Cái tôi trong sinh hoạt hằng ngày

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tự truyện văn học trường hợp gia đình bé mọn của dạ ngân (Trang 35 - 40)

7. Cấu trúc

2.1. Cái tôi trong cuộc sống thường nhật

2.1.1. Cái tôi trong sinh hoạt hằng ngày

Trong sáng tác văn học nói chung và trong tiểu thuyết nói riêng, không phải ai cũng thể hiện được cái tôi của mình trên trang viết. Cái tôi gắn liền với cá tính sáng tạo của một người cầm bút. Điều đó đòi hỏi người viết phải thể hiện được cái riêng có giá trị thẩm mĩ cao, có khả năng đóng góp tích cực cho nền văn học chung.

Nhắc đến nữ văn sĩ Dạ Ngân và tiểu thuyết Gia đình bé mọn là độc giả nghĩ đến công cuộc tự cởi trói cam go của chính nhà văn với những giáo điều của gia đình, thành kiến của xã hội… Nhưng không chỉ có thế! Bởi hành trình đi tìm tình yêu, mục đích sống của chính mình - một cái bể cảm xúc không khi nào vơi của Dạ Ngân trong tác phẩm mới tạo nên cái tôi cá nhân đáng trân trọng! Bà có ý thức cao độ về chất văn và cái tình của bản thân mình. Và bà hãnh diện, bà thách thức với cuộc đời đầy khó khăn, gian khổ, với người đời đầy thị phi... Chính sự mãnh liệt khác thường trong cá tính nhân vật đã được bộc lộ bằng hình thức tự truyện và nhuốm màu “cá nhân hóa”, “tâm lý hóa” cho tiểu thuyết Gia đình bé mọn giàu không khí thời đại và chất đầy sự kiện. Chính cái bể cảm xúc đã giúp Dạ Ngân khơi sâu được vào trong những bi kịch của những nhà văn trong xã hội Việt Nam thời bao cấp - đó là nét đặc trưng và cũng là đóng góp của Dạ Ngân trong giai đoạn văn học Việt Nam thời hậu chiến. Cái tôi như là một sự biểu hiện của yếu tố tự truyện trong Gia đình bé mọn của Dạ Ngân.

Trong Gia đình bé mọn, Dạ Ngân đã mạnh dạn “bóc trần” cả thế giới, từ đó, hướng về cá nhân, hướng về con người với tất cả niềm say mê tìm tòi, khám phá, khai thác triệt để nhằm hướng người đọc đến với cái cao cả, cái tốt

đẹp. Bối cảnh không gian xã hội Việt Nam những năm sau 1975 giải phóng hoàn toàn đất nước và nhân dân bước vào một thời kì bao cấp chật vật, đầy rẫy khó khăn, hà khắc, bủa vây lấy cuộc sống và tinh thần con người chính là bối cảnh để tác phẩm Gia đình bé mọn xuất xiện. Dạ Ngân là người con của một gia đình có nhiều thế hệ là hệ quả của chiến tranh. Gia đình sinh ra Mỹ Tiệp, những người thân yêu ruột thịt trong gia đình Mỹ Tiệp từ cô Ràng, chị Hai Hoài , đến chị Mỹ Nghĩa và cô em Mỹ Út đều là sản phẩm con người của chiến tranh, họ đến và đi ra từ chiến tranh vì vậy số phận của một gia đình toàn những người đàn bà này gắn liền với dấu vết khắc nghiệt của chiến tranh. Chính vì Dạ Ngân - Mỹ Tiệp am hiểu sâu sắc cuộc sống của những người phụ nữ giữa cuộc sống thường nhật hàng ngày khi phải đối mặt với nghịch cảnh đời thường, những người phụ nữ lập tức vấp phải bi kịch cũng khốc liệt chẳng kém sự nguy nan của chiến tranh chống Mỹ, đó là bi kịch của niềm hạnh phúc nhỏ bé giữa đời thường. Đó là nỗi đau vì những mất mát và đổ vỡ trong tinh thần không dễ gì bù đắp và nỗi đau của sự vỡ mộng đang hàng ngày hàng giờ xâm chiếm tâm hồn của những người phụ nữ miền Tây miệt vườn trong gia đình Mỹ Tiệp.

