Khái niệm, nguồn gốc Then Tày

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) then tày ở chợ mới, bắc kạn (Trang 25 - 29)

7. Bố cục của luận văn

1.3.1. Khái niệm, nguồn gốc Then Tày

Then là một loại hình nghệ thuật quen thuộc của người Tày, nhất là người Tày vùng Việt Bắc. Khái niệm hát Then đã được một số nhà nghiên cứu đề cập đến với những cách nhìn khác nhau. Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân thì Hát Then là một loại hình sử thi nghi lễ phong tục của người Tày - Nùng. Thường vào mùa xuân, các gia đình Tày - Nùng mời ông tào, bà Then về cúng cầu phúc, cầu may cho người già trẻ nhỏ. Nghi thức hành lễ trong Then có phần giống như hình thức nhập hồn của Saman giáo [1, tr. 172]. Khái niệm trên của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã chỉ ra được đặc điểm cơ bản nhất của Then. Dù vậy, nếu coi Then chỉ là một loại hình sử thi nghi lễ phong tục có lẽ chưa thật đầy đủ bởi ngoài những bài hát Then nghi lễ, Then của người Tày còn có nhiều nội dung phong phú khác.

Trong Lời hát Then, tác giả Dương Kim Bội đã khẳng định: Then là một hình thức văn học - nghệ thuật dân gian được đông đảo quần chúng của hai dân tộc Tày, Nùng yêu thích, trân trọng và giữ gìn...Then từ lâu đã gắn bó với tâm tư, tình cảm của bất kỳ người Tày, Nùng nào: từ cụ già đến em nhỏ, từ thanh niên đến gái đến trai, từ những người lao động sản xuất ở địa phương đến những người thoát ly cơ sở đi công tác các nơi... Nói chung trong khu tự trị Việt Bắc, nơi nào có người Tày, Nùng cư trú thì ở nơi đó có Then. Như vậy, Then còn là loại hình văn học - nghệ thuật tổng hợp, vì nó gồm có đàn, hát, múa và trang trí.

Công trình nghiên cứu Một số vấn đề về Then Việt Bắc, của nhiều tác giả, đã tiếp cận khái niệm Then có nghĩa là tiên (có nơi gọi là sliên), là người của nhà trời. Then có nhiệm vụ giữ mối liên hệ giữ người trần gian với Ngọc Hoàng thượng đế và Long vương. Khi hành nghề Then là lúc Then đại diện cho nhà Trời giúp người trần gian mọi sự tốt lành, tai qua nạn khỏi.

Cách nhìn nhận trên có phần trùng khớp với khái niệm Then đã được định nghĩa trong cuốn Từ điển Tiếng Việt. Theo đó khái niệm Then có nhiều tầng nghĩa, thứ nhất là chỉ lực lượng siêu nhiên sáng tạo ra thế giới của một số dân tộc thiểu số miền Bắc Việt Nam; thứ hai là chỉ người làm nghề cúng bái (thường là nữ) ở các vùng dân tộc

thiểu số nói trên; thứ ba là loại hình nghệ thuật tổng hợp gồm đàn, hát, múa gắn liền với tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số nói trên.

Các công trình nghiên cứu về Then mà chúng tôi đã tìm hiểu ở trên cho thấy rằng khái niệm Then là gì được hiểu theo ba nghĩa: lực lượng siêu nhiên, người làm Then và loại hình văn hóa Then. Ở đây, chúng tôi chủ yếu quan tâm đến khái niệm Then với tư cách một loại hình văn hóa tín ngưỡng, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn quan tâm đến các ý nghĩa khác khi tìm hiểu về Then …

Trên cơ sở tìm hiểu các nghiên cứu trên và qua khảo sát thực tế phỏng vấn người dân thuộc cộng đồng Tày ở Chợ Mới, Bắc Kạn, chúng tôi xin đưa ra cách hiểu về Then như sau: Then là một hình thức văn hóa tín ngưỡng có từ xa xưa trong đời sống của người Tày. Nội dung Then phản ánh những vấn đề liên quan đến đời sống xã hội của người Tày trong quá khứ. Nghệ thuật Then là sự tổng hợp của nghi lễ với lời hát, điệu múa, âm nhạc, hội họa và lời ca nhằm đưa con người tới được những bí ẩn của thế giới tâm linh với niềm tin linh thiêng.

