- Và tình yêu không ai khác ngoài anh Người trai mới vài lần thoáng gặp
3.2.2.2. Trái tim, bàn tay – biểu tượng của yêu thương và hạnh phúc.
Nếu đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn thì trái tim được coi là biểu tượng cho thế giới tâm hồn ấy - một thế giới đầy phức tạp và bí ẩn của con người mà không ai có thể biết được “chiều sâu và bến bờ của nó”. Văn học Đông, Tây, kim cổ đều viết về hình ảnh trái tim như một đối tượng khám phá và cũng là biểu tượng đẹp nhất của đời sống tinh thần con người. Riêng trong lĩnh vực thơ tình, có lẽ chưa có một thi sĩ tình yêu nào lại chưa từng viết về hình ảnh trái tim. Trong thơ Xuân Quỳnh, hình
ảnh này trở đi trở lại nhiều lần như một biểu tượng của niềm khát khao hạnh phúc, khát khao dâng hiến và chở che, hi sinh cho người mình yêu – một phẩm chất dường như vừa là bản năng, vừa là thiên bẩm của giới nữ.
Em trở về đúng nghĩa trái tim
Biết làm sống những hồng cầu đã chết
Biết lấy lại những gì đã mất
Biết rút gần khoảng cách của tin yêu
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Biết khát khao những điều anh mơ ước
Biết xúc động qua nhiều nhận thức
Biết yêu anh và biết được anh yêu (Tự hát)
Dưới góc nhìn của khoa học, con người bao gồm hai phương diện quan trọng là Thân (thân thể gắn với đời sống bản năng) và Tâm (tâm lí, cảm xúc, tâm tư…toàn bộ thế giới tâm hồn của con người). Khi nào con người được nhìn nhận, trân trọng và được sống đúng là mình, sống cho mình ở cả hai phương diện trên, khi đó con người mới thật sự được sống một cuộc sống theo đúng nghĩa. Tuy nhiên, như chúng tôi đã trình bày ở chương 1, trong xã hội và văn hóa nam quyền, hàng loạt những quan niệm, quy định cổ hủ, khắc nghiệt của nho giáo về đạo đức, sắc đẹp, tình yêu, tình dục…đối với người phụ nữ đã khiến cho họ bị đối xử bất công, chịu rất nhiều thiệt thòi trong gia đình và ngoài xã hội. Suốt cả một thời gian dài, trải qua biết bao nhiêu thế hệ, người phụ nữ chưa bao giờ được xã hội nhìn nhận và trân trọng ở cả hai phương diện Thân và Tâm. Họ luôn phải khắc chế bản thân cũng như kìm nén, giấu kín trong lòng những tâm tư, cảm xúc của cá nhân mình.Với những xúc cảm trong tình yêu thì lại càng phải câm lặng. Thực trạng này còn hiện diện ở cả những người phụ nữ sống trong xã hội hiện đại. Với riêng Xuân Quỳnh – người phụ nữ giàu bản năng và ý thức phái tính, chị đã xác lập được vị thế cao hơn
của người phụ nữ ngày nay so với người phụ nữ xưa. Chị không ngần ngại căng lọc mình trên trang giấy, đặt cả trái tim mình vào giữa trang thơ làm đối tượng để cảm nhận, khám phá, để giãi bày và tìm sự đồng điệu, đồng cảm. “Em trở về đúng nghĩa trái tim em” – câu thơ được láy lại nhiều lần, vang lên như một điệp khúc diễn tả niềm kiêu hãnh của nữ sĩ khi được sống và đã sống đúng là mình, trở về với bản thể, sống với những gì thật nhất của con tim. Đó là trái tim biết thực hiện đúng chức năng sinh học là duy trì sự sống (bảo vệ phương diện Thân của con người); một trái tim không biết dối lừa, sống đúng nghĩa, sống trọn vẹn và hết lòng cho tình yêu của mình; một trái tim biết khước từ những cám dỗ của giàu sang, hào nhoáng để một lòng vun đắp cho tình yêu, sẵn sàng hi sinh vì tình yêu và người mình yêu. Một trái tim đa cảm, đa mang và rất đỗi đàn bà. Có lẽ chưa bao giờ trong thơ Việt Nam, hình ảnh trái tim người phụ nữ lại hiện lên như một biểu tượng tròn đầy của khát vọng yêu thương đến thế. Để rồi chỉ cần nhận được một chút ít ỏi của yêu thương, hạnh phúc, trái tim ấy cũng rung lên những nhịp đập bồi hồi:
Khi anh nói yêu em, trái tim em đập chừng mạnh quá.
