Các giáo trình lý luận văn học biên soạn theo lý luận Liên Xô về

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề vận dụng lí luận về chủ nghĩa hiện thực trong truyện kiều và chủ nghĩa hiện thực của nguyễn du (lê đình kỵ)​ (Trang 31 - 35)

7. Đóng góp của luận văn

1.2.3. Các giáo trình lý luận văn học biên soạn theo lý luận Liên Xô về

phương pháp sáng tác: chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa được giới thiệu ở Việt Nam

Sau 1954, nhất là từ những năm 1960, việc du nhập lý luận văn học từ Liên Xô và một phần lý luận văn học từ Trung Quốc (vẫn là chịu ảnh hưởng của lý luận Liên Xô), khiến lý luận chủ nghĩa hiện thực đầy đủ, hệ thống hơn so với lý luận trước cách mạng. Về sách có thể kể đến Bàn về văn học nghệ thuật (1955) của Mao Trạch Đông do Nam Mộc dịch, Hình tượng nghệ thuật

(1961) của A.A.Raduvin, A.A. Bagienova, bộ Nguyên lý mỹ học Mác - Lê nin

(2 tập, 1960, 1961) do Hoàng Xuân Nhị dịch, Phê phán những khuyh hướng chủ yếu trong nghệ thuật và mĩ học phản động tư sản hiện đại (1962) của

P.S.Torophimov, Nguyên lý lý luận văn học (1962) của L.I.Timofeev do Lê Đình Kỵ, Cao Xuân Hạo, Bùi Khánh Thế, Nguyễn Hải Hà, Minh Hải, Nhữ Thành dịch… Về bài báo, có thể kể đến “Những quan điểm mỹ học của C.Mác, Ph. Ăng - ghen (1960), “Vấn đề điển hình và vấn đề thể hiện tính cách con người trong văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa (1961), “Những đặc điểm quan trọng của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa” (1964),… ngoài ra còn rất nhiều sách bàn về kinh nghiệm sáng tác của các nhà văn nước ngoài (Maiakopxki, Erenbua, Lão Xá, Mao Thuẫn, Polevoi…).

Điều đáng nói là, tính đến những năm 60, vấn đề phương pháp sáng tác văn học nghệ thuật đã được quan tâm dịch, giới thiệu và nghiên cứu, giảng dạy ở ta. Cuốn C.Mác, F.Ăng-ghen Về văn học nghệ thuật do nhà xuất bản Sự thật ấn hành năm 1958, giới thiệu những ý kiến của Mác và Ăng ghen về văn học nghệ thuật; trong đó dành cả Chương VII - Đấu tranh cho chủ nghĩa hiện thực, giới thiệu vấn đề chủ nghĩa hiện thực của Ban dắc, chủ nghĩa hiện thực Anh, Đức… Cuốn Mác, Ăng-ghen, Lê nin và Văn học, nghệ thuật của giăng Phơ-rê-vin (Nxb. Sự thật) năm 1961 cũng nằm trong mạch chung đó, đúc kết một số vấn đề về phương pháp hiện thực phê phán, hiện thực xã hội chủ nghĩa. Bộ Nguyên lý lý luận văn học gồm 2 tập giới thiệu rất kĩ lưỡng một số vấn đề về phương pháp sáng tác, kiểu sáng tác, nhất là phương pháp hiện thực chủ nghĩa được mô tả nhiều chiều. Riêng về phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa đến giai đoạn này đã giới thiệu tương đối hệ thống: ngoài các công trình dịch thuật, các giáo trình lý luận văn học ở bậc đại học cũng tập trung luận giải phương pháp này. Có thể kể đến như bộ Những nguyên lý về lý luận văn học của Đại học Tổng hợp gồm 4 tập, trong đó tập 4 biên soạn về Các phương pháp nghệ thuật (1962) do Lê Đình Kỵ thực hiện; bộ Cơ sở lý luận văn học/Nguyên lý văn học (4 tập, 1965) do Tổ bộ môn Lý luận văn học các trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp biên soạn. Ngoài phần nguyên lý chung, tác phẩm, thể loại văn học, bộ sách dành riêng một tập bàn

về phương pháp sáng tác và trào lưu văn học do Lê Đình Kỵ (các nội dung: chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực) và Nguyễn Văn Hạnh viết. Các giáo trình như Sơ thảo nguyên lý văn học (1958) của Nguyễn Lương Ngọc đều dành riêng các chương bàn về vấn đề phản ánh hiện thực của văn học, hình tượng điển hình và vấn đề điển hình hóa nhân vật… Bên cạnh bộ giáo trình do Lê Đình Kỵ tham gia biên soạn phần phương pháp sáng tác, cùng cần kể đến cuốn Phương pháp sáng tác trong văn học nghệ thuật (196) của Hồng Chương, giới thiệu sự hình thành của các phương pháp sáng tác qua các thời kỳ lịch sử và những đặc điểm của các phương pháp sáng tác đó…

