Giọng điệu trữ tình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới loài vật trong truyện viết cho thiếu nhi của nhà văn vũ hùng (Trang 116 - 128)

7. Đóng góp của đề tài

3.3.2. Giọng điệu trữ tình

Đối với nhà văn Vũ Hùng, giọng điệu trong các tác phẩm của ông rất đa dạng và phong phú. Bên cạnh giọng điệu giàu sự triết lí, suy tư thì ở một khía cạnh khác, giọng điệu của ông được thể hiện rõ ràng hơn đó là một giọng văn giản dị và gần gũi với đời sống hàng ngày. Điều đó cho thấy bút lực dồi dào trong cách viết của ông. Giọng điệu trữ tình được thể hiện ấn tượng trong những trang văn tả cảnh thiên nhiên, tả cảnh đời sống sinh hoạt của những người đồng bào miền núi.

Thiên nhiên trong truyện của ông không phải là những bức tranh thiên nhiên xa vời với thực tế cuộc sống mà là những gì gần gũi, thân thuộc với con người. Đó là những sông, những núi, những ruộng đồng, rừng cây... gắn bó với con người từ khi sinh ra đến khi chết đi. Đó là trang văn viết về quang cảnh thiên nhiên: “Sau những cơn mưa lạnh mùa đông, trời long lanh nắng, chồi non nảy khắp rừng. Đâu đâu cũng xanh. Ngoài bãi, hoa dại bắt đầu nở: hoa vông vang màu vàng tươi, hoa cúc áo lăn tăn và hoa lạc tiên trắng muốt với những nhị tím”[31;10]. Cơn mưa mùa đông đã gột rửa đi tất thẩy những âm u, mơ hồ để ban tặng thiên nhiên những trong xanh của nắng trời, chồi non và sự rực rỡ

của sắc hoa. Câu văn chân thực với những lớp lang màu sắc đan xen và hòa quyện vào nhau. Một cảm giác tươi mới xuất hiện trên bức tranh phong cảnh và xuất hiện ngay trong chính tâm hồn người đọc. Trước khi có được sự trong trẻo đó, thì khi “Mùa đông tới. Gió bấc thổi ào ào. Rừng xám và ảm đạm. Mặt trời bỏ đi suốt những ngày đông. Thiếu ánh nắng, các dòng suối không còn lấp lánh. Dưới những lùm cây, hơi đá từ các hang núi bay ra rét buốt. Cây cối khẳng khiu, lá xanh xám lại vì lạnh”[35;35]. Trái ngược với thiên nhiên thơ mộng sau mùa đông, cảnh vật vào đông được thể hiện rõ nét qua giọng điệu chân thực. Cảnh vật dường như đìu hiu và tĩnh lặng, từng cơn gió ào ào lướt tới, rừng xanh xám, những dòng suối tĩnh lặng không còn lấp lánh, hơi rét buốt bao chùm khắp nơi. Có thể thấy cảnh vật dường như lắng đọng lại trong những câu văn tả kết hợp với kể. Mùa đông trôi qua, “Mùa xuân rừng đầy hoa lá... mùa hè quả chín ngọt ngào. Vải hoang chín đỏ một góc núi. Quả lấp lánh từng chùm như những chùm lửa”[35;48]. Ngôn ngữ thơ giàu chất tạo hình cùng hình ảnh ví von so sánh, cảnh vật thiên nhiên hiện lên sống động. Giọng điệu văn gần gũi nhưng không phải vì thế mà mất đi chất thơ sâu lắng: “Trời tạnh ráo, ấm áp, sau những cơn mưa lạnh kéo dài. Bướm bay đầy trên những khoảng đất còn ẩm, nơi có những đám rêu xanh. Chim đi tìm sâu, nhảy lách tách trong bụi rậm. Từng bầy sóc ngồi ăn trên các cành cây, thỉnh thoảng lại lấy chân trước đập đập lên những sợi râu và chơm chớp cặp mắt để nhìn người. Rừng đã trút bỏ tấm áo mùa đông và mặc xong tấm áo rực rỡ của mùa xuân. Các đồi gianh dạt dào dưới xa, xanh rờn. Đâu đâu cũng thấy hoa lá tươi non. Những lớp rêu mới mịn như nhung phủ kín các vách núi trước đây xám ngắt. Cả đến các cây cổ thụ già nua cũng trẻ lại. Chúng rũ hết những chiếc lá úa màu vàng chanh xuống dưới gốc và từ những cành trước đây còn khẳng khiu, trơ trụi đã nảy ra những vầng lá non bát ngát”[30;13]. Bức tranh thiên nhiên hiện ra trên dòng chảy êm dịu của ngôn từ, bầu không khí thênh thang, khoáng đạt. Thiên nhiên không xuất hiện âm thầm và lặng lẽ mà hòa lẫn với sự sôi động, giàu sức sống của đời sống các loài vật: “Tiếng rừng lao xao... như tiếng rung của những dây tơ giữa tiếng chim kêu thoang thoảng... ngân vang”[30;14]. Một thiên nhiên êm dịu, chân thực và thơ mộng. Cái thơ mộng xuất phát từ sự chân thuật của cuộc sống nhưng lại được miêu tả qua giọng điệu mộc mạc của nhà văn Vũ Hùng. Rồi những

