Không gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tự truyện văn học trường hợp gia đình bé mọn của dạ ngân (Trang 75 - 80)

7. Cấu trúc

3.4. Không gian và thời gian nghệ thuật

3.4.1. Không gian nghệ thuật

3.4.1.1. Khái niệm không gian nghệ thuật

Theo cuốn 150 thuật ngữ văn học của Lại Nguyên Ân: Không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hiện tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Sự miêu tả, trần thuật trong nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một

điểm nhìn, diễn ra trong một trường nhìn nhất định, qua đó thế giới nghệ thuật cụ thể, cảm tính bộc lộ toàn bộ quảng tính của nó: cái này bên cạnh cái kia, liên tục, cách quãng, tiếp nối, cao, thấp, xa, gần, rộng, dài, tạo thành viễn cảnh nghệ thuật [3, tr. 160].

Còn trong giáo trình Một số vấn đề Thi pháp học hiện đại, Gs Trần Đình Sử có nói: Không gian nghệ thuật là phạm trù của hình thức nghệ thuật là phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật. Nếu thế giới nghệ thuật là thế giới của cái nhìn và mang ý nghĩa thì không gian nghệ thuật là trường nhìn mở ra từ trường nhìn, cách nhìn. Không gian ấy có thể rất mênh mang, có thể rất eo hẹp. Không gian này cũng có viễn cảnh, giá trị tình cảm. Tình cảm có thể làm cho không gian bao la thêm hay gò bó chật chội thêm [26, tr.42].

Như vậy, không gian nghệ thuật là một trong những yếu tố quan trọng làm nên giá trị, ý nghĩa của tác phẩm văn học. Không gian trong tác phẩm được tác giả lựa chọn và sắp xếp để đưa người đọc vào một thế giới riêng mà trong đó cuộc sống thực tại đã được thu nhỏ lại và thể hiện theo một nội dung nhất định. Không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật. Đó là không gian tồn tại, sinh hoạt của nhân vật, là bối cảnh để nhân vật thể hiện tính cách, suy nghĩ, hành động. Không gian nghệ thuật vừa mô tả hiện thực, có dáng dấp của hiện thực đời sống, vừa mang hình tượng, là phương tiện nghệ thuật. Không gian nghệ thuật gắn liền với điểm nhìn của tác giả.Thông qua không gian nghệ thuật, độc giả hiểu được suy nghĩ, tình cảm, quan điểm của tác giả đối với nhân vật, đối với các sự việc.

3.4.1.2. Không gian nghệ thuật trong Gia đình bé mọn * Không gian xã hội

Không gian nghệ thuật trong Gia đình bé mọn chủ yếu là không gian thực, không gian của bối cảnh xã hội thời kì bao cấp. Lấy bối cảnh là không gian xã hội thời bao cấp với cuộc sống hiện lên đầy khó khăn, đói khổ, Dạ Ngân thể

hiện những hệ quả của chiến tranh đối với đời sống vật chất và tình thần của xã hội. Đồng thời, với trật tự thời gian đan xen, xáo trộn Dạ Ngân đã kết hợp tài tình ba tuyến không gian chủ đạo trong tác phẩm: không gian chiến tranh thông qua hồi ức của nhân vật, không gian hiện tại đang xảy ra gắn với những tình huống, sự kiện ở miền Nam và không gian miền Bắc với thời kì bao cấp. Qua đó góp phần tạo nên mạch hấp dẫn, sinh động cho câu chuyện.

Không gian hồi tưởng chiến tranh: Sự kiện hồi tưởng hiện ra trong kí ức của Tiệp khi cô Tư Ràng lên giàn xếp chuyện vợ chồng nàng là không gian của cái chết đang đến gần khi cùng Tuyên trú trong công sự ngập nước (chương 8):

Giữa lục bình ở một ngã ba toạ độ chết của vùng căn cứ Đồng Đưng (…) Tiệp nhảy ùm xuống kênh, không biết bơi (…) Từ đằng lái Tuyên bò lom khom trong tiếng nổ nắm tóc Tiệp kéo lên “Cầm dầm bơi ngược lại sau lên bờ kênh may ra có công sự. Quả nhiên, cả hai tìm thấy một cái công sự không nắp dài dài như cái lỗ huyệt dưới một gốc trâm bầu, nước ngập tới cổ21, .100tr . Tuyên lấy mất sự trinh tiết của Tiệp để rồi có ân tình, có kỷ niệm sống chết và có cả chữ tín trong sự trao gửi tiết trinh. Kí ức chiến tranh còn thể hiện qua dòng kỉ niệm xúc động với chú Tư Thọ, người cha thứ hai của Tiệp đã chia sẻ với nhau từng thước đường kênh rạch, chia nhau từng đêm trăng sao, chia nhau từng bài hát, từng bài thơ trên đài qua cái radio Nhật nhỏ như quyển vở để trên sạp xuồng, chia nhau cả những lần hụt chết, như cha con, như thầy trò, như bạn bè, như mọi người tri kỷ yêu dấu nhau [23, tr.113]. Không gian hồi ức gợi lại những kỉ niệm về chiến tranh thật tàn nhẫn và ác liệt.

