Then phản ánh tín ngưỡng tâm linh đậm màu sắc văn hóa dân tộc Tày

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) then tày ở chợ mới, bắc kạn (Trang 38 - 43)

7. Bố cục của luận văn

2.1. Then phản ánh tín ngưỡng tâm linh đậm màu sắc văn hóa dân tộc Tày

Mỗi dân tộc trên đất nước Việt Nam đều có bản sắc văn hóa riêng trong chỉnh thể vừa thống nhất vừa đa dạng. Nét đặc sắc về văn hóa của từng dân tộc được bảo lưu trong phong tục tập quán độc đáo cùng nhiều phương thức lưu truyền như truyện kể, cổ tích, thần thoại, sự tích, thơ… và không thể không nhắc đến nghệ thuật dân gian, trong đó có âm nhạc. Hát Then là hình thức sinh hoạt âm nhạc phản ánh khá rõ tín ngưỡng tâm linh của người Tày.

Giống như nhiều dân tộc khác trên đất nước ta, thế giới tâm linh của người Tày là thế giới đa thần, nó phản ánh sự giao lưu hội nhập giữa yếu tố tôn giáo tín ngưỡng bản địa với các tín ngưỡng du nhập như Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo. Trước hết Then là sự sinh động hoá quan niệm về thế giới ba tầng của người Tày. Thông qua nhãn quan của những người làm nghề Then, thế giới ba tầng hiện lên rất rõ ràng bao gồm cõi trời (mường buân), cõi đất (âm phủ) và cõi nhân gian (thế gian, dương gian, trần thế, tu thế) mà ở đó với tư cách là người thông quan được với thần linh, người làm Then (các Pháp thư) đã đi lại được một cách dễ dàng từ cõi này sang cõi khác. Thông qua lời Then, cõi trời được cụ thể hoá, hiện thực hoá như là một hình ảnh lý tưởng của nhân gian. Hay nói cách khác, Then đã nhân hoá cõi trời, ngoài cung phủ nguy nga tráng lệ ra, cõi trời của Then cũng rất gần gũi với đời thường: có rừng rú, biển cả, có ruộng vườn, chợ búa, …Phản ánh điều đó, trong lời Then có xuất hiện nhiều từ ngữ, hình ảnh gọi tên hoặc gợi về thế giới tâm linh ba tầng ấy.

Qua việc khảo sát 168 lời bài hát Then, trong đó có 71 bài Then Cúng chữa bệnh, cứu dân độ thế, 82 bài Then Cấp sắc, tăng sắc và 15 bài Then Sa hoa, chúng tôi thu được kết quả như sau:

Bảng 1: Thống kê các từ ngữ, hình ảnh gọi tên hoặc gợi về thế giới tâm linh trong Then

Stt Hình ảnh Số bài Số lần

1 Thượng giới, Ngọc Hoàng 48 115 2 Long Vương, Thủy tề 14 42 3 Trần thế, dương gian 5 46 4 Nhà đẳm (tổ tiên) 11 109 5 Thổ công 6 36 6 Bà Quốc mẫu 6 5 7 Mẹ Hoa, mẹ Mụ 3 4 8 Ma 5 4 9 Hồn, phách 0 4 10 Vía 0 42

Bảng thống kê trên cho thấy, trong tổng số 168 bài Then đã sưu tầm được thì có đến 48 bài Then hát về tầng thượng giới như Phát đường để đưa lễ lên vua cha Ngọc Hoàng [47, tr. 49], Dâng rượu vua Ngọc Hoàng [47, tr. 111], Vào dinh Ngọc Hoàng [47, tr. 235]Bên cạnh đó, lời Then cũng gọi Ngọc Hoàng bằng những ngôn từ đầy tôn kính, khi thì vua cha Ngọc Hoàng, khi thì ông Ngọc Hoàng…Điều này cho thấy trong quan niệm của người Tày, có một thế giới tối cao do Ngọc Hoàng ngự trị. Các lời hát Then, suy cho cùng cũng chỉ nhằm xin Ngọc Hoàng cho phép các thầy Then được dùng lời hát của mình để phục vụ các nhu cầu tín ngưỡng khác nhau trong đời sống tinh thần của người dân. Bên cạnh ta còn thấy xuất hiện thế giới của Long Vương, Thủy tề (có 14 bài và các từ Long Vương, Thủy tề xuất hiện đến 42 lần trong các bài hát Then ). Dù đường Then có hát theo hướng lên thượng giới hay xuống Long vương, Thủy tề thì cuối cùng các thầy Then vẫn quay về với thế giới trần gian. Thế giới ấy thường được gọi bằng các tên gọi khác nhau như trần thế, dương gian. Các thầy Then có thể chu du trong ba cõi ấy chính là tìm ra sự hòa hợp giữa chúng, để cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân dân được bình an, hạnh phúc. Điều đó tuy phản ánh sự nhận thức một cách hồn nhiên, thô mộc nhưng ít nhiều mang tính nhân văn trong thế giới quan của người Tày.

