Phải nhanh chóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh hà nam (Trang 53 - 58)

Chất lượng nguồn nhân lực là trạng thái nhất định của nguồn nhân lực thể hiện nội dung và mối quan hệ giữa các yếu tố cấu thành nên chất lượng của nguồn nhân lực. Đó là các yếu tố về thể lực, trí lực và tâm lực. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chính là phát triển thể lực, trí lực và tâm lực cho người lao động.

Thứ nhất, về thể lực:

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn liền với việc áp dụng phổ biến các phương pháp sản xuất công nghiệp, các thiết bị và công nghệ hiện đại do đó, đòi hỏi người lao động phải có sức khỏe. Nói cách khác, sức khỏe là yêu cầu đầu tiên không thể thiếu của người lao động. Sức khỏe không chỉ được hiểu là tình trạng không có bệnh tật mà còn là sự thoải mái, hoàn thiện về thể chất, về tâm thần và về xã hội. Mọi người lao động, dù lao động trí óc hay lao động chân tay đều phải có sức khỏe. Và trước hết người lao động phải có sức khỏe cơ thể với tư cách là “điều kiện tiên quyết để duy trì và phát triển trí tuệ, là phương tiện thiết yếu để chuyển tải tri thức vào hoạt động thực tiễn, để biến tri thức thành sức mạnh vật chất” [43, tr.140]. Đồng thời, người lao động phải có sức khỏe tâm thần, đó là sự dẻo dai của hoạt động thần kinh, là sức mạnh của niềm tin và ý chí, sức sáng tạo… Trong điều kiện cách mạng khoa học - công nghệ bùng nổ như hiện nay, kỹ thuật, công nghệ ngày càng tinh vi, đòi hỏi độ chính xác và an toàn cao độ; cùng với đó là giá trị của nhiều loại sản phẩm rất lớn, chỉ một sơ suất nhỏ trong động tác, thao tác lao động có thể sẽ gây tổn thất rất lớn về người và tài sản. Do đó, xã hội càng hiện đại, công nghiệp hóa, hiện đại hóa càng đi vào chiều sâu thì yêu cầu về sức khỏe tâm thần của người lao động càng cao. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, yếu tố con người giữ vai trò quyết định, trong đó, trí tuệ có vai trò quan trọng nhất quyết định chất lượng nguồn nhân lực. Nhưng, để lao động trí tuệ có hiệu quả, thúc đẩy năng lực sáng tạo thì người lao động cần phải có sức khỏe thể chất và tâm thần tốt. Sức khỏe không tốt sẽ hạn chế sự phát triển của

trí lực - yếu tố quyết định phần lớn khả năng sáng tạo của con người. Chính vì vậy, để đáp ứng đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay thì Hà Nam phải có chính sách để nâng cao thể lực cho nguồn nhân lực. Phải xây dựng được một thế hệ người lao động có sức khỏe thể chất và tâm thần tốt để thích ứng với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Thứ hai, về trí lực:

Một lực lượng lao động đông đảo có trình độ chuyên môn kỹ thuật ngày càng cao là đòi hỏi hàng đầu và là nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì không có lĩnh vực hoạt động nào lại không đòi hỏi người lao động phải có trình độ văn hóa, chuyên môn, kỹ thuật cao, nhất là những lĩnh vực công nghệ cao: công nghệ thông tin, vật liệu mới, công nghệ sinh học, tự động hóa. Thật vậy, tri thức, trí tuệ thực sự là yếu tố quan trọng của con người, bởi “tất cả cái gì thúc đẩy con người hành động đều tất nhiên phải thông qua đầu óc họ” [56, tr.21]. Sự yếu kém về trí tuệ sẽ là lực cản lớn nhất dẫn đến sự thất bại trong hoạt động của con người.

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Hà Nam hiện nay một mặt đòi hỏi mặt bằng dân trí của nguồn nhân lực phải cao, đại bộ phận lao động có trình độ văn hóa tối thiểu ở cấp trung học phổ thông. Mặt khác, đại bộ phận nguồn nhân lực phải được đào tạo về chuyên môn kỹ thuật. Nghĩa là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Hà Nam đòi hỏi phải có một đội ngũ đông đảo lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Đó phải là những người có năng lực sáng tạo, có khả năng áp dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ vào thực tế công việc, có năng lực thu thập và xử lý thông tin trong thời đại xã hội hóa, toàn cầu hóa hiện nay; có sự nhạy bén, linh hoạt và thực sự làm chủ được khoa học - công nghệ hiện đại. Đồng thời, người lao động phải có khả năng biến tri thức thành kỹ năng lao động thể hiện qua trình độ tay nghề, mức độ thành thạo chuyên môn nghề nghiệp. Cụ thể

việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về phương diện trí lực ở Hà Nam hiện nay như sau:

Một là, phải xây dựng một đội ngũ ngày càng đông đảo lao động trí tuệ có trình độ quản lý, chuyên môn và kỹ thuật cao, có khả năng đảm nhiệm các chức năng quản lý ngày càng phức tạp và các phương pháp quản lý hiện đại, nắm bắt và phát triển các công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực của sản xuất xã hội. Nâng cao tỷ lệ người lao động được đào tạo nghề lên 50% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020 (hiện nay tỷ lệ này là 35%). Trong đó, đặc biệt chú trọng đào tạo, thu hút các nhà khoa học đầu ngành trong mọi lĩnh vực, các kỹ sư nắm bắt và điều khiển các công nghệ hiện đại, các nhà quản lý kinh doanh có năng lực quản lý trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt của kinh tế thị trường.

