7. Cấu trúc của luận văn
1.2.2. Tiểu thuyết có yếu tố tự truyện
Có thể thấy, xu hướng tự truyện không xa lạ với văn học phương Tây, nhất là tiểu thuyết Tây Âu thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX có nhân vật kể chuyện ở ngôi thứ nhất số ít (xưng tôi) có tham vọng ghi lại lịch sử tâm hồn con người từ cái nhìn bên trong. Chúng được coi là các tác phẩm tiểu thuyết tự thuật. Trong tiểu thuyết nói chung, cái tôi của tác giả đeo mặt nạ, không phải cái tôi mà là nhân vật của tôi. Còn trong tiểu thuyết tự truyện, cái tôi bộc bạch hết những điều thầm kín, thậm chí cả những tội lỗi, phơi trần mình ra trước ánh sáng. Có nhà văn lãng mạn cho rằng, trình bày tư truyện ra trước công chúng (une autobiographie publique) chẳng khác gì đem tư duy ra làm điếm (une prostitution de la pensée) trên trang sách. Nhưng có nhà lý luận cho rằng, tiểu thuyết tự truyện cũng có tác dụng thanh lọc tâm hồn (catharsis) của bi kịch, ở đây nhà văn đem phần trong sáng nhất của tâm hồn ra giãi bày trước công chúng [8, tr.78]. Các tác phẩm tự thuật trở thành lời tác giả thuật lại đời mình một cách tự nhiên và trung thực, mỗi bối cảnh của một giai đoạn trong cuộc đời là một chủ đề xếp thành tiểu thuyết, và tùy theo mỗi sự việc ấy mà tác giả bình luận hay lý luận để tỏ rõ tư tưởng, lập trường hay chí hướng của mình. Nói cách khác, cả về nội dung và hình thức nghệ thuật, những tác phẩm đó thể hiện rõ rệt chức năng của các tự truyện.
Trong văn học Việt Nam vốn ít có truyền thống tác giả tự kể chuyện đời mình, nhìn chung, cái tôi của nhà văn Việt khá kín đáo và không thích lộ diện. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tự truyện trở thành vấn đề được quan tâm, là một dòng chảy trong tiểu thuyết. Xuất hiện nhiều tiểu thuyết lấy chất liệu từ bản thân cuộc đời riêng tư của tác giả, những chi tiết mang tính tiểu sử của chính nhà văn, bộc lộ cái tôi cá nhân rõ nét: Thời xa vắng (Lê Lựu), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Chuyện kể năm 2000, (Bùi Ngọc Tấn), Thượng đế thì cười (Nguyễn Khải), Gia đình bé mọn (Dạ Ngân), Ba người khác (Tô Hoài) và hàng loạt các tiểu thuyết của Ma Văn Kháng từ Đám
cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ cho đến tiểu thuyết mới đây
Một mình một ngựa. Tuy nhiên, lưu ý không phải là tự truyện theo quy ước thể loại mà là những tiểu thuyết có khuynh hướng tự truyện. Khuynh hướng tự truyện đề cập ở đây bao gồm cả những tiểu thuyết mà yếu tố tiểu sử có tính tham chiếu rõ ràng, chẳng hạn Thượng đế thì cười (Nguyễn Khải), hay ngược lại. Thực tế đó cho thấy có không ít nhà văn đã viết những tác phẩm trong đó người thật, việc thật lấn át vai trò của hư cấu. Với họ thì cuộc đời chính là vốn tư liệu sâu sắc, khiến tác phẩm trở nên hấp dẫn hơn. Tất nhiên không phải cứ đưa thẳng người thật, việc thật vào những trang viết thì tác phẩm sẽ thành công. Bởi lẽ, đời sống hàng ngày dù đa dạng phong phú đến đâu cũng không thể cung cấp cho người viết tiểu thuyết một nhân vật (hay một cốt truyện) hoàn chỉnh. Do vậy, trong vô vàn những gương mặt đời thường, giữa muôn ngàn những biến cố của hiện thực, người viết tiểu thuyết đồng hóa và tái hiện bức tranh đời sống bằng phương thức chọn lọc, tổng hợp và sáng tạo. Tô Hoài cho rằng viết văn là một nghề mà học trò phải khác với ông thầy, phải viết được cái gì trên ông thầy. Mục đích của tự truyện là tìm hiểu một con người có thật với lịch sử hình thành nhân cách, còn tiểu thuyết, mặc dù cũng sử dụng nhân vật, cốt truyện đó nhưng được hư cấu hóa, hoặc được cấp cho một lớp vỏ hư cấu. Xu hướng tự truyện trong tiểu thuyết là việc nhà văn lấy chất liệu từ bản thân cuộc đời riêng tư của tác giả, những chi tiết mang tính tiểu sử của chính nhà văn nhưng tất cả đã được tiểu thuyết hóa theo yêu cầu thể loại. Nghĩa là nhà văn đã đem lại cho câu chuyện kể về đời mình những màu sắc của tiểu thuyết trong sự kết hợp hài hòa với tự truyện. Các tác phẩm theo khuynh hướng này cho thấy cái tôi giàu trải nghiệm với những biến cố đặc biệt của đời tư cá nhân đặt trong không gian xã hội rộng lớn và trải dài theo dòng chảy thời gian đời người. Bởi hiện thực trong tiểu thuyết không hiện lên như một mặt phẳng mà trở nên hỗn độn, đa tầng. Tiểu thuyết giờ đây không còn là tấm gương soi của thời đại, không chỉ là tiếng nói của dân tộc và thời
đại mà quan trọng hơn còn là phát ngôn thể hiện tư tưởng, quan niệm riêng của người nghệ sĩ. Khi nhà văn lấy đời mình làm chất liệu, dễ đem đến lòng tin cho độc giả, nó ngầm nói với họ rằng câu chuyện tôi đang kể là có thật, những kinh nghiệm sống của cá nhân cũng là thật. Do vậy, khuynh hướng tự truyện trong tiểu thuyết giúp người đọc không chỉ giải mã con người tác giả và thời đại qua những chi tiết gắn với tiểu sử, cuộc đời thật mà còn qua những kinh nghiệm sống phong phú và quý báu.
