Chủ nghĩa hiện thực và vấn đề phản ánh hiện thực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề vận dụng lí luận về chủ nghĩa hiện thực trong truyện kiều và chủ nghĩa hiện thực của nguyễn du (lê đình kỵ)​ (Trang 41 - 45)

7. Đóng góp của luận văn

2.2. Chủ nghĩa hiện thực và vấn đề phản ánh hiện thực

Trên thế giới, thuật ngữ chủ nghĩa hiện thực được đặt ra từ thế kỉ XIX. Ở Việt Nam, phải đến những năm 20, 30 của thế kỉ XX, vấn đề chủ nghĩa hiện thực mới được đề cập, và ban đầu nó được bàn đến dưới cái tên chủ nghĩa tả thực và phải đến thập niên 50, lý luận về chủ nghĩa hiện thực mới được thảo luận rộng rãi trong các sinh hoạt học thuật, các nghiên cứu ứng dụng vào lĩnh vực lịch sử văn học...

Từ điển thuật ngữ văn học do nhóm Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi chủ biên giải thích thuật ngữ chủ nghĩa hiện thực theo hai nghĩa. Nghĩa rộng: dùng để xác định quan hệ giữa tác phẩm văn học đối với hiện thực, với ý nghĩa này, khái niệm chủ nghĩa hiện thực gần như đồng nghĩa với khái niệm sự thật đời sống, bởi tác phẩm nào cũng phản ánh hiện thực. Nghĩa hẹp: dùng để chỉ một phương pháp nghệ thuật, hay một khuynh hướng, một trào lưu văn học có các nguyên tắc mỹ học sau: thừa nhận sự tác động qua lại giữa con người và môi trường sống, giữa tính cách và hoàn cảnh, các hình tượng hiện thực chủ nghĩa hướng tới tái hiện chân thực các mối quan hệ khách quan của con người và hoàn cảnh; cùng với sự điển hình hóa nghệ thuật, coi trọng nhưng chi tiết cụ thể và độ chính xác của chúng trong việc mô tả con người và cuộc sống, coi trọng sự khách quan hóa những điều được mô tả, làm cho chúng tự nói lên tiếng nói của mình [10, tr.54-55].

Quan niệm về chủ nghĩa hiện thực theo nghĩa rộng của Từ điển thuật ngữ văn học cũng là quan niệm, nhận thức chung của Lê Đình Kỵ từ thập niên 60, 70.

Năm 1962, Lê Đình Kỵ công bố tập 4 của bộ giáo trình Những nguyên lý về lý luận văn học (Nxb. Giáo dục), tập trung bàn về các phương pháp nghệ thuật. Thảo luận về chủ nghĩa hiện thực, sau khi dẫn ra một số định nghĩa của một số nhà văn, nhà mỹ học Nga, Lê Đình Kỵ cho rằng, cần phải nghiên cứu chủ nghĩa hiện thực như là một phương pháp sáng tác có những đặc trưng riêng. Một số đặc trưng này, theo Lê Đình Kỵ đã được các nhà kinh điển mác xít như Max, Engels chỉ ra. Engels định nghĩa: “theo ý tôi, ngoài sự chính xác của các chi tiết, chủ nghĩa hiện thực còn bao hàm sự chính xác trong sự tái hiện những tính cách điển hình trong những hoàn cảnh điển hình”, “mỗi tính cách là một điển hình, nhưng đồng thời cũng là một cá nhân riêng biệt”, “khuynh hướng phải toát ra chính ngay từ tình thế và kết cấu, chứ không phải cần phải nói toạc ra, và tác giả không bắt buộc phải cung cấp sẵn cả cho độc giả cái giải pháp lịch sử của các xung đột xã hội mà mình mô tả”…. Nói chung, đặc trưng của chủ nghĩa hiện thực là sự mô tả chính xác và khách quan, là sự thể hiện nhân vật trong môi trường cụ thể lịch sử, kết hợp hữu cơ tính khái quát và tính cá thể thông qua cá tính cụ thể sinh động làm nổi bật ý nghĩa xã hội của nhân vật [15, tr.69-70], ngoài ra, chủ nghĩa hiện thực còn có một nguyên tắc mỹ học khác là thiên về khắc họa tính độc lập nội tại và sự phát triển tự thân của tính cách, “phục tùng logic nội tại của nhân vật có nghĩa là phục tùng chân lý cuộc sống”. Bên cạnh giá trị nhận thức, các tác phẩm thuộc phương pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa còn có giá trị nhân đạo.

