Quan niệm nghệ thuật của Dạ Ngân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tự truyện văn học trường hợp gia đình bé mọn của dạ ngân (Trang 30 - 35)

7. Cấu trúc

1.3. Quan niệm nghệ thuật của Dạ Ngân

1.3.1. Quan niệm về hiện thực và con người

* Quan niệm về hiện thực

Qua tìm hiểu hành trình sáng tác của Dạ Ngân cho thấy bà là một cây bút đã gặt hái được khá nhiều thành công trong sự nghiệp sáng tác của mình. Cho đến hiện nay, Dạ Ngân đã có một số lượng tác phẩm khá lớn với nhiều thể loại khác nhau. Các tác phẩm ấy có một sức hút đáng kể đối với độc giả cũng như các nhà nghiên cứu phê bình văn học. Một trong những nhân tố làm nên sức hút ấy trong sáng tác của Dạ Ngân là quan niệm về hiện thực.

Hiện thực trong văn chương là hiện thực về cuộc sống. Tuy nhiên, từ hiện thực trong cuộc sống đến hiện thực trong tác phẩm có một khoảng cách nhất định. Chỉ nhà văn mới có thể kéo gần, thu hẹp được khoảng cách đó qua tác phẩm của mình. Khi đó, tính chân thực ở tác phẩm đó càng đậm nét, càng sâu sắc.Vì vậy, quan niệm về hiện thực của nhà văn thường được trả lời cho câu hỏi đó là hiện thực gì, hiện thực đó được nhìn bằng phương pháp sáng tác nào? Dạ Ngân sáng tác chủ yếu dựa vào trải nghiệm của bản thân. Từng tham gia chiến đấu trong những tháng năm chống Mĩ ác liệt, hiện thực mà nhà văn chứng kiến và trải qua trong những năm tháng hào hùng nhưng cũng không kém phần bi thương ấy đã in sâu trong lòng nhà văn nữ này. Chiến tranh kết thúc nhưng hậu quả của nó khiến đất nước ta lại trải qua một thời kì khó khăn mới. Dạ Ngân lại trải nghiệm với cuộc sống đầy khó khăn gian khổ trong những năm bao cấp. Vì vậy, Dạ Ngân thể hiện sự cảm nhận rất rõ và thấu hiểu sâu sắc hiện thực của đất nước trong những sáng tác của mình.Trong những sáng tác ấy, Dạ Ngân bổ sung những mảng hiện thực mới mà văn học trước 1975 còn né tránh như những mặt trái, mặt tiêu cực của hiện thực, cái xấu, cái ác trong đời sống. Ở đó, hiện thực được nhìn nhận, phản ánh không giản đơn, xuôi chiều mà được phân

tích, mổ xẻ ở một chiều sâu mới. Càng ngày cảm hứng nhìn thẳng vào sự thật

càng phát triển, trở thành dòng chủ đạo của văn xuôi đương đại Việt Nam. Trong hành trình sáng tác, đề tài chiến tranh, gia đình nổi bật nhất trong sáng tác của Dạ Ngân bởi nó luôn thể hiện yếu tố hiện thực một cách rõ nét. Đề tài chiến tranh được Dạ Ngân khai thác ngay từ những tác phẩm đầu tay. Tuy nhiên, nhà văn không nặng về miêu tả hiện thực chiến tranh với những trận đánh ác liệt giữa ta với địch, về những chiến thuật dụng trong cuộc chiến này. Ngòi bút của Dạ Ngân hướng về cuộc sống tình cảm, sinh hoạt của con người trong hoàn cảnh khốc liệt ấy trong Quãng đời ấm áp, Đường dây một người. Ở mảng đề tài gia đình, nữ văn sĩ đi vào phản ánh những hiện thực cuộc sống trong những gia đình. Trong đó, có những người chỉ chạy theo vật chất, danh vọng mà quên đi những tình cảm thiêng liêng cao đẹp nhất. Đó là những đứa con hắt hủi khi mẹ già, trong Người của mỗi người. Đó là hiện thực cuộc sống đầy nước mắt đắng cay của những người phụ nữ phải sống trong cảnh góa bụa trong Nhà không có đàn ông. Đồng thời, Dạ Ngân cũng đi sâu vào phản ánh xung đột về tình cảm, đạo đức của vợ chồng. Đến Gia đình bé mọn, Dạ Ngân đã dũng cảm rọi đèn vào những góc tối, khuất tất của cuộc sống, làm hiện rõ bức tranh xã hội đầy nhức nhối hiện nay [15, tr.318-319]. Qua đó, Dạ Ngân đặt ra một vấn đề nóng bỏng về thực trạng của đời sống gia đình thời hậu chiến. Các tác giả như Dương Hướng với Bến không chồng, Lê Lựu với Thời xa vắng, Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh, Ma Văn Kháng với Mưa mùa hạ, Đám cưới không có giấy giá thú …là những sáng tác sau năm 1975 đều thể hiện cách nhìn nhận của tác giả trước thực trạng của xã hội lúc bấy giờ khiến cuộc sống con người trở nên khốn khó. Nhưng qua hành trình sáng tác của Dạ Ngân cho thấy, hiện thực đời sống không chỉ thu gọn trong những biến cố lịch sử và đời sống cộng đồng mà rộng hơn, sâu hơn, thực tế hơn, đó là cái thường nhật với bao mối quan hệ phức tạp. Và bởi thế, cái nhìn thế sự - đời tư thực sự giữ vai trò cốt yếu trong cảm quan nghệ thuật của nhà văn.

