Phải quán triệt quan điểm “con người vừa là mục tiêu vừa là động lực” trong quá trình phát triển nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh hà nam (Trang 72 - 74)

động lực” trong quá trình phát triển nguồn nhân lực

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ta luôn quán triệt quan điểm coi “con người vừa là mục tiêu vừa là động lực” trong quá trình phát triển. Quan điểm này đã được Đảng bộ tỉnh Hà Nam vận dụng vào trong các chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong đó, có chủ trương phát triển nguồn nhân lực. Sở dĩ khẳng định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong quá trình phát triển vì:

Thứ nhất, con người chính là mục tiêu mà quá trình phát triển cần đạt tới. Quá trình phát triển sẽ là vô nghĩa nếu không lấy con người, sự giải phóng con người, hạnh phúc của con người làm mục tiêu. Thật vậy, phát triển nguồn nhân lực nhằm thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng kết quả của công nghiệp hóa, hiện đại hóa lại tác động đến con người, phục vụ cho con người, vì vậy, phải không ngừng gia tăng các giá trị cho con người (tinh thần, vật chất…). Cùng với việc đòi hỏi người lao động là nhân tố quyết định, là động lực của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng cần phải quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của họ. Do đó, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Hà Nam hiện nay trước hết phải vì con người, nghĩa là thành tựu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải quay trở về phục vụ con người, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong toàn tỉnh. Để nguồn nhân lực phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội và trở thành động lực thì một mặt tỉnh phải có biện pháp kích thích nó thông qua nhu cầu và lợi ích của người lao động. Mặt khác, phải tạo được môi trường thuận lợi nhất cho người lao động cống hiến được ở mức cao nhất. Muốn vậy, tỉnh phải có những thay đổi mang tính cách mạng về nhận thức, cách thực hiện trong các cơ chế, chính sách liên quan đến vấn đề con người như: tạo việc làm, tổ chức lao động xã hội hợp lý, tiền lương, chính sách thuế, bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần… Gia tăng giá trị

cho con người không chỉ là gia tăng các giá trị vật chất mà còn phải gia tăng các giá trị tinh thần bởi con người là một thực thể sinh - xã hội nên tất yếu trong mỗi con người luôn có sự thống nhất hài hòa giữa nhu cầu vật chất và tinh thần. Nói tóm lại, mọi biện pháp và chính sách đều phải đảm bảo vì con người, chăm lo đến lợi ích và cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân, nuôi dưỡng sức dân và biến nó thành động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Thứ hai, con người là động lực của quá trình phát triển hay nói cách khác, con người là động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để phát triển kinh tế - xã hội cần có rất nhiều yếu tố như: tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, vốn, công nghệ,… nhưng xét đến cùng, yếu tố quan trọng và bền vững nhất trong sự phát triển chính là yếu tố con người - nguồn nhân lực, bởi con người với tất cả trí tuệ, năng lực sáng tạo và phẩm chất tích cực của mình đã trở thành chủ thể của lịch sử. Con người đã trở thành động lực phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước nói chung và tỉnh Hà Nam nói riêng. Tuy nhiên hiện nay, tăng trưởng kinh tế của Hà Nam dựa phần lớn vào khai thác tài nguyên, ưu đãi vốn và tăng đầu tư công, hàm lượng chất xám của sản phẩm còn thấp. Nguyên nhân là do đầu tư vào nguồn nhân lực và đổi mới công nghệ của tỉnh còn chậm, đặc biệt chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế về nguồn nhân lực. Bởi vậy, để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh Hà Nam phải thực sự coi con người là vốn quý nhất, là tài nguyên lớn nhất trong tất cả các tài nguyên làm nguồn lực cho sự phát triển và tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Và muốn con người thực sự trở thành động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh cần có các biện pháp xây dựng và phát triển hợp lý nguồn nhân lực. Điều này đòi hỏi phải tập trung phát triển nguồn nhân lực một cách toàn diện về số lượng, chất lượng, cơ cấu. Bên cạnh đó, cần tập trung vào các chính sách về giải quyết

việc làm, phân bố nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động, đào tạo và đào tạo lại, quản lý, thu hút nguồn nhân lực…

Muốn có được nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vấn đề cấp thiết đặt ra ở Hà Nam hiện nay là phải có định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách hợp lý, hấp dẫn trong việc quản lý và sử dụng đội ngũ lao động đã qua đào tạo, đặc biệt là đội ngũ có chuyên môn nghề nghiệp cao để giữ chân họ không rời bỏ quê hương Hà Nam đi đến nơi khác làm việc như đang diễn ra hiện nay. Đồng thời, thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng cao từ các nơi khác đến làm việc ở Hà Nam. Có thể nói, đây là một nhiệm vụ rất quan trọng nằm trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực ở Hà Nam.

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh hà nam (Trang 72 - 74)