0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (134 trang)

Một số đặc điểm khái quát của tiếng Nùng

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) TỪ NGỮ CHỈ BỆNH TẬT VÀ THUỐC THANG CỔ TRUYỀN TRONG TIẾNG NÙNG (Trang 52 -55 )

Chương 1 CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

1.2. Người Nùng và thuốc thang cổ truyền của người Nùng ở Việt Nam

1.2.1.2. Một số đặc điểm khái quát của tiếng Nùng

Ngôn ngữ Nùng thuộc nhóm Tày - Thái trung tâm, dòng Tày - Thái, họ Tai - Ka Đai.

Ở Việt Nam, chưa hình thành một ngôn ngữ Nùng chung, chuẩn mực; ngôn ngữ Nùng tồn tại dưới dạng ngôn ngữ nói của cư dân các ngành Nùng như Nùng Cháo, Nùng Inh, Nùng Giang, Nùng Lòi, Nùng Xuồng, Nùng Phàn Slình, Nùng Quí Rỉn…. Nói cách khác, tiếng nói các ngành Nùng nói trên là những dạng thức tồn tại, những biến thể của ngôn ngữ Nùng ở Việt Nam.

Về mặt lịch sử, tiếng Nùng thực chất là các biến thể của tiếng Choang Nam - rất gần với Tày. Sự phân hóa giữa Tày (Thổ) và Choang Nam xảy ra vào thế kỉ XI, khi đường biên giới giữa Đại Việt và Tống được phân định. Sau khi di cư vào Việt Nam, cư dân các ngành Nùng sinh sống xen lẫn với người Tày, sự tiếp xúc ngôn ngữ văn hóa giữa Tày và các ngành Nùng diễn ra suốt nhiều thế kỉ. Do vậy, quan hệ các mặt giữa Tày và Nùng ở nước ta rất khăng khít, sự ảnh hưởng tác động lẫn nhau giữa ngôn ngữ Tày và Nùng là tất yếu và dễ nhận thấy. Trong thực tế, rất dễ tìm thấy những điểm chung giữa tiếng Tày và tiếng Nùng, vì ở nhiều địa phương, cư dân hai dân tộc này vẫn thường giao tiếp và giao tiếp được với nhau bằng tiếng mẹ đẻ của mình…

Đặc điểm loại hình

Xét về đặc điểm loại hình, tiếng Nùng thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập. Những đặc trưng đơn lập ở tiếng Nùng được thể hiện cụ thể:

- Về mặt ngữ âm: Tiếng Nùng thuộc loại ngôn ngữ âm tiết tính, thuộc tiểu loại hình trung. Trong tiếng Nùng, âm tiết có tổ chức chặt chẽ và có vị trí quan trọng trong hệ thống ngôn ngữ. Âm tiết gồm một số lượng nhất định thành tố kết hợp với nhau theo quy tắc nhất định. Âm tiết thường là vỏ của hình vị, trong nhiều trường hợp là vỏ của từ.

- Về mặt từ vựng: Cũng như các ngôn ngữ đơn lập khác (tiếng Việt,

tiếng Hán..), từ trong tiếng Nùng không có hiện tượng biến đổi hình thái. Ví dụ:

Hằm ngòa, câu hăn mân dú lừn. (Tối qua, tôi thấy nó ở nhà)

Hằm ngòa, mân hăn câu dú lừn. (Tối qua, nó gặp tôi ở nhà).

Ở hai phát ngôn (câu) trên, chúng ta thấy “câu” (tôi), “mân” (nó) có những chức năng ngữ pháp khác nhau (chủ ngữ, định ngữ). Tuy đảm nhận các nhiệm vụ ngữ pháp khác nhau và nằm ở vị trí khác nhau, dạng thức “mân” và “câu” vẫn giữ nguyên hình thức ngữ âm khi tham gia cấu tạo lời nói.

- Về mặt ngữ pháp: Ý nghĩa ngữ pháp, quan hệ ngữ pháp trong Nùng

được biểu thị biểu chủ yếu bằng trật tự từ và hư từ. Ví dụ trong:

tu lăng – cửa sau; lăng tu – sau cửa.

do vị trí của từ “tu” (cửa) thay đổi, nên ý nghĩa của cụm từ cũng thay đổi theo. Với những đặc điểm cơ bản nói trên, tiếng Nùng có thể được coi là một ngôn ngữ điển hình cho loại hình đơn lập.

