- Và tình yêu không ai khác ngoài anh Người trai mới vài lần thoáng gặp
3.2. Các biểu tượng tình yêu trong thơ tình Xuân Quỳnh 1 Khái niệm biểu tượng.
3.2.1. Khái niệm biểu tượng.
Biểu tượng được hiểu là “khái niệm chỉ một giai đoạn, một hình thức của nhận thức cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn lại trong đầu óc sau khi tác động của sự vật vào giác quan ta đã chấm dứt.Theo nghĩa rộng, biểu tượng là đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng của văn học nghệ thuật. Theo nghĩa hẹp, biểu tượng là phương thức chuyển nghĩa của lời nói hoặc một loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt có khả năng truyền cảm lớn, vừa khái quát được bản chất của một hiện tượng nào đấy, vừa thể hiện một quan niệm, một tư tưởng hay một triết lí sâu xa về con người và cuộc đời” (Từ điển thuật ngữ văn học do Lê Bá Hán – Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên), Nxb GDVN, 2011, tr23,24).
Như vậy, là một phương thức chuyển nghĩa của lời nói, biểu tượng có quan hệ gần gũi với ẩn dụ và hoán dụ. Nó cũng được hình thành trên cơ sở đối chiếu, so sánh các hiện tượng, đối tượng có những phương diện, khía cạnh, những đặc điểm gần gũi, tương đồng, nhằm làm nổi bật bản chất, tạo ra một ý niệm cụ thể, sáng tỏ về hiện tượng hay đối tượng đó. Tuy nhiên, biểu tượng không phải bao giờ cũng là những ẩn dụ, hoán dụ, nó không loại bỏ ý nghĩa cụ thể, cảm tính của vật tượng trưng hoặc của hình tượng nghệ thuật. Ý nghĩa biểu tượng tồn tại cả ở ngoài văn bản mà chúng ta đang tiếp xúc bởi vì quá trình tạo nghĩa của mỗi biểu tượng thường có lịch sử lâu đời và ý nghĩa của biểu tượng cũng không ngừng được bổ sung theo thời gian.
Là hiện tượng lịch sử, biểu tượng chịu sự chi phối của ngôn ngữ, tâm lí, quan niệm của dân tộc và thời đại. Đồng thời, trong văn học cũng có rất nhiều biểu tượng in dậm dấu ấn cá tính sáng tạo của nhà văn, nhà thơ. Loại biểu tượng này thường chứa đựng nhiều ý tứ kín đáo, thâm trầm.
Đối với thơ ca, biểu tượng là yếu tố thẩm mỹ quan trọng, là phương tiện để nhà thơ thể hiện cảm xúc, tư tưởng cũng như tài năng nghệ thuật của mình. Đồng thời, việc giải mã các biểu tượng sẽ giúp người đọc thâm nhập được những tầng ý nghĩa sâu xa của tác phẩm, chiếm lĩnh trọn vẹn mọi thông điệp mà nhà thơ kí thác. Thậm chí trong quá trình tiếp nhận, từ việc cắt nghĩa, lí giải các biểu tượng, người đọc có thể rút ra được những điều vượt xa cả chủ ý sáng tạo của nhà thơ.
Những tri thức khái lược trên về biểu tượng và biểu tượng trong thơ là cơ sở khoa học để chúng tôi tìm hiểu các biểu tượng trong thơ tình yêu của Xuân Quỳnh. Kết quả khảo sát cho thấy thơ tình Xuân Quỳnh có cả một hệ thống biểu tượng vô cùng đa dạng và phong phú, tạo nên sức hấp dẫn riêng của mảng sáng tác mà chị đã trút vào đó gần như toàn bộ tâm huyết của mình. Tuy nhiên, trong khả năng và thời gian có hạn, chúng tôi chỉ tiến hành tìm hiểu những biểu tượng xuất hiện với tỉ lệ cao và có ý nghĩa tạo nên bản sắc riêng của hồn thơ Xuân Quỳnh cũng như nét khác biệt của chị so với các cây bút khác ở đề tài tình yêu.