Diễn xướng Then Tày ở Chợ Mới, Bắc Kạn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) then tày ở chợ mới, bắc kạn (Trang 31 - 38)

7. Bố cục của luận văn

1.3.3. Diễn xướng Then Tày ở Chợ Mới, Bắc Kạn

Diễn xướng là yếu tố ngoài văn bản nghệ thuật ngôn từ nhưng tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian thì luôn gắn liền với diễn xướng. Vì vậy, để hiểu đúng, hiểu sâu sắc văn bản nghệ thuật dân gian thì không thể tách nó ra khỏi môi trường diễn xướng. Tìm hiểu Then Tày của người Tày ở Chợ Mới, Bắc Kạn cũng không nằm ngoài yêu cầu đó.

Diễn xướng là thuật ngữ được dùng khá quen thuộc trong nghiên cứu văn học nghệ thuật và đặc biệt là trong nghiên cứu văn học, văn hoá dân gian. Song, trong quá trình nhận diện, các nhà nghiên cứu đã có nhiều cách đưa ra khái niệm khác nhau về diễn xướng, tiêu biểu như:

Nhà nghiên cứu Hoàng Tiến Tựu cho rằng: thuật ngữ diễn xướng dân gian có thể và cần được hiểu với hai nghĩa rộng và hẹp khác nhau. Với nghĩa rộng, diễn xướng dân gian là tất cả mọi hình thức biểu diễn (hay diễn xướng) và ít hoặc nhiều đều mang tính chất tổng hợp tự nhiên, (hay tính chất nguyên hợp) mà lâu nay ta quen gọi là văn học dân gian; còn nghĩa hẹp, nó chỉ bao gồm các thể loại diễn (như trò diễn, trò tế lễ dân gian...) [41, tr. 64-67].

Nguyễn Hữu Thu quan niệm: Thuật ngữ diễn xướng là để chỉ chung việc thể hiện, trình bày những sáng tác văn nghệ của con người gồm nhiều yếu tố hợp thành, diễn xướng là tất cả những phương thức sinh hoạt văn nghệ mang tính chất nguyên hợp của loài người từ lúc sơ khai cho đến thời đại văn minh hiện nay[37, tr. 56-58].

Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) đã định nghĩa diễn xướng một cách ngắn gọn là trình bày các sáng tác dân gian bằng lời lẽ, âm thanh, nhịp điệu [30, tr. 85].

Qua tìm hiểu các ý kiến bàn về diễn xướng, chúng tôi thấy bên cạnh những điểm chưa thống nhất, các nhà nghiên cứu đều cho rằng: Diễn xướng là hình thức biểu hiện, trình bày các sáng tác dân gian bằng lời lẽ, âm thanh, điệu bộ, cử chỉ...Theo đó, diễn xướng Then Tày ở Chợ Mới, Bắc Kạn được chúng tôi thống nhất với cách hiểu như trên và được xem xét một vài khía cạnh cơ bản sau:

1.3.3.1. Môi trường diễn xướng

Hát Then là loại hình hát độc đáo, đặc sắc nhất trong hệ thống làn điệu dân ca của người Tày. Là một hình thức nghi lễ nên hát Then cổ có đặc điểm diễn xướng riêng biệt. Môi trường diễn xướng của Then cổ chủ yếu gắn liền với thời gian vào mùa xuân và không gian nếp nhà sàn, trước bàn thờ tổ tiên.

Diễn xướng Then Tày ở Chợ Mới thường được tổ chức nhiều nhất vào mùa xuân (từ tháng một đến hết tháng ba âm lịch). Đây là khoảng thời gian đồng bào dân tộc đã kết thúc vụ mùa, dồi dào lương thực, thực phẩm, vật chất đầy đủ; quan trọng hơn cả là đồng bào vừa kết thúc một năm cũ và đón một năm mới. Đồng bào nơi đây thường đón thầy, đón Then về làm lễ dương thao, giải hạn, cầu tài, cầu lộc, cầu bình an, thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người. Mùa xuân cũng là lúc các địa phương vùng cao tổ chức các lễ hội mừng Đảng, mừng xuân. Đây cũng là thời điểm để những người yêu thích Then được nghe các nghệ nhân hoặc những người say mê hát Then thể hiện tài năng của mình. Tuy nhiên, Then còn được diễn xướng vào những thời điểm khác nhau như khi gia đình có người ốm đau, bệnh tật, gia đình có người chết... Hệ thống các bài hát Then nghi lễ được diễn xướng theo trình tự nghi thức nhất định phụ thuộc vào nội dung và mục đích hát Then gọi là tàng Then (đường Then cúng lễ). Do vậy tùy vào nội dung và mục đích của việc hát Then mà diễn xướng Then có thời gian cụ thể khác nhau.