cảnh rừng chiều lấp lánh ánh nắng dịu ngọt: “Vào những buổi chiều xuân ấm áp, rừng Trường Sơn tràn đầy ánh nắng. Nắng vàng hoe trên những cây cổ thụ cao ngất, tán chạm trời xanh. Từng đàn chim về tổ vỗ những cặp cánh sặc sỡ, vẽ trong nắng những đường bay lấp loáng”[30;16]. Sử dụng những từ ngữ chọn lọc tinh tế, bằng sự trải nghiệm của bản thân mình, nhà văn Vũ Hùng đã mang vào trong những trang văn của mình hình ảnh của một thiên nhiên hoang dã chân thực, mộc mạc, gần gũi những không thiếu chất thơ, chất lãng mạn xuất phát từ chính tâm hồn trong trẻo, mộng mơ của nhà thơ. Cùng với khả năng quan sát và miêu tả tinh tế, các trang văn của Vũ Hùng giúp người đọc cảm giác như đang được đứng trước một bức họa thiên nhiên rực rỡ: “...rừng rừng núi núi trùng điệp. Các rừng chuối trải rộng mênh mang, xanh ngắt màu lá non, đôi chỗ bắt đầu điểm vài bông hoa đỏ. Những dòng suối lấp lánh, len lỏi dưới chân các trái núi. Xa tắp, sát chân trời, thấy nét lượm nhấp nhô của những dãy đồi”

[30;29]. Câu văn có chất thơ, nó là khúc nhạc lòng thiên nhiên ở Phía Tây Trường Sơn dân dã, tự nhiên và đầy quyến rũ. Những câu văn mộc mạc nhưng vẫn đủ sức hấp dẫn người đọc: “Trời đã về chiều mà nắng vẫn chói chang. Nóng bỏng lưng, chừng như càng xuống phía nam thì nắng càng gay gắt. Những tràn ruộng quanh làng ngập nước phù sa, hơi nóng phả lên hầm hập. Cua bò lổm ngổm đầy bờ...”[30;113]. Tác giả đã tái hiện cái nóng bức, gay gắt của thiên nhiên, sự bức bối thể hiện khắp khung cảnh xung quanh. Ông không hề bỏ xót một chi tiết nhỏ nào của thiên nhiên: “Hoa đồng lại nở đầy lối đi và thoang thoảng mùi thơm. Cây rừng xanh rờn từ mùa xuân, sau những cơn mưa hè càng như căng nhựa và đầy lá. Chim gáy ríu rít về làm tổ ở những khóm cây...”

