chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
Một cách tự nhiên, cuộc sống chung vợ chồng sau khi kết hôn sẽ hình thành một quá trình tích lũy để tạo nên khối tài sản chung vợ chồng. Về nguyên tắc, khối tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân được coi là tài sản chung và sẽ do cả hai vợ chồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt trên cơ sở bình đẳng. Trong cách nhìn của nhà làm luật, khối tài sản chung giữa vợ
và chồng khác với khối tài sản chung của hai người không phải vợ chồng ở chỗ, trong suốt thời kỳ tồn tại cuộc sống chung, về nguyên tắc, khối tài sản chung vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất và không thể bị chia. Chỉ trong một số trường hợp đặc biệt, pháp luật mới chấp nhận cho vợ chồng được chia tài sản chung ngay cả khi cuộc sống chung vẫn tồn tại. Tuy nhiên, vì nhìn nhận đây chỉ là những tình huống đặc biệt trong cuộc sống chung vợ chồng nên pháp luật không cho phép việc chia tài sản đó được tiến hành vô điều kiện, vợ chồng cứ muốn là có thể chia, mà quy định muốn chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại phải thỏa mãn một số điều kiện nhất định. Một trong những điều kiện phải tuân thủ khi vợ chồng muốn chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là phải có lý do cho việc chia tài sản đó. Lý do chia tài sản chung phù hợp với quy định pháp luật là một trong những điều kiện nội dung để xác định tính hợp pháp của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng "Khi hôn nhân còn tồn tại, trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung…" [34, Điều 29].
Một trong những lý do được nhà làm luật nhắc tới đó là chia tài sản chung để thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng. Nghĩa vụ dân sự riêng của vợ, chồng được hiểu là nghĩa vụ được bảo đảm thực hiện bằng tài sản riêng của vợ, chồng, tức là vợ, chồng có trách nhiệm đóng góp toàn bộ vào việc thanh toán nghĩa vụ. Vấn đề đặt ra lúc này, với nghĩa vụ dân sự riêng như thế nào, giá trị tài sản bỏ ra để thực hiện nghĩa vụ là bao nhiêu thì vợ chồng có quyền yêu cầu chia tài sản chung thì luật thực định lại không quy định cụ thể. Theo cách tư duy thông thường, vợ, chồng không thể yêu cầu chia tài sản chung có giá trị lớn chỉ để thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng có giá trị nhỏ hoặc nghĩa vụ dân sự riêng hoàn toàn nằm trong khả năng thực hiện bằng tài sản riêng sẵn có của vợ, chồng trừ trường hợp các tài sản riêng có giá trị đồng thời cũng là những tài sản có hoa lợi là nguồn sống chủ yếu của gia đình. Để coi việc thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng là lý do để vợ chồng được quyền chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, "các nghĩa vụ phải có một tầm quan trọng nhất
định. Không chỉ vì cần trả một món nợ riêng rất nhỏ mà phải chia một khối tài sản chung có giá trị lớn" [12, tr. 169]. Do đó, cần có sự đánh giá, cân nhắc
tầm quan trọng của nghĩa vụ cũng như so sánh giá trị nghĩa vụ dân sự riêng với giá trị khối tài sản riêng hiện có của người có nghĩa vụ trước khi quyết định chia tài sản chung. Trên thực tế, vợ chồng không cần thực hiện bước kể trên vẫn có thể dễ dàng tiến hành chia tài sản chung nếu cả hai vợ chồng đồng thuận chia tài sản chung để vợ, chồng có điều kiện thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng. Tuy nhiên, vợ chồng có thể không thống nhất được với nhau về sự cần thiết phải chia toàn bộ khối tài sản chung hoặc phần tài sản chung có giá trị lớn như yêu cầu của bên có nghĩa vụ. Do đó, vợ chồng không đồng ý chia tài sản chung. Lúc này, Tòa án buộc phải thực hiện các bước phân tích, đánh giá và so sánh kể trên để có thể đưa ra quyết định hợp lý về việc cho chia hay không; phạm vi tài sản chung được chia cho phù hợp với nghĩa vụ cần thanh toán nhưng thật khó để viện dẫn một quy định pháp luật cụ thể để làm căn cứ cho những quyết định trên. Vì vậy, bản án của Tòa án về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân có thể thiếu tính thuyết phục đối với đương sự.
Một lý do chia tài sản chung khác được luật quy định cũng có thể gây ra những khó khăn, tranh cãi nhất định trong quá trình thực hiện pháp luật nói chung và áp dụng pháp luật nói riêng đó là quy định về chia tài sản chung khi
có lý do chính đáng khác. Lý do chính đáng khác được quy định tại Điều 29
Luật HN&GĐ năm 2000 là rất chung chung và cũng không có quy định hướng dẫn cụ thể nào tại các văn bản dưới luật. Đã có nhiều lý do được đưa ra và tạm được coi là lý do chính đáng như quy định tại Điều 29 ví dụ như vợ hoặc chồng thường xuyên có hành vi phá tán tài sản nên cần chia tài sản chung để bảo đảm kinh tế gia đình; vợ hoặc chồng thường xuyên vắng mặt tại nơi cư trú, không có điều kiện để quản lý tài sản…. Tuy nhiên, các lý do trên chỉ là những luận điểm của các nhà nghiên cứu và chỉ có tính chất tham khảo cho Tòa án khi giải quyết tranh chấp và cơ quan công chứng khi công chứng văn bản thỏa thuận chứ không phải quy định có tính bắt buộc của pháp luật.