Xuất phát từ quan niệm về sự tiến bộ của văn học cùng sự độc tôn phương pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa, con đường sáng tác và nghiên cứu văn học theo hướng hiện thực chủ nghĩa ở Việt Nam thời hiện đại có thể hình dung, gần như là một con đường thẳng, liên tục và tất yếu” với ba giai đoạn chính: đi từ nghiên cứu về chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa hiện thực phê phán đến khẳng định, đề cao chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Khái niệm chủ nghĩa hiện thực ở đây được hiểu là một phương pháp nghệ thuật, một khuynh hướng hay trào lưu văn học mô tả cuộc sống trung thành với bản chất cuộc sống và bằng phương pháp điển hình hóa các sự kiện, nhân vật; quan tâm lý giải mối quan hệ tác động qua lại giữa con người, tính cách và hoàn cảnh, coi trọng các chi tiết cụ thể…Các nguyên tắc mỹ học cơ bản của chủ nghĩa hiện thực phê phán cơ bản giống như như chủ nghĩa hiện thực, song có điểm khác với chủ nghĩa hiện thực ở chỗ, nó chú trọng phân tích phê phán, tố cáo trong cảm thụ và mô tả thực tại. Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa được các nhà lý luận văn học Mác xít mô tả là một phương pháp tiến bộ, ra đời và phát triển gắn liền với lý tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa, với hệ tư tưởng Mác-Lenin của giai cấp vô sản. Có thể nói, lý luận chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa như một sự tiếp nối của lý luận chủ nghĩa hiện thực ở chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa. Đối với chế độ xã hội phong kiến hay thực dân phong kiến,

các nhà lý luận mác xít khuyến khích đấu tranh phê phán, bóc trần cái xấu, cái ác của hiện thực xã hội (mục đích chính trị khá lộ liễu trong chủ trương này: phải làm cách mạng lật đổ các chế độ đó). Nhưng đối với hiện thực chế độ xã hội chủ nghĩa, lý luận chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa cho rằng nhiệm vụ chủ yếu của phản ánh thực tại là khẳng định bằng nghệ thuật những mặt tích cực, đi lên, tương lai tốt đẹp của xã hội xã hội.

Về điểm này, trong bài “Thực tại, cái thực và vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam trung cận đại”, Trần Đình Hượu đã có những đánh giá mang tổng quát về một xu hướng nghiên cứu văn học như sau: “Những vấn đề liên quan đến chủ nghĩa hiện thực - trong những năm 30 gọi là chủ nghĩa tả chân - mới đặt ra trong giới phê bình và nghiên cứu văn học Việt Nam. Lúc đầu vấn đề đó chỉ liên quan đến văn học hiện đại. Từ những năm 50, vấn đề chủ nghĩa hiện thực, tính hiện thực mới thành sự quan tâm hàng đầu của các nhà nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam trung cận đại. Mọi người đi tìm sự hiện diện của chủ nghĩa hiện thực, những khuynh hướng, những yếu tố hiện thực. Lý do của hoat động tìm kiếm công phu đó là một nhận thức về con đường phát triển của văn học: chủ nghĩa hiện thực là một quy luật, văn học bất cứ dân tộc nào, sớm hay muộn cũng sẽ đi tới đó. Một nền văn học đã trưởng đến trình độ nhất định tất phải có, không cả chủ nghĩa thì cũng là những hình thức chưa trọn vẹn: những khuynh hướng, những yếu tố hiện thực. Sự tiến bộ của văn học về sau, chỉ có thể bắt nguồn từ những khuynh hướng, yếu tố đó.” (tr.11).

Con đường nghiên cứu của Lê Đình Kỵ tất nhiên cũng nằm trong xu hướng và nhận thức chung của thời đại, chứ không hoàn toàn là một hướng đi riêng lẻ.

Thực vậy, việc dịch thuật, giới thiệu lý luận văn học Liên Xô ở miền Bắc ngày càng phong phú. Đến thập niên 60, lý luận về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa được hiểu như một phương pháp sáng tác đã giới thiệu tương

đối hoàn chỉnh, có tính hệ thống hơn nhiều so với lý luận trước 1945 và trước 1954. Cụ thể: trước đây, giới phê bình chỉ nói tả chân xã hội, còn bây giờ, người ta bàn về quan hệ thế giới quan và phương pháp sáng tác, về lý luận điển hình hóa, nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, sự chân thực của chi tiết… chính nhờ thế mà Lê Đình Kỵ có chỗ dựa lý luận để triển khai công trình Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du mà nội dung của nó so với các cách thực hành nghiên cứu trước, rõ ràng là có tính lý luận hơn trước và có phương pháp luận cụ thể.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề vận dụng lí luận về chủ nghĩa hiện thực trong truyện kiều và chủ nghĩa hiện thực của nguyễn du (lê đình kỵ)​ (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)