Sự nghiệp sáng tác của nhà văn Vũ Hùng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới loài vật trong truyện viết cho thiếu nhi của nhà văn vũ hùng (Trang 28 - 34)

7. Đóng góp của đề tài

1.2.2. Sự nghiệp sáng tác của nhà văn Vũ Hùng

Mỗi trang văn của nhà văn Vũ Hùng là một bài học quý giá để khơi gợi và phát huy những giá trị tốt đẹp trong tâm hồn trẻ thơ. Từ 1960 đến 1989, ông in 40 đầu sách tại nhiều NXB trong nước. Nhiều tác phẩm của ông được dịch ra tiếng Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc… Cuốn sách đầu tay, Mùa săn trên núi do NXB Kim Đồng ấn hành năm 1960; Sao Sao (1982) và Sống giữa bầy voi

(1986) từng đoạt giải Văn học thiếu nhi. Tháng 8.2014, nhà văn Vũ Hùng đã ký kết bản quyền với NXB Kim Đồng về việc xuất bản hơn 30 tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng, trong đó có nhiều tác phẩm được coi là kinh điển của văn học thiếu nhi Việt Nam như: Mùa săn trên núi, Giữ lấy bầu mật, Con cu li của tôi, Người quản tượng và con voi chiến sĩ, Sao Sao, Các bạn của Đam Đam, Sống

giữa bầy voi, Chú ngựa đồng cỏ, Những kẻ lưu lạc, Con voi xa đàn, Vườn

chim, Phượng hoàng đất, Biển bạc... Các tác phẩm truyện của ông đều hướng

tới thiên nhiên và muôn thú. Nhưng qua đó là những triết lý và bài học cuộc sống. Bộ 18 tác phẩm văn học thiếu nhi của nhà văn Vũ Hùng được vinh danh tại giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2017. Bộ sách viết về muôn thú, rừng núi

và thiên nhiên tươi đẹp của đất nước. Những tác phẩm của ông còn có giá trị giáo dục cho trẻ em nhiều thế hệ. Bộ sách của nhà văn Vũ Hùng từng nhận giải thưởng Sách Việt Nam do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức năm 2016. Lúc đó, bộ sách mới xuất bản được 12 cuốn, và nhận giải ở hạng mục Giải Vàng Sách hay – Giải thưởng Sách Việt Nam 2016 với điểm cao tuyệt đối – 100 điểm. Có thể khái quát nội dung 18 tác phẩm đã đạt giải thưởng của Vũ Hùng như sau:

Truyện Phía Tây Trường Sơn là hành trình đầy hiểm nguy, gian nan nhưng thú vị của những người lính trẻ để đi sang nước bạn Lào học làm quản tượng – điều khiển voi. Qua cuộc hành trình này, người đọc được ngắm nhìn thiên nhiên Trường Sơn ở góc độ hùng vĩ, thơ mộng qua cái nhìn của ba người lính đồng thời được hòa tâm hồn mình vào các phong tục, tập quán của người dân bản địa mà cụ thể là dân tộc Lào. Trải qua thời gian, họ đã trở thành những người quản tượng giỏi, có lòng yêu thương và thấu hiểu loài voi.

Truyện Các bạn của Đam Đam là câu chuyện tình bạn xúc động giữa cậu bé Đam Đam 13 tuổi và chú chó Phay Phay. Cả hai lớn lên bên nhau và bắt đầu những cuộc đi săn trong rừng sâu hoang dã. Rồi Đam Đam và Phay Phay cứu sống chú khỉ Xa – ni thoát khỏi nguy hiểm. Cả ba đã trở thành bạn bè và cùng nhau có những kỉ niệm khó quên. Bên cạnh câu chuyện tình bạn giữa người và vật sống động, tác phẩm còn khắc họa sắc nét cuộc sống gắn bó với thiên nhiên của con người Tây Nguyên.

Truyện Chim mùa là cuộc sống, sinh hoạt, nếp nghĩ, ước mơ của trẻ em dân tộc hiện lên vô cùng phong phú, chân thực và sống động. Không những thế, theo từng dòng văn tài hoa, độc giả sẽ được dẫn vào khung cảnh thiên nhiên kì vĩ, thơ mộng để thêm một lần mến yêu hơn, say mê hơn với thiên nhiên và con người trên dải đất Trường Sơn.