Ngoài ra, Then còn là sự cụ thể hoá quan niệm tín ngưỡng dân gian bản địa của người Tày. Trong quan niệm dân gian, tất cả các vị thần khi vào trong Then đều đã được hình tượng hoá như những nhân vật có thật. Ngoài tổ tiên, tổ sư là những nhân vật có thực đã khuất, các vị thần linh khác trong Then đều có những dáng vẻ riêng, nhiều vị được hiện lên qua phương thức nhập đồng trong các đám lẩu cấp sắc của Pụt như Thổ công, Táo quân…vv. Các tướng nghề như tướng Thang, tướng Cả, Thiên bồng...được nhắc đến nhiều lần trong Then, nhất là những đoạn dâng lễ chuẩn bị cho nghi lễ cầu cúng. Ví dụ như:

Phần tiếng Tày Tạm dịch

Mởi thâng đức tướng Thang

Mởi thâng quan tướng Cả

Mởi thâng tướng Thiên bồng

Mởi thâng ông Đại Thánh

Mởi thâng tướng Thiên ru

Mởi thâng tu ngụ lôi Đại tướng

Mởi thâng đình Thái thượng lạo quân

Mởi thâng tướng rườn Phép ná đăm

Mởi thâng tướng rườn cung ná mấy

Mởi thâng tướng Bạch xà

Mởi thâng quan Hắc hổ

Mởi thâng tam típ tướng rườn pháp

Mời thâng pét típ tướng rườn vương

Mởi thâng tướng nhạc đàn Then câm

Mời thâng các tướng đền vàng pụt luông

[47, tr. 32]

Mời đến đức tướng Thang Mời đến quan tướng Cả Mời đến tướng Thiên bồng Mời đến ông Đại Thánh Mời đến tướng Thiên du Mời đến ông ngũ lôi Đại tướng Mời đến Thái thượng lão quân Tướng nhà Phép mặt đen

Mời đến tướng nhà Phép mặt đen Mời đến tướng Bạch xà

Mời đến quan Hắc hổ

Mời đến ba mươi tướng nhà pháp Mời đến tám mươi tướng nhà vương Mời đến tướng nhạc đàn Then câm Mời đến các tướng đèn vàng bụt luông

Bên cạnh đó, khái niệm hồn vía cũng được cụ thể hoá trong Then. Điều này xuất phát từ quan niệm cho rằng con người có hai phần: hồn và xác. Phần thể xác là cơ thể người đang sống, sinh hoạt, lao động, học tập. Phần hồn gồm có 3 hồn, nam có

7 vía (chất tua khoăn), nữ có chín vía (cẩu tua khoăn). Sau khi chết, hồn lìa khỏi xác và tồn tại trong cõi tâm linh gọi là phi (ma): một hồn sẽ về trời, một hồn ở trong mộ, một hồn được thờ trên bàn[46, tr. 5]. Trong những bài cúng cầu yên hoặc cúng giải hạn chữa bệnh, hồn vía được Then hình dung như là một sinh linh mềm yếu, rất dễ bị cám dỗ, rất dễ bị tổn thương, muốn đưa hồn, vía về nhà thì phải vỗ về, dỗ dành đôi khi phải dọa dẫm, đe nẹt. Ví dụ:

Phần tiếng Tày Tạm dịch - Roặn au khoăn thế đông theo chúa,

Tắng khoăn ná lìa tứa lìa khân. - Khoăn hợi ná đáy đu tu lầu,

Khoăn hợi ná đáy chầu tu đắm,

Khoăn hợi khứn vọng rá theo quan.

[46, tr. 117]

- Thu lấy vía thế đông theo chúa, Nhắn vía đừng quên áo quên khăn. - Vía ơi đừng dạo chơi của lầu, Vía không được ở chầu cửa đắm, Vía hãy lên vọng ra theo quan.

Các Pháp thư thầy Then là Đệ tửu (con của Ngọc hoàng), là người được Thụ sắc hoàng thiên - Ngọc Hoàng cấp sắc hàm, được điều hành binh phu, khiển tướng cõi âm bằng lời hát để khuyên dạy, thuyết phục, nghiêm trị tà ma quỷ quái, thu vía về cho người ốm, chữa bệnh cứu dân cho người. Vì vậy, kết thúc một quy trình hát Then thường dừng ở việc thầy Then thu phục, gọi hồn, vía về với dương gian:

Phần tiếng Tày Tạm dịch

Tam típ tướng rườn phép chá khoăn

Pét típ tướng rườn cung chá vía Chá đo khoăn nhập đang

Chá đo vía thế gian nhập phjác Tam hồn thất, cửu phách

Toàn gia khuyến đắng Mà đang hứ chọm.

