Hiện nay, Luật HN&GĐ năm 2000 quy định người có quyền, lợi ích liên quan được yêu cầu Tòa án tuyên bố vô hiệu đối với việc chia tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện một số loại nghĩa vụ tài sản như nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ trả nợ cho người khác… Quy định này đã góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người có quyền. Tuy nhiên, những quyền lợi hợp pháp của người có quyền trong quan hệ với vợ, chồng cũng cần được pháp luật bảo vệ ở một khía cạnh khác nữa đó là pháp luật cần quy định cho họ được quyền yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp cần thiết. Trường hợp cần thiết đó là khi vợ hoặc chồng có nghĩa vụ tài sản với người thứ ba nhưng không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thực hiện nghĩa vụ và cố tình không chia tài sản chung của vợ chồng để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ. Ở vào trường hợp này, theo quy định pháp luật hiện nay, người có quyền sẽ khó có thể tìm được giải pháp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Vì vậy, theo chúng tôi, quy định cho người có quyền được yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng là cần thiết và phù hợp với quy định về quyền yêu cầu của người có quyền tại Khoản 2 Điều 224 BLDS năm 2005. Kiến nghị về vấn đề này, tác giả Nguyễn Hồng Hải đề nghị:
Pháp luật cần quy định rõ: Trong trường hợp người có quyền có đủ chứng cứ cho rằng, vợ chồng không có thỏa thuận hoặc không yêu cầu Tòa án chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản, thì người có quyền có thể yêu cầu Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân để lấy phần tài sản của người vợ hoặc người chồng có nghĩa vụ thực hiện thanh toán các khoản nợ. Yêu cầu của người có quyền sẽ không được Tòa án công nhận, nếu việc chia tài sản chung làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích gia đình của người có nghĩa vụ hoặc bản thân vợ, chồng có nghĩa vụ có đủ tài sản riêng để thanh toán các khoản nợ [15].
Chúng tôi nhất trí với kiến nghị trên về việc pháp luật công nhận cho người có quyền được yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng. Tuy nhiên, theo chúng tôi, khi pháp luật quy định trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích gia đình là trường hợp loại trừ quyền yêu cầu của người có quyền thì cần phải có hướng dẫn cụ thể về trường hợp này theo một trong hai cách. Một là, pháp luật quy định tiêu chí để đánh
giá thế nào là ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống gia đình dẫn tới việc loại trừ quyền yêu cầu chia tài sản chung. Hai là, pháp luật liệt kê cụ thể những
trường hợp chia tài sản chung ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích gia đình. Quy định như vậy, Tòa án mới có cơ sở để quyết định chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng của người có quyền và quyền yêu cầu của người thứ ba cũng sẽ thực chất hơn.