Truyện Bí ẩn rừng già: Bằng vốn kiến thức sâu rộng về thiên nhiên muông thú của mình, nhà văn Vũ Hùng khắc họa thật chi tiết những nguyên tắc và bí ẩn của rừng – cách để các loài vật sinh tồn, phát triển và sống nương tựa cùng nhau trong một môi trường thiên nhiên hoang dã mà cụ thể là đời sống của loài voi, bầy hươu nai, hổ báo, tê giác...

Truyện Phượng hoàng đất là những câu truyện về loài vật trong trẻo và nên thơ đến lạ kì. Từng câu từng chữ của nhà văn Vũ Hùng thấm đượm hơi thở

núi rừng từ cành cây ngọn cỏ, hòa mình vào đời sống thật kì thú và đáng yêu của loài vật.

Truyện Biển bạc nói về vùng Biển Việt Nam với biết bao nhiêu điều kì bí. Mỗi một loài như: trai, ốc, đồi mồi, cua, tôm…. đều là những câu chuyện độc đáo và bất ngờ. Biển bạc không chỉ cung cấp lượng kiến thức dồi dào về sinh vật biển Việt Nam, mà còn mở ra những khung cảnh kì vĩ, đầy chất thơ cùng chân dung những con người gắn bó cuộc đời với biển cả quê hương.

Truyện Mùa săn trên núi: Hình ảnh về một thời rừng núi còn hoang sơ với đời sống săn bắt và “du canh, du cư” của những con người miền núi sống động, hào hùng, có lúc nghẹt thở trong cuộc chiến tay đôi giữa người và thú dữ, nhưng vẫn thấm đẫm một bầu không khí trong veo, đầy thơ mộng, cuốn sách đã lột tả được cuộc sống của người miền núi một cách tinh tế và chân thực.

TruyệnChú ngựa đồng cỏ là câu truyện kể về Antai – chú ngựa non vùng thảo nguyên Mông Cổ, đang sống một cuộc sống hạnh phúc bên bầy đàn của mình thì bỗng một ngày bị bán cho một rạp xiếc ở Việt Nam. Antai đã phải học cách thích nghi với môi trường sống mới và những người bạn mới.

Truyện Người quản tượng và con voi chiến sĩ kể về vùng núi Trường Sơn. Một đêm mưa bão. Ông cháu Đik may mắn bắt được con voi con lạc đàn. Tên nó là Lôm – Luông. Nó rất khôn và thông minh. Sau một thời gian dạy dỗ, Lôm – Luông đã biết nghe hiệu lệnh người và biết làm việc, đi săn. Đik cũng trưởng thành và trở thành người quản tượng thực thụ. Họ cùng nhau đi qua chiến tranh, làm công tác vận tải trong vai trò là người quản tượng và con voi chiến sĩ. Truyện Những kẻ lưu lạc là câu chuyện về Kratiê, cô chó Nhật – lưu lạc đầy tài năng. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình chủ lương thiện, Kratiê sống hạnh phúc, bình an bên cạnh mẹ và anh trai. Thế nhưng sóng gió đã xảy đến khiến cô phải rời xa gia đình và sống một cuộc đời lang bạt, khó khăn. Rồi cô được nhận vào một rạp xiếc và trở thành một cô chó xiếc giỏi.

Truyện Sao sao: Rời quê nhà, nơi nguồn thức ăn đã bắt đầu cạn kiệt, Sao Sao và người bạn thân Nai Bông lên đường với mong ước tìm ra được một vùng đất mới màu mỡ, tươi xanh hơn để đưa dân làng hươu tới trú ngụ. Cuộc ra đi trải qua bao gian khổ, đắng cay, có cả máu và nước mắt với nhiều nguy hiểm rình

rập. Cuối cùng Sao Sao cũng tìm được một vùng đất mới, màu mỡ cho bầy đàn của mình sinh tồn.

Truyện Giữ lấy bầu mật là hình ảnh về cuộc sống của những người đồng bào dân tộc miền núi mộc mạc, chân chất. Qua đó thấy được cách sinh hoạt, tập tục, những thói quen, những khung cảnh vô cùng sống động, dữ dội mà rất nên thơ của thiên nhiên, núi rừng.

Truyện Bầy voi đen kể về cuộc sống sinh tồn và hành trình của một bầy voi trên dải đất Trường Sơn qua đó thấy được thiên nhiên kì bí, động vật hoang dã dữ dội và nguy hiểm.

