Người kể chuyện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tự truyện văn học trường hợp gia đình bé mọn của dạ ngân (Trang 65 - 68)

7. Cấu trúc

3.1. Người kể chuyện

Trong thể loại tự truyện, nhân vật người kể chuyện là nhân vật trung tâm của tác phẩm, đồng thời là nhân vật mang hình bóng của tác giả với những chi tiết có thật về cuộc đời, số phận, tính cách. Vì vậy, nghiên cứu nhân vật người kể chuyện trong tự truyện, vừa giúp người đọc hiểu được nghệ thuật tự sự của tác giả, vừa giúp tái hiện lại chân dung người viết. Qua đó, người đọc không chỉ thấy những sự thật “sự kiện” mà còn là những “sự thật nội tâm”, cảm xúc, suy nghĩ, cách đánh giá của người kể chuyện về chính mình, về con người và cuộc đời. Đây là một nhân tố quan trọng giúp độc giả có thể giải mã con người của tác giả.

Thuật ngữ “narrator” (người kể chuyện) là một thuật ngữ công cụ của tự sự học, được xem là khái niệm trung tâm nhất trong phân tích trần thuật. Đã có rất nhiều quan điểm khác nhau xung quanh khái niệm này. Nhưng chúng tôi theo quan điểm của tác giả Trần Đình Sử khi ông cho rằng Người trần thuật trong văn bản văn học là một hình tượng nghệ thuật phức tạp, mà ngôi kể chỉ hình thức biểu hiện ước lệ. Người trần thuật vốn không có gì là ngôi kể, mà chỉ là chủ thể kể. Sự khác biệt của “ngôi thứ nhất”, “ngôi kể thứ ba” chỉ là khác nhau về mức độ bộc lộ và ẩn giấu của người trần thuật mà thôi. Sự ẩn giấu của ngôi kể thứ ba làm cho nó gần như vô nhân xưng. Ngôi kể là yếu tố tạo thành tiếng nói, giọng điệu. Điều quan trọng nữa là kể theo điểm nhìn nào. Đây là vấn đề tiêu cự trần thuật, là vấn đề phân biệt các hình thức tự sự khác nhau

[30, tr.17]. Như vậy theo Trần Đình Sử, hình tượng người kể chuyện liên quan đến ngôi kể, điểm nhìn, ngôn ngữ, giọng điệu trong tác phẩm văn học. Đây chính là những yếu tố nghệ thuật mà thông qua đó, tác giả thể hiện cái tôi cá nhân.

Gia đình bé mọn là cuốn tiểu thuyết thể hiện những bi kịch giằng xé về hạnh phúc gia đình tình yêu của người phụ nữ. Tác phẩm viết về bi kịch hạnh phúc đời tư, những trăn trở về tình yêu, hôn nhân, gia đình được thể hiện dưới hình thức loại thể tiểu thuyết nên việc biểu đạt những ngòi bút của nhà văn vừa phải sáng tạo nhưng vừa phải thấm đẫm chất trải nghiệm để đủ sức theo đuổi hành trình dai dẳng bền bỉ của nhân vật trong cuộc khám phá bản thân và kiếm tìm hạnh phúc sau chiến tranh. Chất trải nghiệm của nhà văn thể hiện qua hình thức tự truyện giúp người đọc hiểu được một cách thấu đáo hơn nhân vật.

Mặc dù trong tiểu thuyết nói chung, người kể chuyện thường ở ngôi thứ ba nhưng thông qua điểm nhìn nữ giới kết hợp với phương thức tự thuật, Dạ Ngân đã đưa những câu chuyện của cuộc đời mình, của giới mình vào trong tiểu thuyết một cách vừa sâu sắc, vừa kín đáo, tế nhị. Tuy tính chất tự thuật không trực tiếp lộ diện như mô hình trần thuật ngôi thứ nhất nhưng hình thức kể chuyện ngôi thứ ba này cũng thể hiện khá sâu sắc những vấn đề liên quan đến quyền lợi của người phụ nữ. Người đọc cảm nhận được những vấn đề đó một cách khách quan.

Người kể chuyện với cách kể tự thuật như một phương thức khẳng định cái tôi cá nhân.Việc đưa những yếu tố có thực trong cuộc đời nhà văn vào trong tiểu thuyết gắn liền với vấn đề cái tôi tác giả cũng như nhu cầu khẳng định cái tôi cá nhân ngày càng mạnh mẽ của Dạ Ngân. Có thể nói, chưa bao giờ bi kịch của một nhà văn nữ có đời sống nội tâm phức tạp ở thời kì hậu chiến lại được Dạ Ngân miêu tả chân thực đến thế. Trong tâm hồn người phụ nữ ấy luôn có những cuộc vật lộn, giằng co, đấu tranh đau đớn.Tất cả những cung bậc cảm xúc của nhân vật nữ chính là một nhà văn được phơi bày đầy đủ, toàn diện. Nhờ có phương thức trần thuật khách quan ấy, những bi kịch của Mỹ Tiệp được khắc hoạ đậm nét, giàu sức ám ảnh. Dạ Ngân đúng ở ngôi thứ ba, vì vậy, nhân vật của bà xuất hiện dưới ngòi bút của bà một cách khách quan. Bà quan sát những diễn biến tâm lý của nhân vật một cách tỉnh táo, nhìn thẳng vào bản

