Nhà văn Trần Thị Trường, nữ nhà văn của thời kì Đổi Mới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của trần thị trường (Trang 38 - 46)

7. Đóng góp của luận văn

1.3.2. Nhà văn Trần Thị Trường, nữ nhà văn của thời kì Đổi Mới

1.3.2.1. Vài nét về nhà văn Trần Thị Trường

Nhà văn Trần Thị Trường sinh năm 1950 tại Tuyên Quang, quê gốc ở Đan Phượng, Hà Tây, hiện chị đang sống tại quận Đống Đa - Hà Nội. Chị tốt

nghiệp Đại học báo chí và là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1994). Năm 1969, ở cái tuổi 19, Trần Thị Trường khoác ba lô vào Vinh theo đoàn quân cứu hộ giao thông của Bộ Giao thông vận tải. Chị lập gia đình khá sớm (năm 1972), nhưng với niềm đam mê hội hoạ, chị đã thi và học khoa Gốm sứ- Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Sau 5 năm lập gia đình, và khi đứa con trai thứ hai ra đời cũng là lúc cuộc hôn nhân của chị bị đẩy đến bên bờ đổ vỡ. Năm 1981 (ở tuổi 27) Trần Thị Trường đã tìm "lối thoát cho cuộc sống" của mình bằng việc bỏ học Đại học giữa chừng và nhà văn đã mạnh dạn ghi tên mình vào "đội quân xuất khẩu lao động" sang tận đất nước Bungari xa xôi để lao động kiếm sống.

Khoảng thời gian ở xứ người, Trần Thị Trường được biết đến là một

công nhân làm nghề thợ may. Và đây cũng là những năm tháng chị nung nấu ý định cầm bút, viết văn. Về nước năm 1986, cơ quan giảm biên chế, chị lại quay sang làm thợ hàn. Có lẽ những gian truân tuổi Canh Dần, với những ngày lao động cực khổ cùng bao biến cố trong cuộc sống gia đình chính là động lực đã khiến cho Trần Thị Trường viết và hoàn thành cuốn tiểu thuyết

Lời cuối cho em. Trần Thị Trường đã thành danh ngay sau khi xuất bản cuốn

tiểu thuyết đầu tay, và ba năm sau chị trở thành hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Sau thành công ban đầu, Trần Thị Trường tiếp tục sáng tác và cho ra đời 7 tập truyện ngắn và chị đã chuyển sang nghề làm báo, phối hợp với bạn bè thành lập một công ty chuyên tổ chức biểu diễn âm nhạc.

Đến nay, Trần Thị Trường đã có trong tay 2 cuốn tiểu thuyết, 7 tập truyện ngắn và rất nhiều bài viết được đăng trên các tạp chí, và báo. Đến nay, chị vẫn đang say mê làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng công việc mà chị thấy đam mê nhất là nghiên cứu về âm nhạc, tìm hiểu và viết những bài viết về chân dung những nhạc sĩ. Hiện Trần Thị Trường giữ chức vụ Phó Giám đốc khu vực phía Bắc của Trung tâm Bảo vệ quyền âm nhạc Việt Nam, và chị vẫn theo đuổi nghiệp sáng tác văn chương.

Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, thành danh sau thời kỳ Đổi Mới, cuộc đời Trần Thị Trường trải qua biết bao truân chuyên, khó nhọc. Trong kí ức của nhà văn, quá khứ lẫn lộn những buồn vui

nhưng dường như nó gắn bó nhiều hơn với chữ không bình yên. Khao khát

học Đại học nhưng phải ngậm ngùi từ bỏ bởi chiến tranh đã không cho người ta có quyền được lựa chọn; rồi lập gia đình sớm mong có sự bình yên, ổn định (chồng chị là một họa sĩ). Lãng mạn và yêu chồng nên chị muốn cùng chung luôn lý tưởng sống hay vì nghệ thụât (vốn là niềm đam mê có sẵn trong chị) khiến chị đã bước chân vào con đường học tập hội họa để có thể trở thành một họa sĩ. Nhưng con đường đi của chị có lẽ vốn đã không bằng phẳng, nên chị lại phải bỏ dở việc học để tìm cách mưu sinh. Trần Thị Trường quyết chí "xuất ngoại" đã làm một công nhân lao động ở xứ người, một thợ hàn, một chủ quán ăn bình dân... và chị đã vượt qua bao vất vả, khó khăn để dựng cho mình một cuộc sống vật chất "tạm ổn" để có thể làm những điều mình yêu thích - trong đó có công việc sáng tác văn chương.

