Cơ sở tư tưởng thẩm mĩ của Truyện Kiều

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề vận dụng lí luận về chủ nghĩa hiện thực trong truyện kiều và chủ nghĩa hiện thực của nguyễn du (lê đình kỵ)​ (Trang 47 - 58)

7. Đóng góp của luận văn

2.3.1. Cơ sở tư tưởng thẩm mĩ của Truyện Kiều

Nội dung chính của vấn đề cơ sở thẩm mỹ của Truyện Kiều là sự vận dụng nguyên lý về vấn đề hoàn cảnh điển hình theo mô hình của Engel nhằm mô tả những điều kiện lịch sử xã hội Việt Nam thời đại Nguyễn Du. Cơ sở thẩm mỹ của Truyện Kiều trong lý giải của Lê Đình Kỵ tập trung vào mấy phương diện sau: thân thế và thời đại Nguyễn Du, thế giới quan và phương pháp sáng tác của Truyện Kiều

2.3.1.1 Nguyễn Du và thời đại

Bàn về thân thế và thời đại Nguyễn Du, công trình hướng đến mấy kết luận đáng chú ý như sau.

Trước hết về thân thế, Nguyễn Du xuất thân sinh năm 1766, trong một gia đình quý tộc, có truyền thống khoa cử, lớn lên ở Thăng Long: “Nguyễn Du mồ côi từ thuở bé, vừa đến tuổi khôn lớn thì anh em bị tai biến dồn dập, bản thân trải qua 15 năm lưu lạc, chắc chắn cũng là những năm Nguyễn Du được sống gần gũi với nhân dân, có dịp thông cảm với những cơ cực của nhân dân” [22, tr.22].

Về thời đại, Nguyễn Du sống trong giai đoạn chế độ phong kiến khủng hoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX: cương thưởng đảo ngược, loạn kiêu binh, nông dân khởi nghĩa…. Ông “lớn lên dưới triều đại Trịnh Sâm khi ở triều đại này đã nảy nở những mầm biến loạn có ảnh hưởng quyết định đến vận mệnh của gia đình Nguyễn Du sau này” [22, tr.24]. Cuộc khởi nghĩa của anh em Tây Sơn có ảnh hưởng lớn đến Nguyễn Du, giúp ông hiểu sâu sắc hơn về bộ mặt của bọn thống trị phong kiến đồng thời cũng khơi dậy ở con người nghệ sĩ Nguyễn Du những ước mơ giải phóng, mặc dù có lúc ông có thái độ

đối địch với phong trào Tây Sơn. Nguyễn Du sinh trưởng trong gia đình quý tộc, cha và anh làm tể tướng, họ hàng nhiều người đỗ đạt, làm quan, khi vua Lê chúa Trịnh sụp đổ, “Nguyễn Du mưu toan khôi phục lại tiền triều, chống lại Tây Sơn.” [22, tr.44]. Về mặt này, ông “đã hành động như một nhà nho bị ràng buộc bởi quan niệm ‘trung thần bất sự nhị quân”. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, thái độ chính trị của Nguyễn Du không cứng nhắc, cuộc đời và thơ văn chữ Hán của đại thi hào, cho thấy ông không coi Tây Sơn là “quốc thù, vô đạo”, ông cũng không hề hăng hái, hay thực sự kiên trì chống Tây Sơn. Lý giải về thái độ chính trị của Nguyễn Du, theo Lê Đình Kỵ không thể nhận định đơn giản, một chiều.

Xem xét thái độ làm quan, thái độ với nhân dân, đối với con người và cuộc đời, cũng như phẩm chất của Nguyễn Du, Lê Đình Kỵ đi đến nhận xét: “thế giới quan của Nguyễn Du có nhiều mâu thuẫn giằng xé, nhiều điều không xác định, không dứt khoát”: “tư tưởng của Nguyễn Du, về căn bản, là tư tưởng của một nhà nho phong kiến, trải qua một cuộc đời chìm nổi lao lung, đã tiếp thu được những xu hướng nhân đạo chủ nghĩa của thời đại, những xu hướng này ở vào một bản chất nghệ sĩ như của Nguyễn Du, trở thành đặc biệt mạnh mẽ và sâu sắc” [22, tr.74], Nguyễn Du quan tâm đến những người nghèo khổ, với kiếp sống lao khổ.

