Vấn đề điển hình hóa trong Truyện Kiều

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề vận dụng lí luận về chủ nghĩa hiện thực trong truyện kiều và chủ nghĩa hiện thực của nguyễn du (lê đình kỵ)​ (Trang 58 - 67)

7. Đóng góp của luận văn

2.3.2. Vấn đề điển hình hóa trong Truyện Kiều

Bên cạnh cơ sở thẩm mỹ của Truyện Kiều (thân thế và thời đại Nguyễn Du, thế giới quan và phương pháp sáng tác), thì vấn đề điển hình hóa trong

Truyện Kiều là một hệ vấn đề lớn thứ hai được Lê Đình Kỵ tập trung phân tích, đánh giá, lý giải.

2.3.2.1. Nhân vật và xã hội

Đặt vấn đề điển hình hóa nhân vật không thể không dựa vào mối quan hệ giữa nhân vật ấy với thực tại xã hội. Do đó, vấn đề đầu tiên mà Lê Đình Kỵ cần phải xác lập là mối quan giữa nhân vật Truyện Kiều và xã hội. Chỉ khi nào xác lập được mối quan hệ này cùng với việc thừa nhận một chủ nghĩa hiện thực trong tác phẩm (nội dung xã hội của tác phẩm), sự thành công về xây dựng nhân vật có chiều sâu khái quát thì vấn đề điển hình hóa nhân vật mới có cơ sở vững vàng.

Mở đầu chương 3, Lê Đình Kỵ khẳng định, thành tựu không thể chối cãi được của Truyện Kiều là “đã xây dựng được những nhân vật bất hủ và đã phản ánh một cách sâu sắc thực tế xã hội đương thời, hai mặt này gắn chặt với nhau” [22, tr.228].

Chủ nghĩa hiện thực đòi hỏi tác phẩm phải là tấm gương phản ánh xã hội. Sự phản ánh này được thực hiện thông qua các nhân vật, cụ thể qua tính

“những con người sống thực trong một xã hội có thực”, quan hệ giữa các nhân vật trong truyện là quan hệ xã hội.

Theo Lê Đình Kỵ, các nhân vật Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh hợp thành một tuyến nhân vật phản diện, chúng thuộc về hạng buôn thịt bán người, và đều là những con người có thực trong xã hội cũ. Tú Bà là trùm lưu manh, thực hiện chủ trương của mụ có Mã Giám Sinh là người chuyên thu xếp các vụ mua bán, Sở Khanh chuyên lừa gạt. Cũng thuộc về hệ thống nhân vật phản diện còn có Hồ Tôn Hiến, Hoạn Thư…. Lê Đình Kỵ gọi Hồ Tôn Hiến là một tay Sở Khanh cỡ lớn, Sở Khanh cao cấp, Hoạn Thư là một điển hình ghen tuông, có một không hai, “cái tên Hoạn Thư đã trở thành một danh từ chung bất hủ mà Nguyễn Du đã đóng góp vào vốn từ vựng Việt Nam”. Nhận xét nhân vật Thúc Sinh, Lê Đình Kỵ cho rằng, “trong ba người đàn ông đã giữ một vai trò quan trọng trong đời Kiều, Thúc Sinh là vô nghĩa nhất, nhưng cũng là một nhân vật hiện thực hơn cả”. Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Tú Bà, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến đều là những nhân vật hiện thực chủ nghĩa, những nhân vật mang nhiều nét lấy thẳng từ cuộc sống.