Trần Thị Trường là một phụ nữ sâu sắc, tinh tế mà tuổi trẻ đã trải qua không ít những “trôi nổi” trước cuộc đời "đa sự". Tác giả đã có những năm tháng lao động ở nước ngoài do đó, các nhân vật của chị được mở rộng hơn với các tính cách phong phú, phức tạp hơn (các văn nghệ sĩ "vượt biên" trái phép hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài; các trí thức, bộ đội xuất ngũ, lao động phổ thông… ra nước ngoài theo con đường xuất khẩu lao động…). Vì thế, tác phẩm của Trần Thị Trường có những điểm mới, thu hút và hấp dẫn bạn đọc đương thời.

Đọc truyện của Trần Thị Trường, dễ hình dung tác giả hẳn là người đàn bà u buồn, đa sầu, đa cảm, luôn ắp đầy tâm trạng, nhưng ngoài đời chị lại là một phụ nữ khá cứng rắn, sắc sảo, mạnh mẽ và quyết đoán. Trên những trang văn của mình, dường như chị đang chia sẻ với cuộc đời, với con người nhiều hơn là những hờn giận cay cú, hay bất lực tiêu cực đến mức không thể hoá

giải trước hiện thực. Có lẽ cứng cỏi, cá tính chỉ là một cách để chị tự động viên mình vượt lên số phận, còn từ trong sâu thẳm - chị vẫn là một phụ nữ dịu dàng tình cảm, mang nhiều nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Chính vì vậy mà những nhân vật là phụ nữ trong tác phẩm Trần Thị Trường luôn có một vẻ đẹp mặn mà, duyên dáng, tinh tế và luôn nhẫn nhịn tới mức cam chịu, sẵn sàng hy sinh vì những người thân yêu của mình, luôn nhân hậu và vị tha.

Đến với văn chương, ban đầu chỉ là một cách để Trần Thị Trường chia sẻ với cuộc đời, dần dần những chia sẻ đó trở thành niềm đam mê trong chị. Đam mê viết, đam mê sáng tạo và đam mê bày tỏ những suy nghĩ, những trăn trở, những quan niệm sống của mình trên từng trang viết, với mong muốn có được những tác phẩm có giá trị, phản ánh hiện thực một trung thực, và tạo dựng niềm tin tốt đẹp cho cuộc sống - cho dù cuộc sống còn bao điều bất cập, khó khăn, thách thức. Chị đã xem văn chương là nơi để nhân đôi niềm vui và chia vơi nỗi buồn, nên viết đối với chị không chỉ dừng lại là đam mê mà còn là trách nhiệm của một nhà văn trước cuộc sống. Trách nhiệm đó đã được nhà văn thực hiện bằng sự kiên nhẫn và lặng lẽ sống, lặng lẽ viết. Tác giả tâm sự:

“Vì biết hy sinh một phần khát vọng của mình nên tôi đã có một gia đình hạnh phúc. Giờ đây, không còn phải lo lắng bất kỳ chuyện gì nữa, tôi sẽ dành toàn bộ thời gian, tâm sức của mình cho văn chương và sông trọn vẹn với nó" 1.3.2.2. Nữ nhà văn của thời kì Đổi Mới

Trần Thị Trường bước vào nghiệp văn chương khi đã trải qua nhiều những thăng trầm của cuộc đời và không con trẻ khi ở tuổi 39. Văn học Việt Nam đang trong giai đoạn vận động, đổi mới, nhiều cây bút đã thành danh và khẳng định được vị trí của mình trên văn đàn nên để có được sự chú ý của độc giả và khẳng định được tên tuổi của mình không phải là điều dễ dàng. Bản thân chị cũng không nghĩ có thể thành công trên con đường muộn mằn nhưng mới mẻ này. Chị cứ viết như để giãi bày những suy nghĩ của mình về cuộc