* Quan niệm về con người

Trong văn học nói chung, con người là trung tâm, là đối tượng chủ yếu mà các nhà văn, nhà thơ tập trung hướng đến. Quan niệm nghệ thuật về con người là khái niệm cơ bản nhằm thể hiện khả năng khám phá, sáng tạo trong lĩnh vực miêu tả, thể hiện con người của người nghệ sĩ nói riêng và thời đại văn học nói chung. Theo Trần Đình Sử thì Quan niệm nghệ thuật về con người là một cách cắt nghĩa, lí giải tầm hiểu biết, tầm đánh giá, tầm trí tuệ, tầm nhìn, tầm cảm của nhà văn về con người được thể hiện trong tác phẩm của mình [27, tr.15]. Nghĩa là, quan niệm nghệ thuật về con người sẽ đi vào phân tích, mổ xẻ đối tượng con người được thể hiện thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp trong các tác phẩm văn học, từ đó, thấy được giá trị và chiều sâu triết lí của tác phẩm. Dạ Ngân cũng như nhiều nhà văn khác sáng tác sau năm 1975, có những chuyển đổi sâu sắc trong quan niệm nghệ thuật về con người. Đó là từ con người lịch sử, con người cộng đồng đến con người cá nhân “đầy những nỗi niềm nguồn cơn”, đầy phức tạp và bí ẩn. Một số truyện ngắn của Dạ Ngân đã thể hiện quan niệm nghệ thuật mới về con người, từ sau những năm đổi mới, như Thợ vẽ truyền thần, Trăng về, Một khúc sông, Nhìn từ phía khác, Câu chuyện nhiều năm, Má con Chị Liệt, Cái ban công trống…Trong đó, Dạ Ngân viết nhiều về người phụ nữ và đặt vấn đề nữ quyền lên trên hết trong hầu hết các sáng tác của mình. Ở những hình tượng người phụ nữ đó luôn có những nét tính cách rất đặc biệt, đó là mạnh mẽ, gan góc không kém phần quyết liệt. Nếu không là người phụ nữ dám sống vì hạnh phúc cá nhân như Đoan trong Con chó và vụ li hôn hay Tiệp trong Gia đình bé mọn thì cũng là những người đàn bà mạnh mẽ, làm chủ gia đình như những người phụ nữ trong Nhà không có đàn ông. Ngoài ra, vấn đề tình dục và hành trình tìm đến tình yêu đích thực của người phụ nữ cũng là những vấn đề được đề cập không ít trong các tác phẩm của Dạ Ngân. Tóm lại, người phụ nữ trong sáng tác của Dạ Ngân hiện lên là những người phụ nữ hiện đại, đầy bản lĩnh, kiên cường, chủ động vượt qua bao khó khăn, sóng gió.

1.3.2. Quan niệm về văn chương

Dạ Ngân có được một niềm say mê văn học từ sớm và có quan niệm về văn chương rất nghiêm túc. Tác giả quan niệm Văn chương, đó không chỉ là nghề như mọi nghề mà còn là con đường khổ ải cho những người đàn bà cầm bút. Dù vậy, vẫn hơn, vì con đường ấy cho người ta sự cô độc tối cao, niềm tin dai dẳng và có thể khóc cười thoải mái một mình [39] và Văn chương hoàn toàn xứng đáng được coi như đạo, vì sứ mệnh giãi bày và cứu rỗi của nó. Người viết phải chấp nhận cày xới mặt trái của xã hội loài người và mảnh đất tâm linh của kiếp người. Có lẽ vì vậy mà tôi không dung hòa được với những gì nhè nhẹ, thoang thoáng, đèm đẹp. Tận cùng, đó là phương châm sống, phương châm viết của tôi và tôi không lùi bước khi phải trả giá [39]. Như vậy, theo Dạ Ngân, văn chương có sư mệnh “giãi bày và cứu rỗi”, bởi văn chương giúp con người được thể hiện sâu sắc nhất những cảm xúc của bản thân và được là chính mình bởi vì con đường ấy cho người ta sự cô độc tối cao, niềm tin dai dẳng và có thể khóc cười thoải mái một mình.

