Giá trị nổi bật của công trình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề vận dụng lí luận về chủ nghĩa hiện thực trong truyện kiều và chủ nghĩa hiện thực của nguyễn du (lê đình kỵ)​ (Trang 67 - 73)

7. Đóng góp của luận văn

2.4. Giá trị nổi bật của công trình

Công trình Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du có hai đóng góp nổi bật.

Thứ nhất, với một tư duy lý luận sắc bén, một vốn hiểu biết sâu sắc về lịch sử văn học, Lê Đình Kỵ đã chỉ ra và phân tích thuyết phục vị trí của

Truyện Kiều: tác phẩm này là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử văn học dân tộc, “đặt nền móng đầu tiên vững chắc cho sự phát triển của nền văn học hiện thực chủ nghĩa ở nước ta” [22, tr.7], chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du chịu sự ràng

buộc của mỹ học đương thời: “cái lớn của Nguyễn Du không phải. ở chỗ cắt đứt liên hệ với nền văn học quá khứ và đương thời, mà ở chỗ, thông qua những khuôn khổ, những quy ước định sẵn, Nguyễn Du đã tìm được con đường dẫn tới chủ nghĩa hiện thực, bằng sự kết hợp sinh động, tài tình” [22, tr.7].

Thứ hai, Lê Đình Kỵ đã chỉ ra được cái hay cái đẹp, cái tài tình của nghệ thuật Truyện Kiều và diễn đạt vẻ đẹp ấy bằng một văn phong hấp dẫn, khúc chiết.

Ông chỉ ra thành công của Nguyễn Du trong sử dụng các chi tiết, đi vào phân tích tính cụ thể sinh động trong bút pháp miêu tả, khắc họa tâm lý nhân vật của Nguyễn Du rồi tiến đến nhận định khái quát, khẳng định công lao của Nguyễn Du, sự mới mẻ của Truyện Kiểu. Chẳng hạn phần viết về tính chân thực của sự thể hiện, bút pháp, ngôn ngữ (chương 4, phần 2): “Đối với Nguyễn Du, một nét mặt, một màu da, một dáng điệu, một cử chỉ, một tư thế, không chỉ là cái bên ngoài, mà thông qua đó có thể làm hiển hiện ra cái thần của nhân vật… Nguyễn Du chú trọng ghi lại những cái còn tươi rói chất sống ấy và chỉ với vài nét là nhân bật được khắc họa” [22, tr.367]; “Truyện Kiều

kết trong nó cái thanh tao, trau chuốt của Hoa tiên, cái thướt tha kiều diễm mà rất xao động của văn Chinh phụ ngâm, và cái tươi mới phóng khoáng của văn

Sơ kính tân trang” [22, tr.375], “ngôn ngữ Truyện Kiều kết hợp được cái diễm lệ tao nhã của những áng ngâm tiêu biểu và cái mặn mà ý vị của lời ăn tiếng nói hàng ngày. Văn chương Truyện Kiều có được cái sức vang, sức gợi lạ lùng của ca dao, cái hàm súc đậm đà trong hình ảnh và trong suy tưởng của các thể thơ phú cổ điển. Chưa bao giờ khả năng tiếng Việt được biểu hiện đầy đủ như trong Truyện Kiều. Cũng chưa bao giờ thể thơ lục bát lại nhịp nhàng, uyển chuyển, óng chuốt thiên biến vạn hóa như với Truyện Kiều’ [22, tr.376]. Giọng điệu và ngôn ngữ bình thơ của Lê Đình Kỵ rất giàu cảm xúc và đặc biệt tinh tế, chẳng hạn đoạn tác giả bình về nhịp sống, nhịp đậm của trái tim nhân vật: “chưa bao giờ một tác phẩm văn học Việt Nam thời phong kiến mà

