Hoài Thanh (1949) trong “Quyền sống của con người trong

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề vận dụng lí luận về chủ nghĩa hiện thực trong truyện kiều và chủ nghĩa hiện thực của nguyễn du (lê đình kỵ)​ (Trang 28 - 31)

7. Đóng góp của luận văn

1.2.1. Hoài Thanh (1949) trong “Quyền sống của con người trong

Kiều” tiếp tục vận dụng quan niệm phản ánh hiện thực nhưng chưa có ý thức về chủ nghĩa hiện thực

Công trình đáng kể đầu tiên trong giai đoạn sau 1945 vận dụng lý luận chủ nghĩa hiện thực xem xét Truyện KiềuQuyền sống của con người trong Truyện Kiều (Hội Văn hóa Việt Nam xuất bản, 1949) của Hoài Thanh.

Hoài Thanh viết Quyền sống của con người trong Truyện Kiều [57] xuất phát từ tâm thế của thời đại - “kiểm điểm” lại di sản văn học quá khứ theo hướng gạn đục khơi trong. Hoài Thanh băn khoăn địa vị của Nguyễn Du trong kháng chiến và cách mạng chưa minh bạch, trong khi: “thời đại của chúng ta có những điều kiện để định ngôi thứ cho Truyện Kiều…”[57] và người cách mạng có thể mời Nguyễn Du vào mặt trận Liên Việt. Lập trường của Hoài Thanh là lập trường mác xít, phương pháp chủ yếu của ông là xã hội học. Điều này thể hiện rõ trong những bàn về của ông về thái độ của Nguyễn Du đối với quyền sống con người. Trong khi phân tích nhân vật, Hoài Thanh cho thấy ông đã tiếp nhận lý luận chủ nghĩa hiện thực để xem xét mối tương quan giữa tính cách và hoàn cảnh, lý giải mối quan hệ tác động giữ con người và môi trường sống thời phong kiến. Vấn đề trung tâm trong công trình của Hoài Thanh là vấn đề quyền sống của con người, cũng tức là vấn con người và hoàn cảnh sống. Hoài Thanh phân tích sâu sắc môi trường sống phong kiến thời suy, ông cũng chỉ rõ số thân phận con người, quyền sống của con người trong hoàn cảnh đó. Ông viết: Kiều là một người rất phiền cho trật tự phong kiến; trật tự phong kiến, nhất là thời suy, là một thứ trật tự chà đạp lên con người, không thừa nhận quyền sống của con người, chế độ ấy rất sợ tài; Kiều là một người thực, sống thực trong tâm trí Nguyễn Du, cho đến khi Kiều chết, cái chết của Kiều cũng là cái chết của một người đã sống thực, “thân thế trầm luân của Thúy Kiều là một lời tố cáo những gì nhơ nhớp độc ác trong trật tự phong kiến”, “Kiều là tiếng ta thán của Nguyễn Du và của bao nhiêu người ngột thở trong cái khuôn phong kiến”. Đòi hỏi của Hoài Thanh là phải có ý thức phản phong mạnh mẽ, vì lẽ này ông phê phán Nguyễn Du đã nửa vởi không theo đuổi đến cùng khuynh hướng phản phong, không dám ước mơ triệt để (thể hiện qua nhân vật Từ Hải)… Viết Quyền sống của con người trong Truyện Kiều, Hoài Thanh dụng tâm dùng Truyện Kiều như một khí cụ đấu tranh giai cấp. Chiến lược phê bình Truyện Kiều của Hoài Thanh, xét cho cùng là nhằm phục vụ cho cuộc kháng chiến phản đế phản phong (mục đích

chính trị ẩn sau vấn đề phê bình văn học). Đây chính là nguyên nhân chính đưa ông đến tư tưởng muốn mời Nguyễn Du vào mặt trận Liên Việt: “chúng ta chỉ biết chắc một điều là trong mặt trận dân tộc thống nhất phải có con người ấy, chúng ta mời Nguyễn Du vào Hội Liên Việt … ở một nơi nào đó trong tâm trí chúng ta ít nhiều Nguyễn Du vẫn còn sống. Phê bình Nguyễn Du tức là chúng ta gián tiếp phê bình chúng ta vậy. Vì lẽ đó, cho nên mặc dù giữa lúc này công việc kháng chiến bề bộn cũng nên để một ít thì giờ để phê bình Nguyễn Du” [57].

