7. Cấu trúc của luận văn
2.4.2. Cái tôi với những khát khao, ước vọng thầm kín
Mỗi người trong cuộc đời cũng có khát khao riêng, những ước vọng riêng thầm kín. Những gì chúng ta thấy chỉ là vẻ bề ngoài, bởi có những bí mật mà ngay bản thân mỗi người còn chưa phát hiện ra. Bên ngoài, Nam Cao là một người lạnh lùng, ít nói, nhưng ẩn chứa bên trong là một trái tim sôi nổi, nhiệt tình. Bản thân người nghệ sĩ, họ là người vốn rất nhạy cảm và yêu cái đẹp. Cho nên, cũng không có gì khó hiểu khi Nam Cao có lúc xao xuyến, rung động trước cái đẹp, đặc biệt đó lại là những thiếu nữ trong sáng, tinh khôi, bởi sắc đẹp tự nó đủ thuyết phục đôi mắt của người đàn ông mà chẳng cần nhà hùng biện. Trong Sống mòn, nhà văn đã có sự trải lòng về đời tư, về những cảm xúc bí mật mà bấy lâu nay vẫn chôn dấu hay có lẽ chỉ là những hư cấu trong tiểu thuyết. Nhưng dù đó là có thật hay chỉ là sự sáng tạo nghệ thuật, người đọc vẫn luôn trân trọng sự yêu cái đẹp của nhà văn.
Bình thường, hình ảnh người phụ nữ trong tác phẩm của Nam Cao không được chú ý, tô vẽ về ngoại hình. Đa phần là những phụ nữ nông thôn với vẻ chất phác, quê mùa và nhìn chung là thô kệch, xấu xí, bởi Nam Cao muốn tập trung xây dựng nét đẹp trong tâm hồn (trường hợp của Thị Nở trong
Chí Phèo, Mụ Lợi trong Lang rận, Nhi trong Nửa đêm…). Cái mặt của thị thực là một sự mỉa mai của hóa công: nó ngắn đến nỗi mà bề ngang hơn bề dài, thế mà hai má nó lại hóp vào mới thật là tai hại, nếu hai má nó phinh phính thì mặt thị lại còn được hao hao như mặt lợn… Cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành…. Với những dòng miêu tả đầy chân thực như thế này, người đọc có cảm tưởng cả trong văn học lẫn ngoài đời thực thì không có ai có thể xấu hơn Thị Nở được nữa. Đã thế thị lại dở hơi… Và thị lại nghèo… Và thị lại là dòng giống của một nhà có mả hủi…. Thế nên, Thị Nở không có chồng và người ta tránh thị như tránh một con vật rất tởm. Nhưng Thị Nở nói riêng và những nhân vật nữ xấu xí nói chung trong văn Nam Cao lại là những con người nhân tính và khát khao nhân bản, cũng muốn yêu thương và mong muốn hạnh phúc đời thường. Khi được ngọn lửa tình yêu sưởi ấm, những tâm hồn tưởng chừng đã cằn cỗi, khô héo ấy cũng ánh lên những vẻ đẹp với những hồi hộp, vui mừng, sung sướng. Cũng lườm, cũng nguýt, cũng âu yếm, cũng e lệ, làm duyên theo cách riêng của họ [41, tr.13].
Riêng với nhân vật Tư, dường như là một ngoại lệ. Người thiếu nữ được tập trung miêu tả với vẻ bề ngoài xinh đẹp, mỏng manh, mang những nét đài các của tiểu thư trong môi trường phố thị. Tư là một cô gái mới lớn lên tóc bỏ lơi, răng trắng muốt, đôi mắt to và đen lay láy thường mở rộng, nhìn vào lớp của y. Những lúc ấy, thường thường y mất tự nhiên. Tiếng y đang gắt gỏng với học trò bỗng nhỏ đi. Mặt y đang cau có bỗng dạn ra, ngượng nghịu.
Người con gái trẻ trung, xinh đẹp ấy đã khiến Thứ xao xuyến, rung động, say nắng. Khi Tư không chú ý nhìn vào, y được dịp ngắm nghía cô bằng đôi mắt buồn rầu của một kẻ thương tiếc một cái gì đã lỡ…. Ngay cả biết tên Tư thôi,
cũng đem lại cho lòng y được một chút gì êm ái đó ư. Ai trong trường cũng đều nghĩ rằng Thứ và Tư là một cặp tình nhân, thậm chí còn quả quyết rằng đã trông thấy hai người họ nắm tay nhau. Nhưng sự thật thật chua chát, có miếng mà không có tiếng: Thứ chưa hề dám nói một câu nào với Tư. Nói thế nào? Chưa bao giờ y dám đến gần Tư. Y chỉ nhìn Tư xa xa và lặng lẽ mà thôi. Nhìn để mà buồn, để chua chát nghĩ rằng những người đàn bà đẹp cũng như những miếng ăn ngon, những bộ cánh sang, những căn nhà rộng rãi thoáng đãng đã chẳng bao giờ đến tay y.
