Bản năng sinh tồn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới loài vật trong truyện viết cho thiếu nhi của nhà văn vũ hùng (Trang 49 - 54)

7. Đóng góp của đề tài

2.2.1. Bản năng sinh tồn

Mỗi loài động vật đều có một đời sống sinh tồn và phát triển khác biệt. Bằng khả năng quan sát tinh tế và tài tình, nhà văn Vũ Hùng đã mang đến cho độc giả trẻ thơ nói riêng và chúng ta nói chung một cái nhìn toàn diện về đặc điểm sống và sinh hoạt của các loài động vật. Ông như một nhà nghiên cứu động vật học. Bởi nhờ chính cái nhìn của ông, một thế giới loài vật hiện lên rất chân thực và sâu sắc. Ông quan sát và miêu tả loài vật đồng thời dưới con mắt của một nhà nghiên cứu và một nhà văn. Qua đó, các em nhỏ có những hiểu biết lý thú và mới mẻ về thế giới loài vật.

Mỗi tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng là một cách thức sinh hoạt, cách kiếm sống và duy trì nòi giống của các loài động vật khác nhau. Hình ảnh của chú ngựa Antai trong truyện Chú ngựa đồng cỏ đang ở vùng thảo nguyên Mông Cổ với cuộc sống hạnh phúc bên bầy đàn của mình thì bất chợt gặp sự thay đổi. Đó là một chú ngựa sinh ra trên một đồng cỏ thuộc miền Nam nước Mông Cổ, kéo dài từ chân núi Antai cửa ngõ của sa mạc Gôbi. Tác giả đã miêu tả đây là vùng thiên nhiên khắc nghiệt của thế giới. Với mùa hè chói chang, nóng bức và gió bụi, cây cối khô cằn; Mùa đông lạnh lẽo, ảm đạm và bị tuyết phủ kín; Mùa thu đẹp đẽ, trong sáng nhưng ngắn ngủi; mùa xuân gió lốc, tuyết tan, bão tuyết và lụt lội nặng nề: “Đây chỉ là một vùng nửa sa mạc mênh mông, lác đác những cồn cát và phủ một lớp cỏ lưa thưa hầu như cằn cỗi quanh năm. Không một bụi cây nào có thể sống ở nơi này, trừ một loài cây không lá, thân khẳng khiu như chiếc gậy, chọc rễ xuống tầng đất sâu thẳm để hút những giọt nước hiếm hoi”[18;15]. Nơi mà chú ngựa Antai ra đời và sinh sống là một nơi khắc nghiệt với điều kiện thiên nhiên khó khăn. Tuy vậy nơi đó vẫn nuôi sống chú ngựa cùng bầy đàn của mình. Nhà văn Vũ Hùng đã miêu tả chi tiết về đặc điểm của Antai: “Loài ngựa của tôi khảnh ăn, nhặt từng nhánh cỏ non, đi lướt ở phía trước. Theo sau chúng tôi là những bầy dê: họ vốn nhanh nhẹn, thiên nhiên cũng đã phú cho họ những cẳng chân nhẹ tênh, chẳng khác gì loài ngựa. Tiếp sau đó đến các bác bò yak lực lưỡng, mang bộ lông rậm rịt, lòa xòa. Cuối cùng là những đàn lạc đà và những đàn cừu chậm chạp. Họ lầm lũi, kiên nhẫn nhặt nhạnh những cọng cỏ còn vương lại và khi bầy đàn chúng tôi lướt qua, cỏ của

một vùng đã bị gặm trụi, phải mất nhiều tháng sau mới mọc lại”[18;15]. Chỉ bằng một đoạn văn ngắn, độc giả đã hiểu được cách thức kiến ăn của một cộng đồng loài vật: ngựa, bò yak, lạc đà, dê, cừu... trên một vùng thảo nguyên rộng lớn. Chúng chia sẻ với nhau chút thức ăn ít ỏi trên thảo nguyên với đặc tính riêng của từng loài.