Sau Thúy Kiều, Kim Trọng là nhân vật chính của Truyện Kiều, “Kim Trọng là người tình nhân số một”, là “môn đồ hư hỏng trong cửa Khổng sân Trình”, “cái mà Kim Trọng mất đi trên con đường làm quan thì Kim Trọng lại được gấp bội về mặt làm người… Kim Trọng càng trọn vẹn sắt son chung thủy thì tầm mắt lại được mở rộng ra”. Lê Đình Kỵ nhấn mạnh: Kim Trọng không phải là nhân vật hiện thực chủ nghĩa, mà là nhân vật đã đi vào địa hạt lý tưởng, mơ ước. Tấn bi kịch của thời đại Nguyễn Du được thể hiện qua nhân vật Từ Hải, “Nguyễn Du đã gửi gắm mơ ước và sức phản kháng của mình vào nhân vật Từ Hải. Nguyễn Du đã chắp cho Từ Hải đôi cánh của chủ nghĩa lãng mạn cách mạng. Từ Hải vút lên trên xã hội cũ như con chim đại bàng kiêu hãnh” [22, tr.267], “cái chết đứng của Từ Hải là một bài học lịch sử lớn, một lời tố cáo uất ức, nghẹn ngào, căm giận”. Khác với Kim Trọng, Từ

Hải bước vào câu chuyện mang lại một âm hưởng mới lạ: âm hưởng anh hùng ca. Nhưng Từ Hải và Kim Trọng giống nhau ở chỗ, họ đều là nhân vật lý tưởng. Lê Đình Kỵ nhận thấy, Kim Trọng là người mà ngoài tình yêu ra không còn biết gì nữa, Truyện Kiều sẽ bị một lỗ hổng lớn nếu thiếu Từ Hải, thiếu cái ước mơ của Từ Hải. “Nhưng cả Kim Trọng và Từ Hải đều lơ lửng trên không. Mà Nguyễn Du thì không chịu lơ lửng như thế, cho nên phải có nhân vật Thúy Kiều. Kiều là cái thước đo, là sự kiểm nghiệm cái tính thực tại của những lý tưởng gửi vào Kim Trọng và Từ Hải. Kiều đã đến với Kim Trọng và Kiều sẽ vươn tới Từ Hải”, Thúy Kiều phải chết theo Từ Hải vì cuộc thí nghiệm đó đã hoàn thành, Kiều gục ngã vì đã đi đến tận cùng của cuộc phiêu lưu. Nguyễn Du đã gửi tất cả tấm lòng yêu đời, đau đời, thương đời vào con người Kiều.

Xét nội dung của Truyện Kiều, Lê Đình Kỵ đã hướng đến khẳng định giá trị hiện thực của tác phẩm. Truyện Kiều mở đầu và kết thúc bằng tư tưởng định mệnh, nhưng đây không phải là cảm hứng, tư tưởng chủ đạo của tác phẩm, điểm xuất phát của sáng tác Nguyễn Du, trong lý giải của Lê Đình Kỵ, chính là “thực tế của cuộc sống” [22, tr.281]. Sở dĩ Truyện Kiều có sức lay động sâu xa lòng người vì nó đi đã vượt lên cái nhìn đạo đức phong kiến giáo điều để đi đến hiện thực chủ nghĩa, Nguyễn Du không đứng trên lập trường đạo đức luân lý để xây dựng nhân vật; đằng sau triết lý thần bí duy tâm về mệnh là “sự thật sâu xa về đời sống và về con người” [22, tr.281]. Nguyễn Du viết Truyện Kiều trong tâm trạng của một người trải qua một cuộc bể dâu và đã thể nghiệm, trông thấy những điều đau đớn lòng. Từ lý giải như thế Lê Đình Kỵ hướng nghiên cứu của mình đến bốn tổng kết quan trọng: thứ nhất là có một xã hội Truyện Kiều, đó là xã hội phong kiến giày xéo lên con người, coi nhân phẩm và tính mạng con người như cỏ rác, ở đó tất cả đạo lý đều bị đảo lộn, mọi thứ đều bị phân lý, chia lỳ như chính mối tình, cuộc đời của Kiều; thứ hai, Truyện Kiều đã tố cáo một cách trực tiếp và sâu sắc thế lực của

buôn người, với sự trụy lạc, với những sự lừa gạt kiểu Sở Khanh hay Hồ Tôn Hiến; thứ ba, Truyện Kiều là tiếng kêu xé ruột của con người bị đày đọa trong chế độ cũ, là bằng chứng về nỗi đau khổ của con người bị giày xéo trong tình yêu, tình cảm gia đình, trong những khát vọng bình thường nhất, chưa bao giờ, trong lịch sử văn học Việt Nam trước kia, vấn đề xã hội, vấn đề con người lại được đặt ra một cách trực diện, khẩn trương, thống thiết như trong