Chữ viết dân tộc Nùng

Người Choang ở Quảng Tây có một thứ chữ truyền thống dựa trên chữ Hán, tương tự chữ Nôm Nùng ở Việt Nam. Người Choang gọi thứ chữ này là “chữ sống” (“sinh tự”). Một số học giả Trung Quốc cho rằng chữ Choang được sử dụng từ thời Đường (618 - 907). Về cấu trúc, chữ Choang có nhiều đặc điểm tương đồng với chữ Nôm Kinh hay Nôm Nùng. Khi di cư vào Việt Nam, các nhóm Nùng cũng mang theo các văn bản viết bằng thứ "sinh tự" này. Ở Việt Nam, do sự gần gũi các mặt giữa Tày và Nùng, các nhà sưu tầm, nghiên cứu

không phân biệt rạch ròi giữa chữ Nôm Tày và Nôm Nùng. Chữ Nôm Nùng ra đời vào khoảng thế kỷ XII, được hoàn chỉnh vào thế kỷ XVIII, còn được gọi là “Slư nam”. Ở Việt Nam, với chữ viết cổ dựa trên cơ sở chữ Hán (chữ Nôm Nùng) này, các thế hệ Nùng đã để lại cho ngày nay một kho tàng thư tịch cổ rất đồ sộ.

Từ những năm đầu thế kỷ XX, nhất là từ những năm kháng chiến chống Pháp, cùng sự phổ biến chữ Quốc ngữ, chữ viết Nùng đã được Latinh hóa. Chữ viết này trải qua 2 giai đoạn: giai đoạn trước năm 1961; giai đoạn từ 1961 đến nay.

Đặc điểm chữ viết dân tộc Nùng

Từ thập kỉ 20 của thế kỉ XX, tiếng Nùng đã được ghi bằng cách dùng Quốc ngữ ghi âm. Cách ghi này còn nhiều tùy tiện, mang tính cá nhân, không phản ánh được ngữ âm tiếng Nùng.

Năm 1961, chữ Nùng (đúng ra là chữ Tày – Nùng) đã được Chính phủ chính thức phê chuẩn tại Nghị định 206/CP. Phương án chữ Tày - Nùng (latin hóa) là loại chữ viết ghi âm trên cơ sở chữ la tinh. Chữ Nùng dùng các chữ cái và cách ghép vần của hệ chữ la tinh, về cơ bản các quy tắc sử dụng các kí hiệu và chính tả giống với chữ Quốc ngữ. Chỉ có sự khác biệt (so với chữ Quốc ngữ): tiếng Nùng có sự tồn tại các phụ âm ngạc hóa như bj, pj, phj, phụ âm sát bên sl, cần có cách thể hiện các đặc trưng ngữ âm này. Ví dụ:

slư (hổ) trong thành ngữ cậy hang slư tẻm nẳng (ngồi nhờ trên đuôi hổ)

hay kin bặng cạ slư (ăn như là hổ)

pja (cá) trong thành ngữ pja nẩu chang đúc (cá thối từ xương) hay chiêm

pja dằng khương (nhìn cá sắm giỏ)…

Từ đó đến nay, kiểu chữ này được sử dụng rộng rãi trong các văn bản phát thanh, tài liệu tuyên truyền, văn học nghệ thuật…cho tới ngày nay. Đặc biệt, chữ này đã được sử dụng trong các tác phẩm sau:

- Hoàng Văn Ma, Mông Kí Slay, Hoàng Văn Sán (2002), Sách học tiếng

- Hoàng Văn Ma, Lục Văn Pảo (2005), Từ điển Tày - Nùng - Việt, Nxb Từ điển bách khoa, H.

- Hoàng Văn Ma, Lục Văn Pảo (2005), Từ điển Việt - Tày - Nùng, Nxb Từ điển bách khoa, H.


Các ví dụ tiếng Nùng trong luận văn này đều được ghi bằng chữ Nùng hệ la tinh.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) TỪ NGỮ CHỈ BỆNH TẬT VÀ THUỐC THANG CỔ TRUYỀN TRONG TIẾNG NÙNG (Trang 52 -55 )

×