lại có được cái nhịp sống gấp rút, khẩn trương như trong Truyện Kiều… chưa bao gờ cái bước đi của thời gian lại hiện ra một cách không phương cứu chữa - nhói vào trái tim người như thế, vừa thúc giục, vừa hối hả, vừa tiếc rẻ mênh mông.. Đã!Đã!Đã… Nguyễn Du như kêu lên với chúng ta. ‘Cuộc sống trôi qua.!’ Không phải là chuyện quang âm thấm thoát, chuyện ngựa chạy qua cửa sổ, mà là cái bước đi như sờ mó được của thời gian, cái dấu vết của nó hằn lên trên những hy vọng, chờ mong, đau thương, khổ nhục của con người và bàng bạc khắp nơi, khắp chốn” [22, tr.171] Rõ ràng, Lê Đình Kỵ đã điểm rất trúng những thành công về nghệ thuật của Truyện Kiều, đã chỉ ra cái sở trường, cái tài nghệ vô song của Nguyễn Du trong phân tích và diễn tả tâm lý, số phận của nhân vật.

Ngòi bút của Lê Đình Kỵ không chỉ tinh tế, nhạy cảm mà còn thực sự uyên bác. Nếu không phải là một chuyên gia về phương pháp sáng tác, và am hiểu thực tiễn văn học, Lê Đình Kỵ không thể có những xét ngắn gọn và chính xác như sau: “quan niệm văn dĩ tải đạo của văn học thời phong kiến tất yếu đưa đến sự lý tưởng hóa. Nhân vật tượng trưng cho chính nghĩa hay gian tà, bị lý tưởng hóa đã đành, mà ngay cả những nhân vật không trực tiếp ‘chở đạo’ đến cho người dời cũng bị lý tưởng hóa. Điều này không có gì lạ, bởi vì ngoài lý tưởng trung hiếu tiết nghĩa, lại có những lý tưởng khác: tài tử giai nhân, cầm kỳ thi tửu, ngư tiều canh mục… [22,tr.398], “trước chủ nghĩa hiện thực, điển hình hóa gắn liền với lý tưởng hóa. Nó xuất phát từ tiền đề chủ quan, từ quan niệm tiên nghiệm trước khi xuất phát từ sự kiện đời sống. Lý tưởng hóa không nhất thiết là làm cho đẹp hơn, cho đạo đức hơn, nhằm đạt tới cái toàn mỹ toàn thiện, mà có thể là làm cho xấu hơn, cho đạt cái xấu mẫu mực, cái xấu lý tưởng. Nghĩa là sự lý tưởng hóa bao gồm cái chính diện cũng như cái phản diện, cái thiện cũng như cái ác” [22, tr.400]; “với chủ nghĩa hiện thực, mọi khuôn khổ đều bị nứt rạn, những quy phạm đều phá sản trước sự thật sinh động, muôn màu vẻ của đời sống, chủ nghĩa hiện thực không chấp

nhận những con đường mòn, sự vẽ vời trang sức. Chân lý cuộc sống tự nó đã hấp dẫn rồi” [22, tr.403].

Văn của Lê Đình Kỵ giàu cảm xúc, những đoạn viết về vẻ đẹp của

Truyện Kiều, tài năng của Nguyễn Du, đã thể hiện rõ một niềm say mê, ngưỡng mộ tài năng bậc thầy của đại thi hào dân tộc. Đơn cử đoạn phân tích sau: “câu thơ Kiều thường thỉ uyển chuyển thướt tha, ngọt ngào tình tứ, nhưng khi cần gắn liền với cuộc đời của Từ Hải, nó không thể không mang khí thế mới. Cảm hứng của truyện đã thay đổi, đòi hỏi người nghệ sĩ phải vươn tới nữa, tự vượt lên mình. Nguyễn Du tỏ ra không chỉ sở trường ở việc thể hiện những tình tự riêng tây, những rung động khát khao của những trái tim yêu đương, những bâng khuâng rạo rực sau đắm của mối tình đầu, những nỗi buồn man mác hay tái tê, những thương nhớ thường tình và những đau khổ cũng không kém thường tình. Nguyễn Du tự nâng mình lên đến cảm hứng sử thi, với những bút pháp và âm hưởng thích hợp để thể hiện cái hùng tráng của bước đi rung chuyển của những đoàn quân, của tiếng reo hò chứa chan hy vọng của quần chúng đã nổi dậy, mặc dù về chủ quan, Nguyễn Du chưa hẳn đã có ý thứ đúng đắn về sự chuyển mình của lịch sử. Phải vùng lên như Từ Hải đã vùng lên. Và chúng ta đã có những đoạn văn hào hùng sảng khoải, xứng đáng với một bản anh hùng ca chân chính. Tính đa dạng trong bút của Nguyễn Du được quy định bởi những tình huống cụ thể và những tâm trạng cụ thể” [22, tr.381].