Những lời tự bạch của Thứ hay chính là những lời tận đáy lòng của Nam Cao, đầy xót xa, chua chát về thân phận: Y xấu, y nghèo, y ngờ nghệch, vụng về. Y chỉ là một anh giáo khổ trường tư, lương kém lương những anh bồi khách sạn to. Ông bà y là những người nhà quê ngu hèn, bất cứ ai cũng có thể cưỡi lên đầu, phải khúm núm với cả từ thằng lính lệ trở đi. Cha y là một người buôn bán nhỏ ở một chợ tỉnh lỵ tồi tàn, vào tòa sứ nộp môn bài cũng thấy run. Nhờ sự học thức, y đã nhích lên được một chút bên trên giai cấp của y. Nhưng hơn ngàn kiếp nô lệ vẫn còn đè lên trái tim y. Những lời nói của Thứ hay chính là sự trải lòng của chính nhà văn, sự tự ti, buồn tủi của tầng lớp tiểu tư sản nghèo. Thứ luôn ý thức sâu sắc về thân phận nghèo hèn của mình, cho nên nhiều lúc có khát khao thật đấy nhưng đâu dễ dàng bộc lộ. Thứ luôn che dấu tình cảm thật của mình. Xa vợ con, cuộc sống thành thị xô bồ, người thanh niên trẻ cũng có lúc xao xuyến, thậm chí là ngoại tình tâm tưởng. Nhưng tính cách nhút nhát và sự mặc cảm về thân phận và điều quan trọng là trách nhiệm với gia đình không bao giờ cho phép Thứ nói ra. Cái sự sợ người của Thứ cũng chính là tính cách của Nam Cao. Đó đồng thời là đặc trưng của tầng lớp trí thức. Rõ thật dơ! Giáo khổ trường tư mà cũng đòi nhìn mắt gái tân thời! Liệu lương có đủ tiền cho người ta mua phấn đánh không. Bụng toàn rau muống luộc đấy, ai mà còn chẳng biết! Thứ tưởng tượng ra những lời nói chanh chua ấy. Y thấy mình lố vô cùng. Và y biết chẳng bao giờ y còn
dám nhìn Tư lần nữa. Sự nghèo hèn đã khiến cho Thứ không bao giờ đủ tự tin để dành tình cảm một ai đó. Chưa bao giờ y dám đưa một lá thư. Chưa bao giờ y dám tán ai.
Tuy nhiên, trong bản thân Thứ lại tồn tại những mâu thuẫn khó lý giải. Y vừa tự ti nghĩ mình chỉ là một anh giáo khổ trường tư, lương kém lương anh bồi khách sạn to, không dám vào nhà Hải Nam vì y là người vốn hãi người như gia đình hay mắng nhưng đôi lúc cũng vẫn lên nổi thèm khát ăn chơi hưởng lạc. Dự định đến trọ nhà Hải Nam đã gợi cho Thứ cả một giấc mộng về cảnh sống đàn điếm, lãng mạn. Quanh năm xa vợ, có những lúc Y nghĩ đến Liên. Y nghĩ đến Tư. Y nghĩ đến lũ con gái nhà Hải Nam. Y nghĩ đến đôi mắt đẹp và hiền của người thiếu phụ ngồi khâu, đã vô tình ngước lên và bắt gặp đôi mắt buồn của y ngắm trộm người. Y nghĩ đến tất cả những người đàn bà mà y đã gặp ở nơi này hoặc nơi kia mà hình ảnh đã nhiều lần vẩn lên trong trí óc y, những buổi tối ẩm sẫm hay là gió thổi nhiều. Một người đầy vẻ trí thức và có học như Thứ lại có những suy nghĩ: Thầm mong một cuộc gặp gỡ tình cờ: một thiếu nữ đi làm về khuya có một mình... Một cô gái quê tìm không thấy người nhà, đứng ngẩn ngơ ở một đầu đường. Một cô gái nào cũng như y bây giờ, cô độc, lẻ loi, khao khát tình yêu...Thậm chí có những lúc lí trí không thắng nổi tình cảm, nhiều khi Thứ đi sâu cả vào những con đường tối và kín đáo trong vườn bách thảo, như những người có hẹn hò. Y mong gặp bất cứ người nào: một kẻ tuyệt vọng vì yêu, một người nhận lầm y, một gái ăn sương suồng sã. Y ước được một gái giang hồ ngăn lại, khoác lên vai như San tối hôm nào. Ở Thứ, luôn cháy lên khát vọng tình yêu, những khát vọng xuất phát từ trái tim lẻ loi, cô độc, thấy mình lạc lõng trong cuộc đời. Có điều, Thứ vốn là người có ý thức về nhân phẩm, sống vị tha và có trách nhiệm với gia đình nên đã tự đấu tranh với những đòi hỏi của thể xác để vượt qua cám dỗ.