Không gian diễn xướng của Then nghi lễ gắn liền với bàn thờ tổ tiên. Những người đã được cấp sắc đi làm nghề hát Then, Pụt, thầy cúng, thầy tào mới được hát các bài Then cúng lễ. Trước khi đi làm lễ hát Then, họ phải thắp hương lên bàn thờ tổ tiên của mình. Họ cũng chỉ hát Then khi mâm lễ cúng trước bàn thờ được gia đình mời đến hát trang hoàng với những lễ vật, đồ cúng tổ tiên, đặc biệt là đã được cắm hương cháy. Đây là sân khấu diễn xướng đặc thù của Then nghi lễ. Việc hát Then ngoài mục đích nghi lễ thì không gắn liền với không gian nói trên.

1.3.3.2. Nhân vật diễn xướng

Then Tày luôn hấp dẫn bởi những lời ca đằm thắm, chan chứa tình yêu thương, những giai điệu thánh thót của cây đàn tính, sự nhịp nhàng của chùm xóc nhạc. Trải qua quá trình truyền miệng và cách nói vần, Then Tày khởi phát từ những giai điệu nguyên sơ, phát triển dần lên trở thành những cung bậc mượt mà. Nằm trong kho tàng văn học dân gian, Then Tày chỉ có thể phát huy hết giá trị của nó khi đặt trong môi trường diễn xướng. Nhân vật diễn xướng trong Then là những người trực tiếp hát Then. Trong Then cổ, nhân vật diễn xướng được phân định khá rõ ràng, thường là những Pháp thư Pụt, Tào, Then …những người đã được Ngọc Hoàng phong chức sắc. Sau này khi Then được sân khấu hóa thì hát Then có thể do các nghệ sĩ thể hiện. Nhưng nhìn chung những bài Then cổ đều do các nghệ nhân diễn xướng.

Theo số liệu của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Chợ Mới, Bắc Kạn, hiện nay trên địa bàn huyện có 21 người được công nhận là nghệ nhân hát Then cổ, trong đó có hai bà Then, còn lại đều là các ông Then. Những nghệ nhân này đều đã hơn bảy mươi tuổi. Ngoài ra còn có 18 người chuyên biểu diễn các bài hát Then sa hoa. Các nghệ nhân này cư trú ở các xã như Mai Lạp, Nông Hạ, Quảng Chu, Bình Văn, Yên Hân, Yên Cư, Thanh Mai, Thanh Vận, Nông Hạ…Riêng thôn Bản Tinh, xã Yên Hân có một câu lạc bộ hát Then thu hút rất nhiều nghệ nhân tham gia.

Tóm lại, các bài Then nghi lễ chỉ do một Pháp thư thể hiện (đơn ca) một cách nhân từ, nghiêm túc, rất thiêng: nhất thiết phải được ngồi thể hiện bâm hương - mâm Then được thiết lập có cắm ba nén hương. Trước khi hát, các Pháp thư phải gieo âm dương báo cáo các chư vị Tổ thư quan tướng nhà Then mình đang tôn thờ [47, tr.16]. Mỗi nghệ nhân sở hữu một giọng hát, một phong cách hát khác nhau và cách diễn xướng

cũng phụ thuộc vào mục đích của từng bài. Các bài Then cổ cũng không thể hát tùy tiện, phải theo một trật tự nhất định. Ví dụ như khi diễn xướng những bài Then nghi lễ cúng chữa bệnh thì thầy Then bài hát sáu bài bắt buộc mở đầu; sau đó đến những bài Then theo hướng lên thượng giới rồi mới đến các bài Then hướng xuống Long Vương thủy tề. Các Pháp thư còn căn cứ vào mục đích hát Then và căn bệnh cụ thể của gia chủ mà hát những bài theo quy định khác nhau. Với mục đích bảo tồn hình thức dân ca này, Then cổ cũng đang được sân khấu hóa. Khi các nghệ nhân hát Then cổ trên sân khấu mang tính chất biểu diễn thì một số nghi thức kể trên đã được lược bỏ.

Ngày nay, các bài hát Then mới được sáng tác theo lời Tày, lời Việt gắn liền với những nội dung phong phú và đa dạng. Nhân vật diễn xướng do đó cũng ngày càng mở rộng, có thể do một hoặc nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ thể hiện. Dù bất kể ai khi diễn xướng thì cái tôi của họ sẽ hòa vào ca từ của bài hát để thể hiện cái tài và cái tâm của mình tạo nên chất liệu trữ tình trong các bài Then.