Dạ Ngân cũng để cho nhân vật trong tác phẩm của mình phát biểu quan niệm về văn chương. Chẳng hạn như nhân vật nữ nhà văn Mỹ Tiệp trong Gia đình bé mọn cũng quan niệm Văn chương với nàng giống một thứ tín ngưỡng hơn là phương tiện. Qua tìm hiểu hành trình sáng tác của Dạ Ngân càng thấy rõ quan niệm về văn chương của bà. Dạ Ngân đã nêu lên những vấn đề nóng bỏng của gia đình và xã hội. Tác giả đã nhìn thẳng vào cuộc sống xã hội để phân tích những diễn biến tâm lý của con người.

Đồng thời, Dạ Ngân coi tác phẩm văn chương là đứa con thai nghén mà bà rút ruột đẻ đau Nó giống với khoảnh khắc đứa con trong bụng mình òa ra, kết thúc tình cảnh mang nặng đẻ đau và mình biết thế là nó đã được sinh xong và bắt đầu cuộc sống riêng giữa cõi đời này [27]. Vì thế, tác phẩm văn chương đó càng thể hiện rõ chức năng và sứ mệnh của mình. Theo Dạ Ngân, người viết văn là kẻ cô đơn giữa bầy đàn của mình. Nhưng chính cuộc sống

biết hy sinh vì văn chương ấy đã khiến cho tác giả quan niệm Sống tức là viết được phân nửa điều mình muốn tuyên ngôn. Nghĩa là phải sống với tất cả các cung bậc tình cảm, với sự nhạy cảm của từng tế bào nguyên liệu sẽ sinh ra từ từng giây phút ấy [39].

Như vậy, Dạ Ngân viết văn chủ yếu dựa vào những trải nghiệm của cuộc đời. Với tình yêu đến mức “tín mộ” văn chương, qua các tác phẩm của bà, chúng ta thấy được những vấn đề nóng bỏng về thực trạng của đời sống gia đình, xã hội Việt Nam thời hậu chiến. Đồng thời, nhà văn thể hiện sự cảm thông chân thành và tình yêu thương sâu sắc với những con người trong cuộc sống thời hiện đại, nhất là những người phụ nữ.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 1

Tự truyện là những tác phẩm văn học thuộc thể loại tự sự, trong đó tác giả tự kể lại và miêu tả cuộc đời mình trong tác phẩm. Tâm điểm của tự truyện là cái tôi người kể chuyện trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách, trong sự tương tác của nó với thế giới bên ngoài.Trong văn học đương đại, tự truyện gắn với vấn đề cái tôi tác giả - sự khẳng định cái tôi cá nhân, sự bộc lộ tình cảm, sự trải nghiệm của bản thân nhà văn, là hành trình đi tìm cái tôi của cá nhân.

Dạ Ngân là một nhà văn của miệt vườn miền Tây Nam Bộ. Trong hành trình sáng tác của nữ văn sĩ luôn thể hiện quan điểm nghệ thuật về hiện thực, về con người và quan niệm về văn chương. Một trong những thành công trong sáng tác của bà là tiểu thuyết Gia đình bé mọn. Đây là cuốn tiểu thuyết mang đậm yếu tố tự truyện, qua đó, nhà văn bộc lộ con người cá nhân của mình. Thông qua đó, tác giả đã đặt ra những vấn đề xã hội sâu sắc: cuộc sống hiện thực đầy rẫy những khó khăn do hậu quả của chiến tranh, nhưng con người vẫn ước mong về một cuộc sống được là chính mình, được sống với những khát vọng chính đáng của bản thân.

Chương 2

CÁC PHƯƠNG DIỆN CỦA CÁI TÔI TRONG

GIA ĐÌNH BÉ MỌN CỦA DẠ NGÂN

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tự truyện văn học trường hợp gia đình bé mọn của dạ ngân (Trang 30 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)