Không gian hiện tại trong Gia đình bé mọn gắn với thời kì bao cấp sau chiến tranh, có không gian xã hội và không gian gia đình. Trong đó, có sự đan xen không gian giữa miền Nam và miền Bắc với những sự kiện xoay quanh cuộc đời Mỹ Tiệp.

Trước tiên, đó là không gian xã hội miền Nam và miền Bắc sau chiến tranh. Qua ngòi bút của Dạ Ngân, không gian miền Nam là hình ảnh miệt vườn

sông nước quê hương Mỹ Tiệp với những dòng sông nặng phù sa, những con kênh, mương, ao tù. Trong không gian ấy, cảnh vật hiện lên rất đặc trưng, gần gũi và giản dị nhưng cũng rất lộn xộn: xuồng và tam bản đi chèo, thỉnh thoảng một chiếc tàu máy mui vuông thành viên của hệ thống chuyên chở quốc doanh từ vàm sông đi vào mang than củi, lúa gạo và chuối dà U Minh lên thị xã hoặc đi xa hơn nữa (…). Bến tàu đò nằm tách biệt với bãi chợ, những chiếc vỏ lãi mui bạt dùng làm đò dọc đường gần bập bềnh đeo biển số hợp doanh thả khách từ sớm và đang nằm không để chờ khách lượt về, cỏ và rơm rác còn bám trong chân vịt máy đuôi tôm như một sự buông xuôi, cẩu thả [21, tr.28].

Bên cạnh đó, không gian miền Bắc hiện lên với Hà Nội nhìn chạm mặt lại giống một người già chậm chạp, rách rưới nhưng chắc chắn là rất kiêu hãnh vì vẻ rêu phong đặc sắc của mình” và với “những cuốc xe buýt sệt không khí dẫm đạp thô lỗ, với mùi thum thủm rên rỉ trong mọi xó xỉnh [21, tr.160-161], với những khu chung cư là những ngôi nhà tầng lắp ghép đơn điệu sơ sài, với những dãy xếp hàng nào là nón mê, gạch vỡ,…. Không gian ấy cho người đọc cảm nhận được một cuộc sống bệ rạc, nghèo nàn của con người Hà Nội sau sự tàn phá của chiến tranh.

* Không gian gia đình

Không gian gia đình hiện lên khá dày đặc trong tác phẩm. Đó là gia đình của Mỹ Tiệp ở quê với các thế hệ đàn bà góa, gia đình của Tiệp với Tuyên, gia đình của Tiệp với Đính ở Hà Nội.

Không gian gia đình truyền thống với cô Tư Ràng, má Tiệp, chị gái và em gái Tiệp, tất cả đều góa chồng do nguyên nhân chiến tranh. Tuy vậy, hiện lên trong không gian này là một gia đình nền nếp, gia giáo với thủ lĩnh cô Tư Ràng của Mỹ Tiệp. Trong không gian ấy là Những người đàn bà rất biết tận dụng sự chi phối ấy chỉ quan tâm đến tôn ti và trật tự, đến công dung và ngôn hạnh cổ truyền, đến yên ổn và sung túc, ai là cán bộ thì phải làm rạng danh thân tộc bằng cương vị ngày một cao hơn, ai là nông dân thì phải chăm chỉ và giỏi

nhang đèn. Những tôn ti, phép tắc trong gia đình được Dạ Ngân tái hiện lên góp phần là bật nổi cái khuôn khổ gia đình truyền thống với giáo điều danh dự là nền tảng.Và những người đi ngược lại những chuẩn mực được đề ra ấy sẽ

phải bị băm vằm nhiều lần vì đã làm lung lay sợi dây bện bằng nhiều sự hi sinh của nhiều người trong suốt nửa thế kỉ qua… [23, tr.24]. Trong không gian ấy, mọi thành viên đừng phải hành động theo khuôn phép. Vậy mà Tiệp đã phá vỡ khuôn phép ấy để rồi Tiệp ngồi lúc lắc hết nhìn ngọn đèn ống khói tới nhìn bà cô và nhìn bà chị cả, ánh mắt ngao ngán cùng cực.Vòng vây của nàng là những bà goá, cô goá, má goá, chị goá, cô em út cũng goá, bốn bức tường gương mà nếu nàng soi vào thì nàng phải lập tức quên tuổi trẻ và khát vọng của mình đi để nhớ rằng không thể so sánh nỗi bất hạnh nào với nỗi bất hạnh của những người goá bụa [21, tr.22].