1.3.3.3. Trang phục diễn xướng

Then là một trong những thể loại của dân ca Tày mà người diễn xướng có trang phục rất đặc trưng. Khi hát Then, các nghệ nhân mặc áo choàng dài màu đỏ rực rỡ có hàng cúc chéo trước ngực. Trên áo thường có thêu hình rồng, phượng, công rất tinh xảo. Người Tày gọi đó là áo hào quang. Đi cùng với bộ áo đó là mũ thất phật (mũ có bảy hình phật). Theo quan niệm tâm linh, đây là bộ trang phục do Ngọc Hoàng cấp cho các ông Then, bà Then. Vì vậy người ta cũng không thể tùy tiện mặc bộ trang phục này. Ở một số nơi, bà Then còn mặc bộ lễ phục gồm: áo dài, mão, khăn đội đầu màu đỏ, trang phục có gắn những hạt kim sa lóng lánh hoặc gắn những bông hoa, hoa văn phức tạp… Ngoài ra, khi hát Then, các thầy cúng, thầy tào còn mặc áo màu xanh hoặc màu vàng nhưng về cơ bản vẫn được thiết kế giống như áo màu đỏ. Đây chính là những điểm khác biệt về phục trang của những nghệ nhân hát Then cổ và các nghệ sĩ hát Then mới sau này.

Trang phục của các nghệ sĩ hát những bài Then mới được sáng tác sau này đã được cải biến nhiều. Người hát Then có thể mặc trang phục truyền thống của dân tộc Tày là bộ áo chàm dài truyền thống hoặc đã được cách tân. Tuy nhiên, giai điệu dân ca này vẫn luôn gắn liền với những trang phục biểu diễn mang đậm nét văn hóa của dân tộc Tày nơi đây.

1.3.3.4. Hình thức diễn xướng

Qua khảo sát, nghiên cứu, chúng tôi đã xác định được, hát là hình thức diễn xướng truyền thống của một số loại sáng tác dân gian trong đó có Then .

Diễn xướng hát Then của người Tày ở Chợ Mới chủ yếu dưới hình thức đơn ca. Lời hát không chủ yếu hướng tới giao tiếp, trò chuyện trực tiếp, hay bày tỏ những suy nghĩ, cảm xúc, tình cảm chủ quan của mình với mọi người xung quanh mà chủ yếu giao tiếp trong thế giới tâm linh, với thần, thánh, binh tướng, thậm chí ma, quỷ. ... Cũng bởi vậy mà lời hát Then cổ mang tính trang trọng, tôn nghiêm.

Các yếu tố phụ trợ khác như động tác, cử chỉ, điệu bộ, nét mặt (những yếu tố phi ngôn ngữ) cũng được sử dụng trong diễn xướng Then. Những yếu tố trên, nếu được sử dụng trong khi hát Then thì thường không phức tạp, không mang tính nghệ thuật biểu diễn như trong diễn xướng Tuồng, Chèo của người Kinh, mà là các động tác, cử chỉ, điệu bộ đơn giản, dễ làm, cũng là một phần nghi lễ. Đó là: cung kính chắp tay, thưa gửi, lắc lư thân người theo âm điệu của bài hát, ngậm và phun nước, múa gậy thần thông, đặc biệt là động tác gảy đàn tính v.v. Những động tác ấy của người diễn xướng phù hợp với nội dung và mục đích bài hát. Tất nhiên, hiệu quả hỗ trợ của nó đến đâu lại phụ thuộc rất nhiều vào khả năng nhập vai của người diễn xướng. Qua tìm hiểu chúng tôi biết, những Pháp thư như Nguyễn Văn Quyền, Ma Văn Nậm, Ma Văn Sâm ( Yên Cư, Chợ Mới), Vũ Văn Đại (Nông Hạ),. .. là những nghệ sĩ dân gian thực sự.

Trong diễn xướng thơ ca dân gian các dân tộc thiểu số nói chung và diễn xướng Then nói riêng, âm nhạc là yếu tố không thể thiếu. Qua thực tế tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, diễn xướng Then của người Tày được thể hiện trên nền nhạc được tạo nên bởi giai điệu của của cây đàn tính tẩu và bộ xóc...Các loại nhạc cụ này cũng được người diễn xướng sử dụng kết hợp phù hợp với nội dung của từng bài hát. Bài có nội dung tâu trình, người diễn xướng chỉ gảy đàn, không bấm phím, không xóc nhạc; bài có nội dung thuyết phục thì bấm phím đàn hát sao cho hay; bài có nội dung hành quân, đi đường thì phải bấm phím, chân xóc nhạc sao cho nhịp nhàng, sôi nổi...vv. Mỗi khi tiếng tính tẩu vang lên cùng những làn điệu Then, ta như thấy tiếng nước suối róc rách chảy, tiếng chim kêu thánh thót, dồn dập tiếng ngựa phi, tiếng gió ngàn

hun hút. Thấy rõ được sức cuốn hút mạnh mẽ của những làn điệu Then, trong kháng chiến chống Pháp, nhiều cán bộ, bộ đội ta mang theo cây tính tẩu, hát những lời ca mới theo làn điệu Then trong hành quân, trong gặp gỡ đồng bào. Tiếng tính tẩu cùng điệu Then, đã góp phần động viên tinh thần và gắn kết tình quân dân. Các nhạc sĩ, những người tiên phong cho việc phát huy các giá trị đặc sắc, độc đáo của âm nhạc Then, đã phổ những lời ca mới, lấy những chất liệu, âm điệu Then sáng tác ca khúc, âm nhạc cho múa phục vụ đời sống tinh thần của quân dân, ca ngợi cuộc kháng chiến chống Pháp… vv.