2.3.1.2. Thế giới quan và phương pháp sáng tác

Sau khi mô tả những điều kiện lịch của xã hội Việt Nam cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, cuộc đời và con người Nguyễn Du (chương 1), Lê Đình Kỵ đặt vấn đề: phương pháp sáng tác tiến bộ của Truyện Kiều đã dựa vào thế giới quan nào?, cơ sở hình thành thế giới quan đó. Để trả lời và lý giải những vấn đề này, nhà nghiên cứu đi sâu phân tích triết lý Truyện Kiều, thơ chữ Hán - “một thứ nhật kí ghi lại tâm sự và cảm nghĩ trực tiếp và sâu sắc của Nguyễn Du”, đối chiếu với cuộc đời của nhà thơ mà sử sách và gia phả họ Nguyễn Tiên điền ghi lại.

Theo Lê Đình Kỵ, thế giới quan và phương pháp sáng tác của Nguyễn Du có những mâu thuẫn phức tạp. Tư tưởng triết học, tư tưởng định mệnh của

Truyện Kiềuchủ nghĩa định mệnh: chủ nghĩa định mệnh ảnh hưởng đến mở đầu, diễn biến, kết cấu của Truyện Kiều; cái kết có hậu của Truyện Kiều

không chỉ là mơ ước của con người mà là “ý muốn của một lực lượng thần bí, có tên là ‘hội chủ’ và được tiền định qua lời tiên tri của Đạm Tiên và của Tam Hợp đạo cô” [22, tr.103], điều này chính là những hạn chế tư tưởng nghệ thuật của Truyện Kiều.

Có thể hình dung tính chất mâu thuẫn phức tạp trong thế giới quan Nguyễn Du như sau: chủ nghĩa định mệnh của Truyện Kiều bắt nguồn từ tư tưởng thiên mệnh của đạo Nho, đồng thời cũng bắt nguồn từ tư tưởng luân hồi nhân quả của nhà Phật. Đạo Nho chủ trương thiên mệnh nhưng lại đề cao hành động; đạo Phật thừa nhận tác dụng của tu tâm, tức là hành động và ý thức con người nhưng lại thừa nhận tác động của những lực lược huyền bí siêu hình, giải thích họa phúc của con người hoàn toàn thần bí. Chữ mệnh ở

Truyện Kiều dù hiểu theo nghĩa nào cũng là một triết lý tiêu cực. “Tư tưởng thiên mệnh và nghiệp báo là sản phẩm tất yếu của xã hội phong kiến và nhằm duy trì trật tự phong kiến. Xã hội phong kiến nước ta là xã hội nông nghiệp lạc hậu” [22, tr.107], con người nông nghiệp quanh năm làm ăn theo sự tuần hoàn của thời tiết, theo một định luật bất di bất dịch như xã hội xung quanh, điều này đưa đến tư tưởng định mệnh; khi chiến tranh thiên tai bệnh tật xảy ra, con người nông nghiệp đều bất lực như nhau và không lý giải được, họ tin vào số mệnh, định mệnh. Lê Đình Kỵ nhấn mạnh: thời đại Nguyễn Du là thời đại có nhiều biến cố xã hội dữ dội, “nếu có thời nào dễ đẻ ra tư tưởng nghiệp báo thì đúng đó là thời Nguyễn Du” [22, tr.108].

Tuy vậy, băn khoăn của Lê Đình Kỵ không chỉ ở chỗ vạch ra tác hại của chủ nghĩa định mệnh nói chung, mà là xác định đúng mức vị trí và tác dụng của tư tưởng định mệnh trong Truyện Kiều, tìm hiểu thái độ phức tạp của Nguyễn Du đối với tư tưởng định mệnh ấy.

