Dường như con người phương Đông nói chung và người phụ nữ phương Đông nói riêng đặc biệt mẫn cảm với triết lí về thời gian và cuộc đời. Vũ trụ thì vô hạn, vô kì. Cuộc đời biến đổi vô thường. Đời người lại ngắn ngủi, nổi trôi. Thời gian cứ lạnh lùng trôi đi mà tuổi xuân không thắm lại hai lần … trong khoảng trăm năm, con người sẽ nát cùng cây cỏ. Là một người phụ nữ tinh tế, nhạy cảm, lại từng trải qua những được mất, buồn vui trong cuộc đời, hơn ai hết, Xuân Quỳnh luôn lo âu trước sự hủy diệt của thời gian đối với những giá trị sống của con người.Và có lẽ, trong muôn vàn mối lo âu, điều khiến chị khắc khoải hơn cả là làm thế nào để gìn giữ, bảo vệ tình yêu trước mọi sự xâm hại từ cuộc sống bên ngoài, trước những giới hạn của không gian và thời gian.
Tuy nhiên, âu lo không khiến chị nản lòng buông bỏ, ngược lại người phụ nữ có bản lĩnh hơn đời ấy đã chọn cho mình một cách ứng xử đầy thông minh và cũng đầy trách nhiệm. Vì cuộc đời không phải là cổ tích nên “chiếc đũa thần” hay “đôi hài vạn dặm”giúp con người chạy đua và chiến thắng thời gian chỉ là một tưởng tượng hoang đường. Chỉ có một cách là sống hết mình, sống trọn vẹn từng giây phút cho tình yêu và trong tình yêu:
Làm sao được tan ra Thành trăm con sóng nhỏ Giữa biển lớn tình yêu Để ngàn năm còn vỗ
(Sóng)
Lời thơ giản dị mà chứa đựng khát vọng thật lớn lao. Để chiến thắng thời gian, người con gái trong thơ Xuân Quỳnh ước ao được hóa thân tình yêu của mình thành trăm con sóng nhỏ để hòa vào biển lớn tình yêu của nhân loại. “Tan ra” nhưng không mất đi mà đó là cách để con sóng tình yêu bé nhỏ của chị không chỉ vỗ một thời, vỗ một đời mà ngân vang mãi mãi nơi biển khơi bất diệt. Như vậy, “tan ra” để mãi còn, để trường tồn, bất tử. Khát vọng vĩnh cửu hóa tình yêu không phải chỉ để Xuân Quỳnh bảo vệ tình yêu trước sự ngắn ngủi của kiếp người. Đó còn là cách để chị thể hiện một quan niệm giàu tính nhân văn: Tình yêu chân chính bao giờ cũng có đủ sức mạnh để vượt lên và chiến thắng mọi lẽ tử - sinh, còn - mất của cuộc đời. Chị đã sống và yêu với một niềm tin như thế. Và chị đã hát lên bằng thơ, bằng cả cuộc đời mình cho sức mạnh vĩnh hằng ấy của tình yêu:
Tình ta như hàng cây
Đã qua mùa gió bão Tình ta như dòng sông Đã yên ngày thác lũ
Thời gian như là gió Mùa đi cùng tháng năm Tuổi theo mùa đi mãi Chỉ còn anh và em
Chỉ còn anh và em Cùng tình yêu ở lại…
Phải chăng sáng tạo là cách nhà thơ nói lên bằng nghệ thuật những điều cảm nhận về thế giới, là giải tỏa những suy nghĩ, những uẩn ức chất chứa trong lòng, những dồn nén bên trong. Ở chiều sâu của sự sáng tạo bao giờ cũng là nhu cầu và khát vọng tự biểu hiện. Do vậy, có thể nói, qua thơ mình, Xuân Quỳnh đã tự ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc là một “nữ thi nhân đồng thời là một nữ tình nhân” dám yêu