Cùng với sự khởi sắc của nền kinh tế nói chung, "kinh tế" của gia đình cũng ngày càng được cải thiện, vợ chồng ngày càng tạo lập và tích lũy được nhiều tài sản hơn. Vì thế, tài sản không còn là vấn đề tế nhị, thứ yếu trong quan hệ hôn nhân theo quan niệm truyền thống nữa mà các vấn đề liên quan tới tài sản nói chung và tài sản chung của vợ chồng nói riêng được vợ chồng hết sức chú trọng, quan tâm. Đồng thời, pháp luật cũng đã dành nhiều quy định về tài sản của vợ chồng trong đó có chia tài sản chung của vợ chồng. Xuất phát từ tính chất đặc biệt của quan hệ vợ chồng, chia tài sản chung của vợ chồng cũng mang những đặc điểm riêng so với chia tài sản của các hình thức sở hữu chung khác như chỉ được chia khi thuộc trường hợp chia pháp luật quy định, cơ chế phân chia đặc biệt… Pháp luật hiện hành quy định cụ thể các trường hợp, điều kiện, hệ quả chia tài sản chung không chỉ giúp việc thực thi pháp luật đúng, thuận tiện mà còn nhằm bảo vệ lợi ích của gia đình, tránh việc vợ chồng tùy tiện thỏa thuận chia tài sản chung làm phá vỡ chế độ tài sản chung của vợ chồng, ảnh hưởng đến đời sống gia đình. Luật HN&GĐ năm 2000 quy định ba trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng là chia trong thời kỳ hôn nhân; chia khi vợ, chồng chết và chia khi ly hôn. So với các văn bản pháp luật trước đó, Luật HN&GĐ năm 2000 đã có nhiều quy định cụ thể, chi tiết hơn tuy nhiên Luật HN&GĐ năm 2000 cũng còn bất cập khiến quá trình áp dụng vào thực tiễn chế định chia tài sản chung của vợ chồng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là nội dung tiếp tục được chúng tôi xem xét trong Chương 2.
Chương 2