Truyện Kiều, Nguyễn Du đứng về phía những người bị áp bức, sỉ nhục để thuật lại đời Kiều; thứ tư, vấn đề thân phận con người trong xã hội cũ, Nguyễn Du đã giải quyết theo hai hướng hoàn toàn trái ngược nhau, hướng thứ nhất là đề cao chữ tâm, hướng thứ hai là để cho Từ Hải nổi dậy, một giải pháp đi ngược lại chữ tâm.

Tóm lại, Nguyễn Du đã thành công trong sự phản ánh thực tại, khái quát hóa cuộc sống. Những vấn đề xã hội, vấn đề thân phận con người được đặt ra trong Truyện Kiều có ý nghĩa lâu dài, ám ảnh. Chương III là chương viết công phu, cho thấy nhiều tìm tòi, cách cắt nghĩa mới, đây là chương có sức hấp dẫn và có sức thuyết phục cao của Lê Đình Kỵ.

2.3.2.2. Điển hình hóa theo hướng hiện thực chủ nghĩa

Sự thành công của Nguyễn Du trong phản ánh thực tế xã hội phong kiến, thân phận con người trong xã hội cũ gắn liền với sự thể hiện khách quan những nhân vật điển hình sinh động, những nhân vật sống thực. Chương IV của công trình tập trung làm sáng tỏ nghệ thuật điển hình hóa theo phương pháp hiện thực chủ nghĩa của Nguyễn Du.

Lê Đình Kỵ định nghĩa điển hình hóa như sau: “điển hình hóa chính là sự khái quát hóa từ thực tế đời sống, một sự thu nhặt có cân nhắc, có chọn lọc, có tái tạo. Nó là cách tiếp cận và xử lý thực tại khác với sự lý tưởng hóa ngay từ điểm xuất phát” [22, tr.389].

Khi xây dựng nhân vật, Nguyễn Du đã giữ được tính cách khách quan, chân thực. Nhà thơ không nói thay, làm thay các nhân vật của mình. Tính cách của Mã Giám Sinh, Sở Khanh chẳng hạn, được bộc lộ dần dần qua ngôn

ngữ, hành động của chúng một cách tự nhiên. Tính cách các nhân vật Truyện Kiều có âm vang xã hội và có giá trị phản ánh. Nguyễn Du có cảm tình với nhân vật trung tâm đã đành, nhưng nhà thơ cũng nhập vai các nhân vật Hồ Tôn Hiến, Hoan Thư để lột tả bản chất của chúng. Nhân vật Truyện Kiều ít khi là sản phẩm của sự chủ quan tùy tiện, ví như khi khắc họa chân dung Thúc Sinh, ngoài thái độ mỉa mai, có chỗ Nguyễn Du cũng tán thành, dành cho Thúc Sinh những lời đẹp đẽ. “Ở Nguyễn Du, tính khách quan đi đôi với một tính khuynh hướng rõ rệt, nhưng khuynh hướng ở đây ‘toát ra từ tình thế và kết cấu, chứ không cần phải nói toạc ra’ (Engels) [22, tr.317].

Lê Đình Kỵ tán thành và khẳng định luận điểm có tính nhận diện phương pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa: “chủ nghĩa hiện thực yêu cầu nhà văn phải miêu tả những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình”. Nhân vật của Nguyễn Du có tầm khái quát hiện thực rộng lớn. Có được thành công này là do Nguyễn Du đã biết đặt các nhân vật của mình vào những mối quan hệ thực tế, quan hệ với nhau hay với hoàn cảnh, đúng theo yêu cầu của điển hình hóa theo hướng hiện thực chủ nghĩa.