Đi sâu vào biểu hiện cụ thể của tư tưởng định mệnh, Lê Đình Kỵ bàn về chữ tài, chữ mệnh và chữ tâm

Chữ tài

Theo Lê Đình Kỵ Truyện Kiều viết ra để chứng minh cho thuyết “tài mệnh tương đố”, cho thuyết “hồng nhan bạc mệnh”. Trong thời đại Nguyễn Du, thuyết này có giá trị hiện thực của nó, tuy nhiên Nguyễn Du đã gán cho nó một ý nghĩa duy tâm siêu hình, vĩnh viễn hóa một sự thực chỉ phổ biến trong xã hội có áp bức bóc lột giai cấp, do đó trong tư tưởng chủ quan Nguyễn Du có mâu thuẫn, đưa đến mâu thuẫn với ý nghĩa khách quan của hình tượng, tác phẩm. Hệ quả của chủ nghĩa định mệnh, chủ nghĩa tiên nghiệm, sự trung thành với thuyết tài mệnh tương đố, đã đưa đến những hậu quả (hạn chế) sau:

Thứ nhất, lý tưởng hóa theo hướng trao cho nhân vật những nét hoặc quá dồn ép, hoặc thừa thãi, không gắn liền với bản chất nội tại của tính cách, ví dụ Nguyễn Du đã dồn không chỉ sắc đẹp mà đủ mọi tài hoa cho Kiều; dụng ý của Nguyễn Du là tạo ra cho tác phẩm cái không khí tài tử giai nhân, nên từ Đạm Tiên đến Từ Hải, Kim Trọng… dưới ngòi bút của ông đều trở thành những người tài hoa, bậc kỳ tài. Nguyễn Du đã dồn ép vào nhân vật của mình những nét mà tính cách không đòi hỏi, nhà thơ tô vẽ cái tài của nhân vật để chứng minh cho lý thuyết tiên nghiệm- định mệnh. Trên thực tế, người đọc trân trọng Thúy Kiều hay Đạm Tiên bởi vì trước hết họ tượng trưng cho phận đàn bà, cho con người bị vùi dập trong xã hội cũ, chứ không phải vì lý thuyết siêu hình.

Thứ hai, do gò ép theo lý thuyết về chữ tài mà Nguyễn Du đã thu hẹp ý nghĩa xã hội của vấn đề hay tính cách nhân vật. Chẳng hạn, số phận của Đạm Tiên là một vấn đề xã hội, nhưng trong miêu tả của Nguyễn Du lại nổi bật

hơn ở khía cạnh hồng nhan bạc mệnh của nó. Do quá bận tâm chứng minh cái tài của Thúy Kiều, Nguyễn Du đã rơi và khiên cưỡng, làm giảm giá trị tố cáo xã hội ở nhân vật này…

Thứ ba, vì đặt vấn đề chữ tài một cách tiên nghiệm cho nên khi thể hiện nó vào nhân vật, Nguyễn Du đã tỏ ra không nhất quán, và chuyển tài thành tình. Lê Đình Kỵ nhấn mạnh: “Vấn đề tài trong Truyện Kiều là vấn đề tài hoa, tài tình. Thực chất chữ tài trong Truyện Kiều là chữ tình. Thúy Kiều chịu oan khổ đầu đuôi cũng là do muốn sống cho ra sống, do chữ tình đối với đời, đối với người khác và đối với chính mình” [22, tr.121-122].