Xét về tự truyện trong tiểu thuyết, chúng ta có thể thấy có một vài đặc điểm gần giống với hồi ký. Hồi ký là một thể tài thuộc thể loại ký văn học. Theo Từ điển thuật ngữ văn học do Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên, hồi ký là một thể loại thuộc loại hình kí, kể lại những biến cố đã xảy ra trong quá khứ mà tác giả là người tham dự hoặc chứng kiến [12, tr.127]. Tự truyện với hồi kí là những thể loại văn học mang tính hồi cố, tái hiện lại quá khứ, nhưng hai thể loại tự truyện và hồi kí nằm ở hai địa hạt không hề trùng khít với nhau trong hệ thống thể loại văn học: bản chất của truyện cho phép nhà văn hư cấu để tạo nên những hình tượng hoàn chỉnh, còn bản chất của hồi kí đòi hỏi sự chính xác của sự kiện và những đánh giá khách quan của người viết kí, những yếu tố hư cấu, nếu có, chỉ đóng vai trò chức năng, hỗ trợ cho tư tưởng chính luận.
Bên cạnh đó, tự truyện là câu chuyện về cuộc đời một cá nhân, tâm điểm của tự truyện là cái tôi người kể chuyện trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách, trong sự tương tác của nó với thế giới bên ngoài. Trong khi đó, tâm điểm của hồi kí là thế giới bên ngoài, là cuộc sống và con người trong một thời kỳ lịch sử nào đấy (đặc biệt là khi lịch sử có những biến động lớn), và cái tôi nói chung chỉ đóng vai trò nhân chứng. Đấy là một cái tôi trong trạng thái tương đối tĩnh, trạng thái của kẻ quan sát, phân tích thực tại và ghi nhận một cách khách quan. Mặt khác, điểm khác nhau cơ bản giữa tự truyện và hồi kí ở chỗ: cảm xúc, tình cảm cá nhân của tác giả trong tự truyện
thường đậm nét hơn so với hồi kí. Nói khác đi, tư duy tự truyện là tư duy hướng nội, còn tư duy hồi kí là tư duy hướng ngoại.
Tuy nhiên, không nên lầm lẫn sự tìm hiểu dấu ấn tự truyện trong tác phẩm đơn thuần chỉ là sự phân định ranh giới tiểu thuyết hay tự truyện, tự truyện trong tiểu thuyết và tự truyện trong hồi ký, hoặc sự đối chiếu giống hay không giống giữa đời thực vào tác phẩm. Mặc dù coi tác giả là chủ thể sáng tạo chi phối quá trình kiến tạo tác phẩm, nhưng việc nghiên cứu tiểu sử chỉ là phương tiện để khám phá tác phẩm. Mục đích sâu xa hơn nhằm khám phá yếu tố tự truyện đã đi vào cấu trúc tác phẩm ra sao, sự tham gia của yếu tố tiểu sử cuộc đời, con người tác giả trong sáng tạo nghệ thuật, sự hư cấu diễn ra như thế nào. Hướng tìm hiểu khuynh hướng tự truyện trong tiểu thuyết chấp nhận nhiều cách đọc, nhiều cách tiếp cận: biết về tác giả hay không biết, biết đến đâu, và tham gia trò chơi hư cấu như thế nào. Đây cũng chính là cách làm hài hòa mối quan hệ giữa tác giả - tác phẩm - người đọc, thể hiện rõ hơn quan điểm người đọc là người đồng sáng tạo với tác giả và phần nào cứu gỡ cái chết của tác giả sau khi tác phẩm ra đời.
Như vậy, vấn đề tự truyện trong tiểu thuyết là vấn đề có ý nghĩa đối với văn học đương đại bởi nó gắn với vấn đề cái tôi tác giả - sự khẳng định cái tôi
cá nhân mạnh mẽ trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin. Xét từ bản chất của sáng tạo nghệ thuật, mỗi nhà văn khi cầm bút đều xuất phát từ nhu cầu giải phóng tư tưởng và bộc lộ tình cảm của mình, mỗi trang viết đều là những trải nghiệm của bản thân nhà văn, là hành trình đi tìm cái tôi của cá nhân. Tiểu thuyết chính là thể loại thích hợp để các nhà văn bộc lộ con người cá nhân của mình.