Về thời điểm ra đời của Then, một số nhà nghiên cứu văn hóa dân giancho rằng hát Then xuất hiện vào khoảng cuối TK XV, đầu TK XVI vào thời nhà Mạc chạy lên Cao Bằng và xây dựng thành quách ở đó. Theo truyền thuyết, trong số quan lại của nhà Mạc có hai vị tên là Đế Phụng và Đế Đáng rất yêu âm nhạc và thích ca hát, họ đã chế tạo ra tính tẩu và lập ra hai tốp hát để phục vụ cung đình. Về sau dân chúng thấy hay nên bắt chước và được lưu truyền trong dân gian. Theo thời gian, hát Then - đàn tính được lan rộng ra các tỉnh miền núi phía Bắc và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái.

Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nghiên cứu nào khẳng định thời điểm ra đời của Then, mọi người chỉ nhận biết Then qua những câu văn vần thuộc dòng văn hóa dân gian do các nghệ nhân lưu truyền, sáng tác. Các câu văn vần gắn liền những làn điệu cụ thể được truyền từ đời này sang đời khác cho đến nay, bằng những văn tự và truyền miệng qua các thế hệ học làm Then. Những người làm Then đều là những người dân lao động, họ thừa hưởng những kinh nghiệm của cha ông, hiểu được những phong tục tập quán của dân tộc, biết hướng dẫn thực hiện các nghi lễ ma chay, cưới xin, cầu cúng... được mọi người yêu mến và nhờ đến. Vì vậy, có thể khẳng định rằng Then bắt nguồn từ cuộc sống lao động của nhân dân.

Xưa kia, cuộc sống của người Tày lệ thuộc phần lớn vào thiên nhiên, vì vậy đồng bào đã biết sử dụng các nguyên vật liệu sẵn có trong cuộc sống để chế tạo các nhạc cụ đơn giản, trong đó có cây đàn tính. Đây là loại nhạc cụ được sử dụng trong nghi lễ Then. Đàn tính được làm từ quả bầu khô, gắn lên mặt cắt một miếng ván mỏng, dây đàn được làm từ tơ tằm.

Hiện nay, đồng bào Tày còn lưu truyền nhiều truyền thuyết về Then và cây đàn tính. Có truyền thuyết kể về Cô gái mồ côi: Ngày xưa, có một cô gái mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Khi lớn lên, lấy chồng thì chồng lại chết sớm, cô rất buồn. Một đêm nằm mơ thấy có một người mang đến cho cô ba hạt giống và cô đã cất vào níp đựng quần áo. Khi thức dậy, mở níp ra, quả nhiên thấy ba hạt giống, cô đem hai hạt ra gieo, ngày hôm sau một hạt mọc lên cây dâu và một hạt mọc thành cây bầu. Vài ngày sau, cô định lấy nốt hạt thứ ba ra trồng, nhưng không thấy hạt giống mà chỉ thấy con tằm. Ngày tháng trôi qua, cây dâu đã lớn, quả bầu đã già, tằm đã cho tơ, nhưng nỗi buồn của cô vẫn không nguôi. Cô lại nằm mơ thấy người cho hạt giống tới, khuyên cô lấy cây dâu, vỏ bầu và tơ tằm làm thành cây đàn, đem gảy cho mọi người nghe thì sẽ vơi bớt nỗi buồn. Cô nghe theo, hàng ngày mang cây đàn đi khắp nơi để làm vui lòng mọi người và từ đó cô trở thành người cứu khổ cho chúng sinh.

Nguồn gốc ra đời của Then cũng được các nghệ nhân hát Then cổ lưu giữ trong bài Cốc tính - bài 1 (Nguồn gốc hát Then với cây đàn tính). Bài Then cổ có lời Tày như sau:

Tạm dịch Tạm dịch

Mửa xưa nàng Hán Thị mường tiên Tốc khuây đuối cứa tính Pụt, Then Hán Thị nàng giận lai mừa nả Mừ thư pjạ đẳm ngả thiên khai Cắt pây thuẩn cẩu tai Thượng Đế Nhằng slam tai tu thế cứu dân Tai te liền tai âm, tai hậu

Ban sle Pụt, Then Tấu tiến châm Thắc lệnh cúa vua ông Ngọc Hoàng Ban sle hử Quan Làng, Then Câm Dú tu thế tiến châm

Dú dương đông tiến lệ.

