Về cơ cấu nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh hà nam (Trang 50 - 53)

Cơ cấu nguồn nhân lực phản ánh qua cơ cấu dân cư, cơ cấu lao động trong các ngành, cơ cấu lao động đã qua đào tạo trong các lĩnh vực và các khu vực kinh tế, cơ cấu trình độ lao động, cơ cấu độ tuổi trong lực lượng lao động, cơ cấu nguồn lao động dự trữ trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề…

Những năm gần đây, cơ cấu dân cư và lao động của Hà Nam đã có sự chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng lao động trong ngành nông - lâm - ngư nghiệp có xu hướng giảm dần, tỷ trọng lao động trong ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng nhưng tốc độ tăng còn chậm. Theo số liệu trong Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hà Nam đến năm 2020” của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam tính đến năm 2010 thì: số người làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản của tỉnh là 218.828 người (54,21%), trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng là 106.044 người (26,27%), trong lĩnh vực dịch vụ là 78.796 người (19,52%). Như vậy, có thể nhận thấy cơ cấu lao động trong các lĩnh vực ngành nghề ở Hà Nam chưa hợp lý: số lao động trong lĩnh vực nông,

lâm, ngư nghiệp còn cao, trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ còn rất thấp nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Một điểm đáng lưu ý nữa là cơ cấu lao động được đào tạo giữa các ngành, các khu vực sản xuất, các vùng…còn bất hợp lý. Nguồn lao động nông thôn ở Hà Nam rất dồi dào, trẻ nhưng trình độ chuyên môn kỹ thuật còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cho đến nay mới có khoảng 34% lao động nông thôn được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, số còn lại là lao động chưa qua đào tạo. Đây chính là một khó khăn rất lớn cho việc thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn của tỉnh Hà Nam. Nguyên nhân của tình trạng này là do khả năng tự chuyển dịch của người lao động còn thấp (khó khăn về vốn, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn và cả nhận thức của người dân vẫn quen làm việc nhỏ lẻ, manh mún…). Chính vì vậy, tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản với quy mô nhỏ chiếm tỷ lệ cao.

Về cơ cấu trình độ của lực lượng lao động ở Hà Nam: Trong vài năm trở lại đây, cơ cấu lao động đã qua đào tạo ở Hà Nam có tăng nhưng mức độ tăng còn chậm. Số lao động chưa qua đào tạo vẫn chiếm tỷ lệ cao.

Bảng 2.5. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của Hà Nam qua các năm

Đơn vị tính: %

Năm 2006 2007 2008 2009 2010

Tỷ lệ lao động qua đào tạo 31 32 33,5 34 35

Nguồn: Tỉnh ủy Hà Nam (2010), Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Như vậy, qua bảng 2.5, có thể thấy cơ cấu lao động qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ của Hà Nam tăng không đáng kể. Tính đến năm 2010, mới chỉ có 35% lao động đã qua đào tạo, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề chiếm 30%. Lao động chủ yếu được đào tạo nghề ngắn hạn, với cơ cấu ngành

nghề và cơ cấu trình độ chưa hợp lý để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể:

+ Lao động chưa qua đào tạo chiếm 65% + Công nhân kỹ thuật chiếm 21,98% + Sơ cấp nghề chiếm 4, 05%

+ Trung cấp nghề, cao đẳng nghề chiếm 2,00% + Cao đẳng chiếm 1,58%

+ Đại học chiếm 2,14%

+ Trên đại học chiếm 0,06% [69].

Nhìn vào các số liệu trên có thể thấy, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề ở Hà Nam không nhiều, mất cân đối, số lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao, lao động có tay nghề cao chiếm tỷ lệ thấp so với lao động có tay nghề nói chung. Mặt khác, có những lao động đã qua đào tạo nhưng trình độ, tay nghề còn nhiều bất cập so với yêu cầu của thực tế sản xuất, kinh doanh và thị trường lao động. Trong khi đó, tỉnh đang thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa với số lượng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ngày càng tăng, các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh cũng tăng lên nhanh chóng và cùng với nó là nhu cầu về lao động có tay nghề sẽ ngày càng lớn. Đây là một trở ngại lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Nam. Bên cạnh đó, hiện nay Hà Nam cũng thiếu hụt nghiêm trọng các chuyên gia, các cán bộ có trình độ trên đại học (chiếm 0,06%). Vì vậy, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Hà Nam đã gặp nhiều khó khăn nay càng khó khăn hơn. Nguyên nhân của thực trạng trên chủ yếu là do Hà Nam trước đây là một tỉnh thuần nông, dân số chủ yếu sống ở nông thôn và làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp dẫn tới nhận thức về việc đào tạo chuyên môn nghề nghiệp và nhất là đào tạo nghề còn hạn chế. Thêm vào đó, công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của công tác giáo dục, đào tạo nghề chưa đạt được hiệu quả cao.

Về cơ cấu độ tuổi của lực lượng lao động: Nhìn chung lực lượng lao động của Hà Nam tương đối trẻ. Trong tổng lực lượng lao động trong độ tuổi có khả năng tham gia lao động, lực lượng lao động ở nhóm tuổi 15 - 34 chiếm tỷ lệ 44,74%, lực lượng lao động ở nhóm tuổi 35 - 54 chiếm tỷ lệ 52,25%, lực lượng lao động ở nhóm tuổi 55 - 59 chiếm tỷ lệ 3, 01%. Lực lượng lao động trẻ, có sức khỏe, năng động, sáng tạo, có khả năng tiếp thu và ứng dụng khoa học kỹ thuật sẽ là một nguồn lực quan trọng để Hà Nam thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tóm lại, hiện nay nguồn nhân lực của Hà Nam vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chất lượng, cơ cấu lao động lại chưa hợp lý. Vì vậy, để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Hà Nam phải có chiến lược phát triển nguồn nhân lực hữu hiệu đáp ứng được những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đặt ra.

2.2. Những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đối với việc phát triển nguồn nhân lực ở Hà Nam hiện nay

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh hà nam (Trang 50 - 53)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(107 trang)
w