Nhóm giải pháp về y tế, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh hà nam (Trang 82 - 85)

lượng dân số

Để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bên cạnh các giải pháp về giáo dục - đào tạo, tỉnh Hà Nam cần quan tâm đúng mức đến vấn đề y tế, chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng dân số. Thực hiện các giải pháp này nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên phương diện thể lực.

Có thể nói, một cơ thể cường tráng, sung mãn, có tinh thần thoải mái, lành mạnh sẽ là cơ sở cho việc tiếp nhận và xử lý nhanh nhạy, có hiệu quả các thành tựu khoa học - công nghệ mới. Sức khỏe là nền tảng cho mọi sự phát triển của con người, là tiền đề để con người có thể nắm bắt tri thức. Do đó, để phát triển con người một cách bền vững, ngoài việc phát triển trí lực còn phải nâng cao thể lực. Việc giáo dục trí tuệ và nâng cao sức khỏe cho người lao động cả về thể chất lẫn tinh thần là hai mặt quan trọng nhất trong sự phát triển con người một cách bền vững, đó chính là cơ sở “đảm bảo chắc chắn cho mọi sự phát triển cả trong hiện tại lẫn tương lai” [10, tr.8-9]. Chính vì vậy, Đảng ta chủ trương phát triển con người toàn diện là: con người phát triển cao về trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức. Quán triệt quan điểm này của Đảng, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Nam luôn coi vấn đề chăm sóc sức khỏe, tăng cường thể chất cho người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Những thành tựu trong phát triển kinh tế của tỉnh thời gian qua đã tạo ra những tiền đề quan trọng cho việc nâng cao sức khỏe của người lao động. Tuy nhiên, để phát triển được đội ngũ nguồn nhân lực đủ chất lượng đáp ứng

yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh Hà Nam cần phải chú trọng một số vấn đề sau:

Một là, tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tổ chức được mạng lưới y tế rộng khắp từ thành thị đến nông thôn đi đôi với việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Xây dựng được hệ thống y tế toàn diện, thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ và đều đặn cho người lao động ở tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh, các ngành nghề, các khu vực. Đẩy lùi các dịch bệnh hiểm nghèo, tăng tuổi thọ bình quân, tăng chiều cao và cân nặng bình quân của thế hệ trẻ, duy trì mức sinh thay thế, giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống 15% vào năm 2015, cải thiện chất lượng bữa ăn cho nhân dân.

Mặt trái của nền kinh tế thị trường với các tệ nạn xã hội cũng đang hủy hoại dần sức lao động của xã hội, gây ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, phải chú trọng tuyên truyền xây dựng lối sống văn hóa, trong sáng, lành mạnh. Bên cạnh đó, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh cũng làm cho môi trường tự nhiên của Hà Nam bị ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng nói chung và của người lao động nói riêng. Để khắc phục tình trạng đó, tỉnh cần có các giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường sống của con người. Cần phải kiên quyết xử lý những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường; đồng thời phải rất sâu sát trong việc thẩm định, kiểm tra công tác xử lý môi trường của các cơ sở sản xuất ngay từ khi họ thiết kế, triển khai xây dựng công trình đến quá trình vận hành sản xuất sau đó.

Hai là, ưu tiên và quan tâm chăm sóc sức khỏe trẻ em bởi trẻ em chính là những chủ nhân tương lai của đất nước và có chăm sóc tốt sức khỏe cho trẻ

em thì mới có được những người lao động khỏe mạnh trong tương lai. Đây chính là sự chuẩn bị cần thiết về nguồn nhân lực cho sự phát triển của tỉnh trong tương lai.

Chính vì vậy, bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em phải là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu. Cần phải đảm bảo cung cấp đủ với cơ cấu dinh dưỡng hợp lý, trước hết nhằm phòng và chống suy dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi; thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho trẻ em ở các độ tuổi; chăm sóc sức khỏe sinh sản tốt, thực hiện tốt công tác sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, tổ chức các buổi tư vấn về chăm sóc bà mẹ mang thai và trẻ nhỏ…

Ba là, cùng với chính sách về y tế, tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến chính sách dân số vì nó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của con người. Tỷ lệ tăng dân số cao sẽ gây áp lực cho tỉnh trong các vấn đề về giáo dục, y tế, môi trường, giải quyết việc làm… Hệ quả là kinh tế - xã hội phát triển chậm, chất lượng cuộc sống của nhân dân không được cải thiện nên việc nâng cao chất lượng dân số sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, trong chính sách dân số tỉnh cần làm tốt công tác truyền thông và dịch vụ dân số nhằm duy trì mức sinh thay thế, giảm tình trạng mất cân bằng giới tính, giảm tỷ lệ gia tăng dân số và cải thiện, nâng cao chất lượng dân số.

Ngoài ra, để nâng cao tầm vóc và thể lực cho người lao động, tỉnh cần có sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân để thực hiện đồng bộ các chính sách nhằm nâng cao thể lực cho nguồn nhân lực của tỉnh. Cụ thể:

- Thu hút và sử dụng có hiệu quả nhiều nguồn lực khác nhau đầu tư cho công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.

- Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm huy động các nguồn vốn dưới các hình thức viện trợ, hợp tác, liên doanh, liên kết vào các vấn đề cấp bách mang tính xã hội và cộng đồng cao như: phòng, chữa bệnh, trang thiết bị y tế…

- Động viên nhân dân tích cực luyện tập thể dục, thể thao, tạo thành phong trào rộng khắp trong các tầng lớp dân cư của tỉnh.

Như vậy, quan tâm chăm sóc sức khỏe của nhân dân nhằm nâng cao chất lượng dân số là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nam phải thực hiện tốt để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh hà nam (Trang 82 - 85)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(107 trang)
w