Không gian gia đình của Tiệp với chồng là Hai Tuyên mà theo cô Tư Ràng thì giờ củi nỏ hay củi mục gì thì cũng phải vì danh dự gia đình mà ráng chớ !.Trong gia đình ấy, Mỹ Tiệp là người trụ cột, bởi Tuyên không đóng ngọt một cây đinh hay chống được một chỗ dột trên mái trong khi tiếng khen về anh luôn dội đến tai vợ: Tay nầy chịu khó, tận tâm, vững vàng, tương lai lắm! [23, tr.75]. Không gian gia đình lần đầu dọn đến căn nhà, Tiệp đã cảm thấy thất vọng ghê bởi Trong khi nàng đi dọc căn nhà hình ống, tần ngần với chiếc mùng vải xập xệ trên chiếc giường sắt trong bếp (…) trong lúc nàng còn bận tẩn mẩn với trái tim thương vay khóc mướn mà Hai Tuyên không đánh giá cao thì từ gian trên có tiếng đổ vỡ ầm ầm. Thì ra Tuyên đã gạt đổ bát lư hương bằng gốm trên tủ thờ nhà họ, gạt luôn giá ảnh Thích ca trên cao - trong nhà của một cán bộ tương lai đầu tỉnh dĩ nhiên sẽ không có nhang khói và phật phiếc gì cả [21, tr.110]. Chỉ một đoạn văn ngắn miêu tả không gian gia đình, tác giả đã phần nào cho thấy sự khuôn mẫu trong cách sống của gia chủ bởi Tuyên xác định sẽ là một cán bộ tương lai đầu tỉnh. Đây cũng chính là lẽ sống, là mục đích suốt đời của Tuyên, chứ không phải là gia đình, vợ con.Vì thế, anh

để vợ sinh con 1 mình trong cả hai lần sinh. Trong những lần kế hoạch, anh để vợ mình phải chịu đựng nỗi đau thể xác và tinh thần trong những lần nạo phá một mình mà không có chồng đi cùng để động viên, chăm sóc. Không thế sống mãi với không gian tù túng chật hẹp ấy, Tiệp đã lên tiếng từ bỏ nó bằng một thái độ dứt khoát mạnh mẽ để đi tìm hạnh phúc đích thực.Và hành trình ấy phải trả nhiều cái giá rất đắt mới có thể đến được.

Không gian gia đình bé mọn của Tiệp với Viết Đính ở Hà Nội sau 11 năm người Nam kẻ Bắc, với những dằn dặt, day dứt mà vì nó, Tiệp đã bị gia đình ruồng bỏ, và chấp nhận xa hai con: Căn hộ độc một phòng, vuông sân cơi nới hùn với dưới chưa có tiền láng xi măng trông lỗ chỗ nghèo khó, bàn làm việc kê sát với chiếc giường thước hai, chiếc bàn thờ gá vào vách tường, nơi từ nay nàng sẽ chính danh ôm hương khói cùng với Đính [23, tr.278]. Gia đình bé mọn ấy đúng với cả nghĩa đen và nghĩa bóng.Trong gia đình ấy, mặc dù hành trình tìm hạnh phúc của chủ nhân đã đến đích, nhưng tâm trạng của nàng luôn mâu thuẫn giằng xé khôn nguôi.

Như vậy, không gian trong tiểu thuyết Gia đình bé mọn được Dạ Ngân sắp xếp với sự chuyển động nhanh theo dòng cảm xúc của nhân vật. Mỗi không gian hiện lên là gắn liền với một sự kiện, một lát cắt cuộc đời nhân vật mà không một không gian nào là thừa thãi, là dư thừa. Đặc biệt, không gian ấy giúp cho người đọc cảm nhận về thời kì bao cấp đầy chật vật của cả dân tộc sau chiến tranh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tự truyện văn học trường hợp gia đình bé mọn của dạ ngân (Trang 75 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)