Phát triển số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh hà nam (Trang 60 - 63)

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, quốc tế hóa hiện nay, khi mà nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã công nghiệp hóa và hiện đại hóa thành công thì để tránh nguy cơ tụt hậu xa về kinh tế, Việt Nam phải tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo kiểu rút ngắn. Tức là chúng ta thực hiện chuyển giao công nghệ với các nước đi trước đã thành công trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, để có thể nắm bắt, ứng dụng và vận hành những máy móc tiên tiến trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì đòi hỏi phải có một đội ngũ nhân lực đông đảo có chất lượng cao, được đào tạo chuyên sâu.

Nguồn nhân lực chất lượng cao là khái niệm để chỉ những người lao động cụ thể có trình độ lành nghề (về chuyên môn, kỹ thuật) ứng với một ngành nghề cụ thể theo tiêu thức phân loại lao động về chuyên môn, kỹ thuật nhất định (cao đẳng, đại học, trên đại học…). Giữa chất lượng nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng. Nói đến chất lượng nguồn nhân lực là nói đến tổng thể nguồn nhân lực của một quốc gia, trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng, là cái tinh túy nhất, có chất lượng nhất. Nguồn nhân lực chất lượng cao phải là những con người phát triển cả về trí lực và thể lực, khả năng lao động, tính tích cực chính trị - xã hội, đạo đức, tình cảm trong sáng. Nguồn nhân lực chất lượng cao có thể không cần đông về số lượng nhưng phải là những người đi đầu, tiêu biểu cho tinh hoa trí tuệ của dân tộc. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực đặc biệt có vai trò quyết định. Các lý thuyết tăng trưởng gần đây đã chỉ ra rằng, một nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh và ở mức cao phải dựa trên ít nhất ba trụ cột cơ bản là áp dụng công nghệ mới, phát triển hạ tầng cơ sở hiện đại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, động lực quan

trọng nhất của sự tăng trưởng kinh tế bền vững là nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao - những con người được đầu tư phát triển, có kỹ năng, kiến thức, tay nghề, kinh nghiệm, năng lực sáng tạo nhằm trở thành “vốn người”.

Có thể nói, nguồn nhân lực chất lượng cao là lực lượng xung kích trong việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, thực hiện việc ứng dụng có kết quả vào điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Hà Nam. Vì vậy, vấn đề cốt lõi quyết định sự thành công của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Hà Nam hiện nay là nhanh chóng hình thành được đội ngũ nhân lực có chất lượng cao trong từng lĩnh vực kinh tế - xã hội khác nhau với số lượng đông đảo.

Như vậy, công nghiệp hóa, hiện đại hóa một mặt đòi hỏi nguồn nhân lực phải đáp ứng những yêu cầu mà nó đặt ra, mặt khác, công nghiệp hóa, hiện đại hóa lại mở ra những cơ hội, khả năng, điều kiện để con người phát triển và hoàn thiện bản thân. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Hà Nam không nằm ngoài mối quan hệ biện chứng đó.

* * *

Tóm lại, con người vừa là chủ thể vừa là sản phẩm của lịch sử. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo ra sự phát triển kinh tế - xã hội sẽ tác động trực tiếp đến việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho con người, do đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực phát triển lại thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đạt được những thành tựu lớn hơn và ngược lại. Sở dĩ như vậy bởi nguồn nhân lực và công nghiệp hóa, hiện đại hóa là hai mặt của một quá trình thống nhất.

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nguồn nhân lực của Hà Nam bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém

như: cơ cấu lao động chưa hợp lý, chất lượng nguồn nhân lực thấp, số lượng lao động chưa đáp ứng được nhu cầu về nguồn lao động. Do đó, để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm xây dựng, phát triển Hà Nam trở thành một tỉnh giàu mạnh, Hà Nam phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực đó phải đủ về số lượng, cao về chất lượng và hợp lý về cơ cấu, đáp ứng được những đòi hỏi mà quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đặt ra. Vấn đề quan trọng là, cần phải nhận thức rõ điều này để có phương hướng, giải pháp thích hợp, đem lại hiệu quả đối với việc phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

Chương 3

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh hà nam (Trang 60 - 63)