Mỹ Tiệp - nhân vật nữ chính, là một nhà văn miệt vườn Tây Nam Bộ, cha nàng là một liệt sĩ Côn Đảo bị địch thủ tiêu, 14 tuổi đã bỏ nhà đi theo anh trai Năm Trường vào cứ kháng chiến. Cuộc sống giữa cảnh chiến tranh giặc giã và bom đạn ngặt nghèo hun đúc cho nàng ý chí sắt đá. Nhưng chính cuộc chiến tranh đó đã đẩy cô vào tình huống bi kịch khi cô không được tự mình lựa chọn và thu xếp cuộc hôn nhân với nhân vật Hai Tuyên. Sau chiến tranh, hai người kết hôn nhưng anh là một anh tuyên giáo chỉ chăm chăm tiến thân bằng mọi cách mà coi vợ con không bằng heo cúi trong nhà. Dưới con mắt của Mỹ Tiệp thì anh thuộc nhóm máu cá , xa môi trường nước của công sở một lát là anh không chịu nổi và sự tận tụy tuyệt đối của anh với cương vị Phó phòng tuyên truyền của Ban là đáng được thông cảm và đề cao[21, tr.51]. Chính chiến tranh đưa đến cho Mỹ Tiệp - cô thiếu nữ trinh nguyên, phải nếm trải mùi thân xác lần

đầu tiên trong cái công sự ấy với anh thanh niên Hai Tuyên đang dũng cảm kéo cô ra khỏi làn mưa bom bão đạn Tai Tiệp ù đặc , mắt nàng long lanh cảm thán vì Tuyên đã nắm được tóc nàng kéo lên đúng lúc và đã ấn nàng xuống cái công sự như cái lỗ huyệt này. Nàng cười sằng sặc rồi nàng mếu máo khóc, bỗng nàng nín bặt vì nghe thấy có hai bàn tay đang áp vào hàng nút áo bung ra tự bao giờ, hai trái ngực nàng đang săn lên, run rẩy bởi đôi bàn tay ngốn ngấu trong thứ nước màu sữa đục, lạ quá, cảm giác được mơn trớn mà cũng được dầy vò, nâng lên hạ xuống trong mặt nước có mùi âm phủ [21, tr.101].

Giữa ranh giới nhạt nhòa của sự sống và cái chết, Tuyên đã chiếm đoạt nàng để rồi bắt đầu cho một loạt những bị kịch oái oăm trong đời sống hôn nhân vợ chồng không có tình yêu mà chính Mỹ Tiệp thậm chí chẳng thể ngờ rằng nó lại đau đớn, dai dẳng và khốn khổ như vậy. Cuộc hôn nhân trong chiến tranh ấy của nàng tức khắc đã lên tiếng ngay sau ngày hòa bình lập lại. Lúc này, nàng thật sự đã nhận ra sau những ngày tháng mơ hồ Hồi mới cưới, con tim nàng không chịu rung động nó cứ lên tiếng rằng đây không phải là người đàn ông của đời mình, đây là cuộc xô đẩy của chiến tranh, của bom đạn giặc giã nước lụt bụi cây sạp xuồng [21, tr.52].

