Đào Duy Anh, Nguyễn Bách Khoa với lý luận và phương pháp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề vận dụng lí luận về chủ nghĩa hiện thực trong truyện kiều và chủ nghĩa hiện thực của nguyễn du (lê đình kỵ)​ (Trang 25 - 28)

7. Đóng góp của luận văn

1.1.3. Đào Duy Anh, Nguyễn Bách Khoa với lý luận và phương pháp

nghiên cứu phương Tây

Xét riêng trong lĩnh vực Kiều học trước 1945. Có thể xem Phạm Quỳnh, Đào Duy Anh, Nguyễn Bách Khoa là những tác giả tiêu biểu cho khuynh hướng tiếp thu lý luận và phương pháp nghiên cứu phương Tây vào đánh giá, định giá Truyện Kiều.

Mở đầu bài “Truyện Kiều” in trên Nam Phong số 30 (1919), Phạm Quỳnh cho rằng, văn chương Nôm ở ta vốn nghèo nàn nhưng tình cờ sản xuất được bộ sách quý, do đó không thể lấy cái “tỉ lệ thường của văn chương Nôm” mà đánh giá Truyện Kiều, “phải dùng phép phê bình khảo cứu của văn học Thái Tây mới mong phát biểu được cái đặc sắc, bày tỏ được cái giá trị của một nền tuyệt tác trong quốc văn Việt Nam” [53]. Dựa theo phương pháp nghiên cứu phương Tây, Phạm Quỳnh lần lượt xét mấy vấn đề: Cội rễ Truyện

Kiều, Lịch sử tác giả, Tâm lí cô Kiều và Văn chương Truyện Kiều. Ngoài cách tiếp cận tiểu sử học của Sainte-Beuve, điểm đáng lưu ý trong hệ tiêu chuẩn đánh giá Truyện Kiều của Phạm Quỳnh, là tác giả đã chú ý đến khuynh hướng tả thực của tác phẩm: “văn chương ta vẫn có tiếng là không biết tả thực, hay chuộng những hoang đường huyền diệu. Văn chương Truyện Kiều

thời không thế; chỗ nào nên tả thực rõ ra nét bút tả thực, mà vẫn có cái vẻ trang nghiêm thanh nhã”, như mấy đoạn tả về lầu xanh, tả Kiều đang tắm… [53]. Tiêu chí miêu tả nhân vật sống động như thật được Phạm Quỳnh đề cao. Ông viết, theo phê bình văn học của Thái Tây, muốn biết nhà văn có tài không cần xem xét “những nhân vật mô tả có vẻ linh hoạt như người sống hiển nhiên không… đọc những bộ tiểu thuyết có tiếng của Thái Tây thường có cái cảm giác như thế, như người trong truyện là người sống thật, đương hành động ở trước mặt mình”. Mặc dù không nói đến nghệ thuật điển hình hóa, nhưng những dòng nhận xét sau đây của Phạm Quỳnh cho thấy ông đề cao tính cách điển hình của Kiều: “Cụ Tiên Điền ta đặt ra chuyện Thúy Kiều thật cũng đáng là một tay sáng tạo tuyệt luân, vì cô Kiều đã thành một nhân vật não nùng ở trong tình giới người nước ta, thành một người bạn bi thu thê thảm của biết bao nhiêu kẻ bạch mệnh tài tình từ hơn một trăm năm tới giờ và cho đến muôn đời về sau nữa” [53].

Sau tiểu luận của Phạm Quỳnh, một nghiên cứu công phu đáng chú ý khác về Truyện KiềuKhảo luận về Kim Vân Kiều của Đào Duy Anh, cuốn sách được viết năm 1943. Đánh giá về nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Du, Đào Duy Anh cho thấy ông quan tâm đến sự mô tả chân thực các tính cách nhân vật: “văn chương Truyện Kiều tả nhiều tình cảnh phức tạp, mà tả giống hệt, khiến hạng người nào đọc cũng tuồng như nhận được có chỗ giống với tình cảm của mình ít nhiều… Truyện Kiều là tác phẩm đầu tiên làm chứng rằng, nước ta có thể sản xuất được một thứ văn học chung cho các hạng người trong xã hội”. Xét về phương pháp, Đào Duy Anh là một trong

những người đầu tiên hồi đầu thế kỉ thực hành so sánh hai văn bản Truyện KiềuKim Vân Kiều truyện, ông tránh được lối bình phẩm thiên về luân lý đạo đức thường thấy ở các nhà nho (ngoài Đào Duy Anh có thể kể đến Rơnê Crayxắc với “Truyện Kiều và xã hội Á Đông”…).