1.2.2. Trương Tửu và Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du (1956) vẫn chỉ vận dụng quan niệm về phản ánh các phương diện hiện thực nhất là đấu tranh giai cấp

Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du là công trình tiêu biểu cho lối tiếp cận duy vật sử quan mác xít. Ngay Lời nói đầu sách, Trương Tửu đã trích dẫn ý kiến của Mao Trạch Đông và xem đó là “ý kiến căn bản soi đường” cho người nghiên cứu phê bình văn học. Có thể xem Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du là công trình đánh dấu sự đọc lại, nghiên cứu lại Truyện Kiều

“dưới ánh sáng của tư tưởng văn nghệ Marx-Lenin”. Trương Tửu thành thực: “Hơn mười năm trước tôi đã viết và cho xuất bản cuốn Nguyễn Du và Truyện Kiều (1943) và cuốn Văn chương Truyện Kiều (1944)…. Trong hai tập tiểu luận này, tôi đã cố gắng phân tích và phê phán Truyện Kiều theo quan điểm đấu tranh giai cấp. Nhưng vì hồi ấy trình độ lý luận còn ấu trĩ, lập trường chính trị còn lệch lạc, tôi đã áp dụng phương pháp phê bình văn học mác xít một cách còn phiến diện, gò ép, máy móc, nên đã có những nhận định sai lầm, căn bản khi tìm hiểu và phê phán tác phẩm của Nguyễn Du… Từ sau cách mạng tháng Tám, được học tập thêm lý luận văn nghệ Marx-Lenin- Mao Trạch Đông… tôi đã có dịp chỉnh lí lại những điều ấy”. Như vậy là, sau 1945, Trương Tửu ngả hẳn sang phương pháp xã hội học mác xít, nghĩa là ông đã không chọn con đường khoa học riêng như trước, để nhập vào bè diễn ngôn chung của thời đại, sử dụng khung lý thuyết chung của giới phê bình mác xít miền Bắc.

Trên cơ sở lý luận văn nghệ mác xít, Trương Tửu cắt nghĩa lại, giải thích khác về sức hấp dẫn của Truyện Kiều. Theo ông sở dĩ nhiều người nông dân thích Truyện Kiều vì “tác giả Nguyễn Du đứng về phía các tầng lớp nhân dân chống phong kiến ở đương thời, đã phản ảnh trung thành và ca tụng nhiệt liệt một cuộc khởi nghĩa vĩ đại nhất của nông dân Việt Nam trong lịch sử - cuộc khởi nghĩa Tây Sơn với tất cả ưu và nhược điểm của nó”. Khác với cách tiếp cận phân tâm học như trước 1945, giờ đây Trương Tửu thấy rằng “phê bình văn học là một phương diện của đấu tranh giai cấp trên mặt trận ý thức hệ”. Cũng vì thế ông cho rằng, “toàn bộ đời sống ý thức của Nguyễn Du hình thành song song với toàn bộ quá trình thành bại của phong trào Tây Sơn”, Nguyễn Du đã phản ánh vào tác phẩm một vài cục diện cốt yếu của phong trào này, - theo Trương Tửu - “nếu không nghiên cứu Nguyễn Du như một hiện tượng tâm lý phản ánh phong trào Tây Sơn thì sự thành công bền bỉ của

Truyện Kiều trong nông dân Việt Nam là một điều bí ẩn không giải thích được”. Rõ ràng là dù cách đặt vấn đề khác nhau, nhưng nội dung đấu tranh giai cấp phản ánh trong tác phẩm của Nguyễn Du đều là mối quan tâm diễn dịch hàng đầu của Trương Tửu và Hoài Thanh khi phê bình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề vận dụng lí luận về chủ nghĩa hiện thực trong truyện kiều và chủ nghĩa hiện thực của nguyễn du (lê đình kỵ)​ (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)