Hai là, phải xây dựng một đội ngũ đông đảo công nhân kỹ thuật được đào tạo bài bản có tay nghề cao. 8 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến 2010 và nhiều cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn Hà Nam đang cần 33.000 lao động và trong thời gian tới sẽ còn cần nhiều hơn nữa lực lượng lao động đã qua đào tạo ở các trường dạy nghề. Hiện nay, lao động ở Hà Nam chủ yếu là lao động phổ thông nên việc xây dựng một đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề sẽ là một nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, có vai trò to lớn đối với sự thành công của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Ba là, muốn phát triển nguồn nhân lực thì trước hết đòi hỏi Hà Nam phải quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo, trong đó đặc biệt nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên vì họ là những máy cái tạo ra sản phẩm giáo dục - đào tạo.

Thứ ba, về tâm lực:

Sự tiến triển của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Hà Nam đòi hỏi nguồn nhân lực phải có sự chuyển biến tích cực về phẩm chất đạo đức, tâm lý, tinh thần. Cần phát huy những đức tính tích cực đã có, hạn chế, xóa bỏ những yếu tố tiêu cực, bổ sung những yếu tố mới phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cụ thể, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Hà Nam đòi hỏi nguồn nhân lực phải có những phẩm chất sau:

Trước hết, người lao động phải có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt: có lòng yêu nước, yêu quê hương, quyết tâm thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm phát triển kinh tế - xã hội làm giàu cho quê hương, gia đình và bản thân. Bên cạnh đó, cần phải tuyên truyền, giáo dục đường lối chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cho người lao động để họ hiểu và tự giác thực hiện.

Bên cạnh phẩm chất chính trị, đạo đức, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Hà Nam còn đòi hỏi nguồn nhân lực phải có văn hóa lao động. Cụ thể, nền sản xuất công nghiệp đòi hỏi người lao động hàng loạt các phẩm chất cần thiết như: có tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, tinh thần hợp tác, ý thức tiết kiệm trong lao động, có ý thức bảo vệ môi trường... Đi lên từ một tỉnh nông nghiệp, phần đông lao động của Hà Nam có một nhược điểm giống như thực trạng chung của cả nước đó là chưa có tác phong công nghiệp và tính kỷ luật trong lao động. Trong khi đó quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với nền sản xuất công nghiệp đòi hỏi người lao động phải có tác phong công nghiệp (làm việc đúng giờ, khẩn trương, chuyên nghiệp) và phải tuân thủ kỷ luật (về an toàn lao động, chất lượng sản phẩm, vệ sinh môi trường…). Nếu chưa làm được điều này thì nguồn nhân lực của Hà Nam rất khó đáp ứng được đòi hỏi của các doanh nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Một trong những phẩm chất quan trọng của văn hóa lao động đó là tinh thần hợp tác trong lao động. Người lao động Hà Nam đã quen cung cách lao

động nhỏ, lẻ trong sản xuất nông nghiệp trước đây nên khi bước vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa với việc phải hợp tác với đồng nghiệp trong một dây chuyền sản xuất có thể sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, để thích ứng với quá trình sản xuất công nghiệp với những công nghệ hiện đại thì người lao động ở Hà Nam cần phải có tinh thần hợp tác với đồng nghiệp trong quá trình lao động. Một phẩm chất nữa mà người lao động Hà Nam cần phải chú ý khi tham gia vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa là ý thức tiết kiệm, giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái. Mối quan hệ giữa con người và tự nhiên luôn là một mối quan hệ phức tạp và đã được nhiều quốc gia, nhiều nhà khoa học nghiên cứu. Trong đó, nổi cộm nhất là vấn đề trong quá trình phát triển của mình (nhất là thời kỳ công nghiệp hóa), con người đã hủy hoại thiên nhiên, phá hủy môi trường sống của chính mình. Nhận thức được ý nghĩa quan trọng của việc bảo vệ môi trường, Đảng ta đã chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường và Hà Nam cũng không thể đứng ngoài chủ trương đó. Để đạt được sự phát triển lâu bền trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Hà Nam đòi hỏi người lao động phải có sự hiểu biết và tinh thần trách nhiệm cao trong việc bảo vệ môi trường với tư cách là những năng lực, phẩm chất quan trọng trong văn hóa lao động của họ.

Tóm lại, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Hà Nam đặt ra yêu cầu phát triển nguồn nhân lực về mặt chất lượng được thể hiện ở ba phương diện: thể lực, trí lực và tâm lực.

Một phần của tài liệu Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh hà nam (Trang 53 - 58)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(107 trang)
w