Mạnh đến nỗi em tưởng là nghe rõ
Tiếng tim anh đang đập vì em
(Thơ viết cho mình và những người con gái khác)
Dịu dàng, kín đáo, bị động, rụt rè không còn là thước đo duy nhất cho vẻ đẹp của người phụ nữ hiện đại. Trong thơ mình, Xuân Quỳnh đã mang đến một khám phá mới về nữ tính cho giới mình, đó là cái đẹp còn thể hiện ở sự tự tin, chủ động, sự mạnh mẽ dám sống là mình với tất cả những nỗi niềm, khao khát của bản thân.
Chỉ riêng điều được sống cùng nhau
Niềm sung sướng với em là lớn nhất
Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực
Giây phút nào tim chẳng đập vì anh
(Chỉ có sóng và em)
Hình tượng trái tim trong thơ Xuân Quỳnh đã trở thành một phương tiện linh diệu nhất để chị trang trải lòng mình và kiếm tìm sự tri âm. Có phải dại khờ không
khi mà trái tim ấy chưa lúc nào thanh thản, lúc nào cũng bận bịu với những lo toan, chăm sóc cho người yêu ngay cả khi nó đã mệt nhoài giữa dòng đời nhiều thác lũ:
Trái tim buồn sau lần áo mỏng Từng đập vì anh vì những trang thơ Trái tim nay mỗi phút mỗi giờ Chỉ có đập cho mình em đau đớn Trái tim này chẳng còn có ích Cho anh yêu, cho công việc, bạn bè.
(Thời gian trắng)
Trái tim người phụ nữ khi yêu thường bao dung và dũng cảm hơn. Với Xuân Quỳnh, sự bao dung lại càng không giới hạn. Trái tim ấy đã trở thành “chất keo”( Chu văn Sơn) để gắn kết yêu thương và hạnh phúc. Vậy nên lúc nào nó cũng muốn vượt thoát khỏi cái chu vi bé nhỏ của mình để vươn lên rộng lớn mà che chở, sưởi ấm cho người mình yêu dấu. Thậm chí nó còn muốn vượt ra ngoài cái giới hạn của lẽ tử sinh, cái hữu hạn của cuộc đời để được sống mãi trong một tình yêu vĩnh cửu:
…
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt đời thường ai chẳng có
Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi
(Tự hát)
Dù đã ngừng đập về mặt sinh học nhưng trái tim yêu của nữ sĩ Xuân Quỳnh vẫn mãi mãi cất lên lời “Tự hát” – khúc tình ca bất tử cho một tình yêu chân chính. Lấy trái tim làm biểu tượng thiêng liêng nhất cho tình yêu và khát khao hạnh phúc, thơ tình Xuân Quỳnh đã chạm đến phần sâu thẳm nhất của trái tim người đọc. Có thể nói, hơn hai mươi năm lao động nghệ thuật, “chị đã đi trên con đường lớn của
thơ, con đường đi từ trái tim và ở lại giữa những trái tim người đời. Đó là con đường khó nhất vì không phải hình ảnh, từ ngữ nào cứu được thơ mà chỉ có máu của trái tim, chỉ có bằng những rung cảm nhân bản mới mãi mãi là nguồn gốc của thơ và Xuân Quỳnh đã có được điều quý giá, đáng trân trọng nhất ấy của người nghệ sĩ” (Nguyễn Hòa Bình, Những tình cảm trắc ẩn trong thơ Xuân Quỳnh, sách Xuân Quỳnh tác phẩm và lời bình, Thùy Trang sưu tầm, tuyển chọn, NXB Văn học, 2013, tr241).