Mặc dù "lý do chính đáng khác" là một quy định không rõ ràng trong pháp luật nhưng trên thực tế, rất nhiều lý do cụ thể đã được "quy nạp" vào một lý do chung dưới danh nghĩa "lý do chính đáng" để rồi nó trở thành lý do phổ biến trong quá trình áp dụng chế định chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân trong thực tiễn. Ví dụ văn bản thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân số 014693/2011 Quyển số 7TP/CC-SCC/VBTT, của vợ chồng anh Nguyễn Trung Kiên và chị Nguyễn Thị Thu Phương được ký và công chứng tại Văn phòng công chứng Hà Nội ngày 09/7/2011 có ghi lý do chia tài sản chung là: "Mỗi người sống riêng cùng với một người con. Vì vậy,
chúng tôi cùng thống nhất phân chia nhà, đất để thuận lợi cho việc sử dụng, quản lý, định đoạt tài sản là nhà và quyền sử dụng đất". Như vậy, lý do vợ
chồng anh chị đưa ra như trên có phải là lý do chính đáng để anh chị được chia tài sản chung theo quy định tại Điều 29 (đã dẫn) hay không? Thực tế cho thấy, các lý do vợ chồng đưa ra để thỏa thuận chia tài sản chung thường tương tự như trường hợp của anh Kiên, chị Phương ví dụ như lý do vợ chồng rạn nứt tình cảm, chuẩn bị ly thân hoặc ly hôn… (xem Phụ lục).
Theo quy định pháp luật: "Công chứng là việc công chứng viên chứng
nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch) bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công
chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng" [42, Điều 2].
Vậy, nếu vợ chồng yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân với một lý do nào đó mà theo vợ chồng nó là lý do chính đáng thì bằng quy định nào để công chứng viên đánh giá được lý do đó là chính đáng hay không chính đáng để khẳng định tính xác thực, hợp pháp của thỏa thuận? Trả lời câu hỏi trên, ông Võ Đình Nho - Phó Phòng công chứng số 4, thành phố Hà Nội cho rằng: đánh giá những lý do đó có phải là
chính đáng hay không thì hiện nay luật và các văn bản hướng dẫn không có quy định cụ thể. Vì vậy, khi làm thực tế, chúng tôi không có cơ sở để thẩm định (xem Phụ lục).
Như vậy, việc thiếu những quy định, luận giải chính thức thế nào là lý do chính đáng, hay nói cách khác, một lý do được coi là chính đáng dựa trên những tiêu chí nào đã gây khó khăn không nhỏ không chỉ cho vợ chồng và cơ quan công chứng khi thực thi pháp luật mà còn cho cả Tòa án trong quá trình áp dụng pháp luật khi giải quyết yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng. Ví dụ, khi vợ chồng không đạt được một thỏa thuận về việc chia tài sản chung, một bên không nhất trí chia vì lý do mà bên kia nại ra không thuộc trường hợp chia để đầu tư kinh doanh riêng hay thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng, thì với quy định hiện hành, bên đề nghị chia rất khó thuyết phục được rằng lý do mình đưa ra là một trong các lý do chính đáng được pháp luật công nhận.
Trong trường hợp nêu trên, kể cả khi bên đề nghị chia yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 29 Luật HN&GĐ năm 2000, thì Tòa án cũng sẽ rơi vào khó khăn tương tự khi không có cơ sở đánh giá thế nào là lý do chính đáng. Ví dụ, Bản án sơ thẩm số 05/2008/HNGĐ-ST ngày 25 tháng 2 năm 2008 của TAND thành phố Hải Dương xét xử sơ thẩm về việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân giữa ông Lương Quang Nhĩ và bà Phạm Thị Xuyên, đã bị ông Nhĩ kháng cáo. Một trong những nội dung kháng cáo là ông Nhĩ không nhất trí với lý do chia mà Tòa án và bà Xuyên đưa ra. Do đó, ông không đồng ý chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.
Bản án sơ thẩm của TAND thành phố Hải Dương và bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Hải Dương đều xử cho ông Nhĩ và bà Xuyên chia tài sản chung theo yêu cầu của bà Xuyên căn cứ vào Điều 29 Luật HN&GĐ năm 2000, lý do bà Xuyên đưa ra "vợ chồng có mâu thuẫn và đã sống ly thân, kinh
tế riêng từ năm 1990 nhưng vì tuổi cao, các con đã trưởng thành nên không ly hôn mà chỉ yêu cầu chia tài sản chung để tiện sinh hoạt" là lý do chính đáng.