Sau chiến tranh, đời sống hôn nhân của Mỹ Tiệp đáng lẽ phải hạnh phúc lắm vì cả hai đều đi ra từ chiến tranh. Nhưng không! Mỹ Tiệp càng ngày càng cay đắng khi phải chung sống dưới một mái nhà với người chồng cằn cỗi, một người đàn ông suốt đời cung cúc phục vụ công việc trong phác thảo về sự nghiệp: Phó thì cố mà lên trưởng, là công chức thì phải cố gắng mà phấn đấu vì sự nghiệp. Vì vậy, anh ta ham mê viết báo cáo để thăng chức hơn là ngắm nhìn vợ. Không chỉ có thế, trong hai lần vợ sinh con, ông bố này, người chồng này đã sẵn sàng bỏ mặc vợ sinh nở một mình giữa cơn đau vật vã chỉ để đến công sở cho kịp giờ làm. Anh lạnh lùng tới tàn nhẫn khi bỏ mặc vợ nằm trong phòng sản phụ một mình trơ ra như một con mẹ hoang thai dơ dáy. Và rồi, khai sinh cho đứa con gái đầu lòng cũng sai ngày… Khi đưa vợ đi làm kế hoạch, anh

cũng chỉ dừng xe ở cổng bệnh viện rồi ngay lập tức đến cơ quan mặc cho vợ

một mình chiến đấu với mọi công đoạn. Đi làm về, anh ta sộc ngay xuống chuồng heo như anh ta mong gặp chúng lắm, mong hơn cả gặp vợ con, rồi anh tắm cho chúng, rồi dọn phân…. Đi công tác về, thay vì ân cần hỏi han vợ con thì anh tỏ vẻ nhớ con heo lắm, anh biết yêu đàn heo và săm sắm với chúng hơn là nựng con bởi nó mang lại “niềm vui thực tế. Chưa lần nào Tiệp thấy Tuyên

tung Vĩnh Chuyên lên hay để nó ngồi trên vai như những người đàn ông sung sướng với con trai [21, tr.72], ít khi đùa giỡn với các con trong khi anh ta suốt ngày săm sắn với lũ heo.. Chừng ấy chi tiết thôi đã đủ giúp cho ta hình dung phác họa về một người cán bộ bao cấp mẫu mực, chỉn chu nhưng là người chồng vô trách nhiệm đến tàn nhẫn khôn cùng.

Ngay từ những chương đầu tiên của cuốn tiểu thuyết này, nhà văn Dạ Ngân cho người đọc thấy được bi kịch của người đàn bà mang tên Mỹ Tiệp khi chung sống với người đàn ông ti tiện, cằn cỗi là chồng nàng, Hai Tuyên. Nhưng Tiệp là một nhà văn. Nàng nhìn thấu nguyên nhân và phân tích đúng thực trạng! nàng lại là một con người yêu cuộc sống! nàng lại được thừa hưởng gen sắc sảo, gan góc đến quyết liệt của dòng tộc cách mạng!Thế nên, nỗi đau của nàng trong bối cảnh ấy dường như đau hơn, dai dẳng hơn và dằn vặt nàng hơn. Để rồi Mỹ Tiệp dám nói Tôi với anh bị chiến tranh đưa đẩy tôi thấy không nên kéo dài cuộc hôn nhân không có tình yêu này [21, tr.81]. Ý định này vốn đã nhen nhóm trong đầu óc người phụ nữ này ngấm ngầm và dai dẳng từ lâu. Đã bao lần nàng muốn bóc trần vẻ bề ngoài hào nhoáng yên ổn của gia đình và muốn một cuộc chiến tranh ngay lập tức. Song, người phụ nữ ấy lại đấu tranh, lại dằn vặt. Sự giằng xé trong Mỹ Tiệp đã âm ỉ và thôi thúc nàng và chỉ trực trào ra. Hình ảnh Mỹ Tiệp trở thành mẫu người phụ nữ “xã hội” hơn rất nhiều: Giữa những thập niên 80-90 mà dám đơn phương ly hôn với người chồng giữa hàng loạt tư tưởng khe khắt của xã hội còn tồn tại nhiều định kiến, giữa hàng loạt búa rìu dư luận, giữa vòng vây của gia tộc…, dám nói thẳng nói thật về

cuộc sống vợ chồng hoàn toàn không bắt nguồn từ chân xác rung động của tình yêu mà chỉ là sự gán ghép của con tạo. Mỹ Tiệp, nhà văn, nhân vật nữ chính dám nhìn thẳng vào cuộc hôn nhân của mình và dám nói lên tiếng nói của lòng mình trong thời kì ấy, quả là dũng cảm!

