Cái tôi trong quan hệ với những người thân trong gia đình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) yếu tố tự truyện trong sống mòn của nam cao (Trang 59 - 65)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.2. Cái tôi trong quan hệ với những người thân trong gia đình

Xuất thân từ một gia đình bậc trung Công giáo, cha Nam Cao là ông Trần Hữu Huệ làm thợ mộc, làm thuốc, mẹ là bà Trần Thị Minh làm nông và dệt vải. Là anh cả của một gia đình nghèo, đông anh em (bốn em trai, ba em gái) nhưng chỉ một mình Nam Cao được ăn học chu đáo. Nhờ vào sự chắt chiu, sự hy sinh của cả cái đại gia đình luôn luôn túng đói ấy mà Nam Cao mới có được cái chữ, để nhích lên trên, để nhìn xa hơn đám quần chúng thất học quanh mình. Nhân vật Thứ - Nam Cao luôn ý thức được trách nhiệm với gia đình nên quyết tâm học rất chăm và say sưa. Ông mong có học vấn để có thể giúp gia đình, làm một việc gì có ích cho đời. Con người ta, nếu chỉ quẩn quanh trong chuyện lo cơm ăn, áo mặc của bản thân và gia đình không thôi, thì còn ra gì nữa. Ước nguyện đó đã thôi thúc Nam Cao phấn đấu không ngừng, mặc dù thể trạng ông rất yếu vì có chứng thấp khớp và đau tim. Trong

Sống mòn, Thứ cũng từng nói: Tạng người y không cho y cầm súng, cầm gươm. Y sẽ cầm bút mà chiến đấu. Cảnh nhà nghèo khó như vậy lại sẵn trong mình khao khát lập nghiệp, Nam Cao bỏ nhà đi Sài Gòn kiếm sống: Ở Sài Gòn y kiếm ăn bằng rất nhiều nghề. Nhưng mới chỉ sau ba năm, ông đã bị hất trả về quê nhà. Và hình ảnh Nam Cao - người con luôn yêu thương ông bà, bố

mẹ, người anh cả trong một gia đình đông con, lúc nào cũng túng đói, luôn trở đi trở lại trong Sống mòn.

Cùng thời với Nam Cao, có Nguyên Hồng với Những ngày thơ ấu, đó là hồi ký mang chất tự truyện được viết trong khoảng lùi thời gian trên 10 năm. Phan Cự Đệ trong bài viết Trào lưu văn học hiện thưc phê phán thời kì 1930 - 1945 đã từng nhận định: Có lẽ Nguyên Hồng (Những ngày thơ ấu), Nam Cao (Sống mòn) là những người đầu tiên trong văn học Việt Nam hiện đại đưa cái tôi của mình lên trang sách mà mổ xẻ, phân tích [8, tr.81]. Những ngày thơ ấu chân thực, chân thực đến cùng trong tự kể về mình, đó là giá trị sớm có trong văn Nguyên Hồng, khiến cho Thạch Lam, trong lời tựa sách in năm 1941 đã có thể viết: Đây là sự rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại. Đọc Những ngày thơ ấu thấy không phải ai trong đời cũng có một tuổi thơ như Nguyên Hồng. Có thể nói, đây là một tuổi thơ… không phổ biến. Nói theo Lép Tônxtôi, ở mọi gia đình, hạnh phúc thường giống nhau còn bất hạnh lại rất khác nhau. Thế nhưng ai cũng muốn biết đến một tuổi thơ như thế, không chỉ để cảm thông, để chia sẻ, mà còn là để hiểu những căn nguyên, những bối cảnh nào đã đưa con người vào những tình huống sống bi đát và bế tắc như thế? Một tuổi thơ rất thiếu tình thương. Bố mẹ Hồng lấy nhau mà không yêu nhau. Bố là quản đề lao, sa vào nghiện hút rồi chết sớm. Mẹ buôn bán chạy chợ, tỉnh này qua tỉnh khác, quanh năm không mấy khi về nhà. Không yêu chồng, đi theo những mối tình khác, mẹ trở nên xa lạ với gia đình chồng. Bên một ông bố khắc nghiệt và luôn xa mẹ, Hồng phải cam chịu cảnh sống nhờ với bà nội và hai người cô rất ít tình thương cháu… Trong ghẻ lạnh, hắt hủi của gia đình, từ rất sớm Hồng đã trả qua cảnh lêu lổng đầu đường xó chợ. Chung đụng với những lớp người dưới đấy, Hồng học được nhiều mánh khóe để có tiền; và rồi cậu đã có thể kiếm tiền bằng đánh đáo với kỹ năng loại siêu: Từ ngày thấy mình có một biệt tài… tôi bắt đầu đi lang thang khắp

thành phố với một đồng xu cái vừa dày vừa rõ chữ, hơn một hào vốn, và với một lòng ham muốn ngùn ngụt được nhiều tiền để ăn tiêu.