Pháp luật quy định vợ chồng chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi có lý do được pháp luật quy định đó là khi có nhu cầu đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác. Quy định này nhằm bảo vệ lợi ích gia đình, bảo vệ chế độ tài sản chung của vợ chồng, hạn chế
tình trạng vợ chồng chia tài sản chung tràn lan. Nhưng qua bản án chia tài sản chung của ông Nhĩ và bà Xuyên tại TAND tỉnh Hải Dương cho thấy, mặc dù luật không quy định "vợ chồng có mâu thuẫn, kinh tế riêng" là một trong những lý do để chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân nhưng thực tế áp dụng đã chấp nhận nó như là một trong những lý do chính đáng để chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân cùng với hai lý do (kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng) được Luật quy định. Như vậy, con đường để Luật đi vào thực tiễn đã khác nhiều so với ý đồ của các nhà làm luật khi soạn thảo Điều 29.
Mặt khác, khi luật có quy định mở "hoặc có lý do chính đáng khác" mà không có quy định cụ thể hay hướng dẫn thêm về quy định này thì hai lý do chia tài sản được quy định trước đó (đầu tư kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng) không thể là "rào cản" để hạn chế vợ chồng chia tài sản chung bởi họ có thể đưa ra rất nhiều lý do khác nhau mà họ cho là "rơi" vào trường hợp thứ ba "có lý chính đáng khác" mà cơ quan công chứng, Tòa án không có chuẩn để đánh giá. Và thực tế hiện nay, việc đánh giá lý do chia tài sản là chính đáng hay không chính đáng đều mang đậm màu sắc chủ quan của công chứng viên, thẩm phán. Điều đó có thể dẫn tới hệ quả vợ chồng lạm dụng quy định của pháp luật để tiến hành chia tài sản chung khi không cần thiết và tình trạng tùy tiện của các cơ quan công quyền. Bên cạnh đó, ý đồ của nhà làm luật muốn ngăn ngừa việc chia tài sản chung nhằm trốn tránh nghĩa vụ về tài sản khi quy định điều kiện chia (lý do) cũng không thể thực hiện được bởi những quy định chung chung như hiện nay.
Đồng thời, pháp luật quy định công chứng văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng không thuộc quy định "bắt buộc" nên nếu vợ chồng không tự nguyện yêu cầu công chứng thì công chứng viên không có cơ sở công chứng (tức là xác nhận tính trung thực, hợp pháp) của thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng. Điều đó tạo ra cơ chế lỏng lẻo, khó kiểm soát đối với các thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Cùng với quy định Tòa án chỉ tham gia khi vợ chồng không thỏa thuận được và yêu cầu Tòa án giải quyết thì các quy định về lý do chia tài sản chung đang không
phát huy được tác dụng và gần như mục đích đặt ra các quy định đó của nhà làm luật cũng không đạt được vì thiếu cơ chế kiểm soát hiệu quả.
Trên đây là sự phản ánh của thực tiễn đối với các quy định của pháp luật liên quan đến điều kiện (về mặt nội dung và hình thức) của chế định chia tài sản chung vợ chồng khi hôn nhân còn tồn tại. Tuy nhiên, còn một vấn đề khác hiện nay cũng liên quan đến điều kiện chia tài sản chung nhưng chưa được luật quy định cụ thể đó là chủ thể có quyền yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng. Theo câu chữ quy định tại Điều 29 Luật HN&GĐ năm 2000, "Khi hôn nhân còn tồn tại, trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh
riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung…nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu tòa án giải quyết" [34]. Khoản 3 Điều 6 Nghị định số
70/2001/NĐ-CP cụ thể hóa quy định tại Điều 29 nói trên, "Trong trường hợp
vợ, chồng thỏa thuận được về chia tài sản chung, thì cả hai bên hoặc một bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết" [4]. Từ những quy định trên có thể suy
luận rằng chủ thể có quyền yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng là cả hai vợ chồng hoặc mỗi bên vợ hoặc chồng. Nhưng Khoản 2 Điều 224 BLDS năm 2005 về chia tài sản chung lại có quy định:
Trong trường hợp có người yêu cầu một trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán khi người đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán, thì người
yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung để nhận tiền thanh
toán và được tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác [38].
Thực tiễn có thể phát sinh những trường hợp vợ, chồng phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán, dù không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán nhưng vợ chồng lại cố tình không chia tài chung để thanh toán cho người có quyền nhắm trốn tránh nghĩa vụ. Điều 224 BLDS năm 2005 quy định cho việc chia tài sản chung của tất cả các chủ thể nói chung, nhưng vấn đề ở đây là, liệu có thể áp dụng quy định này để buộc người có nghĩa vụ với
bên thứ ba phải chia tài sản chung của vợ chồng họ để giải quyết nghĩa vụ cho bên thứ ba hay không? Người thứ ba có quyền yêu cầu Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng và tham gia vào việc chia tài sản chung đó không? Việc