Thơ tình Xuân Quỳnh– những dự cảm, âu lo về sự mong manh, đổ vỡ của tình yêu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ tình của xuân quỳnh từ góc nhìn văn hóa (Trang 71 - 75)

2.6.Thơ tình Xuân Quỳnh – những dự cảm, âu lo về sự mong manh, đổ vỡ của tình yêu. tình yêu.

Thiếu tuổi thơ, Quỳnh viết cho trẻ thơ

Khát hạnh phúc, đi tìm hạnh phúc Tìm thấy chưa Quỳnh mà lo đánh mất Cái chết này có hết mọi âu lo?

(Tưởng niệm – Vân Long)

Người bạn thơ đã tưởng nhớ tới Xuân Quỳnh bằng những câu thơ thể hiện rõ niềm đồng cảm và tri âm sâu sắc. Phải chăng, từ khi “dính duyên vào bút mực”, chị đã tự chuốc lấy cái “số long đong” như một “cái nghiệp” của kẻ “bị giời đày làm thơ” vậy. Trái tim nhỏ bé của nữ sĩ chưa bao giờ có phút giây thanh thản, cứ thao thức không yên cho những khát vọng yêu đương cháy bỏng, cứ khắc khoải đến mệt nhoài vì những lo âu cho sự bền vững của tình yêu và hạnh phúc mà chị đã không dễ dàng có được.Vâng, âu lo, từ chỗ là một tính cách trong đời đã trở thành một bản sắc trong thơ Xuân Quỳnh. Nó hiện hữu trong suốt đời thơ chị, khi lộ diện, khi lẩn khuất và đặc biệt trở thành một nỗi ám ảnh trong những sáng tác cuối cùng của chị. Nó song hành và tỉ lệ thuận với những khát vọng tình yêu, khát vọng càng lớn, đam mê càng sâu thì nỗi âu lo càng khắc khoải hơn bao giờ hết:

Em lo âu trước xa tắp đường mình Trái tim đập những điều không thể nói Trái tim đập cồn cào cơn đói

Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn

( Tự hát)

Chị đang đối thoại với người yêu hay tự thoại với chính mình? Cả nghĩ? Nhạy cảm? hay đó là mặc cảm tuổi thơ côi cút, những ám ảnh của đổ vỡ và bất hạnh trong hôn nhân và tình yêu cứ theo sát cuộc đời chị, trở thành một thứ “bóng đè” lên mỗi trang thơ. Vậy nên người phụ nữ trong chị “lúc nào cũng cảm thấy phía trước là bất hạnh, là bão tố” (Vương Trí Nhàn – Xuân Quỳnh, cuộc đời để lại trong thơ). Để rồi, ngay cả khi sống trong hạnh phúc, khi lòng yêu còn tràn đầy hứng khởi, người ta vẫn thấy thơ chị hiện lên một nỗi phấp phỏng, âu lo – thoáng gợi thôi sao mà nhói buốt:

Mùa thu nay sao bão mưa nhiều

Những cửa sổ con tàu chẳng đóng Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh

(Tự hát)

Nghiên cứu thơ tình Xuân Quỳnh trong so sánh với thơ tình của các nữ tác giả cùng thời, Đoàn Thị Đặng Hương đã nhận xét: “trong thơ, Xuân Quỳnh đã hát một giọng riêng khác với ngay cả các tác giả nữ khác về tình yêu”.(Vân Long sưu tầm và tuyển chọn, Xuân Quỳnh thơ và đời, NXB Văn hóa, HN, 1998, tr221). Cái riêng, cái khác của thơ tình Xuân Quỳnh không chỉ thể hiện ở thái độ chủ động, táo bạo cất lên tiếng nói tình yêu với tất cả những khát khao mãnh liệt nhất của tâm hồn người phụ nữ từng khiến “những nhà thơ đàn ông phải nể vì” (Đoàn Thị Đặng Hương) mà còn riêng khác ở nỗi âu lo. Đó là bản năng, là phẩm chất và còn là “điệu hồn của Xuân Quỳnh. Điệu hồn ấy Xuân Quỳnh đã phổ trọn vẹn vào những tiếng thơ da diết nhất của mình”( Chu văn Sơn – Cánh chuồn trong giông bão).