Ngay trong công trình Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du, nhiều lần Lê Đình Kỵ đã giới thuyết, giải thích về chủ nghĩa hiện thực như là cơ sở lý luận cho hệ vấn đề mà ông đặt ra và nỗ lực chứng minh, lý giải qua Truyện Kiều.

Lê Đình Kỵ quan niệm, “chủ nghĩa hiện thực là sự phản ánh cuộc sống trong hình thái của bản thân cuộc sống, nhà văn nhìn thẳng vào cuộc sống

[22, tr.389]. Chủ nghĩa hiện thực nắm bắt và thể hiện thực tại qua nghệ thuật điển hình hóa và chịu sự chi phối của lý tưởng nhà văn. “Điển hình hóa chính là sự khái quát hóa từ thực tế đời sống, một sự thu nhặt có cân nhắc, có chọn lọc, có tái tạo. Nó là cách tiếp cận và xử lý thực tại khác sự lý tưởng hóa ngay từ điểm xuất phát” [22, tr.389]. Điển hình hóa trong hiện thực chủ nghĩa, vận động qua cái cá thể. Nhân vật điển hình hiện ra như là tổng hòa của những mối quan hệ xã hội nhất định, sự chân thực của các chi tiết là tiền đề của điển hình hóa hiện thực chủ nghĩa.

Lê Đình Kỵ khẳng định: “chủ nghĩa hiện thực phản ánh hiện thực xã hội và thế giới nội tâm con người một cách đầy đủ và chính xác nhất, tái hiện thực tại đúng như nó có, không lý tưởng hóa, cũng không phóng đại theo lối châm biếm. Sự phản ánh hiện thực chủ nghĩa không dừng lại ở việc tái hiện hình thức bên ngoài, mà đi sâu vào bản chất của những hiện tượng được miêu tả, nhằm nắm bắt ‘những tính cách điển hình trong những hoàn cảnh điển hình’, soi rọi vào hoạt động bên trong của con người, với tư cách là ‘tổng hòa của những quan hệ xã hội. Cuối cùng đó là sự phản ánh dựa vào những hình thái của chính đời sống, nghĩa là qua sự thật của sự kiện, của các chi tiết mà bộc lộ cái có tính quy luật, cái điển hình” [22, tr.7].

Trở lên chúng tôi đã giới thiệu những nét cơ bản về lý luận chủ nghĩa hiện thực trong cách hiểu chung (từ điển) và cách diễn giải riêng của Lê Đình Kỵ. Có một vấn đề khác, thiết nghĩ cũng cần lưu ý: sự tiếp nhận, vận dụng lý luận đó vào thực tiễn nghiên cứu và phê bình văn học (bao gồm cả trường hợp Lê Đình Kỵ với Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du). Phải nói ngay rằng, sự tiếp nhận và vận dụng lý luận chủ nghĩa hiện thực vào thực tiễn văn học dân tộc, bên cạnh ý nghĩa học thuật, thì tính chất chính trị thực dụng biểu hiện rất rõ.

