Phân loại Then Tày

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) then tày ở chợ mới, bắc kạn (Trang 29 - 31)

7. Bố cục của luận văn

1.3.2. Phân loại Then Tày

Then có mặt nhiều ở năm tỉnh miền núi Việt Bắc là Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang. Tuy nhiên mỗi vùng làn điệu Then lại có những nét độc đáo riêng: Then Cao Bằng dìu dặt tha thiết; Then Lạng Sơn tươi vui, rộn ràng; Then Tuyên Quang dồn dập như thúc quân ra trận; Then Hà Giang nhấn nhá từng tiếng một; Then Bắc Kạn như chuyện kể thầm thì.

Căn cứ vào mục đích phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng, hát Then của người Tày được phân chia thành các dạng khác nhau. Sau đây là một số cách phân loại:

Theo Từ điển thuật ngữ Văn học, hát Then chia thành hai dạng chính: Hát

Then nghi lễ dạng hát Then ngoài mọi nghi lễ, cầu cúng. Hát Then nghi lễ có hai ngành: pựt tính và pựt nhạc (cũng gọi là pựt Tày và pựt Ngạn), chương khúc và lời thơ giống nhau, chỉ khác về phong cách: Then tính thường thiên về vui tươi, trong sáng, Then ngạn thiên về nghiêm trang, khắc khổ. Ngoài ra còn có dạng hát Then ngoài mọi nghi lễ, cầu cúng. Những người biết hát Then mà không làm nghề cúng Then được gọi là Then sống (pựt đíp). Họ hát trong đêm trăng, ở đầu núi, ngoài sàn, trên sân, ngoài đồng, trên nương…, ở đây hát Then là một loại dân ca sinh hoạt [1, tr. 173].

Theo ông Ma Văn Vịnh, một người có nhiều đóng góp về Then Tày ở Bắc Kạn thì có bốn mảng bài tồn tại trong không gian văn hóa hát Then Tày [46, tr. 16].

Mảng thứ nhất là những bài hát Then nghi lễ được hát tại lễ lẩu Then để cấp sắc hay tăng sắc cho đệ tử (người lập lễ hội lẩu Then ). Lễ cấp sắc nhằm đào tạo nghệ nhân, còn lễ tăng sắc chỉ dành cho các vị Then đã qua lễ cấp sắc. Như vậy tăng sắc là nâng cấp lên thứ phẩm cao hơn. Lễ hội lẩu Then xưa thường diễn ra trong hai ngày, hai đêm. Tại đây, các Quan Làng, Then Câm phải hát gần 100 bài Then nghi lễ, chưa tính các bài yểm bùa, các cách niệm phù phép…Công trình nghiên cứuVăn hóa tín ngưỡng Tày, các bài Then nghi lễ cấp sắc - tăng sắc do ông Ma văn Vịnh và ông Nguyễn Văn Quyền - pháp sư tự pháp Phong đã sưu tầm được 82 bài Then nghi lễ cơ bản được hát lại lễ hội lẩu Then để cấp sắc, tăng sắc cho các để tử. Các bài Then đã được sắp xếp theo trình tự nghi lễ của hội lẩu Then. Như vậy, lẩu Then là lễ hội của tập thể cộng đồng, là cơ sở trường học đề truyền dạy nghề Then trong cộng đồng [46, tr. 19].

Mảng thứ hai là các bài Then cúng chữa bệnh cứu dân độ thế gồm lên Thượng giới đến Ri cung nối số khoảng 70 bài và xuống Long Vương thập điện

khoảng 25 đến 30 bài [46, tr. 17]. Khi thực hiện các bài Then nghi lễ cúng chữa bệnh, nhà Then phải hát sáu bài đầu như là một thủ tục bắt buộc để thực hiện mọi cuộc cúng lễ chữa bệnh, hoặc lên Thượng giới nộp lễ (nộp lấu - nộp thuế hàng năm) hay xuống Long Vương thập điện. Sau đây là sáu bài Then bắt buộc đó:

Bài 1. Soi hương (Roọng hương) - Trình tổ tiên tín chủ Bài 2. Tò khửn bưởng Đông - Trở lên từ phía Đông

Bài 3. Khẩu tạm Rinh Há tón binh phu - Vào Rinh Há đón nhận binh phu Bài 4. Tò lồng bưởng Bắc - Trở xuống theo đường từ phương Bắc

Bài 5. Giải uế - Giải đi mọi uế trong gia đình người ốm

Bài 6. Kê biên - Kê biên cỗ lễ, phân công binh phu để vận chuyện đi.