Lê Đình Kỵ đi đến những kết luận trên đây là dựa trên cơ sở phân tích ý nghĩa khách quan của hình tượng và của tác phẩm. Cũng dựa vào đó, ông cho rằng, nếu bỏ qua cái vỏ siêu hình, thuyết tài mệnh tương đố cũng có cơ sở khách quan và có giá trị tố cáo. Xã hội phong kiến thời Nguyễn Du vốn không dung nạp tài năng, vua Gia Long bãi bỏ chức trạng nguyên vì sợ kẻ có tài, nhiều người tài năng, nhiều bậc khai quốc công thần bị hãm hại, trong xã hội cũ đa tài thường đa nạn, ở Truyện Kiều, Từ Hải và Thúy Kiều đều là những hiện thân của con người tài hoa trong xã hội cũ. Chủ đề tài mệnh trong Truyện Kiều có nội dung xã hội còn bởi vì, Nguyễn Duy không lạc hướng quá lâu vào ý nghĩa siêu hình, đại thi hào đã “quan niệm được rằng, chuyện tài hoa của mình với chuyện tình người, tình đời là một. Mâu thuẫn chuyển sang giữa tình và mệnh, nghĩa là giữa quyển sống của con người với chế độ xã hội. Xuyên qua và rũ sạch được gấm vóc lụa là của chuyện tài hoa, vấn đề xã hội đặt ra trở thành cháy bỏng, không ai có thể lẩn tránh được” [22, tr.124].

Chữ mệnh

Bàn về chữ mệnh. Phân tích cấu trúc tác phẩm, Lê Đình Kỵ nhận thấy. một mặt Nguyễn Du đã vạch ra những kẻ thù hiện thực của Thúy Kiều trong

xã hội phong kiến (đồng tiền, những lũ sai nha, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Hoạn Thư, Bạc Bà Bạc Hạnh, …) nhưng mặt khác, khi rút ra những khái quát triết lý thì Nguyễn Du lại nhấn mạnh chủ yếu vào “số mệnh”. Vậy, phải hiểu chữ mệnh này là cái chế độ phong kiến, “Nguyễn Du khẳng định mệnh tức là khẳng định tính tất yếu xã hội của trật tự phong kiến. Đối với Nguyễn Du, hành động của bọn sai nha cũng tất yếu như mưu sâu của Hoạn Thư hay như cái tài kinh luân của Hồ Tôn Hiến. Mệnh là cái không thể tránh được, điều đó có nghĩa là sự có mặt của bọn người kia trong xã hội là diều không thể tránh được và có những nạn nhân của bọn chúng cũng là điều không thể tránh được” [22, tr.125]; “chữ mệnh của Nguyễn Du còn hiểu theo cái nghĩa sự may rủi cá nhân mà nhân dân thông thường đã hiểu;. “chữ mệnh trong ý nghĩa ngẫu nhiên này không hề phủ nhận chữ mệnh trong ý nghĩa tất yếu nói trên. Đây là sự thống nhất của mâu thuẫn” [22, tr.125].

Đánh chung, về vị trí, mức độ chi phối của tư tưởng định mệnh trong

Truyện Kiều, theo Lê Đình Kỵ: tuy tư tưởng định mệnh bao quát, không chỉ thể hiện ở những lời phát biểu trực tiếp mà ít nhiều đã đi vào hình tượng và kết cấu nhưng đó “không phải là cảm hứng chủ đạo của tác phẩm, không phải là động lực nội tại của sáng tác của Nguyễn Du. Động lực sáng tác của Nguyễn Du là mối xúc cảm trước thời cuộc, trước những điều trông thấy”, cái mà Nguyễn Du gọi là chuyện bể dâu là những biến động cụ thể mà bản thân Nguyễn Du đã chứng kiến [22, tr.127]. Về thái độ của Nguyễn Du đối với thuyết định mệnh. Trước hết, Nguyễn Du tin ở định mệnh, nói nhiều đến định mệnh một cách sâu sắc, nhà thơ gửi gắm tư tưởng định mệnh đậm nét qua các nhân vật như Đạm Tiên, Sư Tam Hợp. Tuy nhiên, Lê Đình Kỵ chỉ ra rằng, thái độ ấy của Nguyễn Du “chỉ là cục bộ” [22, tr.131], trong cuộc tranh chấp giữa tài tình và mệnh, “Nguyễn Du đã rất mực đề cao tài tình”, “trong thái độ của Nguyễn Du đối với định mệnh, có phần cam chịu, nhưng cái phần nhiều