[44, tr. 9]

Ngày xưa các cô gái Tày thời Hán đẹp như tiên

Đã say sưa gảy đàn tính của Pụt, Then Nên mải mê không biết làm ăn

Các nàng đã cầm chuôi dao trời Cắt đi chín dây trời cho

Còn ba dây để trần gian hát Then cứu dân Dây son liền dây đồ, dây rề

Sắc lệnh của vua ông Ngọc Hoàng Ban cho Quan Làng, Then Câm Ở trần thế làm hội lẩu Then Ở trần gian Then đi cúng lễ.

Theo lời bài hát này thì hát Then Tày có từ thời nhà Hán, cách đây trên hai ngàn năm [46, tr. 13]. Sau đó hát Then gắn liền với sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Tày. Then Tày dần được bổ sung thêm ngày càng phong phú hơn theo quy luật phát triển của văn học nghệ thuật dân gian.

Bài Then cổ thứ hai Cốc tính - bài 2 [44, tr. 10] kể nguồn gốc của Then có cốt truyện có thể tóm tắt như sau: “Ngày xưa có một chàng trai ba mươi lăm tuổi chưa có vợ tên là Xiên Cân (nghìn cân). Vì chưa tìm được người yêu nên chàng rất buồn, luôn cảm thấy lẻ loi, đơn độc, muốn làm một cây đàn để xua đi nỗi vắng vẻ cô đơn. Cây đàn mà chàng luôn ao ước phải là loại đàn có quả bầu tròn làm bầu đàn, dây đàn phải làm bằng sợi tơ con tằm. Để thực hiện mong ước ấy, Xiên Cân đã kiên trì và tích cực lao động làm ra các vật liệu từ những việc khởi đầu: tìm hạt giống bầu tròn, trồng cho đến khi có quả, chờ đến khi quả già, phơi khô để làm bầu. Tìm giống cây dâu để nuôi tằm, ươm tơ cho tằm nhả kén, quay tơ lấy sợi làm dây đàn. Tìm cây gỗ Thừng mực (mạy mục) trong rừng để đẽo làm cây đàn. Cuối cùng Xiên Cân cũng có được cây đàn như ý, gọi là đàn tính tẩu, tính là từ tượng thanh vì mỗi khi gẩy lên có âm thanh

tính, tẩu là quả bầu tròn làm bầu đàn. Đàn tính lúc đầu có mười hai dây, lúc buồn Xiên Cân đem đàn bầu ra chơi, khi âm thanh của đàn vang lên, tâm hồn Xiên Cân thoải mái, mọi sầu muộn xua tan. Tài chơi đàn tính của Xiên Cân không ai sánh nổi, từ đấy Xiên Cân có người yêu. Vì tiếng đàn quá hay, nhiều người nghe tiếng đàn của Xiên Cân bị quyến rũ, mê muội, quên hết mọi việc. Muôn vật nghe tiếng đàn tính tẩu đều ngẩn ngơ như tĩnh lặng, lâu ngày sinh ốm đau, bèn tấu cáo lên trời. Ngọc Hoàng sai Thiên Lôi xuống tìm hiểu và biết sự tình của mọi sự mê muội ở trần thế chỉ vì cây đàn mười hai dây của Xiên Cân. Ngọc Hoàng phán xử, buộc Xiên Cân phải cắt bỏ chín dây, còn lại ba dây. Đàn ba dây chơi vẫn hay nhưng không làm người khác mê muội, đến mức ốm đau như trước. Vì thế, cây đàn tính ngày nay chỉ có ba dây.

Từ những câu chuyện được lưu truyền trong tâm thức của đồng bào Tày, có thể thấy lời hát Then cùng cây đàn tính của dân tộc Tày đã ra đời từ rất lâu, trở thành sản phẩm tinh thần đi vào thần thoại, cổ tích. Như vậy, có thể khẳng định nguồn gốc của Then đã có từ khi tổ tiên người Tày có nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng và phát triển theo sự tiến bộ của cộng đồng Tày.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) then tày ở chợ mới, bắc kạn (Trang 25 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)