đời, viết về những gì mình cảm nhận được từ cuộc đời theo cách riêng của

mình và chị đã thành công. Tiểu thuyết đầu tay Lời cuối cho em (1989) đã

gây được sự chú ý trên văn đàn Việt Nam thời bấy giờ. Trên văn đàn, người ta nhắc nhiều hơn đến cái tên Trần Thị Trường, tác phẩm của chị đã tạo được sự chú ý và phản ứng tích cực từ phía những người quan tâm đến sự nghiệp đổi mới văn học. Thành công ban đầu này trở thành động lực cho chị theo đuổi

văn chương, cuốn tiểu thuyết Kẻ mắc chứng điên (1991) và hàng loạt những

truyện ngắn được viết sau đó đã củng cố vị trí của Trần Thị Trường trong đời sống văn học Việt Nam giai đoạn đầu Đổi Mới.

Văn học sau 1986 có sự chuyển hướng rõ rệt, từ đề tài chiến tranh sang khai thác đề tài cuộc sống thường nhật với mọi vấn đề của cuộc sống với những góc nhìn khác nhau. Những sáng tác của Trần Thị Trường cũng không nằm ngoài những đối tượng phản ánh ấy. Những trải nghiệm cuộc sống đầy khó khăn, bất trắc của cá nhân mình cùng những sự việc, những đổi thay dữ dội của cuộc sống xã hội hôm nay đã thấm sâu vào những trang văn của chị. Đọc tác phẩm của Trần Thị Trường ta thấy đậm những suy tư, chiêm nghiệm về xã hội, về cuộc đời, về con người. Cũng vẫn đi vào phản ánh những vấn đề nóng bỏng, bức xúc của cuộc sống, sự vận động chuyển mình của xã hội trong giai đoạn Đổi Mới của đất nước, song các nhân vật của chị không qúa phức tạp, quyết liệt, dữ dội hay nổi loạn, nhà văn cũng không cố tạo ra trong tác phẩm của mình tình huống mâu thuẫn gay cấn, những nhân vật quá gai góc - nhưng đọc tác phẩm của chị luôn có sự ám ảnh, day dứt khiến mỗi người phải nhìn lại mình, nhìn lại cuộc sống, để có thể điều chỉnh lại chính mình cho phù hợp với xu thế vận động của xã hội trên nền tảng của lối ứng xử nhân văn hơn, chân thực hơn.

Mỗi nhà văn khi viết tác phẩm đều phải tạo cho mình một phong cách để lại dấu ấn riêng trong lòng độc giả của mình, Trần Thị Trường không là ngoại lệ. Đọc truyện của chị người đọc được thưởng thức một lối văn tự sự

nhẹ nhàng, nhưng sâu lắng, truyện luôn có xu hướng đưa người đọc về những điều giản dị trong cuộc sống, những điều tưởng như bình thường, hàng ngày nhưng lại rất đáng suy ngẫm, lại rất triết lí, "rất người".

Viết về những con người sống trong thời kì bao cấp rồi đến thời kì kinh tế mở cửa, khi mà xã hội với những biến động vô cùng phức tạp, một số nhà văn của thời kì này đã phản ảnh những con người bị xô đẩy của hoàn cảnh làm

cho méo mó, biến dạng cả nhân hình lẫn nhân tính như Tính trong Thoạt kì

thủy, là người điên trong Ngồi của Nguyễn Bình Phương hay trong các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái. Trong các sáng tác của Trần Thị Trường hầu như không có những nhân vật mang vẻ kì dị về ngoại hình, thậm chí những nhân vật con mang vẻ đẹp ngoại hình thanh tú, sang trọng, hiện đại

như: nhân vật Thương trong Lời cuối cho em; chị em nhân vật Thảo, Thanh,

Thục trong Kẻ mắc chứng điên; những nam nhân vật nghệ sĩ mang vẻ đẹp tài

tử như Nguyễn Việt, vẻ đẹp doanh nhân Hùng trong "Kẻ mắc chứng điên"... Dù

nhân vật của chị cũng phải tìm mọi cách sinh nhai trong cuộc sống thiếu thốn

như nhân vật Thương trong Lời cuối cho em; phải bán đi những cuốn sách để

trang trải cuộc sống như giáo sư Hoàng trong Kẻ mắc chứng điên; thậm chí làm

mọi cách kể cả phi pháp để có tiền như Hùng trong Lời cuối cho em..., thế nhưng tận sâu trong tâm hồn những con người ấy vẫn là sự tự nhận thức, sự khao khát được quay trở về cuộc sống tử tế - mình được là chính mình.