Khi đi cúng lễ, các pháp sư phải chọn những bài hát cần thiết liên quan đến nội dung, mục đích cuộc cúng để tiếp tục đường Then của mình.

Mảng thứ ba là các bài Then hát trong đám ma, tiễn đưa hồn người chết đi về với tổ tiên. Văn hóa hát Then trong đám ma tồn tại nhiều ở Bắc Kạn. Tuy nhiên các văn bản Then này hầu hết được ghi chép bằng chữ Nôm do các thầy Tào lưu giữ lại, ít được dịch sang tiếng Việt. Khi hát trong đám ma, Pháp thư Then chỉ dùng thần khí là chùm nhạc sóc, chứ không dùng đàn tính tẩu.

Mảng thứ tư được gọi là Then sa hoa (hiểu theo nghĩa tiếng Tày là đi tìm hoa vui thú). Các bài Then sa hoa cổ thường được biết đến là: Bách điểu (trăm loài chim), Bách cốc (trăm thứ ăn được), Bách hoa (trăm thứ hoa), Mẻ ngoàng, Cốc tính, Mác ngỏa…vv. Các bài Then sa hoa thường hát trong lễ dương thao giải hạn, cầu tài cầu lộc đầu xuân năm mới (chỉ hát khi có nhu cầu của người nghe). Ngày nay còn có các bài hát Then mới được sáng tác lời Tày, lời tiếng Việt có dùng đàn tính tẩu, với nội dung ca ngợi Tổ quốc, Đảng, Bác Hồ, ca ngợi hoạt động sản xuất, chiến đấu…thuộc mảng Then sa hoa [46, tr. 18].

Mặc dù chia làm bốn mảng cụ thể nhưng ba mảng đầu đều gắn liền với nghi lễ nên có thể xếp vào dạng hát Then nghi lễ. Phần hát Then này chỉ do một Pháp thư thể hiện một cách nghiêm túc, rất thiêng. Pháp thư nhất thiết phải thể hiện trước bâm

hương (mâm Then được chuẩn bị có cắm ba nén hương). Trước khi hát phải gieo âm dương báo các các chư vị Tổ thư quan tướng nhà Then mình đang tôn thờ. Tùy thuộc vào mục đích của từng bài mà Pháp thư có cách thể hiện khác nhau: bài có nội dung tâu trình, Pháp thư chỉ gảy đàn không bấm phím; bài có nội dung hành quân, đi đường, Pháp thư phải bấm phím, chân sóc chùm nhạc sao cho nhịp nhàng, sôi nổi, đi có tốc độ. Có bài, Pháp thư ngồi hát, có bài phải đứng hát…vv. Dạng hát Then ngoài mọi nghi lễ, cầu cúng gọi là Then sa hoa. Mảngnày hiện nay đang được làm phong phú thêm. Các sáng tác gắn với nhiều nội dung đa dạng và các hình thức biểu diễn khác nhau: đơn ca, song ca, tốp ca, có múa phụ họa…nhằm thu hút người nghe và người hát cũng được thỏa sức thể hiện tài năng đàn hát của mình.

Then cổ là điệu dân ca truyền khẩu phong phú chủ yếu phục vụ cho nhu cầu văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người Tày từ ngàn xưa. Ngày nay, kho tàng Then của người Tày không ngừng được bồi đắp để làm phong phú thêm nhưng nó vẫn mang đậm bản sắc văn hóa Tày.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) then tày ở chợ mới, bắc kạn (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)