Về số lượng nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh hà nam (Trang 38 - 42)

Số lượng nguồn nhân lực được phản ánh qua quy mô dân số, lực lượng lao động và tốc độ gia tăng dân số trong một thời kỳ nhất định. Theo số liệu thống kê những năm gần đây, tốc độ gia tăng dân số của Hà Nam đã có phần chậm lại. Đây là điểm khác biệt giữa Hà Nam với các địa phương khác và cả nước. Nếu như xu thế chung của nước ta là quy mô dân số năm sau cao hơn năm trước thì ở Hà Nam quy mô dân số lại giảm dần mặc dù Hà Nam là một tỉnh có điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý thuận lợi cho con người sinh sống và kinh tế - xã hội của tỉnh tương đối phát triển.

Bảng 2.1: Dân số trung bình phân theo địa phương Đơn vị tính: nghìn người 2005 2006 2007 2008 2009 Cả nước 82393,5 83313,0 84221,1 85122,3 86024,6 Đồng bằng sông Hồng 18976,7 19108,9 19228,8 19473,7 19625,0 Hà Nội 3133,4 3184,8 3228,5 6381,8 6472,2 Hà Nam 791,3 790 788,4 786,9 786,4 Hưng Yên 1111,0 1116,4 1121,3 1126,2 1131,2 Ninh Bình 893,5 894,6 896,1 898,1 900,1

Nguồn: Tổng cục Thống kê (2009), Tổng điều tra dân số và nhà ở 01/4/2009.

Qua bảng 2.1 có thể thấy, các địa phương khác trong khu vực đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước đều có số lượng dân số tăng qua các thời kỳ, riêng ở Hà Nam số lượng dân số lại giảm. Theo thống kê mới nhất của Cục thống kê Hà Nam: dân số Hà Nam là 785.057 người, mật độ dân số là 912 người/km2, tỷ lệ tăng tự nhiên là 8‰ năm. Trong đó, dân số nông thôn là 707.970 người (chiếm 90,2%), dân số sinh sống ở khu vực đô thị là 77.087 người (chiếm 9,8%). Số người trong độ tuổi lao động toàn tỉnh là 493.095 người (chiếm 62,8% dân số). Số lao động tham gia thường xuyên trong nền kinh tế quốc dân là 452.230 người (chiếm gần 91% nguồn lao động toàn tỉnh).

Như vậy, có thể thấy số người trong độ tuổi lao động của Hà Nam khá cao (493.095 người) mặc dù tốc độ gia tăng dân số giảm. Tuy nhiên, có một thực tế ở Hà Nam hiện nay là lực lượng lao động của tỉnh không đáp ứng được nhu cầu lao động của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh (kể cả lao động phổ thông). Và có thể khẳng định, số lượng lao động của Hà Nam không đáp ứng được nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hiện tại, các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam đang lâm vào tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Hà Nam hiện có 61/92 dự án đăng ký đầu tư vào các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, đạt 67,3%. Tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp đã thực hiện đạt 2.125 tỷ đồng,

trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 43,5 triệu USD. Các khu công nghiệp trong tỉnh đã thu hút gần 13.100 lao động vào làm việc, trong đó lao động là người địa phương chiếm gần 72%. Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới vẫn ở mức cao, thể hiện rõ nét nhất là tất cả các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang đồng loạt thông báo tuyển lao động với số lượng hàng ngàn người ở những vị trí công việc khác nhau. Song, số lượng người đến nộp hồ sơ đăng ký tìm việc làm lại rất thưa vắng. Điển hình như Công ty trách nhiệm hữu hạn Thời trang HNC đóng tại khu công nghiệp Châu Sơn - thành phố Phủ Lý cần tuyển 700 công nhân nhưng thông báo hơn một tháng mà số lượng hồ sơ nộp xin việc rất ít. Hay như công ty Genexim Corporation tại cụm công nghiệp Tây Nam Phủ Lý cần tuyển 58 lao động, trong đó lao động chưa có tay nghề được đào tạo nghề miễn phí nhưng vẫn không thu hút được lao động đến làm việc. Việc thiếu hụt nguồn lao động như trên sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng thu hút đầu tư vào tỉnh Hà Nam cũng như chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân của tỉnh Hà Nam. Tuy nhiên, có một thực tế đáng lưu tâm là mặc dù các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang thiếu lao động nghiêm trọng thì có rất nhiều lao động của Hà Nam di cư đến các địa phương khác như: Thủ đô Hà Nội và đặc biệt là các khu công nghiệp ở các tỉnh phía Nam để làm việc.

Vậy nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt số lượng lao động ở Hà Nam là do đâu?

Thứ nhất, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam không thu hút được lao động đến làm việc dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động và việc người lao động không mặn mà với các doanh nghiệp địa phương là do mức thu nhập và các chế độ khác mà các doanh nghiệp đưa ra không thỏa mãn nguyện vọng của người lao động.

Thật vậy, lý do người lao động chưa thực sự muốn gắn bó làm việc lâu dài với các doanh nghiệp ở Hà Nam là do mức lương quá thấp, khó lo được

cuộc sống cho gia đình. Mức thu nhập các doanh nghiệp ở Hà Nam đưa ra hiện nay bình quân khoảng trên 1 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập này là thấp so với mức sống trung bình của người dân và cũng thấp so với mặt bằng chung ở các khu công nghiệp trên toàn quốc. Bên cạnh đó, tình trạng bắt công nhân làm thêm giờ triền miên và đặc biệt, hầu hết các doanh nghiệp trốn tránh việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động…Những nguyên nhân này đã khiến nhiều lao động bỏ việc để vào các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (như các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai…) tìm việc làm với thu nhập và các chế độ đãi ngộ cao hơn.

Thứ hai, thực trạng thiếu lực lượng lao động ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở Hà Nam hiện nay còn do nguyên nhân người dân không mặn mà với việc học nghề, không thích học nghề nên không đáp ứng được nhu cầu lao động có tay nghề cho các doanh nghiệp. Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động ở tỉnh là do người lao động của tỉnh học xong lại di chuyển đi nơi khác có điều kiện và chế độ ưu đãi tốt hơn để làm việc.

Thứ ba, do Hà Nam đã làm tốt công tác dân số kế hoạch hóa gia đình. Giảm được tỷ lệ gia tăng dân số dẫn tới quy mô dân số giảm. Có thể thấy rõ điều này qua số liệu ở bảng 2.2.

Bảng 2.2: Tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên của Hà Nam qua các năm

Đơn vị tính: ‰

Năm 2006 2007 2008 2009 2010

Tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên 9,06 8,22 8,0 8,0 7,9 Nguồn: Tỉnh ủy Hà Nam (2010), Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguồn lao động ở Hà Nam bởi quy mô dân số ở Hà Nam mới giảm trong vài năm gần đây nên chưa ảnh hưởng nhiều đến lực lượng lao động của tỉnh. Số người trong độ tuổi lao động của Hà Nam vẫn rất đông đảo và vẫn tồn tại tình trạng thất nghiệp, lao động di cư đến các địa phương khác để làm việc.

Tóm lại, có thể thấy thực chất Hà Nam không thiếu lực lượng lao động, thực trạng thiếu lao động trong các khu công nghiệp và khu vực kinh tế ngoài nhà nước là do chế độ tiền lương và điều kiện, môi trường làm việc không thu hút được lao động địa phương dẫn đến tình trạng người lao động di chuyển đi nơi khác.

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh hà nam (Trang 38 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(107 trang)
w