Vậy hoàn cảnh điển hình trong Truyện Kiều thể hiện ra sao? Theo Lê Đình Kỵ, “Truyện Kiều là bức tranh hiện thực rộng lớn về xã hội Việt Nam, phản ánh những quan hệ xã hội thực tế gắn liền với chế độ phong kiến Việt nam trên bước đường suy vong của nó. Những quan hệ này làm nên hoàn cảnh điển hình, làm nên cái bối cảnh thực cho hoạt động của các nhân vật, qua đó tính cách các nhân vật được phơi bày nổi bật lên và có ý nghĩa điển hình sinh động. Tính cách điển hình được xác định qua hoàn cảnh điển hình, ngược lại hoàn cảnh điển hình không phải là cái bối cảnh hoàn toàn thụ động mà chính cũng là hình thành từ các tính cách điển hình theo một mối tác động qua lại biện chứng. Trừ Kim Trọng là nhân vật thuần túy lý tưởng, còn lại các nhân Truyện Kiều trực tiếp hay gián tiếp đều tiêu biểu cho những lực lượng xã hội nhất định” [22, tr.318-319].

Lê Đình Kỵ chỉ ra cơ sở giai cấp của hệ thống nhân vật. Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh thuộc phường buôn phấn bán hương; Hồ Tôn Hiến là đại biểu của lực lượng thoái hóa, đối kháng trực tiếp với lực lượng tiến bộ nhất trong xã hội Truyện Kiều mà Từ Hải và Thúy Kiều là đại diện. “Sự đánh gen của Hoạn Thư là một sự phản ánh giai cấp hết sức độc đáo” [22, tr.321], chuyện ghen tuông thường tình dưới ngòi bút Nguyễn Du mang nội dung xã hội cụ thể, nếu đem tách rời nó khỏi bản chất giai cấp của Hoạn Thư thì không sao giải thích nổi diễn biến của sự việc, thái độ lép vế của Thúc Sinh và sự khuất phục tuyệt đối của Thúy Kiều. Thúc Sinh xuất thân từ gia đình phú thương, có tâm lý cơ hội chủ nghĩa, là đại biểu cho lực lượng trung gian, chơi vơi giữa phía bên này là Từ Hải, Kim Trọng và phía bên kia là bọn đầu trâu mặt ngựa.

Đồng thời Lê Đình Kỵ cũng cho thấy, Nguyễn Du không gò ép lời nói, hành động của nhân vật vào các tiêu chuẩn đạo đức có sẵn mà “luôn đặt lên hàng đầu việc soi sáng hoạt động bên trong của nhân vật” [22, tr.325]. Qua so sánh với cách xây dựng nhân vật của Thanh Tâm Tài Nhân trong Kim Vân Kiều truyện và với phương thức biểu đạt của một số thể loại khác như ngâm khúc, Lê Đình Kỵ khẳng định Nguyễn Du đã có bước tiến và thành công khi đi sâu miêu tả, soi rọi thế giới nội tâm của nhân vật. Nguyễn Du khai thác thế giới tâm tình của nhân vật theo hướng soi sáng tính cách nhân vật: “tính cách các nhân vật Truyện Kiều đều được xác định và có tính thống nhất chặt chẽ. Nguyễn Du đã lấy lại hầu hết các nhân vật của Kim Vân Kiều truyện, lược bỏ một chi tiết này, nhấn mạnh mặt kia, sáng tạo thêm những nét khác cốt soi sáng nhân vật từ bên trong” [22, tr.335]. Ví dụ, so với Thanh Tâm Tài Nhân, Nguyễn Du đã lược bỏ rất nhiều tình tiết miêu tả Kim Trọng một cách chủ nghĩa tự nhiên như nguyên tác để điển hình hóa Kim Trọng như một người tình chung thủy và phong nhã, phù hợp với Kiều; cũng như vậy đối với Từ Hải, Nguyễn Du thay vì tô đậm Từ Hải như một tên giặc cỏ, nổi dậy chống lại

triều đình vì vàng lụa, vì mĩ nhân như Kim Vân Kiều truyện đã làm, đã xây dựng Từ Hải thành một kẻ trượng phu có khí phách, có tấm lòng hào hiệp.