[47, tr. 290]

Ba mươi tướng nhà phép trả vía Tám mươi tướng nhà cung trả vía Trả đủ vía nhập thân

Trả đủ vía thế gian nhập trán Tam hồn thất phách

Tam hồn cửu phách Toàn quyền quyến đắng Đến cho đủ cả.

Cũng như người Kinh, thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng cơ bản nhất trong tín ngưỡng của người Tày được thể hiện khá rõ trong Then cấp sắc và Then cúng chữa bệnh. Thờ cúng tổ tiên (thờ phi đắm hay thờ phi chỏ) là hình thức thờ cúng phổ biến trong tất cả các nhóm cộng đồng. Người Tày quan niệm ông bà, cha mẹ sau khi chết nhưng linh hồn vẫn tồn tại, vì vậy con cháu phải lập bàn thờ cúng bái hàng năm. Do đó, người Tày có phong tục lập bàn thờ tổ tiên ngay từ khi mới tách hộ. Ngày vào nhà mới, người Tày thường mời các Pháp thư đến hát Then để đưa bàn thờ vào nhà và vị thế bàn thờ luôn được đặt ở nơi tôn nghiêm nhất trong nhà. Các nghi lễ chính do thầy Then (hoặc Tào) chủ trì đều được thực hiện trước bàn thờ tổ tiên (tu đắm) từ mở đầu cho đến kết thúc với các thủ tục như trình báo tổ tiên, dâng lễ tổ tiên, tạ ơn tổ tiên.

Dòng họ làm Then, Pụt, Tào, thầy cúng còn có bàn thờ riêng để thờ tổ thư gọi là

Pàn tịnh (Bàn thờ nghề). Đây là một trong những nét đặc sắc trong tín ngưỡng tâm linh của người Tày. Pàn tịnh có hai bậc: bậc thượng đặt một lọ hương để cắm ba nén thờ Phật, Tiên, Thánh tướng; bậc thấp hơn có lọ hương chỉ cắm một nén thờ các chư vị Tổ thư - thờ những vị trước kia còn sống đã cấp sắc cho họ thành Pháp thư [46, tr. 10]. Trước khi đi hành lễ hát Then, các Pháp thư phải mo (cúng) bàn thờ này.

Đối với người Tày thế giới thần linh thật linh thiêng và huyền bí chứa đựng đầy uy lực mà con người không thể làm được. Trong niềm tin của người Tày có một số vị thần như bà Quốc mẫu, Mẹ Hoa, Thổ thần bảo vệ cuộc sống yên lành cho con người, cây cối, chim muông... Các vị thần ấy đã được biểu tượng hóa trong Then qua sự khắc họa tính cách nhân vật rất gần gũi với đời thực. Niềm tin này dần hình thành một tư duy tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tổ chức các nghi lễ Then gắn với vòng đời người.

Tìm hiểu một số văn bản Then Tày ở các huyện Bạch Thông, Ba Bể của tỉnh Bắc Kạn, chúng tôi thấy rằng ở các địa phương nói trên cũng lưu truyền những bài hát Then có nội dung tương tự. Điều này có thể lí giải được, bởi những bài hát Then là sản phẩm chung của cộng đồng người Tày ở Bắc Kạn, được lưu truyền từ vùng đất này sang vùng đất khác. Tuy nhiên, có sự khác biệt là những bài hát Then nghi lễ thể hiện tín ngưỡng tâm linh của người Tày ở Chợ Mới, Bắc Kạn được phổ biến rộng rãi hơn cả so với các vùng khác.

Nói tóm lại, Then được hiện thực hóa thế giới tâm linh của đồng bào Tày. Chính vì vậy mà Then đã trở nên gần gũi, gắn bó với đời sống tôn giáo tín ngưỡng của người dân qua nhiều thế hệ. Có thể nói rằng niềm tin vào các lực lượng siêu nhiên, các thần, ma chính là cái cốt lõi làm nên Then và nghi lễ. Người Tày tin rằng để ngô, lúa đầy bồ là do mưa thuận gió hòa, người ốm yểu trở nên mạnh khỏe... đó là sự giúp đỡ đắc lực của thần linh, của các ma. Văn hóa hát Then từ ngàn xưa đã tồn tại bởi quan niệm tâm linh như thế.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) then tày ở chợ mới, bắc kạn (Trang 38 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)