được nghe tiếng kêu thương đứt ruột… trong thái độ của Nguyễn Du đối với định mệnh, bên cạnh mặt tiêu cực, còn có ý nghĩa tố cáo nhất định. Nguyễn Du đã vô tình hay cố ý đã tuyên truyền cho định mệnh, nhưng Nguyễn Du cũng đã buộc tội định mệnh. Mâu thuẫn này vẫn có mặt thống nhất của nó: Nguyễn Du xót xa cho thân phận con người, căm ghét những lực lượng giày xéo lên con người, nhưng lại không giải thích nổi vì sao mà các lực lượng này cứ ngự trị trong cuộc sống, Nguyễn Du không biết làm thế nào để đánh đổ cái lực lượng ấy và lấy cái gì để thay thế vào. Đó là tấn bi kịch của Nguyễn Du và cũng là hạn chế chung của thời trước… Đối với chúng ta ngày nay, thì rõ ràng, cái mà Nguyễn Du gọi là mệnh không gì khác hơn là cái trật tự vô nhân đạo của chế độ phong kiến, nó là chính danh thủ phạm đã gây nên kiếp sống oan khổ của Kiều. Nhưng Nguyễn Du và những người đương thời của ông thì không hiểu được thế nào là chế độ xã hội…. mọi việc đòi hỏi phải được truy tìm nguyên nhân, cuộc sống đòi hỏi được giải thích. Nguyễn Du giải thích nó bằng số mệnh” [22, tr.132- 133].

Lê Đình Kỵ chỉ ra những ràng buộc của Nguyễn Du với hệ ý thức đương thời, những hạn chế trong tư tưởng triết lý của tác phẩm, song ông cũng luôn thấy Nguyễn Du đã vượt lên những giới hạn thông thường để đưa

Truyện Kiều đến gần hơn với chủ nghĩa hiện thực. Cũng là tư tưởng định mệnh nhưng ở Nguyễn Du màu sắc siêu hình giảm đi rất nhiều, thay vào đó là hiện thực khách quan và nội dung xã hội. Cũng là nói về chữ mệnh nhưng ở Nguyễn Du là một sự hỗn hợp cả Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo. Cũng là giải thích chiều hướng số phận nhân vật bằng thuyết định mệnh nhưng cái mệnh này gần với trật tự vô nhân đạo của xã hội cũ.

Chữ Tâm

Vấn đề chữ Tâm giữ một vị trí quan trong trong tư tưởng Truyện Kiều

Gần đây, trong công trình Thả một bè lau (tập hợp các bài giảng về

Truyện Kiều dưới cái nhìn thiền quán trong hai năm 1992, 1993), Thích Nhất Hạnh đã có một số kiến giải thú vị về chữ Tâm.

Theo Thích Nhất Hạnh, viết Truyện Kiều, Nguyễn Du thể hiện tư tưởng tài mệnh tương đố, đồng thời cụ Nguyễn cũng muốn khuyên người đời, không nên cậy vào tài mình, “bởi vì khi có tài mà không có đức, không tu, không biết giấu tài của mình đi mà cứ khoe khoang, hợm hĩnh, cho mình là giỏi thì tai nạn sẽ đến với mình và mình sẽ đâu khổ rất nhiều” [11, tr.6]. Mầm mống của tai nạn, đau khổ là nghiệp: “khi mình đã có những tham, giận, kiêu căng trong người rồi thì ‘Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa’… vì vậy phải quay về tu sửa tâm mình, vun bồi gốc rễ của cái thiện trong tâm mình.... Thiện căn

là một danh từ của Phật học, có nghĩa là gốc rễ của cái thiện. Cụ Nguyễn Du thấy tu tâm là điều quan trọng phải làm. ‘Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài’: một người có tâm lành, biết tu học thì sẽ có hạnh phúc và mang lại hạnh phúc cho người khác nhiều hơn (bằng ba) những người có tài mà không có tâm lành” [11, tr.6].

Cách diễn giải trên đây của Thích Nhất Hạnh rất khác với những đánh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề vận dụng lí luận về chủ nghĩa hiện thực trong truyện kiều và chủ nghĩa hiện thực của nguyễn du (lê đình kỵ)​ (Trang 47 - 58)