Có phải do đã trải thấm mọi xót xa, cay cực của tuổi thơ mà Nguyên Hồng bỗng trở nên người nhân hậu nhất, hay khóc nhất trong số các nhà văn Việt Nam viết về những người khốn khổ?

Quay trở lại Nam Cao, ông đã ghi lại những hồi ức về cuộc đời mình, về những gì tuổi thơ lớn lên đã chứng kiến. Hình ảnh về một người bà tần tảo, hi sinh, vất vả đã ăn sâu trong tiềm thức của nhà văn. Ngay từ bé, Thứ đã thấy bà ngoại y mỗi lần đi nộp thuế nghẹn ngào vì sự ức hiếp của cường hào, lý dịch. May mắn hơn Nguyên Hồng, Nam Cao nhận được sự yêu thương, che chở, đùm bọc của những thân trong gia đình. Bà ngoại suốt đời vất vả cực nhọc nuôi con cháu. Người mẹ hiền lành lam lũ, yêu thương con cái. Người dì nuôi đã bế ẵm nhà văn khi còn tấm bé. Có thể nói, nhân vật bà ngoại là một khuôn mặt để lại nhiều ấn tượng trong những trang Sống mòn.

Theo lời kể của bà Sen - vợ nhà văn, năm bà về làm dâu, Nam Cao vẫn còn bà ngoại. Bà ngoại là người phụ nữ đẹp nổi tiếng ở làng, nhưng đời bà lận đận, vất vả nên tính tình đâm ra cay nghiệt, tằn tiện. Ông ngoại nhà văn bị thua bạc phải bỏ làng trốn đi biệt tích năm bà mới hai mươi tuổi. Năm đó, bà mới sinh được một người con gái, là mẹ nhà văn. Bà ngoại đã một mình nuôi con khôn lớn, rồi kén chồng cho con, rước con rể về ở trong nhà. Lúc bà còn trẻ, có khối vị chức sắc đến tán tỉnh rồi dọa nạt, nhưng chẳng ai lay chuyển được bà. Vì thế, mà nhiều ông đem lòng thù ghét bà [28, tr.500]. Khi bà còn sống, bà quán xuyến mọi việc trong gia đình. Các con gái, con rể, cháu chắt nhất nhất theo bà. Trong xã hội bấy giờ, gia đình nào cũng không đủ ăn. Với một đại gia đình đông con, nhiều cháu như nhà Nam Cao, cái đói, cái nghèo của họ là cái đói, cái nghèo truyền kiếp. Ông đã viết trong Sống mòn: Bà Thứ đã khổ suốt cả một đời. Thuở bé, bố chết mẹ đi lấy chồng, bà đã phải đi làm con nuôi nhà người, cùng với người em. Người ta nuôi, có phải vì hiếm

hoi gì đâu, chỉ là cầu lấy việc đó thôi. Nghĩa là đi ở không công. Cái khổ còn biết nói thế nào cho xiết. Lớn lên lấy chồng nghèo. Chồng lại cờ bạc, rượu chè. Cứ vợ làm ra được tý nào, chồng lại phá đi. Vợ chồng đánh, chửi nhau. Rồi nhân một chuyến thua ông chồng cầm cố sạch nhà cửa, ruộng, vườn, bỏ làng đi biệt tích, chẳng bao giờ còn về nữa. Bà ở vậy nuôi con, những mong đời con mình sẽ đỡ khổ hơn, và tuổi già của bà sẽ được an nhàn, thảnh thơi mà hưởng phước bên con cháu. Nhưng mãi đến tuổi về già mà lại vẫn phải lo:

Hết lo ăn, lo mặc, lo tiền thuốc than lúc ốm đau, lại còn lo sao dành dụm được một món tiền vài ba trăm, để lúc chết làm ma, khỏi phải để khổ đến con, đến cháu… Chính hoàn cảnh sống đó, một mình nuôi con khiến bà trở nên tằn tiện và cay nghiệt. Suốt cuộc đời đói nghèo, bà chỉ những lo lắng, toan tính và khổ cực. Nhà văn từng tâm sự: Cuộc đời bà như vậy, nên tính bà vừa sẻn so vừa cay nghiệt lắm! Bà chưa bao giờ được ăn ngon, chưa bao giờ được nghỉ ngơi nên không thể tin rằng, người ta có quyền ăn ngon và quyền nghỉ ngơi. Bà cũng chưa bao giờ được yêu đương, vui vẻ nên không bằng lòng cho kẻ khác yêu đương, vui vẻ. Do vậy, đến ở cùng bà chỉ những nghe bà oán thán, ca cẩm, bẳn gắt và buồn rầu. Thứ thương bà lắm. Thật lòng y muốn sống rút đi mười năm để có thể làm cho bà sung sướng lấy vài ba năm trước khi rời cõi đời khổ ải này. Y rất sợ bà chết đi mà chưa được hưởng một chút gì, chưa trông thấy một tí gì của chính y. Nam Cao còn nhớ rất rõ bữa cơm với hình ảnh bà ngoại nuốt nước bọt thầm. Hình ảnh ấy khiến ông day dứt mãi. Thứ hay chính Nam Cao muốn bù đắp những thiếu thốn khó khăn mà bà đã phải trải qua, muốn phụng dưỡng bà. Nhưng thầy giáo khổ trường tư cũng chỉ dám mời bà đi theo để thổi cơm cho mình. Cuộc sống nghèo đói, khiến người ta không nghĩ gì khác ngoài được ăn no. Bởi vậy, Thứ không ao ước gì hơn là có thể nuôi bà y mỗi ngày hai bữa cơm như hai bữa cơm của bà Hà bây giờ.

Một ý nghĩ nảy ra trong khối óc y. Mời bà theo mình để bà thổi nấu cho mình với San ăn. Như vậy thì có phải bà đỡ vất vả mà lại được no không? Mà y vẫn

phải chi tiêu bằng ấy. Việc ấy giá thực hành được thì cũng hay hay, nhưng y sợ mang tiếng với San(…) Vợ con Thứ còn phải ở nhà thì đằng nào bà cụ chịu đi để y nuôi. Thỉnh thoảng, Thứ biếu cụ dăm ba đồng để ăn quà, cụ vẫn giữ tiếng không chịu nhận...

Kỉ niệm về gia đình của nhà văn còn hiện lên qua khuôn mặt mỏi mệt của mẹ, sự rách rưới của lũ em: Lũ em y lúc nhúc rất đông, không được đi học, không được mặc, thường thường không đến cả ăn, gầy guộc, rách rưới, bẩn thỉu, đen thui, tục tĩu và xấc láo, cãi nhau suốt ngày chí chóe. Bà mẹ y, già và xấu đi nhiều quá đến nỗi y tưởng như mình đã xa nhà đến mấy chục năm, làm và nhịn tóp người đi như một con ve, một mình cố nâng đỡ cả một thế giới đang sụp đổ kia, như một con ngựa già cố kéo một cái xe nặng lên khỏi dốc, tuy biết mình kiệt sức rồi, không thể nào kéo nổi nhưng vẫn kéo.

Thứ luôn nghĩ đến cái làng quê của anh bao giờ cũng nghèo xơ xác, trong đó có hiện lên khuôn mặt những người thân yêu ruột thịt của mình, từ người già đến trẻ em không được ăn no mà mỗi ngày chỉ được ăn một bữa cầm chừng, lúc nào cũng âu sầu vì túng đói, vì nợ nần, vì thiên tai lụt bão, vì trăm thứ tai vạ. Kỷ niệm ấy bao nhiêu lần đã trở về trong trí óc nhân vật Thứ. Mỗi lần Thứ bưng bát cơm mà nước mắt ứa ra, miếng cơm nghẹn lại, y phải duỗi cổ ra để nuốt và thiếu chút nữa là y đã oà lên khóc. Thứ cũng đã từng chứng kiến cảnh bà mình, mẹ mình, các em mình đói khát, trong khi riêng mình vẫn có riêng một phần cơm trắng với thức ăn ngon; một đứa em lấm lét nhìn trộm nồi cơm để ước lượng xem nó còn có hi vọng được thêm một lượt xới nữa chăng… Thứ thấy khó chịu khi trong mâm y lại có một đĩa cá kho, còn mâm kia chỉ toàn là rau. Y cau mặt, khẽ trách Liên. Liên chưa kịp trả lời thì bà mẹ y nhận thấy, đã cười và đáp hộ Liên:

- Dào ôi! Nhà chẳng có đâu. Chúng tôi ở nhà thì đến cơm không cũng chẳng có mà ăn, còn có tiền đâu mà sắm thức ăn? Mọi khi nó cũng chỉ có rau không. Đây là hôm nay, cụ bá thấy nói con rể cụ về, sợ con rể cụ xưa nay chỉ

ở tỉnh thành, chịu kham khổ không quen nên bảo vợ mày đem về cho mày một đĩa cá kho đấy chứ! Bà giải thích như vậy, nhưng Thứ không chịu, anh bảo

lấy một dĩa nữa, xẻ dĩa cá ra, bỏ sang mâm kia một nửa cho bà và các em ăn. Nhưng mọi người nhao nhao phản đối. Thứ cảm thấy đau xót vì sự bất bình đẳng đó. Thứ thấy vô lý quá. Trong hai vợ chồng y, nếu có người nào cần phải ăn hơn thì người đó phải là Liên: Liên đã phải luật quật suốt ngày, lại phải lo đủ sữa để nuôi con. Vả lại, ngoài Liên ra, lại còn bà Thứ, già ngoài bảy mươi tuổi rồi mà vẫn đang còn nằm nhịn đói kia. Lại còn mẹ y, cũng luật quật suốt ngày và cũng có con thơ. Lại còn cha y, bữa trưa ăn ba lượt cơm như mọi người thì mới đầy được một góc dạ dày. Lại còn các em y, chưa đáng phải chịu những cay cực của đời và tạng phủ đang cần được tẩm bổ nhiều để đủ sức lớn lên; chúng gầy guộc, ngơ ngác, nhút nhát, buồn rầu, có lẽ chỉ vì phải nhịn đói, phải vất vả, phải mắng chửi suốt ngày. Nhưng bà anh, mẹ anh, vợ anh và các em anh lại không bao giờ dám thay đổi lệ cũ ấy. Y cố bắt các em ăn. Nhưng cũng chẳng đứa nào chịu ngồi ăn. Chúng chối đây đẩy và chạy cả. Nhưng y biết chúng vừa chạy mà nuốt nước bọt(…)Y đành một mình lủi thủi ngồi ăn. Nhưng y vừa ăn, vừa nghĩ ngợi gần xa thế nào mà nước mắt ứa ra. Miếng cơm nghẹn lại, y phải duỗi cổ ra để nuốt đi. Và thiếu một chút nữa là y đã òa lên khóc...

Mỗi lần về thăm nhà vừa thương nhớ vừa bực giận, vừa lưu luyến không nỡ rời xa vì những nỗi lủng củng, bất hoà giữa bố mẹ, vợ con. Những gương mặt thân yêu sầu não của bà ngoại già nua, người vợ hiền và đàn em khiến lòng Thứ không khỏi quặn thắt, đau đớn, xót xa. Người con hiếu thảo, người anh cả trong một gia đình đông con túng thiếu luôn đau đáu khi nghĩ đến ông bà, bố mẹ và các em. Nam Cao luôn yêu thương, trân trọng gia đình và cũng tự trách bản thân không làm được gì giúp đỡ họ. Gia đình chính là nguồn an ủi, là niềm tin, điểm tựa tinh thần cho nhà văn. Có thể nói, những kỉ niệm về gia đình lúc nào cũng ám ảnh, thường trực trong tâm hồn nhà văn,

khiến ông có thể viết cuốn tiểu thuyết với những cảm xúc chân thực và xúc động đến như vậy.

2.3. Cái tôi trong quan hệ với những người xung quanh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) yếu tố tự truyện trong sống mòn của nam cao (Trang 59 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)