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy hát Then ở vùng Bắc Kạn nói chung và Chợ Mới nói riêng có đến 35 điệu khác nhau. Tuy nhiên hầu như các nghệ nhân chỉ hát năm đến sáu điệu cơ bản. Các điệu hát này có lời thơ giống nhau, chỉ khác nhau về cách ngân nga, nhấn nhá: bài thì được hát giọng điệu đều đặn, khoan thai; bài lại được hát với điệu dồn dập, mạnh mẽ, sôi nổi; đôi lúc chuyển sang điệu vui tươi, giễu cợt; có khi điệu ca trở nên chậm rãi, trầm lắng và trang trọng ...vv. Nhìn chung những điệu hát này còn phụ thuộc giọng hát, phong cách hát của người diễn xướng. Do đó, rất khó phân định rõ ràng các điệu hát trong diễn xướng Then .

Như vậy, sự kết hợp các điệu ca trong hát Then không chỉ nâng cao sức mạnh của nội dung câu thơ mà còn tô đậm, làm lắng đọng thêm tình cảm, làm thăng hoa những cảm xúc được kết tinh trong Then, làm thỏa mãn những công chúng thích thưởng thức Then. Điều đó phần nào lý giải vì sao hát Then dần trở thành hình thức sinh hoạt văn nghệ quần chúng đặc sắc, không thể thiếu trong những nghi lễ truyền thống của người Tày.

* Tiểu kết

Có thể thấy, Chợ Mới là một vùng đất đa dạng về sinh thái, có đặc điểm về điều kiện tự nhiên miền núi rất đặc trưng. Điều này để lại dấu ấn trong những tên làng, tên xã, trong lời của những bài hát Then. Bên cạnh đó, đây cũng là nơi có rất đông người Tày bản địa sinh sống. Cũng như dân tộc Tày trên khắp mọi miền Tổ quốc, dân tộc Tày nơi đây có một truyền thống văn hóa lâu đời, phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc riêng độc đáo. Mạch nguồn văn hóa ấy đã in đậm trong những sinh hoạt vật chất, tinh thần, lối sống, phong tục tập quán của con người nơi đây.

Văn học dân gian của dân tộc Tày ở Chợ Mới khá phong phú, đa dạng về thể loại, đặc biệt là Then. Các thể loại văn học dân gian đã sưu tầm được ở nơi đây chủ yếu được truyền miệng. Tuy nhiên hiện nay, một số lượng lớn các tác phẩm thuộc các thể loại nói trên đã được những người quan tâm ghi chép và biên tập lại tương đối hệ thống, nhất là Then. Lịch sử ra đời và phát triển của Then gắn liền với đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng tâm linh của dân tộc Tày. Hơn nữa Then cũng mang những đặc điểm của một thể loại văn học dân gian nên sự tồn tại của nó luôn gắn liền với diễn xướng. Tuy rằng chúng tôi tìm hiểu Then dưới góc độ văn học nhưng để hiểu sâu sắc về nội dung và nghệ thuật của nó thì không thể không quan tâm đến đặc điểm diễn xướng rất đặc trưng của Then.

Trong tổng thể văn hóa dân gian của người Tày ở Chợ Mới, Bắc Kạn, hát Then là một hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc. Qua hát Then, ta thấy được nhiều nghi lễ mang đậm bản sắc Tày độc đáo, đồng thời hiểu và thêm trân trọng vẻ đẹp tâm hồn, khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của con người nơi đây. Mỗi lời thơ, mỗi khúc hát Then đều gắn với mỗi nghi lễ, đều chứa đựng trong đó nhiều giá trị thẩm mĩ và nhân văn sâu sắc.

Những nét khái lược về lịch sử, điều kiện tự nhiên, xã hội, đời sống văn hóa, văn học dân gian trong đó có Then của dân tộc Tày ở Chợ Mới, Bắc Kạn là cơ sở quan trọng để tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật của Then từ góc độ văn bản nghệ thuật ngôn từ trong những chương tiếp theo.

Chương 2

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) then tày ở chợ mới, bắc kạn (Trang 31 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)