Lý luận chủ nghĩa hiện thực được lưu hành rộng rãi trong đời sống học thuật ở ta trước 1986, không phải là thứ lý luận thuần túy theo mô hình Liên xô, mà có cả sự lai ghép với lý luận chủ nghĩa hiện thực mang màu sắc Trung

Quốc. Bên cạnh những công trình mỹ học và lý luận văn học được giới chuyên môn dịch trực tiếp từ tiếng Nga, còn có những thực hành dịch thuật, giới thiệu các quan điểm văn học của giới học thuật, sáng tác, quản lý văn nghệ ở Trung Quốc (đơn cử như các ý kiến bàn về văn học nghệ thuật của Mao Trạch Đông hay trường hợp Đặng Thai Mai viết Văn học khái luận, một công trình tiêu biểu của lý luận văn học mác xít buổi đầu, dựa theo cách diễn giải của giới học thuật Trung Quốc…).

Chủ nghĩa hiện xã hội chủ nghĩa đi vào Việt Nam có tính chất đặc biệt ở chỗ, nó gắn liền với vấn đề đấu tranh cách mạng. Ngay từ khi đặt chân vào Việt Nam nó đã không tách rời những vấn đề chính trị, tư tưởng hệ của thời đại. Trước hết, lý luận chủ nghĩa hiện thực được truyền bá bởi các nhà hoạt động cách mạng, những người theo lý tưởng cộng sản. Thứ nữa, việc giới thiệu lý luận này hướng đến mục tiêu lớn nhất là: đánh đổ văn học duy tâm, phong kiến, tư sản, chủ nghĩa lãng mạn, tượng trưng, siêu thực, “làm cho chủ nghĩa tả thực xã hội chủ nghĩa thắng”. Phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa có vai trò chính trị của nó (khẩu hiệu văn học là vũ khí sắc bén): bên cạnh việc đấu tranh về tông phái văn nghệ, nó còn tham gia xây dựng nền văn học nghệ thuật mới, nền văn hóa hiện thực xã hội chủ nghĩa; phê phán xã hội cũ, khẳng định con người mới, cuộc sống mới, khẳng định tính đảng cộng sản, tính ưu việt của chế độ mới - rộng hơn là tham gia khẳng định tính tất yếu của việc tiến lên xã hội xã hội chủ nghĩa. Do phải gánh nhiệm vụ chính trị như thế, phương pháp sáng tác hiện thực xã hôi chủ nghĩa thường thiên về miêu tả những cái có lợi cho ta, tránh miêu tả những cái bất lợi cho cách mạng. Nhiệm vụ này đã được Trường Chinh khẳng định: “hiện thực xã hội chủ nghĩa là một phương pháp sáng tác văn nghệ tả sự thật trong xã hội đang phát triển theo những quy luật khách quan dẫn đến chủ nghĩa xã hội… Thái độ của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là thái độ khách quan. Có những sự thật khách quan không có lợi cho ta, ví dụ: một trận ta thua chẳng hạn, ta

xem nhận thấy các chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh như thế nào, vì sao ta thua, trong cái thua ấy đâu là phần ta thắng và mặc dù thua, binh sĩ ta vẫn không hề nao núng, vì ai nấy đều hăm hở học tập, rút kinh nghiệm để chuẩn bị giành thắng lợi trong những trận tới” .

Chính Lê Đình Kỵ trong khi vận dụng lý luận chủ nghĩa hiện thực vào xem xét trường hợp Truyện Kiều cũng không hoàn toàn đứng trên quan điểm học thuật để giải quyết vấn đề văn học mà chịu sự chi phối của ý thức hệ bấy giờ. Trong Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du, nhiều lần tác giả dẫn các ý kiến bàn về phương pháp sáng tác chủ nghĩa hiện thực [xã hội chủ nghĩa] của các nhà kinh điển Mác xít và khẳng định cần phải quát triệt quan điểm mác xít về vị trí của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong nền văn nghệ mới.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề vận dụng lí luận về chủ nghĩa hiện thực trong truyện kiều và chủ nghĩa hiện thực của nguyễn du (lê đình kỵ)​ (Trang 41 - 45)