Trong thế giới nhân vật của Trần Thị Trường dường như chị có sự ưu ái hơn cho các nhân vật là phụ nữ. Đó là những nhân vật có thân phận bé mọn, cô đơn, lầm lụi và nhọc nhằn hay bị những tổn thương về tình cảm và luôn bị thiệt thòi trong đời sống xã hội và gia đình. Người phụ nữ trong những trang văn của chị luôn sống chân thành, hết mình với rất nhiều đam mê, khát vọng nhưng luôn gặp những éo le, ngang trái, khổ đau và nỗi bất hạnh ví dụ như:

Nhân vật Thương trong tiểu thuyết Lời cuối cho em, nhân vật Thanh và Thảo

nhân hậu, bao dung, luôn hi sinh vì người khác, nhưng lại là những người chịu nhiều thiệt thòi trong tình yêu, trong gia đình và cả trong xã hội.

Nếu như người phụ nữ trong sáng tác của Nguyễn Thị Thu Huệ mạnh mẽ đến táo bạo và sẵn sàng đánh đổi tất cả để có được hạnh phúc thì người phụ nữ của Trần Thị Trường thường nhẫn nại, cam chịu trước số phận hoặc phản ứng một cách tinh tế, nhẫn nhịn, rất "văn hóa" trong các mối quan hệ . Khao khát yêu đương, khao khát hạnh phúc gia đình, song các nhân vật nữ trong sáng tác của Trần Thị Trường lại không phải bất chấp mọi điều để đến với tình yêu ví dụ như: mối tình của Thảo với giáo sư Hoàng; mối tình của

Hùng và Thanh trong Kẻ mắc chứng điên, hay như nhân vật Thương với

Nguyễn Việt trong Lời cuối cho em. Chính bản thân Trần Thị Trường đã tâm

sự: " Tôi đã sống một cuộc sống đầy mâu thuẫn, tôi tận mắt thấy những biểu

hiện văn hóa của người xứ khác nhưng không dám thay đổi để bước theo những ước muốn của mình. Tôi cố trải mình trong mọi nỗi vất vả của người phụ nữ Việt Nam, chấp nhận bất công. Có thể khao khát thay đổi và muốn người khác, thế hệ khác có cuộc sống khác đi, công bằng hơn, văn minh hơn, văn hóa hơn đã khiến tôi say mê viết về những thân phận phụ nữ đau khổ".

Tiểu kết chương 1

Có thể nhận thấy, nhân vật trong tiểu thuyết của Trần Thị Trường không quá phong phú như trong một số tiểu thuyết của các nhà văn khác. Chị chủ yếu đi vào phản ánh, miêu tả một số kiểu nhân vật mà chị "thành thạo" bởi sự quen thuộc trong môi trường chị đã sống như: nhân vật trí thức, nghệ sỹ, nhà văn, nhà báo, họa sỹ, nhạc sỹ.... Đặc biệt chị hay viết về thân phận của những người phụ nữ trong môi trường đó. Những vẫn đề chị quen viết thường là "nhỏ mọn", riêng tư của con người thời kì xã hội đang vật vã chuyển mình từ chế độ bao cấp sang cơ chế thị trường. Cái chị hướng tới không phải là vấn đề xã hội có tầm vĩ mô, to lớn - mà là những vấn đề thuộc

về con người cá nhân, với những thân phận, mảnh đời, những mặt khuất lấp, ẩn dấu trong đáy tâm hồn và trái tim họ. Bằng giọng văn tâm tình, sâu lắng, bằng lối kể chuyện nhẹ nhàng, tự nhiên như nói về chính cuộc đời của mình, của những người xung quanh mình - những con người bình thường trong cuộc sống đời thường - Trần Thị Trường đã tạo cho mình một giọng điệu riêng, một cách phản ánh hiện thực cuộc sống riêng. Chính điều đó đã làm cho chị trở thành một nhà văn nữ thời kì đầu Đổi Mới với những đóng góp riêng rất xứng đáng được ghi nhận.

CHƯƠNG 2

QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI VÀ THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT

CỦA TRẦN THỊ TRƯỜNG

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của trần thị trường (Trang 38 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)