Người đọc đã bắt gặp hình ảnh người phụ nữ ấy trong truyện ngắn Con chó và vụ ly hôn (1985) của Dạ Ngân, lần đầu tiên chị đã thẳng thắn đến thành thật khi bóc trần những chuyện khó nói trong đời sống vợ chồng. Điều đó trở thành điều luôn trăn trở với Dạ Ngân. Tuy vậy, phải đến tiểu thuyết Gia đình bé mọn tác giả mới thể hiện năng lực của mình khi dũng cảm soi kĩ vào từng góc khuất trong đời sống của đôi vợ chồng trẻ với những sóng gió và bão táp ngấm ngầm, một bên là người vợ - Mỹ Tiệp, xông pha và can trường, còn một bên là người chồng - Hai Tuyên quá đỗi tiểu nhân, ti tiện và sặc mùi chức quyền. Bi kịch của Mỹ Tiệp giữa đời thường, khi mà mọi thứ cảm giác rất yên ổn với cái vỏ bọc của nó thì nàng vẫn cứ chông chênh. Khi những xung đột giữa hai con người, hai tính cách, hai luồng tư tưởng ngày càng sâu đậm thì nỗi đau của nàng càng khốc liệt. Chứng kiến cuộc cãi vã bùng nổ giữa hai vợ chồng khi Tiệp không còn chịu đựng nổi người đàn ông ấy Tiệp đứng chết trân thấy rõ cuộc chiến tranh này tàn khốc hơn cuộc chiến đã lấy đi tuổi trẻ của nàng và Tuyên” [21, tr53].

Như vậy, độc giả được gặp một Mỹ Tiệp - phụ nữ hiện đại khi nàng không còn dấu vết của người đàn bà cam chịu và tự hứng chịu và dầy vò nỗi đau đớn tinh thần một mình để giữ cho mái ấm bề ngoài yên ổn, mà nàng gan góc, dũng cảm nói to lên sự thật về mái ấm gia đình đang đổ vỡ. Bởi trong gia đình đó, nàng một mình xoay xỏa cáng đáng việc lớn việc bé mà không được sự sẻ chia của chồng. Trong khi đó, anh chồng bàng quan, chỉ mỗi việc nhăm nhe tiến thủ với học viện, với nếp sống mới con người mới! Ở nơi lắng sâu hơn, người phụ nữ ấy không được yêu thương trong khi nàng rất ý thức được vấn đề tình yêu và luôn khao khát yêu thương. Mỹ Tiệp đã chiêm nghiệm, đánh giá lại cuộc

sống của mình: cuộc hôn nhân không tình yêu của nàng đặt dưới bàn tay chiến tranh giàn xếp chuyện lấy chồng giữa bom đặt ngặt nghèo giữa ranh giới mỏng manh của sự sống và cái chết càng khiến cho cuộc đời và số phận người phụ nữ thêm sóng gió, truân chuyên. Bước ra từ chiến trường khốc liệt, con người sống trong cuộc sống hòa bình lại bị thất bại, mà thất bại ngay trong gia đình bé nhỏ của mình! Đây chẳng phải bi kịch đó sao? Sự mất mát, hụt hẫng và tổn thương to lớn trong tâm hồn con người càng in hằn một dấu ấn sâu đậm, càng xoáy sâu vào bi kịch hạnh phúc của con người giữa đời thường, dù không còn tiếng bom rơi đạn lạc song vẫn chẳng kém phần dữ dội, bi thương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tự truyện văn học trường hợp gia đình bé mọn của dạ ngân (Trang 35 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)