Trước 1945, nhà nghiên cứu Trương Tửu - Nguyễn Bách Khoa công bố nhiều bài viết, công trình về Truyện Kiều như: Triết lý Truyện Kiều (Đông Tây tuần báo, 1931), Nguyễn Du và Truyện Kiều (Văn mới, 1942), Văn chương Truyện Kiều (1945). Xuyên suốt những công trình này ta thấy Nguyễn Bách Khoa đã đứng từ nhiều góc độ để tiếp cận Truyện Kiều, trong đó có cả sự vận dụng lý luận phương Tây. Bài Triết lý Truyện Kiều đứng từ góc độ Phật giáo để soi sáng nội dung tương tưởng chủ đạo và số phận của nhân vật chính. Nhưng thành công đáng chú ý nhất của Nguyễn Bách Khoa chính là ông đã vận dụng “phương pháp khoa học, khí cụ khoa học” để khám phá cái đẹp, chất thơ của Truyện Kiều. Trong Nguyễn Du và Truyện Kiều,Văn chương Truyện Kiều ông phê phán các cách đọc truyền thống, không đưa người ta đến chân tướng nghệ thuật của nó, và đề xuất cách đọc mới: “Cái đẹp hay chất thơ của Truyện Kiều, ta cũng chỉ có thể thương thức được bằng phương pháp khoa học, bằng khí cụ khoa học” [38]. Phương pháp khoa học mà Nguyễn Bách Khoa nói đến ở đây chính là phân tâm học… Nguyễn Bách Khoa khẳng định: “các nhà tâm lý học hiện đại đều công nhận, cá tính đặc xuất của một người không ở cõi hữu thức mà chính là ở tiềm thức của người ấy… Tiềm thức là cốt tủy của con người”, nghệ sĩ có chỗ hơn người là khi sáng tạo họ “đập vỡ tan tành cái cùm xích của bản ngã hữu thức”, họ chỉ “sống bằng tiềm thức, bằng bản năng”, bổn phận của nhà phê bình không phải chỉ “đi tìm tâm sự nhà văn trong tác phẩm văn chương” mà phải tìm hiểu đến cá tính nhà văn - “vì cái này mới là tất cả nhà văn, cái này mới thành thực, mới không bị che đậy hoặc xuyên tạc. Nó là cái phần sâu thẳm nhất, tiềm tàng nhất, mạnh mẽ nhất”, “tác phẩm là một khát vọng bị dồn ép được thể hiện ra

của người nghệ sĩ”. Nhờ phương pháp khoa học mới này, Nguyễn Bách Khoa đã chỉ ra được cái vô thức, cái cốt tủy, cái bản sắc làm nên thiên tài Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều, đem lại cho độc giả những trải nghiệm mới về tác giả, tác phẩm trước đấy chưa thấy, thêm nữa phương pháp của Nguyễn Bách Khoa đã hạn chế được lối bình phẩm chủ quan, tùy tiện. Đôi dòng sau của tác giả cho thấy đầy đủ đóng góp của ông: “bằng phương pháp khoa học tôi đã tìm đến nguồn gốc sự cấu tạo ra cá tính Nguyễn Du và do đó khám phá ra được huyết thống, thời đại cùng đẳng cấp Nguyễn Du. Tôi đã thiết định mối liên lạc giữa ông và tác phẩm văn chương của ông, không phải cái liên lạc hờ hững ở một khía cạnh (tâm sự), mà cái liên lạc toàn khối ở các mặt, các góc cạnh, ở cả trung tâm điểm. Mối liên lạc ấy đã chứng thực rằng văn chương chỉ là phản ảnh của con người và con người chỉ là sản phẩm của hoàn cảnh…” Tuy nhiên, công bằng phải thấy rằng bên cạnh những đóng góp mới mẻ, cũng có nhiều chỗ tác giả diễn giải còn gượng ép.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề vận dụng lí luận về chủ nghĩa hiện thực trong truyện kiều và chủ nghĩa hiện thực của nguyễn du (lê đình kỵ)​ (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)