[29;67]. Bằng giọng văn gần gũi, mộc mạc và dung dị khung cảnh đời sống sinh hoạt của đồng bào miền núi và bức tranh không gian làng bản được nhà văn Vũ Hùng thể hiện rất tinh tế. Đó không phải là cuộc sống gian lao, vất vả và khổ cực của những người dân tộc mà là một cuộc đời bình yên, giản dị, chân chất nhưng đầy niềm vui và tình yêu thương. Đó cũng không phải là một không gian làng bản heo hút, ảm đạm mà là một khung cảnh mang nhiều chất thơ. Bức tranh thiên nhiên của rừng già hoang dã không xuất hiện đơn độc mà còn đan xen, hòa lẫn vào những bức tranh về cuộc sống sinh hoạt. Những mái nhà ẩn hiện sau mỗi rặng cây: “Phút chốc rừng thưa lùi sau lưng và trước mặt đã thấy ruộng. Những

dải ruộng hẹp và dài, viền quanh rìa núi, mảnh nọ chồng lên mảnh kia như những bậc thang. Dưới xa là làng, nằm trong những đám dừa cau cùng với những cây xoài xanh thẫm đã lác đác quả non. Nhà dựng chênh vênh trên những dãy cột, trước sàn là những cây đại lác đác hoa trắng...”[31;32]. Cuộc sống sinh hoạt của người dân được diễn tả thật bình thản: “Nhạc nổi lên, họ chờ một đứa trẻ ra đời. Gian nhà ồn ào hẳn. Các cô gái đứng dậy, sửa lại váy áo và bắt đầu múa. Thân thể và chân tay họ mềm như những dây rừng. Tiếng trống bập bùng, tiếng cồng lanh lảnh và tiếng lục lạc rung rinh hòa với tiếng hát ngân cao”[30;43]. Những buổi lễ hội hay những dịp đặc biệt được diễn ra trong không khí hồi hộp và náo nức thông qua giọng văn nhẹ nhàng: “...bản làng nhộn nhịp, tưng bừng. Mọi người tấp nập chuẩn bị. Sớm ngày hội, bác Bun – mi lấy bộ lễ phục lâu nay bác vẫn cất kỹ trong hòm. Bác mặc sang như một quản tượng ở kinh đô: áo cánh trắng tinh với hàng khuy đồng chóe cài đến tận cổ, quấn bên ngoài quần chiếc “phá sà lùng” bằng lụa óng ánh mua bên nước Thái... Đám phụ nữa còn ăn mặc rực rỡ hơn: những chiếc châm bạc chạm đá quý lấp lánh trên đầu, khăn tơ mềm quàng chéo ngực, thắt lưng bạc sáng ngời ngang lưng...”

[30;128]. Khác với những nhà văn khác, hình ảnh con người trong văn của Vũ Hùng không xuất hiện với những gian lao, vất vả và hiu quạnh mà luôn tràn trề sức sống và bộc lộ từng nét đẹp trong tâm hồn. Họ là những con người giản dị, yêu đời và ham sống một cuộc đời bình lặng: “Bác Bun – mi đang ngồi bên bếp. Từ chiếc tẩu bên môi bác, một dòng khói lam mảnh dẻ bay lên. Bác mải nhìn các con, quên cả rít thuốc. Lũ trẻ đang chuẩn bị đón ngày Tết, vừa làm vừa sung sướng hát khe khẽ. Tiếng hát của chúng làm lòng bác Bun – mi náo nức, như đưa bác trở về sống lại cái thời trẻ trung, lúc nào cũng chờ đợi hội hè”[30;61]. Bằng giọng văn dung dị, nhà văn Vũ Hùng còn lột tả những cảm xúc yêu đời của người đồng bào dân tộc: “...những buổi trò chuyện trở thành dịp để người ta mơ mộng, Ai cũng mong mỏi có lúc tìm thấy phần hạnh phúc xứng đáng của mình. Hạnh phúc ấy thật đơn xơ... Buổi trưa vẫn nắng chang chang và vắng vẻ. Cây vẫn lặng gió, ve không kêu, làng bản im lìm”[30;80]. Có thể thấy, cái im lìm, yên ắng ở đây chỉ là khung cảnh bề ngoài của làng bản còn ẩn sâu bên trong là những khao khát, ước vọng rạo rực của những người đồng bào miền núi. Qua giọng điệu văn Vũ Hùng, ta thấy những mong ước của họ trở nên gần gũi và