Những đặc điểm khác của loài ngựa được Vũ Hùng miêu tả một cách cụ thể. Loài ngựa là một loài động vật có trí nhớ lâu bền, có tuổi thọ khoảng ba mươi và ngựa thảo nguyên sẽ sống lâu hơn ngựa nuôi vì nó được sống trong môi trường hoang dã, trong lành: “Thiên nhiên không bắt chúng tôi phải chịu một thời sơ sinh kéo dài và một tuổi già triền miên dai dẳng. Thời bất lực của chúng tôi – thời phải nhờ cậy mẹ cha che chở - không vượt quá hai năm. Tuổi già đến đột ngột nhưng mau chóng”[18;22]. Xung quanh chú ngựa Antai không chỉ có bầy đàn của nó mà còn có rất nhiều các loài động vật khác: “...các bác bò yak với những tấm áo lòa xòa màu đen hoặc nâu sẫm, đàn lạc đà đứng cao lêu nghêu với những chiếc bướu to phồng trên lưng, dê và cừu chen chúc ở phía dưới”[18;22]. Những chú ngựa non được sinh ra bị ẩm ướt và rét mướt làm cho yếu đuối. Còn những con bò yak mới sinh “nhờ có bộ lông dày nên không thấy rét, đứng vững trên những cặp chân ngắn, đang thở phì phì. Họ có dáng dữ tợn ngay từ thưở lọt lòng. Bọn lạc đà con, cao lêu nghêu như bố mẹ họ, trông chẳng cân đối chút nào: chân và cổ họ quá dài nhưng mình lại quá ngắn và bụng sớm to tròn. Đó là một đặc điểm bẩm sinh: họ cần chứa nhiều cỏ trong mùa hè để sản xuất nhiều mỡ dành cho mùa đông... Họ có cặp mắt rất đen và rất lớn, nhìn đâu thì đăm đăm, lộ bao vẻ ngơ ngác, rụt rè...”[18;22]. Khi có bão tuyết nổi lên trên thảo nguyên, các loài động vật cùng quy tụ nhau lại để cùng giúp nhau tồn tại. Đó là sự đoàn kết: “Đàn bò yak, đàn lạc đà và cả bầy ngựa của tôi cũng tìm về sau dãy đá. Tất cả không giữ riêng bầy như mọi khi mà chen chúc lẫn lộn làm thành một khối đông cho ấm. Cừu và dê nằm ở vòng trong, rồi đến ngựa và lạc đà. Cuối cùng là các bác bò yak, họ luôn luôn ở vòng ngoài vì họ có tấm áo ấm rất dày. Tất cả đều nằm xuống để tránh gió”[18;28]. Những chú ngựa mẹ thì

“tựa lưng và vùi đầu vào nhau, làm thành một vòm mái để che cho bọn ngựa con”[18;28]. Đó là kinh nghiệm trong bầy ngựa, nếu ngựa mẹ cũng nằm xuống thì bầy con sẽ bị tuyết vùi cho chết ngạt hoặc chết cóng. Khi gặp bất ngờ hoặc

không vừa ý điều gì đó, những chú ngựa lập tức hí vang và dựng hai chân trước lên, khua khua trong gió. Những chú ngựa đồng cỏ vốn quen với môi trường sống mênh mông trên đồng cỏ thảo nguyên với thức ăn là cỏ gai và lúa mạch nay bị giam cầm trong những chiếc lồng sắt: “Người ta nhốt chúng tôi trong cái chuồng chật hẹp, bốn phía là những gióng gỗ ngổn ngang. Ngày đêm chúng tôi thiếu khoảng rộng, thiếu không khí và thiếu gió”[18;91] sẽ làm cho chú ngựa bức bối và khó chịu. Có thể thấy đời sống của loài ngựa ưa chuộng sự tự do và phóng khoáng.

Trong truyện Bí ẩn của rừng già, nhà văn Vũ Hùng đã miêu tả tỉ mỉ về đời sống sinh hoạt của một số loài động vật. Hươu nai vốn là những con vật hiền lành và can đảm. Chúng làm tổ và ẩn náu trong những bờ lau, bản năng sinh tồn đã khiến chúng chọn bờ lau là nơi để tránh kẻ thù: “Đường vào ổ bừa bộn lá khô, không một kẻ thù nào đến gần mà chúng lại không biết trước để phóng chạy”[32;12]. Hươu nai là những con vật cân đối, nặng không quá 60 ki lô gam,

