Phát triển nguồn nhân lực theo hướng toàn diện, bền vững đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh kinh tế thị

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh hà nam (Trang 63 - 68)

đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh kinh tế thị trường, cách mạng khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế

Từ thực trạng nguồn nhân lực và những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh như đã trình bày ở chương 2, có thể thấy, để tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đi đến thắng lợi thì Hà Nam cần phải phát triển nguồn nhân lực theo hướng toàn diện, bền vững đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh kinh tế thị trường, cách mạng khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế.

Thứ nhất, phát triển nguồn nhân lực theo hướng toàn diện về số lượng, chất lượng và cơ cấu.

Về số lượng lao động: để thu hút mạnh đầu tư của các doanh nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh cần khắc phục tình trạng thiếu lao động trầm trọng, nhất là tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, đào tạo theo địa chỉ, tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu được tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, có nhiều chính sách ưu đãi đối với học viên tại các cơ sở dạy nghề trước và sau khi ra trường.

Về chất lượng nguồn nhân lực: trong giai đoạn hiện nay, để đáp ứng được nhu cầu của xã hội, người lao động cần phải có sức khỏe, trí tuệ, năng

động, sáng tạo và khả năng thích nghi nhanh. Do đó, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh Hà Nam cần phải nâng cao toàn diện chất lượng nguồn nhân lực cả về thể lực, trí lực và tâm lực.

- Về thể lực:

Phải phát triển thể lực cho người lao động: tăng chiều cao, cân nặng, sức khỏe thể chất và tinh thần. Cải thiện chế độ ăn của người dân theo hướng tăng tỷ lệ đạm, chất béo, giảm tinh bột…Phấn đấu đến năm 2015, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống dưới 15%. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí của nhân dân: tổ chức giao lưu văn hóa, lễ hội truyền thống… Như vậy, cùng với việc cải thiện đời sống vật chất, đời sống tinh thần của người dân Hà Nam cũng sẽ được nâng lên. Làm được điều đó sẽ góp phần vào việc đẩy nhanh quá trình tái sản xuất sức lao động và nâng cao thể lực của người lao động.

- Về trí lực:

Nâng cao trí lực là nhiệm vụ cơ bản và xuyên suốt quá trình phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Thật vậy, trí lực là yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức. Để nâng cao trí lực của người lao động trong thời gian tới, tỉnh cần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, phấn đấu đến năm 2015 nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo lên 50%. Bởi trong bối cảnh kinh tế thị trường, cách mạng khoa học - công nghệ và đặc biệt là quá trình hội nhập quốc tế hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực được quan tâm đặc biệt và đặt lên hàng đầu.

Cùng với việc nâng cao trình độ cho người lao động, cần chú ý phát triển đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây chính là lực lượng nòng cốt của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, do vậy, cần phải phát

triển cả số lượng và chất lượng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ này phát huy tối đa năng lực của mình.

- Về tâm lực (phẩm chất đạo đức, tâm lý, xã hội của người lao động): Đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực, vì vậy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không chỉ chú ý đến thể lực và trí lực mà còn phải coi trọng cả các phẩm chất đạo đức, tâm lý, xã hội của con người. Để người lao động có đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, có văn hóa lao động tốt… đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì ngoài việc giáo dục những phẩm chất cần thiết cho người lao động trong điều kiện ngày nay, một yếu tố rất quan trọng là phải biết phát huy tốt những giá trị truyền thống của người Việt Nam nói chung và của người Hà Nam nói riêng. Giá trị truyền thống chính là nền tảng mà trên đó, các thế hệ nối tiếp nhau phải kế thừa và phát triển. Không dựa trên nền tảng giá trị truyền thống thì không thể tiếp thu có hiệu quả những thành tựu của nhân loại. Những giá trị truyền thống cần được kế thừa, phát huy là: tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, cần cù, hiếu học, sáng tạo… Tuy nhiên, những giá trị này cần phải được phát triển, bổ sung cho phù hợp với điều kiện mới hiện nay.

Cùng với việc kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, cần phải khắc phục, hạn chế những yếu tố tiêu cực đang tồn tại do lịch sử để lại như: ích kỷ, đố kỵ, cào bằng, ỷ lại, thiếu tinh thần hợp tác, tác phong tùy tiện thiếu tính kỷ luật… đồng thời, biết tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại.

Về cơ cấu lao động: cần khắc phục tình trạng bất hợp lý trong cơ cấu lao động giữa các ngành, các khu vực sản xuất, các vùng hiện nay của tỉnh. Từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng phát triển số lượng lao động trong các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ, giảm số lượng lao động trong ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh phải cơ cấu lại trình độ lực lượng lao động gồm: tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, cấu trúc trình độ lao động, cơ cấu ngành chuyên môn,… đặc biệt, cần tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo,

đồng thời nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu lao động lành nghề như hiện nay theo hướng chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho người lao động. Cụ thể: tăng cường cơ sở vật chất cho các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh, tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về việc học nghề, giáo dục nghề.

Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực theo hướng bền vững.

Trong giai đoạn hiện nay, Hà Nam cần phải phát triển nguồn nhân lực theo hướng bền vững để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển nguồn nhân lực theo hướng bền vững có nghĩa là phát triển nguồn nhân lực không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà cả trong tương lai xa. Hơn nữa, phát triển nguồn nhân lực phải đạt mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Phát triển nguồn nhân lực không chỉ đơn thuần là phát triển một nguồn lực, một phương tiện đặc biệt, một động lực của sự phát triển xã hội mà còn là sự phát triển cho chính bản thân con người. Trong giai đoạn hiện nay, ở Hà Nam đang thiếu lao động một cách trầm trọng, do đó, tỉnh phải tăng số lượng lao động cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, không vì thế mà phát triển một cách ồ ạt về số lượng, vả lại cần phải chú ý phát triển cả về chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực sao cho phù hợp và đáp ứng được nhu cầu trước mắt và lâu dài của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời gian tới, tránh tư tưởng “ăn sổi ở thì” trong phát triển nguồn nhân lực.

Thế giới mà chúng ta đang sống luôn vận động và phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, do đó, yêu cầu về nguồn nhân lực luôn luôn biến đổi theo hướng ngày càng cao. Vì vậy, để phát triển nguồn nhân lực thì trước tiên tỉnh cần phải phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển sẽ tạo điều kiện để nguồn nhân lực phát triển và ngược lại, nguồn nhân lực phát triển sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển.

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh kinh tế thị trường, cách mạng khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế.

Trong bối cảnh hiện nay, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghĩa là nguồn nhân lực phải đảm bảo số lượng, chất lượng và cơ cấu. Trong đó, đặc biệt chú ý phát triển về mặt chất lượng (thể hiện ở các phương diện: thể lực, trí lực và tâm lực).

Sau một thời gian dài thực hiện cơ chế kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp, đầu những năm 80 của thế kỷ XX, nền kinh tế của Việt Nam lâm vào khủng hoảng trầm trọng, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Đảng ta đã xác định phải nhanh chóng chuyển sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội Đảng VI (12/1986) đã đánh dấu mốc con đường đổi mới của nước ta từ cơ chế kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, nền kinh tế thị trường đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hợp lý, triệt để và có hiệu quả nguồn nhân lực của cả nước nói chung và của Hà Nam nói riêng. Nền kinh tế thị trường tạo ra những người lao động rất năng động, có khả năng thích nghi cao, không thụ động, ỷ lại, bởi nền kinh tế thị trường là nền kinh tế có mức độ năng động và cạnh tranh cao. Nếu người lao động không thích ứng nhanh, nắm bắt những thay đổi của thị trường thì sớm muộn gì cũng bị loại ra khỏi guồng máy kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh việc phát huy các mặt tích cực của con người cũng phải có biện pháp hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thị trường đối với người lao động như: tâm lý sùng ngoại, lối sống tiêu thụ, thực dụng (duy vật chất),… để tạo nên những người lao động có đạo đức, lý tưởng, nhân cách, trình độ chuyên môn nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại và xu thế hội nhập quốc tế đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì Hà Nam phải phát triển nguồn nhân lực theo hướng hiện đại hóa, khai thác nhanh các tiến bộ khoa học - công nghệ vào phát triển nguồn nhân lực. Thực hiện chuyển giao công nghệ để người lao động có điều kiện tiếp cận với công nghệ hiện đại trên thế giới. Đồng thời, phải nâng cao chất lượng, hiệu quả của giáo dục - đào tạo bằng việc nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, luôn cập nhật những tiến bộ về khoa học - công nghệ của nhân loại.

Bên cạnh đó, cần chú ý đào tạo một lực lượng lao động có tay nghề đủ sức cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế bởi hiện nay, lao động của Việt Nam nói chung và Hà Nam nói riêng khi xuất khẩu lao động sang các nước vẫn chủ yếu làm các công việc giản đơn, thu nhập thấp nên hiệu quả xuất khẩu lao động chưa cao. Xuất khẩu lao động cũng là điều kiện, là một hình thức để đào tạo nghề cho người lao động thích ứng được với môi trường làm việc và công nghệ của các nước khác trên thế giới, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Hơn nữa, sự cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế cũng như hội nhập quốc tế nói chung giờ đây diễn ra ngay trên đất nước Việt Nam cũng như quê hương Hà Nam.

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh hà nam (Trang 63 - 68)