Quy định văn bản thỏa thuận chia tài sản chung phải công chứng hoặc được Tòa án công nhận

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Chia tài sản chung vợ chồng theo pháp luật Việt Nam Thực tiễn áp dụng và hướng hoàn thiện (Trang 104 - 105)

chứng hoặc được Tòa án công nhận

Đây không phải là quy định hạn chế quyền chia tài sản chung của vợ chồng mà là quy định nhằm kiểm soát hiệu quả thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích không chỉ của vợ, chồng mà còn cả của những người liên quan. Thông thường, người tiến hành các giao dịch tài sản với vợ chồng có thể "ước lượng" được những tài sản nào là tài sản chung của vợ chồng thông qua những căn cứ xác định tài sản chung quy định tại Điều 27 và các quy định liên quan của Luật HN&GĐ năm 2000 nhưng nếu vợ chồng đã chia tài sản chung thì rất khó xác định vì sau khi chia hầu hết các căn cứ xác định tài sản chung đã bị đảo lộn. Đặc biệt nếu vợ chồng lại "lặng lẽ" thỏa thuận chia tài sản chung mà không có bất cứ cơ chế kiểm soát nào đối với sự biến động về mặt sở hữu khối tài sản đó thì rất có thể quyền lợi của người thứ ba sẽ bị ảnh hưởng, vì khi có tranh chấp thì cơ sở để xác định tài sản đó là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ, chồng lại hoàn toàn phụ thuộc vào lời khai và bằng chứng chia tài sản mà vợ chồng đưa ra. Bởi vậy, pháp luật cần có quy định để kiểm soát một cách hiệu quả thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng, bảo vệ lợi ích của người thứ ba.

Về vấn đề này, chúng ta có thể tham khảo thêm quy định của Cộng hòa Pháp. BLDS Pháp quy định việc tách riêng tài sản giữa vợ và chồng phải được thực hiện bằng bản án của Tòa án "mọi trường hợp tự tách riêng tài sản đều vô hiệu" [27, Điều 1443]. Ngoài ra, BLDS này còn quy định rõ trách nhiệm công bố bản án tách riêng tài sản theo quy định tương ứng của pháp luật có liên quan như Bộ luật tố tụng dân sự, pháp luật về thương mại, đồng thời ghi chú bên lề giấy đăng ký kết hôn và bản chính của khế ước hôn nhân (Điều 1445BLDS Pháp). Trong điều kiện nước ta, giải pháp công chứng văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng bên cạnh quyết định công nhận của Tòa án có thể là giải pháp hợp lý nhằm giảm bớt "gánh nặng" cho Tòa án. Đồng thời, do thói quen của người Việt Nam, khi tiến hành giao dịch hoặc thực hiện các thủ tục liên quan đến vợ chồng thường không yêu cầu vợ chồng phải xuất trình giấy đăng ký kết hôn (trừ một số thủ tục hành chính liên quan

đến nhân thân của vợ chồng) nên giải pháp ghi chú bên lề giấy đăng ký kết hôn việc vợ chồng đã chia tài sản chung sẽ không phát huy hiệu quả. Vì vậy, Nhà làm luật cần quy định trách nhiệm thông báo của vợ, chồng đối với người xác lập giao dịch với mình về việc vợ chồng đã chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Khi có tranh chấp phát sinh, văn bản lưu giữ lại các cơ quan công chứng hoặc Tòa án sẽ là bằng chứng chính xác về việc tồn tại một thỏa thuận cũng như các điều khoản trong văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Chia tài sản chung vợ chồng theo pháp luật Việt Nam Thực tiễn áp dụng và hướng hoàn thiện (Trang 104 - 105)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)