Sự xuất hiện của một số cây bút nữ thời kì đầu Đổi Mới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của trần thị trường (Trang 36 - 38)

7. Đóng góp của luận văn

1.3.1. Sự xuất hiện của một số cây bút nữ thời kì đầu Đổi Mới

Sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội Việt Nam sau thời kì Đổi mới cùng với nỗ lực không ngừng tạo nên sự bình đẳng giới đã không những giải phóng người phụ nữ thoát khỏi sự áp chế của văn hóa nam quyền và sự kiềm tỏa của các thiết chế văn hóa xã hội cũ xưa - mà còn mở ra nhiều

cơ hội cho họ tự chủ tự quyết số phận của mình. Từ vai trò mặc định là một vị “nội tướng”, người đàn bà dần dần bước ra ngoài xã hội, tham gia nhiều hoạt động và khẳng định được vị thế của mình trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ở phương diện đời sống văn học, ý thức về giới đã ăn sâu vào tâm thức sáng tạo, từ ý hướng chọn đề tài, chủ đề, xây dựng hình tượng nhân vật trung tâm, đến kiến tạo hệ thi pháp, tìm kiếm phương thức tự sự nhằm xác lập cá tính, phong cách nữ giới. Chính điều này đã góp phần làm nên âm hưởng nữ quyền và xác lập dòng “văn học nữ tính” trong dòng chảy văn học Việt Nam đương đại. Thực tiễn đã cho thấy, một khi nền văn học “lấy nữ tính làm chủ thể ngôn từ, chủ thể trải nghiệm, chủ thể tư duy, chủ thể thẩm mĩ” trên tinh thần nhân văn hiện đại, thì khi đó dòng văn học này mới có cơ sở,cơ hội tồn tại, phát lộ phát triển.

Trên thực tế, ở Việt Nam, khoảng hơn 30 năm trở lại đây chứng kiến sự bung nở mạnh mẽ của dòng “văn học nữ tính” trên nhiều phương diện: đội ngũ sáng tác (bao gồm cả lĩnh vực sáng tác, nghiên cứu - phê bình, dịch thuật), chất lượng tác phẩm, hiệu ứng dư luận, sự thừa nhận của các đồng nghiệp nam, vị trí quan trọng trong các hoạt động nghề nghiệp, số lượng giải thưởng giành được hàng năm… Riêng trong lĩnh vực sáng tác, không khó để nhận diện hàng loạt những gương mặt tiêu biểu làm nên diện mạo của văn học Việt Nam sau Đổi mới: Phạm Thị Hoài, Dư Thị Hoàn, Lê Minh Khuê, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Dạ Ngân, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Trần Thùy Mai, Đoàn Lê, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Nguyễn Ngọc Tư, Thuận, Đoàn Minh Phượng, Lý Lan, Trang Hạ, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư…

Tinh thần dân chủ ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu, người phụ nữ ngày càng có ý thức đầy đủ hơn về con người cá nhân của mình. Họ muốn là một nhân cách, một nhân vị độc lập, không bị chế định trong luật lệ, quy ước cộng đồng; được phát huy tận độ những “năng lực người”, được

quyền tự định đoạt cuộc sống của mình. Cảm hứng sáng tạo trong tác phẩm của các nhà văn nữ được khơi dậy từ chính sự trải nghiệm giới tính cùng những suy tư, trăn trở về thân phận con người. Không xa vời, to tát, không ảo tưởng, phù phiếm, phạm vi hiện thực mà các cây bút nữ hướng tới là những vấn đề gần gũi với bản thân, những câu chuyện rất đời, rất người gắn với “thế giới nhỏ mọn”, có khi tủn mủn, nhỏ nhặt. Hơi ấm nữ tính được toát ra, “bảo lưu” và thăng hoa trọn vẹn trong hệ đề tài, chủ đề về tình yêu đôi lứa, hạnh phúc gia đình, khát vọng tự do, giải phóng bản thể/bản năng, nỗi đau thân phận đàn bà…

Những "khát vọng nhân bản" mang tầm phổ quát này đã đem lại sức ám ảnh cũng như sự quyến rũ hơn trong tiểu thuyết của các nhà văn nữ đương đại. Trong các sáng tác đó, câu chuyện trung tâm là thế giới đàn bà, hình tượng trung tâm là các nhân vật nữ với những tính cách đa diện, những trạng huống tâm lí phức tạp, những mối quan hệ đời tư đan xen cùng số phận và tấn bi kịch nghiệt ngã trong cuộc sống riêng tư, đời thường.

Với những trải nghiệm cá nhân, sáng tác của các nhà văn nữ chất chứa khát vọng, nỗi niềm và bi kịch của nhiều thế hệ phụ nữ trong một đất nước đã phải trải qua quá nhiều biến động khắc nghiệt. Và mặc dù còn tồn tại những hạn chế nhất định tính trong sáng tạo nghệ thuật (hạn chế ở sự đa dạng của đề tài, ở tầm khái quát hiện thực xã hội rộng lớn...), nhưng với một thế mạnh khác (tư duy thiên về hướng nội), văn chương của các nhà văn nữ đương đại đã mở rộng phạm vi hiện thực phản ánh cho văn học bằng cách riêng của mình: đi sâu vào những số phận, cuộc sống, tâm hồn của những con người rất bình dị, nhỏ bé (thậm chí là cá biệt) xung quanh ta, đặc biệt là những người phụ nữ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của trần thị trường (Trang 36 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)