Nhân vật Truyện Kiều, dưới ngòi bút của Nguyễn Du, có mối quan hệ tác động qua lại, quy định lẫn nhau, qua nhân vật này có thể hiểu các nhân vật khác, và ngược lại, các nhân vật hiện ra trong thế động nội tại biện chứng.… Nguyễn Du lựa chọn và sử dụng đắc địa nhiều chi tiết hiện thực: “Ở Truyện Kiều, chân lý nghệ thuật không chỉ dừng lại ở cái đại thể, mà đã đi vào tiểu tiết và cả chi tiết” [22, tr.366], lần đầu tiên trong lịch sử văn học Nguyễn Du đã biết “thông qua những chi tiết ngoại hình để đào sâu vào tâm lý bên trong của nhân vật”, khó có thể hình dung được đầy đủ về Mã Giám Sinh nếu thiếu đi chi tiết “mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”, hay Tú Bà với cái vẻ “lờn lợt màu da”, Sở Khanh “chải chuốt dịu dàng”…. Đấy là một vài minh chứng cho thấy đóng góp quan trọng của Nguyễn Du đối với truyền thống hiện thực chủ nghĩa của nền văn học dân tộc.

Chủ nghĩa hiện thực hình thành còn đòi hỏi một tiền đề khác là sự phát triển của ngôn ngữ dân tộc. Truyện Kiều ra đời trong thế kỉ XIX, kết tinh trong nó những thành tựu phát triển vượt bậc của ngôn ngữ dân tộc từ truyện thơ Nôm, “ngôn ngữ Truyện Kiều kết hợp được cái diễm lệ tao nhã của những áng ngâm tiêu biểu và cái mặn mà ý vị của lời ăn tiếng nói hàng ngày”, “cái sức vang, sức gợi lạ lùng của ca dao, cái hàm súc đậm đà trong hình ảnh và trong suy tưởng của các thể thơ phú cổ điển. Chưa bao giờ khả năng tiếng Việt được biểu hiện đầy đủ như trong Truyện Kiều… Nguyễn Du là bậc thầy vô song của ngôn ngữ dân tộc” [22, tr.376]. So với sự điển hình hóa hiện thực chủ nghĩa, ngôn ngữ Truyện Kiều đã thể hiện được sức mạnh tuyệt vời của nó trong việc thể hiện thực tại sinh động, nó miêu tả được thành công những rung động tinh vi, những tình cảm tế nhị, những ẩn tình phức tạp, những cung bậc xúc cảm đa dạng của lòng người, lột tả được. Nguyễn Du sử dụng điêu luyện ngôn ngữ hiện thực, ngôn ngữ nhân vật, có nhiều mặt sáng tạo về bút

pháp tả thực để lột tả bản chất tính cách, diễn tả nội tâm của các nhân vật. “Có thể nói Truyện Kiều đã đạt tới một chủ nghĩa hiện thực tâm lý cao nhất trong nền văn học dân tộc quá khứ” [22, tr.387].

Rõ ràng, công trình của Lê Đình Kỵ mới chủ yếu dựa vào các nhân vật phản diện để triển khai phân tích điển hình hóa theo hướng hiện thực chủ nghĩa vì chỉ các nhân vật này mới có những nét phù hợp với lý luận về điển hình hóa hiện thực. Tuy nhiên, đến các nhân vật chính diện thì Lê Đình Kỵ không dùng khái niệm “điển hình hóa” nữa mà xếp họ vào mục ràng buộc mỹ học đương thời. Lý do dễ hiểu, các nhân vật chính diện không được Nguyễn Du miêu tả

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề vận dụng lí luận về chủ nghĩa hiện thực trong truyện kiều và chủ nghĩa hiện thực của nguyễn du (lê đình kỵ)​ (Trang 58 - 67)