Truyện Con cu li của tôi là một câu chuyện xúc động về tình cảm của một người chiến sĩ với con cu li – người bạn rừng đã theo chân anh đi khắp nẻo, gắn bó với anh và giúp anh vượt qua nhiều nguy hiểm. Thế nhưng, tiếng gọi của thiên nhiên từ nơi hoang dã luôn luôn là tiếng gọi da diết nhất, quyến rũ nhất. Cuối cùng con cu li bé bỏng đã chạy theo tiếng gọi tha thiết của núi rừng và bỏ lại sau lưng tình cảm chân thành của người lính trẻ.

Truyện Vườn chim là câu chuyện về những loài chim khác nhau. Qua đó thấy được sự đa dạng và phong phú của chúng đồng thời người đọc sẽ hiểu thêm về bản năng kiếm ăn, đặc tính và môi trường sống của mỗi loài chim.

Truyện Con voi xa đàn: Sống một tuổi thơ hạnh phúc nhưng ngắn ngủi, con voi Bê đã mất mẹ và phải sống nương tựa vào bầy đàn của mình. Trải qua bao thăng trầm, trải qua bao bất hạnh, cuối cùng nó cũng tìm thấy được hạnh phúc và vinh quang.

Truyện Mái nhà xưa là những câu truyện kể về chính gia đình của nhà văn Vũ Hùng. Ông đã đặt hết tình yêu thương, lòng nhiệt huyết để nói về gia đình mình một cách chân thực và sống động. Những cảm xúc bồi hồi, da diết của một con người đã trưởng thành, trải qua thời cuộc và cuối con đường muốn dừng chân nhìn ngắm lại quá khứ được thể hiện một cách day dứt, buồn thương và rất nên thơ.

Truyện Sống giữa bầy voi là cuốn sách được viết bằng trải nghiệm sâu sắc, tình cảm nhân hậu của tác giả gửi gắm vào thiên nhiên, núi rừng Trường Sơn. Cuộc sống của con người bên cạnh loài voi yêu quí đã khắc họa một thế

giới loài voi rất chân thực, sinh động và mang đến bài học ý nghĩa, những thông điệp rất người.

Các tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng mang những giá trị về đạo đức to lớn đúng như nhà nghiên cứu Lê Phương Liên đã từng nhận định: “Nhà văn Vũ Hùng sống giữa thời gian khó khăn của lịch sử đất nước, ông đã biết tìm ra cho mình một hướng đi đúng đắn cho văn học thiếu nhi Việt Nam. Từ những trang văn đầu tiên và chắc là đến những trang văn cuối cùng, ông trung thành với con đường đi của mình, con đường yêu thương tha thiết thiên nhiên và muôn loài, con đường đề cao phẩm chất Thiện, cái Đẹp nội tâm của con người hồn nhiên gắn bó với loài vật nguyên sơ. Văn của ông nhẹ nhàng như sợi tơ mà sức mạnh có thể như cơn gió lớn khiến cả rừng sâu, núi thẳm rung vang lên tiếng”. [65]

* Tiểu kết:

Ở mỗi giai đoạn của xã hội, văn học thiếu nhi nói chung và truyện viết về loài vật lại có những nét riêng phù hợp với từng bối cảnh cuộc sống. Trong hành trình phát triển của mình, văn học thiếu nhi ngày một đổi mới về nội dung, ý tưởng, cách thức, phương thức biểu đạt với đội ngũ sáng tác đông đảo. Mỗi tác phẩm là cả một thế giới diệu kì để trẻ em hoàn thiện tâm hồn và nhân cách. Vũ Hùng là nhà văn với nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị dành cho thiếu nhi. Ông là một “hiện tượng” đầy trân trọng trong bối cảnh nền văn học thiếu nhi đang thiếu vắng những cây bút mới có khả năng hấp dẫn người đọc.

CHƯƠNG 2: THIÊN NHIÊN KỲ THÚ VÀ NHỮNG BÀI HỌC CUỘC SỐNG TRONG CÁC TÁC PHẨM VIẾT CHO THIẾU NHI

CỦA NHÀ VĂN VŨ HÙNG 2.1. Tình yêu và cuộc sống

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới loài vật trong truyện viết cho thiếu nhi của nhà văn vũ hùng (Trang 28 - 34)