“bộ lông mịm màng thay đổi tùy theo con từ màu vàng tươi sang màu vàng sậm”[32;12]. Chúng cũng thường sống ở gần vùng đầm lầy với đặc tính bơi lội giỏi và không ngần ngại đánh bại lũ chó săn. Một loại khác trong bầy Hươu nai là bọn Cà tong, chúng là những con vật thanh mảnh và có bốn cẳng chân nhẹ tênh: “Khi mới ra đời, chúng mặc một bộ áo vàng chi chít những đồng tiền trắng. Năm tháng qua đi, những dấu trắng ấy bay dần như sao đêm rời khỏi bầu trời buổi sớm và khi chúng bay hết thì con thú bước vào tuổi trưởng thành. Cà tong sống ở những trảng cỏ xa vắng nên ít gặp người, chúng rất vụng dại”. [32;14]. Chúng không nhận ra rằng con người là mối nguy hại đối với chúng. Khi chú nai con ra đời được chừng mười tháng, cặp gạc đầu tiên bắt đầu mọc:“Mầm non của cặp gạc gây cho chú nai biết bao đau đớn. Nó ốm khặc khừ. Nó tìm vào một nơi tĩnh vắng, nằm phục trên một nệm lá, chờ cho cặp gạc trồi ra. Cuối cùng, sau cơn đau đớn, ở hai bên trán của chú nai con mọc ra hai chiếc sừng non. Người ta gọi chúng là nhung vì chúng được bọc trong một lớp da lông mịn như nhung. Cặp nhung thường chia nhánh và rắn lại thành đôi gạc. Chú nai con trưởng thành”[32;15]. Nhờ đôi gạc, chúng có khả năng tự bảo vệ mình khỏi thú dữ đồng thời kiếm ăn một cách dễ dàng.

Ba yếu tố tạo nên sức mạnh trong rừng. Đó là sức khỏe, tinh thần họp bầy và tinh thần cảnh giác. Trâu rừng là những con thú hội tụ đủ ba yếu tố đó. Trâu rừng sinh sống ở những đồng cỏ dưới núi: “Chúng chỉ di chuyển khi nào có hạn hán, đồng cỏ bị nắng hun khô cháy và khi có mưa chúng lại trở về. Nơi chúng sinh sống bao giờ cũng là một đầm nước hoặc một dòng sông. Đó là nơi chúng ngâm mình sau khi đã ăn no”[32;21]. Chúng có tinh thần đoàn kết cao độ:

“Chúng đi kiếm ăn rồi trở về nơi ngủ đêm nằm thành vòng tròn, bên trong là trâu già, trâu mẹ và nghé con, bên ngoài là trâu mộng”[31;22]. Khi ngủ, chúng phân chia nhau canh gác nghiêm ngặt: “Con trâu đầu đàn, con trâu mộng vạm vỡ, nặng suýt soát một tấn, canh giữ an toàn trong những giờ đầu tiên. Lúc ngửi thấy hơi lạ, nó đứng phắt dậy, hét ầm ĩ và lúc lắc cặp sừng nhọn. Chỉ khi nào thấy yên tâm nó mới lại nằm xuống và thong thả nhai lại mớ cỏ kiếm được từ buổi chiều. Sau đó đến lượt một con trâu mộng khác canh. Con đầu đàn thở phì phì báo hiệu và con kia cũng thờ phì phì để đáp lại là nó đã nhận nhiệm vụ. Cứ thế nhiệm vụ canh gác được truyền nhau trong lũ trâu mộng, từ con này đến con khác ở vòng ngoài”[32;24]. Những con trâu mộng đầu đàn gánh vác nhiệm vụ to lớn là bảo vệ đàn khỏi thú dữ ăn thịt. Nó có tinh thần quả cảm cao và sẽ không bao giờ bỏ chạy hay bỏ cuộc: “Con trâu mộng đầu đàn sẽ đối địch với hổ trong lúc đàn trâu đứng cả dậy và con trâu mộng thứ hai đã nghênh sừng lên sẵn sàng. Không bao giờ con đầu đàn bỏ chạy. Nó chiến đấu tới chết và khi nó gục xuống thì ngay lập tức con trâu mộng thứ hai sẽ xông vào thay thế. Trong trận quyết đấu, phần thắng thường nghiêng về phía trâu mộng vì nó dai sức và chịu đòn giỏi hơn”[32;25].

Tê giác là con thú đồ sộ, nặng chừng hai tấn, nó di chuyển chậm chạp và để lại những dấu chân in hằn trên đất rừng: “Nó khoác bộ da có nếp gấp trông tựa chiếc áo giáp và mang chiếc sừng nghênh ngang trên sống mũi”[32;29]. Thời xưa và cả thời nay, Tê giác luôn bị săn lùng gắt gao nên giống loài ngày một hao hụt. Nó là con vật cổ sơ và cô độc. Nó lang thang đi tìm bầy đàn của mình ở khắp nơi để duy trì giống nòi: “Nó đi suốt đêm, đuổi theo cái bóng của đồng loại không bao giờ tìm thấy, vừa đi vừa kiếm ăn, sáng ở đâu thì tìm một chỗ rậm rạp để giấu mình ở đó rồi tối đến lại lên đường”[32;30]. Cùng giống như hươu nai, tê giác là một loài vật hiền lành:“Nhưng nó phàm ăn, ăn cả gai

góc nên nước dãi lúc nào cũng rớm máu”[32;30]. Nó còn là một con vật đần độn chuyên uống nước đục :“Nhìn dòng nước trong, nhìn thấy bóng biến dạng của chính mình, nó tưởng kẻ thù liền nhảy xuống húc và giẫm đạp. Tới khi nước đục ngầu và không trông thấy cái bóng đâu nữa, nó tưởng đã đuổi được kẻ thù đi xa và lúc ấy mới yên tâm vục mõm xuống uống những hớp nước đầy bùn”

[32;30].

