pháp luật về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng "nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải
quyết" [34, Khoản 1 Điều 29]. Tuy nhiên, do pháp luật không có quy định cụ
thể về vấn đề này nên khi thụ lý yêu cầu trên của vợ chồng nhiều Tòa án tỏ ra lúng túng, đường lối giải quyết không nhất quán…. ảnh hưởng đến quyền lợi của vợ chồng và những người có liên quan. Pháp luật nên có hướng dẫn cụ thể về trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân để làm cơ sở cho vợ chồng thực hiện cũng như Tòa án khi thụ lý, giải quyết yêu cầu của vợ chồng. Các vấn đề cần làm rõ đối với trường hợp này như vợ chồng không thỏa thuận được và có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết là khi vợ chồng không thỏa thuận được về sự cần thiết phải chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại hay là không thống nhất được cách thức phân chia, tài sản chung đem chia...
Đồng thời, Luật HN&GĐ năm 2000 cũng cần được bổ sung nguyên tắc chia tài sản chung tại Tòa án. Nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân đã từng được quy định tại Điều 18 Luật HN&GĐ năm
1986. Theo đó, việc chia tài sản chung trong trường hợp này được chia như khi ly hôn. Tuy nhiên, chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân mang một số nét đặc thù so với chia tài sản chung khi ly hôn ở chỗ: thứ nhất,
về quan hệ tài sản, trong thời kỳ hôn nhân, tùy theo từng lý do, mục đích mà vợ chồng có thể chỉ chia một phần tài sản thay vì chia toàn bộ tài sản chung như khi ly hôn; điều này có nghĩa là bên cạnh việc mỗi người đều có tài sản riêng, thì sau khi chia, giữa họ vẫn còn tồn tại một khối tài sản chung, nó khác hẳn với việc chấm dứt hoàn toàn quan hệ tài sản chung trong trường hợp chia tài sản khi ly hôn; thứ hai, về quan hệ nhân thân, sau khi ly hôn, vợ chồng
không còn tiếp tục chung sống, các nghĩa vụ chung giữa hai vợ chồng về nguyên tắc sẽ chấm dứt, trong khi đó, đối với việc chia tài sản sản trong thời kỳ hôn nhân, sau khi chia vợ chồng vẫn tiếp tục duy trì quan hệ hôn nhân, các nghĩa vụ chung giữa hai vợ chồng vẫn tiếp tục được thực hiện… Sự khác biệt cả về mặt quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa hai chế định nói trên khiến cho việc vận dụng nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn vào việc chia tài sản khi vợ chồng vẫn tồn tại quan hệ hôn nhân trở nên khiên cưỡng và không hợp lý. Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần thiết phải có những quy định cụ thể và hợp lý hơn về nguyên tắc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, tạo cơ cơ pháp lý để các Tòa áp dụng thống nhất, từ đó bảo vệ tốt hơn lợi ích của vợ, chồng và lợi ích chung của gia đình. Theo chúng tôi, nguyên tắc chia có thể được giải quyết theo hướng: Nếu vợ chồng không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Tòa án căn cứ vào lý do, mục đích chia tài sản chung để quyết định phạm vi tài sản chung được chia. Sau khi xác định phạm vi tài sản chung được chia (chia một phần hay chia hết), thì việc chia có thể áp dụng theo các nguyên tắc chia tài sản chung khi ly hôn. Như thế, trước khi tiến hành chia tài sản chung,
Tòa án sẽ thực hiện một bước hết sức quan trọng (và bước này phải trở thành nguyên tắc) đó là xác định những tài sản nào sẽ được chia sao cho phù hợp. Sau khi xác định hợp lý những tài sản đem chia, thì việc chia cụ thể sẽ áp dụng theo nguyên tắc chia đôi tài sản chung nhưng có xem xét công sức đóng góp, hoàn cảnh của mỗi bên…giống như nguyên tắc chia tài sản chung khi ly hôn.