của “nữ thi nhân đồng thời cũng là nữ tình nhân”
Tuổi thơ thiếu vắng tình yêu thương, lúc trưởng thành lại sớm phải nếm trải những đổ vỡ, cay đắng trong hôn nhân và tình yêu. Ngần ấy vết thương lòng cũng là quá đủ để lấy đi niềm vui sống của một người phụ nữ, lại chưa kể áp lực của cuộc sống mưu sinh vốn đã khó khăn, chật vật. Tuy nhiên, người phụ nữ có vẻ ngoài nhỏ bé, mỏng manh ấy lại có một nghị lực sống phi thường. Tác giả Kiều Vân trong bài viết “Thơ Xuân Quỳnh – Niềm khát khao yêu” đã ví chị “ tựa như một cây xương rồng kiên cường và kì diệu trên sa mạc, đã vắt kiệt mình để nở những bông hoa tuyệt quý cho cuộc đời”. Và chúng tôi xin được tặng cái danh hiệu “những bông hoa tuyệt quý” cho những sáng tác thơ tình yêu của chị. Nó quý vì đã mang đến bao hương sắc lạ cho vườn thơ tình yêu Việt Nam trước và cùng thời với chị.
Ở chương 1, trong phần khảo sát diễn ngôn của người phụ nữ trong lịch sử thơ tình Việt Nam, chúng tôi đã luận giải từ góc nhìn văn hóa nam quyền (đặc biệt là văn hóa ứng xử giới) để đi đến kết luận: Lịch sử diễn ngôn của người phụ nữ Việt Nam truyền thống trong địa hạt thơ tình là một “Lịch sử câm lặng và giông bão”(Trần Huyền Sâm,2009, Siêu lí đàn bà nhìn từ góc độ giới, Hồn Việt Quốc học, www. Honvietquochoc.com.vn). Thực tế đã chứng minh, trong văn học dân gian, tiếng nói yêu đương thuộc đặc quyền của nam giới, tiếng nói của nữ giới cất lên mới chỉ là tiếng hát than thân, trách phận chứ chưa phải là những tỏ bày trực tiếp tình yêu đôi lứa. Mười thế kỉ trung đại của văn học viết Việt Nam, lực lượng sáng tác thơ tình vẫn thuộc về “giới thứ nhất”. Sang đầu thế kỉ XX, dù bối cảnh văn hóa đã có nhiều đổi khác nhưng các nhà thơ nam vẫn độc chiếm thi đàn tình yêu. Người phụ nữ hiện đại vẫn rụt rè hoặc né tránh viết về tình yêu của giới mình. Phải đợi đến những năm sau 1945, thi đàn Việt Nam mới có sự hiện diện của các nhà thơ nữ viết về tình yêu. Trong số những nữ thi nhân đương thời, Xuân Quỳnh được đánh giá là gương mặt tiêu biểu nhất
Trong cuộc gặp mặt với các nhà thơ Á Phi ở Liên Xô mùa hè năm 1987 Xuân Quỳnh phát biểu: “Người ta làm thơ đầu tiên là để tự thể hiện, là một hành động khẳng định.”. Do vậy, đến với những sáng tác tình yêu của người con gái làng La Khê ấy, người đọc có thể tìm thấy bản ngã của một người đàn bà vừa táo bạo, mãnh liệt, vừa đằm thắm, dịu dàng. Không cần phải ao ước “đổi phận làm trai” như nữ sĩ
tiền bối thuở nào, cũng không cần chờ các nhà thơ nam lên tiếng hộ, người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh trực tiếp mạnh dạn bộc lộ những khát vọng tình yêu tha thiết, nồng nàn:
Lòng em nhớ đến anh Cả trong mơ còn thức
Nỗi nhớ là cung bậc cảm xúc đầu tiên và có lẽ cũng là trắc nghiệm tâm lí duy nhất cho sự hiện hữu và tồn tại của tình yêu đôi lứa. Luôn da diết, khắc khoải trong những khát vọng tình yêu, trái tim Xuân Quỳnh dường như chưa bao giờ thanh thản. Cả trong cõi thực và cõi mộng, cả tiềm thức và vô thức, nỗi nhớ người yêu lúc nào cũng choán ngợp con tim. Và “ Nếu còn một cõi nào khác nữa thì người phụ nữ
ấy cũng sẽ dành trọn cho tình yêu”(Chu Văn Sơn, Thơ điệu hồn và cấu trúc,
NxbGD, 2007, tr268). Để rồi, như một nhu cầu cần giải tỏa, cần thổ lộ, người phụ nữ trong thơ chị không còn ngại ngùng giữ ý mà tự cất lên tiếng lòng thành thực của mình. Diễn ngôn tình yêu của chị vì thế còn trở nên mới mẻ với cả những nữ tác giả cùng thời. Nếu Xuân Quỳnh thẳng thắn bộc bạch: “Lòng em nhớ đến anh” thì Ý Nhi lại rụt rè, ngập ngừng cầu xin thụ động: “Xin anh/ Trong niềm vui/ Nhớ đến em” (Mùa thu). Ngay cả với Xuân Diệu, “Ông hoàng thơ tình” của tuổi trẻ Việt Nam, nỗi nhớ trong tình yêu dẫu được thể hiện một cách vồ vập, cuồng nhiệt: “Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh./ Anh nhớ em, anh nhớ lắm! em ơi.” nhưng vẫn thiếu cái da diết, lắng sâu. Nỗi nhớ của “em” trong thơ Xuân Quỳnh cũng mãnh liệt như “anh” trong thơ Xuân Diệu ở cõi thực nhưng lại còn thao thức cả trong cõi mơ. Tình yêu của “em” đủ lớn để vượt qua mọi trạng huống của không gian, thời gian, vượt qua cả những thử thách, éo le, những giông tố trong cuộc đời để hướng về “anh” bằng một tình yêu chung thủy.
Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ Hướng về anh một phương
(Sóng)
Thậm chí tình yêu ấy còn bền bỉ tỏa sáng ngay cả khi “em” đã giã từ cuộc sống:
Em trở về đúng nghĩa trái tim em Là máu thịt đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.
(Tự hát)
Trái tim con gái trong thơ Xuân Quỳnh là vậy đó, tham lam tình yêu, bận bịu với tình yêu và hình như cũng dại khờ quá đỗi trong tình yêu. Ngừng đập rồi mà vẫn muốn được sống cho tình yêu. Giá như chị cứ hờ hững một chút, dè dặt một chút như cô gái nào đó trong thơ Ý Nhi thì có lẽ đã không phải nếm trải nhiều cay đắng đến thế trong tình yêu: “Tim con gái, trái tim con gái/ Chẳng đủ tin để gánh phong trần/ Thương yêu chút đã dừng chân lại/ Kẻo xa xôi lại bảo “không gần”.”(Tim con gái). Nhưng giá như vậy thì tiếng thơ tình yêu của Xuân Quỳnh có còn vọng về trong lòng bạn đọc hôm nay và mai sau?
Viết về tình yêu của giới mình, khác với các tác giả nam, Xuân Quỳnh không phải nhập vai, càng không phải “mượn giọng”, “giả giọng”. Nhìn nhận và khám phá tâm hồn người phụ nữ bằng cách nhìn, cách cảm của người đồng giới, chị đã mang đến cho người đọc những cảm nhận đầy đủ hơn về người phụ nữ vốn trước đây chỉ được nhìn nhận thiên lệch dưới con mắt nam quyền:
Dữ dội và dịu êm Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình Sóng tìm ra tận bể
Như chúng tôi đã nói, thuyết “Tam tòng” trong xã hội nam quyền đã cột chặt người phụ nữ trong các mối quan hệ gia đình. Hàng nghìn năm nay, họ chưa bao giờ dám bước ra khỏi cái không gian bé nhỏ, tù túng, đơn điệu của bếp núc, cửi canh để khẳng định mình, để được sống là mình với tất cả những khát khao chính đáng mà văn hóa nam quyền cũng như văn học xưa chưa một lần trân trọng. Giờ đây, bước vào thơ Xuân Quỳnh, người con gái được khám phá ở góc độ giới, có cơ hội để tự hiểu mình và thể hiện mình trước một nửa nhân loại. Sự tinh tế, huyền diệu và cũng đầy bí ẩn của tâm hồn người con gái khi yêu chưa bao giờ trở thành đối tượng phản ánh của văn học quá khứ đã được Xuân Quỳnh diễn tả thật sinh động và sâu sắc.Từ những đặc tính trái ngược nhau của sóng (dữ dội, ồn ào và dịu êm, lặng lẽ), thi sĩ đã liên tưởng đến tâm trạng của người con gái khi yêu: buồn, vui thất thường; khóc, cười, giận hờn vô cớ; dịu dàng, đằm thắm đấy mà cũng mạnh mẽ, táo bạo vô cùng…Những cung bậc cảm xúc, những đổi thay tính cách ấy, khi yêu, người con gái nào chẳng một lần trải nghiệm. Để rồi, đọc Sóng, cảm Sóng, họ đều tìm thấy mình trong đó, đồng điệu và tri âm cùng tác giả. Trong sóng có em và trong em có sóng. Phát hiện tinh tế này chỉ có thể có ở trái tim mẫn cảm, chỉ có thể là sản phẩm tư duy của một người phụ nữ đang yêu và khao khát yêu như Xuân Quỳnh. Và bằng cái nhìn của người trong cuộc, chị tiếp tục phát hiện ra sự tương đồng nữa giữa sóng và em. Hành trình sóng từ bỏ không gian chật hẹp là sông để
đến một không gian rộng lớn hơn là biển nhằm thỏa mãn khát vọng tìm hiểu mình cũng chính là hành trình người con gái muốn đi từ tình yêu bé nhỏ của mình đến biển tình nhân loại để khám phá, khẳng định bản thân cũng như để khám phá, lí giải tình yêu của chính mình. Khát vọng thật táo bạo! Câu thơ cất lên đầy tự tin, dứt khoát, “là một tiếng nói đầy kiêu hãnh về giới mình” ( Chu Văn Sơn, Thơ điệu hồn và cấu trúc, NXBGd, tr264). Phải chăng sự chủ động tìm hiểu bản thân trong quan hệ tình yêu đôi lứa đã nâng cao vị thế của người con gái, làm thay đổi cách nhìn truyền thống về người phụ nữ mà xã hội nam quyền đã tạo nên.