chất của hiện thực để mổ xẻ và phân tích. Có vẻ như nhà văn kể chuyện một cách lạnh lùng về những bi kịch của con người trong thời kì hậu chiến, với những dư chấn của chiến tranh. Nhưng không! Chính cách kể chuyện như vậy người đọc mới thấy hết sự cảm thông thương xót của nhà văn đối với nhân vật. Phải trải lòng mình với nhân vật, phải thương xót nhân vật của mình biết bao thì nhà văn mới miêu tả được những ngóc ngách sâu kín trong tâm hồn người phụ nữ một cách tài tình như thế. Và trên hết, là kể những câu chuyện về mình như là một một sự tự thú, Dạ Ngân khiến người đọc tự liên hệ, tự cảm nhận những bi kịch mà bà phải trải qua để chia sẻ, cảm thông. Dạ Ngân dùng tự thuật như là một cách thức để đưa hiện thực đời sống cá nhân mình vào trong tác phẩm, để trải lòng mình, để tự thú, để sám hối.

Như vậy, đứng ở ngôi thứ ba, Dạ Ngân kể với giọng điệu trung tính, dửng dưng, không thể hiện thái độ, cảm xúc. Người kể chuyện kể một cách tĩnh tại theo lối của máy quay phim để tái hiện cuộc sống, hành động, sự việc từ bên ngoài. Người kể chuyện thường không dùng những từ mang sắc thái biểu cảm. Không hề có điểm nhìn bên trong mà chỉ đơn thuần trình bày sự việc từ bên ngoài, theo kiểu ống kính máy quay. Qua đó, Dạ Ngân giúp người đọc theo dõi tác phẩm như đang xem một thước phim quay chậm mà từng sự vật hiện lên như hữu hình, không hề có cảm xúc.Ví dụ, đây là lời cô Tư Ràng của Tiệp khi bà lên gia đình Tiệp để dàn xếp chuyện trục trặc của vợ chồng nàng Khỏe, khỏe hết! Nghe chuyện của bây rồi không ai còn dám bịnh hoạn gì nữa. Thôi, đem hai đứa nhỏ đi đi! [21, tr.89]. Người kể khiến người đọc nhận ra sự giận dỗi của bà cô. Giọng của Tiệp nói với chồng mình khi quyết định đi Đồng Đưng tìm cảm hứng sáng tác (khi hai người đã trục trặc) Ngày mai tôi đi công tác Đồng Đưng mấy ngày. Trưa anh phải về lo cơm cho hai đứa nhỏ với lo heo cúi [21, tr.107], Ta cảm giác lời nói chỉ có tính chất thông báo mà không hề có cảm xúc. Hoặc Cũng như mọi khi, quay mặt vào hội trường, Tiệp lại bắt gặp Tuyên trong góc trên của gian phòng, chỗ chiếc bàn thứ hai sau lưng vị trí cố

định dành cho Hai Khâm. Công việc hàng tuần của chồng nàng là chạy sang mấy cái ngành lính-lúa-lương để lấy số liệu gọi là tiến độ trong tuần để công bố - có so sánh và nhận xét - cho cuộc họp báo bắt buộc vào mỗi sáng thứ Hai…[21, tr.63]. Người kể chuyện không hề bày tỏ thái độ gì, cũng giống như sự dửng dưng của Mỹ Tiệp khi bắt gặp hình ảnh Hai Tuyên, chồng nàng trong buổi họp. Qua giọng điệu của người kể chuyện, cho ta thấy được tính cách, hành động, thái độ sự phân hóa trong tâm lí của các nhân vật.

Như đã biết, khuynh hướng tự truyện trong tiểu thuyết giúp người đọc không chỉ giải mã con người tác giả và thời đại qua những chi tiết gắn với tiểu sử, cuộc đời thật mà còn qua những kinh nghiệm sống phong phú và quý báu.Tiểu thuyết lấy chất liệu từ bản thân cuộc đời riêng tư của tác giả, những chi tiết mang tính tiểu sử của chính nhà văn, bộc lộ cái tôi cá nhân rõ nét. Tuy vậy, với vai trò của người kể chuyện, người đọc nhận ra bóng dáng Dạ Ngân trong Mỹ Tiệp chủ yếu là nhờ nội dung tâm lí xác thực hơn là qua những chi tiết tiểu sử. Cái tôi mang màu sắc tự thuật đã trở thành một vật liệu, một thủ pháp. Dạ Ngân biến mình thành nhân vật trong cuốn tiểu thuyết không chỉ để “khám phá mình” mà còn tạo hiệu ứng, tạo cảm giác giả - thật lẫn lộn. Dạ Ngân sử dụng cái tôi như một yếu tố kỹ thuật nhằm mục đích đổi mới nghệ thuật viết.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tự truyện văn học trường hợp gia đình bé mọn của dạ ngân (Trang 65 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)