Anh có nghe hoa rơi

Quanh chỗ mình đứng đó Hoa ơi sao chẳng nói

Anh ơi sao lặng thinh Đốt lòng em câu hỏi:

“Yêu em nhiều không anh?”

(Mùa hoa roi)

Với Xuân Quỳnh, tình yêu là “cứu tinh’ và cũng là “cứu cánh” của thi sĩ. Chị đặt toàn bộ niềm tin vào tình yêu – thế giới kiến tạo nên hạnh phúc nhưng lại cũng chứa đựng những bất thường có thể làm tiêu tan hạnh phúc bất cứ lúc nào. Tình yêu mang sức mạnh chở che nhưng cũng lại mong manh như cánh chuồn trong cơn bão. Là một người nhạy cảm, Xuân Quỳnh ý thức rõ điều này hơn ai hết, cho nên trong thơ chị, đồng hành với khát vọng chiếm lĩnh một tình yêu duy nhất, trọn vẹn, vĩnh hằng là nỗi hoài nghi về sự tồn tại lâu dài, sự còn/ mất, có/ không, ít/ nhiều của tình yêu. Và với tính cánh mạnh mẽ của mình, chị không thể như ai đó cứ âm thầm chịu đựng sự giày vò của những hoài nghi hoặc âm thầm dò xét đối phương. Chị cũng không thể tự ru vỗ lòng mình như cô gái trong thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ:

Em biết những lời yêu còn ở trong anh Như ốc đảo xanh miền sa mạc

Nhưng trước em anh vẫn lặng im như cát Chính điều này làm em yêu anh

(Không đề - Lâm Thị Mỹ Dạ).

Chị ứng xử theo cách riêng của mình: chủ động trực tiếp đặt câu hỏi với người yêu: “Yêu em nhiều không anh?”. Khát vọng yêu mãnh liệt tự đẩy con người có ý thức bảo vệ tình yêu bằng mọi giá. Và sự hoài nghi, nỗi âu lo kia phải chăng cũng chính là biểu hiện của ý thức bảo vệ ấy. Tâm trạng này còn trở về trên những vần thơ khác của chị:

- Lời yêu mỏng mảnh như màu khói

Ai biết lòng anh có đổi thay?

- Lời tình tự trăm lần trên ghế đá Biết lời nào giả dối với lời yêu

(Thơ tình cho bạn trẻ)

Nguy cơ tiêu tan hạnh phúc không chỉ đến bởi sự mong manh, bất thường của thế giới tình yêu mà còn bởi sự hủy diệt lạnh lùng của thời gian. Năm tháng trôi đi có thể làm tình yêu phai lạt; tuổi xuân hao mòn; nhan sắc tàn phai, thậm chí cả niềm tin cũng mất. Làm sao có thể bảo vệ hạnh phúc trước sự đe dọa của cả cái chủ quan và khách quan? Như một lẽ tự nhiên, nỗi âu lo ấy đã khiến người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh luôn có những dự cảm không lành:

- Này anh em biết

Rồi sẽ có ngày Dưới hàng cây đây Ta không còn bước Như người lính gác Đã hết phiên mình Như lá vàng rụng Cho trời thêm xanh

(Chồi biếc)

- Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn

Hôm nay yêu, mai có thể xa rồi ...

Điều hôm nay ta nói, ngày mai Người khác lại nói lời yêu thuở trước Đời sống chẳng vô cùng, em biết Câu thơ đâu còn mãi ngày sau

(Nói cùng anh)

Tình yêu và hạnh phúc là cái đích hướng tới, kiếm tìm của cả nhân loại. Giữ gìn và bảo vệ tình yêu, hạnh phúc luôn là nỗ lực không của riêng ai. Những giá trị thiêng liêng, cao quý của cuộc đời ấy ai chẳng cần có và muốn giữ thế nhưng sao chỉ thấy nó khắc khoải, thao thiết, nhói xót trong cả đời tư và đời thơ của Xuân Quỳnh đến thế!

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ tình của xuân quỳnh từ góc nhìn văn hóa (Trang 71 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)