Hổ được coi là loài hắc ám trong rừng, nó uyển chuyển, nhanh nhẹn, mạnh mẽ và hùng tráng: “Con vật thường mang bộ lông vàng với những vằn đen, bộ lông hòa hợp với rừng. Khi hổ rình nấp thì rất khó phát hiện. Bộ lông của nó biết đánh lừa, màu lông vàng hòa vào nền đất đầy lá úa và những vằn đen lẫn với những cành củi khô. Trông con vật giống một mô đất có gác những cành củi”.[32;44]. Cũng như tất cả các con thú có sức mạnh, hổ không bao giờ sợ bị tấn công bất ngờ. Nó ngủ suốt ngày nhưng lại đi săn mồi vào ban đêm:

“Nó có cặp mắt xuyên bóng đêm, thấy rõ con người trong những căn nhà đã tắt lửa. Cặp mắt ấy có sức thôi miên, nhìn con vật nào thì con vật ấy không đủ can đảm và sức lực để chạy trốn. Tai hổ tinh tường, nghe rõ những bàn định của thợ săn, dù nó đang ở rất xa trong rừng”[32;45]. Nhà văn Vũ Hùng còn đưa ra những nhận định rất thú vị: “Hổ coi con người là kẻ thù truyền kiếp. Mỗi đêm, bắt đầu cuộc săn, bao giờ nó cũng nghĩ trước hết đến việc báo thù con người. Nhưng hổ lại rất hay quên. Khi tai nó chạm vào lá rừng, nó quên hết mọi chuyện và thế là chẳng bao giờ nó thực hiện được ý định đó”[32;45].

Báo là loài thú dữ thứ hai đứng sau hổ. Chúng có hai loại là báo gấm và báo đen:“Báo leo dây giỏi hơn mèo, đi từ cành nọ sang cành kia nhẹ lâng không một tiếng động. Nó mềm mại nằm rình trên cao làm người thợ săn rất khó nhìn rồi bất thình lình nhảy xuống. So với loài hổ thì báo tàn bạo, dữ tợn và nham hiểm”[32;50]. Chó sói cũng là nỗi ám ảnh đối với các loài thú lành: “Trên Trường Sơn, chó sói hợp thành bầy, bầy nhỏ ba bốn con, bầy lớn mươi con. Chúng sống phân tán trong những hang hốc tối tăm, ban ngày ngủ, ban đêm hợp đàn đi kiếm mồi. Trông chúng xấu xí, bộ lông màu xám hoặc màu vàng rơm lúc nào cũng khô xác và lởm chởm. Chúng có cặp mắt nảy lửa và tiếng tru gọi săn đầy uy lực. Người ta bảo nhiều khi lũ sói ngồi dưới những tàng cây nơi bọn khỉ và vượn ngủ đêm, ngửa cổ lên tru những hồi ghê rợn. Chúng không phải làm

gì hơn, hiệu lực tinh thần đã thừa đủ. Lũ khỉ và vượn non giật mình, rời tay bám cành, rơi lả tả xuống mõm chúng”[32;52].

Lũ thú lành còn có một kẻ thù nữa là chồn ma. Giống như báo, chồn ma leo trèo giỏi và chạy nhanh như hươu nai: “Chồn ma thường rình bọn hươu nai ở ven rừng, con thì nằm nép trên những tàng cây đầy chồi non, con thì ẩn náu dưới những bụi rậm bên cạnh. Bất hạnh cho con hươu nai nào bị những chồi non hấp dẫn đến gần chỗ chồn ma rình nấp. Từ trên cao chúng nhảy xuống, bám chặt và cắn vào cổ nơi có động mạch lớn, bọn trong bụi rậm thì nhảy lên cắn vào khoeo chân”[32;55].

Nhờ có vốn kiến thức sâu rộng về thiên nhiên và muôn thú cùng khả năng quan sát tinh tế, nhà văn Vũ Hùng đã giúp cho người đọc hiểu và biết thêm về bản năng sinh tồn cùng cách sống khác nhau của mỗi loài động vật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới loài vật trong truyện viết cho thiếu nhi của nhà văn vũ hùng (Trang 49 - 54)