Trong truyện, San thoải mái hỏi Thứ nghĩ gì khi có những câu chuyện ngoài luồng chồng vợ. Thậm chí, San hẹn hò với Dung, mong muốn có hai vợ. Một ở quê, hai ở thành phố thì Thứ chỉ thấy San buồn cười khi không biết
nhìn lại bản thân mình. Thứ ganh tị, so đo vì y nghĩ một người như y xứng đáng có được tình cảm ấy hơn San. Một buổi sáng Chủ Nhật, lũ trẻ rúc rích cười, chạy về khoe với Thứ rằng: ông San đang tán cô Dung và nắm tay cô. Thứ sa sầm mặt. Y không dám thú với y rằng hơi ghen với bạn. Nhưng lúc San về, y bảo:
- Anh liệu đấy! Con mẹ béo chẳng vừa đâu. Nó có thể đứng ở cửa nhà nó, xắn quần lên, trỏ sang trường mà chửi. Lúc ấy thì đẹp mặt!
(…)Y ran rả, cười sằng sặc. Thứ khinh sự trụy lạc của tâm hồn y, hay ghen, chính y cũng không biết nữa. Chỉ biết rằng y thấy ghét San. Và đến khi San bị bà béo trở mặt, Thứ ngấm ngầm hả dạ.
San thoải mái nói ra cảm xúc của mình, còn Thứ luôn luôn che đậy. Thứ ghen vì San chẳng hơn gì mình, vậy mà còn có người theo. Có thể nói, San chính là phát ngôn cho con người bên trong của Thứ. Một người cha rất mực thương con, một người chồng luôn yêu thương vợ lại có những lúc không tránh khỏi những xao xuyến, rung động khi đứng trước cái đẹp. Chính San đã nói lên những khát vọng yêu đương của Thứ, khát vọng rất thật, rất con người. Ước vọng của Thứ thật đáng trân trọng và cảm thông.
Nam Cao đã mở rộng việc phản ánh hiện thực bằng cách khai thác sâu sắc thế giới tâm hồn con người. Nhân vật của ông đã mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời. Tuy nhiên, vượt qua tất cả những giây phút ngoài vợ ngoài chồng, Thứ luôn trân trọng hạnh phúc gia đình. Thứ hiểu rằng, đó chỉ là những giây phút say nắng thoáng qua. Bởi vậy, khi nhìn thấy Tư đang âu yếm một người đàn ông có lẽ trạc tuổi Thứ, Thứ đã có suy nghĩ khác. Quan trọng là cả Thứ và những người nghệ sĩ nhạy cảm như Nam Cao biết vượt qua cám dỗ để bảo vệ hạnh phúc gia đình.
* TIỂU KẾT CHƯƠNG 2
Có thể khẳng định, Sống mòn là tiếng nói chân thành của cái tôi Nam Cao, là cuốn tiểu thuyết - tự truyện đầy xúc động về cuộc đời và những bi kịch về người trí thức. Những chi tiết của cuộc sống đời thường đã trở thành
dấu ấn không thể nào quên trong tâm thức của nhà văn, để khi vào tác phẩm, dưới tư duy của tiểu thuyết, đã trở thành những chi tiết nghệ thuật đặc sắc. Những kỉ niệm sâu sắc về mái nhà, về tình cảm yêu thương, trân trọng và biết ơn những người thân trong gia đình, những tâm sự đắng cay về nghề nghiệp, sự hăm hở vào đời của người trí thức trẻ đầy ước mơ và hoài bão nhưng lại không thực hiện được, sự thương cảm trước lối sống mòn của đồng nghiệp và những người xung quanh... tất cả đều hiện lên sinh động trong Sống mòn.
Nhân vật Thứ dựa vào cảnh ngộ riêng để viết tuy không hoàn toàn trùng khít với tác giả nhưng mang bóng dáng của nhà văn. Đó là người trí thức trong chật vật của sự mưu sinh, trong bi kịch của những thất vọng và bế tắc cuộc sống. Bằng sự trải nghiệm chân thật của bản thân, bằng những nhạy cảm, tinh tế trong nghề nghiệp, nhà văn đã gửi gắm những tâm sự chân thật của chính mình, giúp người đọc càng có cơ hội đến gần hơn với đời người và đời văn Nam Cao.
Chương 3
PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN YẾU TỐ TỰ TRUYỆN TRONG SỐNG MÒN CỦA NAM CAO