Không còn nghi ngờ gì nữa, bên cạnh một điểm tựa lý luận sắc bén, linh hoạt, Lê Đình Kỵ đã cho thấy sở trường của ông trong việc thẩm bình nghệ thuật khắc họa nhân vật, ngôn ngữ và bút pháp của Nguyễn Du. Văn của Lê Đình Kỵ giàu cảm xúc mà vẫn rất chặt chẽ, khúc chiết, do đó cũng giàu sức thuyết phục.

Không phải đến Lê Đình Kỵ nội dung xã hội của Truyện Kiều mới được làm sáng tỏ. Hoài Thanh cũng hướng các nghiên cứu của mình tới giá trị

chính trị, thiên về vấn đề giai cấp luận. Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa cũng tiếp cận Truyện Kiều từ bình diện xã hội học, chỉ ra được giá trị phản ánh xã hội của Truyện Kiều. Nhưng phải nói rằng, chỉ đến khi nghiên cứu phương pháp sáng tác chủ nghĩa hiện thực như Lê Đình Kỵ mới có một bước tiến theo hướng tăng cường sự khám phá chất văn chương của tác phẩm, với năng lực phê bình tinh tế, cảm nhận sâu sắc. Nếu nghiên cứu của Hoài Thanh trong “Quyền sống của con người trong Truyện Kiều” mới chạm đến một số nét nghệ thuật ngôn từ của Truyện Kiều, Trương Tửu trong Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du chỉ nhấn mạnh nội dung tư tưởng của tác phẩm thì phải ghi nhận rằng, đến Lê Đình Kỵ đã có một bước tiến rõ rệt, ở đây Lê Đình Kỵ đã bàn sâu sắc về mỹ học của Truyện Kiều.

Tiểu kết chương 2

Lê Đình Kỵ vừa dịch thuật, dạy học, vừa viết nghiên cứu phê bình văn học. Các công trình dịch thuật, nghiên cứu phê bình, và giáo trình mà ông đảm nhiệm biên soạn ở bậc đại học được tiến hành trong không khí học thuật đặc biệt của miền Bắc: tiếp nhận hệ thống lý luận văn học Liên xô và quan điểm văn nghệ Diên An, phê phán các học thuyết tư sản, đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội thắng…

Xét riêng về mặt học thuật, có thể nói, Lê Đình Kỵ có nhiều đóng góp trong việc du nhập hệ tri thức mỹ học, lý luận văn học của Liên xô vào Việt Nam. Ông là một nhà nghiên cứu xã hội học văn học mác xít tiêu biểu; là một trong những chuyên gia về phương pháp sáng tác trong văn học nghệ thuật. Công trình Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du cho thấy ông là một nhà nghiên cứu có phương pháp và cũng nhờ có phương pháp nên nghiên cứu của ông chứa đựng nhiều luận điểm có lý, mới mẻ. Lê Đình Kỵ có một vốn hiểu biết sâu sắc về lịch sử thế kỉ XVIII- XIX, cuộc đời Nguyễn Du, căn cứ vào văn bản và hệ thống hình tượng trong Truyện Kiều để khẳng định, sự xuất hiện của một chủ nghĩa hiện thực phôi thai, một chủ nghĩa hiện thực trong giai đoạn sơ kì của nó. Bên cạnh những phân tích lý giải thuyết phục về nội dung xã hội, tác giả đã có nhiều phát hiện tinh tế về nội dung mỹ học của tác phẩm.

Chương 3

CÁC Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ CỦA

GIỚI NGHIÊN CỨU VỀ CÔNG TRÌNH TRUYỆN KIỀU VÀ

CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC CỦA NGUYỄN DU CỦA LÊ ĐÌNH KỴ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề vận dụng lí luận về chủ nghĩa hiện thực trong truyện kiều và chủ nghĩa hiện thực của nguyễn du (lê đình kỵ)​ (Trang 67 - 73)