THỰC TIỄN ÁP DỤNG CÁC QUY ĐỊNH CHIA TÀI SẢN CHUNG CỦA VỢ CHỒNG TRONG THỜI KỲ HÔN NHÂN

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Chia tài sản chung vợ chồng theo pháp luật Việt Nam Thực tiễn áp dụng và hướng hoàn thiện (Trang 48 - 49)

CHUNG CỦA VỢ CHỒNG TRONG THỜI KỲ HÔN NHÂN

Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không phải là chế định truyền thống của pháp luật HN&GĐ Việt Nam mà nó được hình thành từ yêu cầu của thực tiễn. Trong bối cảnh các hoạt động kinh tế - xã hội ngày càng phát triển đa dạng, vợ chồng ngày càng tham gia nhiều hơn vào các quan hệ xã hội khác nhau. Đặc biệt, hiện nay, khi mà nhu cầu đầu tư kinh doanh riêng của vợ chồng là khá phổ biến, các nghĩa vụ dân sự riêng cũng tăng lên nhanh chóng cùng với sự phát triển đa dạng của các giao lưu dân sự mà vợ chồng tham gia, thì các quy định pháp luật về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân càng trở nên ý nghĩa. Thực tế hiện nay, nhiều cặp vợ chồng không cùng chung sống một nơi do một người phải đi làm ăn xa, thậm chí đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Vì vậy, họ không có điều kiện cùng quản lý, sử dụng tài sản chung. Trong khi đó, để có tiền phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình hoặc có vốn đầu tư kinh doanh…người chồng, vợ ở nhà có thể cần thực hiện các giao dịch liên quan tới tài sản chung như chuyển nhượng, thế chấp quyền sử dụng đất, nhà ở... Về nguyên tắc, những giao dịch liên quan đến đất đai, nhà ở đòi hỏi phải có chữ ký của cả hai vợ chồng, trong hoàn cảnh đó, dù được sự nhất trí bằng lời nói của người vắng mặt thì giao dịch cũng không hợp pháp. Những khó khăn đó phần nào làm hạn chế tính chủ động của vợ chồng trong việc sử dụng, định đoạt tài sản và nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh qua đi hết sức đáng tiếc. Vì vậy, hiện nay, nhiều cặp vợ chồng lựa chọn giải pháp thỏa thuận chia tài chung để thuận tiện trong việc quản lý, sử dụng tài sản. Mặt khác, với các quy định rất mềm dẻo như phương thức chia dễ dàng - vợ chồng tự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận

được thì có quyền yêu cầu tòa án giải quyết; với thủ tục chia đơn giản - không bắt buộc mọi trường hợp đều phải công chứng, chế định chia tài sản chung vợ chồng, về mặt thực tiễn, đã tạo điều kiện thuận lợi cho vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân khi họ có nguyện vọng chia và khi nguyện vọng đó thỏa mãn các điều kiện chia theo quy định pháp luật. Thực tế cho thấy, số lượng các trường hợp vợ chồng chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là không ít. Tuy nhiên, do thủ tục chia tài sản chung trong trường hợp này không bắt buộc phải qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Cơ quan công chứng, Tòa án) nên rất khó có được con số thống kê cụ thể, chính xác về số lượng các vụ vợ chồng chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân trong thực tế. Vợ chồng có thể chỉ thỏa thuận chia một số lượng tiền mặt, một khối lượng vàng, đá quý… nào đó để vợ mở cửa hàng buôn bán, để chồng đầu tư chứng khoán v.v… Đối với những trường hợp như vậy vợ chồng thường chỉ tự làm văn bản thỏa thuận với nhau (dưới dạng một bản ghi nhớ giữa hai vợ chồng) chứ không làm thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận chia đó..

Việc pháp luật quy định thủ tục, phương thức chia đơn giản, một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho vợ chồng có thể dễ dàng tiến hành chia tài sản chung khi cần thiết, nhưng mặt khác cũng chứa đựng nguy cơ dẫn đến tình trạng lạm dụng quy định pháp luật trong thực tế. Đồng thời, pháp luật về chia tài sản chung của vợ chồng khi áp dụng vào thực tiễn vẫn bộc lộ không ít khó khăn, bất cập nhất là các nội dung liên quan đến điều kiện, nguyên tắc và hệ quả pháp lý của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Chia tài sản chung vợ chồng theo pháp luật Việt Nam Thực tiễn áp dụng và hướng hoàn thiện (Trang 48 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)