Trong thơ Xuân Quỳnh, nếu trái tim thể hiện khát vọng yêu thương và hạnh phúc của cuộc đời người phụ nữ thì bàn tay “sinh ra là để tuân theo ý nguyện của trái tim ấy” (Chu Văn Sơn, cánh chuồn trong giông bão). Nghĩa là nó mang sứ mệnh chở che, chăm sóc, bao bọc tình yêu bằng sức mạnh bản năng của người phụ nữ:
Trong tay anh, tay của em đây Biết lặng lẽ vun trồng gìn giữ Trời mưa lạnh tay em khép cửa Em phơi mền vá áo cho anh Tay cắm hoa tay để treo tranh
Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc Năm tháng đi qua mái đầu cực nhọc Tay em dừng trên vầng trán lo âu Em nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau Và góp nhặt niềm vui từ mọi ngả…
(Bàn tay em)
Đoạn thơ trên có thể coi là một định nghĩa về hạnh phúc của Xuân Quỳnh. Đâu cần mộng tưởng xa xôi, đâu cần giành giật cho máu tứa gai cào, người phụ nữ trong thơ chị cứ tận tụy, cần mẫn chắt chiu, gom nhặt từ niềm vui trong tổ ấm của mình. Hạnh phúc là được chăm sóc, chở che cho người mình yêu bằng chính đôi
bàn tay của mình. Giản dị, đời thường thôi nhưng đó là niềm hạnh phúc có thật, nó giúp chị vượt qua những giông tố cuộc đời. Vậy nên chị đã coi đôi bàn tay mặc dù thô vụng, gầy guộc, chai sần của mình như một thứ báu vật để dâng tặng cho người yêu:
Gia tài em chỉ có bàn tay
Em trao tặng cho anh từ ngày ấy
(Bàn tay em)
Chăm chút cho người yêu, vun vén giữ gìn tình yêu, đôi bàn tay chị trở thành biểu tượng của sự gắn bó và khát khao dâng hiến. Để rồi, nó trở đi trở lại như một ám ảnh nghệ thuật trong thơ Xuân Quỳnh. Trong tình yêu, thi sĩ này có thể tập trung bút lực miêu tả những cuồng nhiệt hưởng thụ ái tình của tuổi trẻ, thi sĩ kia có thể lấy cảm hứng cho thơ từ một ánh nhìn đắm đuối…riêng Xuân Quỳnh, “chỉ chọn cho mình một cử chỉ tay trong tay…để mà trụ vững trong cõi đời đầy bất trắc” ( Chu văn Sơn, cánh chuồn trong giông bão):
Tay ta nắm lấy tay người
Dẫu qua trăm suối ngàn đồi cũng qua
( Hát ru)
Dưới hai hàng cây Tay ấm cùng tay Cùng anh sóng bước
(Chồi biếc)
Đường tít tắp không gian như bể Anh chờ em cho em vịn bàn tay
(Bàn tay em)
“Tay trong tay” hay “Vịn bàn tay” đều gói gém trong nó bao ân tình và mong ước thiết tha của người phụ nữ, đó là mong ước được đồng cảm, được sẻ chia, được
tiếp sức, được tin tưởng và trên hết để người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh cảm nhận được hơi ấm, sức nóng của tình yêu thương từ người bạn sẽ cùng chị đồng hành trên suốt hành trình của cuộc đời vốn nhiều phong ba, lốc tố. Tuy nhiên, nữ tình nhân trong thơ chị không lặng lẽ đợi chờ một bàn tay trao cho mình sức nóng. Hãy đọc lại những câu thơ: Trong tay anh, tay của em đây/ Tay ta nắm lấy tay người/ Thấy anh về cuống quýt nắm bàn tay/ Tay ấm cùng tay/ Anh chờ em cho em vịn bàn tay, để thấy được người phụ nữ trong thơ chị ở mọi hoàn cảnh luôn chủ
động tìm kiếm, nâng niu, bảo vệ và vun đắp cho tình yêu. Đó là cá tính, là bản lĩnh của người phụ nữ hiện đại và cũng là bản sắc của tiếng thơ tình yêu Xuân Quỳnh không dễ gì tìm thấy ở những cây bút thơ tình khác.
3.3.Thời gian – không gian nghệ thuật.
Không – thời gian nghệ thuật là một phạm trù thuộc về thi pháp tác phẩm. “Là hình thức để con người cảm thụ thế giới và con người. Bởi vì người ta không thể cảm thụ bất cứ cái gì ngoài thời gian và không gian”(Nguyễn Khắc Phi, Trần Đình Sử - “Về thi pháp thơ Đường”- 1997, NXB Đà Nẵng. trang 6) Như vậy tìm hiểu thời gian, không gian nghệ thuật trong thơ tình của Xuân Quỳnh sẽ giúp chúng ta hiểu được cách cảm, cách nghĩ, cách nhìn cuộc sống của chị qua lăng kính tình yêu.