chân thực. Ngoài những buổi lễ hội, cảnh sinh hoạt của người dân được tái hiện chân phương nhất. Đó là những cuộc vui chơi của lũ trẻ: “Chung quanh nhà là những cây thốt nốt, cao vượt khỏi tầng cây dưới thấp, trên ngọn xòe một tán lá xanh. Một vài đứa trẻ, ống tre dắt lủng liểng quanh lưng, leo thoăn thoắt lên ngọn cây. Thấy khách lạ đi qua, chúng nhìn xuống gật đầu chào mỉm cười, hàm răng trắng lóa trên khuôn mặt rất nâu”[30;114]. Ngoài cảnh sinh hoạt của người dân đồng bào được diễn tả qua giọng văn nhẹ nhàng của Vũ Hùng, khung cảnh thiên nhiên nơi bản làng ẩn cư cũng xuất hiện bằng giọng văn nhẹ nhàng và thanh thoát: “Mùa hè trôi rất nhanh. Đã chấm dứt những đêm mưa tầm tã, chấm dứt những ngày nóng bỏng, nắng chói chang và hầm hập gió Lào. Trời sang thu se lạnh, trong veo. Những dây lạc tiên trên bờ dậu đã rụng hết hoa và điểm lá vàng. Các đồi gianh quanh làng cùng vàng hoe một màu dịu mát của nắng chiều. Đàn chim di cư sớm đã từ phương Bắc bay tới. Đêm đêm khi bay qua làng, nhìn thấy những vầng lửa bếp hắt ra ngoài các khung cửa, chúng bỗng kêu lanh lảnh giữa trời”[30;128]. Khung cảnh thiên nhiên bản làng cũng hiền hòa và dịu dàng như những con người đồng bào nơi đây. Hay là những không gian thơ mộng: “Trăng sáng quá! Trăng lơ lửng trên bầu trời đầy sao, rọi lên sàn những khoảng sáng vuông vắn qua các khung cửa... những tảng đá lớn phản chiếu ánh trăng trắng như bạc. Hàng cây cao và thưa lá ngả xuống mặt đất từng khoảng bóng lung linh. Con suối trôi trước thềm nhà, từ mặt nước sóng sánh tỏa lên một nỗi vắng lặng êm đềm. Phía xa, nơi con suối luồn qua những tảng đá chắn đường, nước chảy phảng phất, nhẹ như hơi thở của rừng đêm. Từ những cây đại dưới sàn, mùi hoa lâng lâng thoảng bay...”[31;14]. Bức tranh thiên nhiên trước mắt trở nên thơ mộng và dịu ngọt. Giọng điệu văn tự nhiên được trôi chảy từ vốn sống của chính nhà văn. Đã từng gắn bó, đồng cảm và chia sẻ với cuộc sống của đồng bào dân tộc nên nhà văn Vũ Hùng đã có cái nhìn sâu sắc về con người nơi đây với giọng điệu văn trữ tình. Ngoài ra, theo cảm quan của người nghiên cứu, giọng điệu văn của Vũ Hùng còn là giọng văn thật thà, chân chất. Nhà văn nhìn mọi khía cạnh của cuộc sống một cách hiện thực nhất: “Làng tôi ở lưng Trường Sơn, giữa vùng núi non trùng điệp. Thế mà bây giờ ở đó đã có cả một trường cấp một. Trường là ngôi nhà nhỏ ngăn đôi, có hai thầy dạy. Vì thiếu thầy, trường phải học hai buổi và mỗi thầy phải dạy hai lớp. Các bạn sẽ

bảo, một trường như thế thì có gì đáng nói. Nó kém xa một trường làng ở dưới xuôi. Ấy thế mà trong vòng bốn năm cây số đường núi, mọi em bé ở các bản làng chung quanh đều đến học ở trường này. Đến nay, việc học hành ở vùng tôi đã được mở mang như vậy, nhưng mười năm trước, tôi là người duy nhất trong làng được đi học. Hồi đó, đi học còn vô cùng khó khăn. Muốn học phải xuống trường huyện, mà huyện thì ở mãi chân núi, cách làng tôi gần một ngày đường. Tôi phải trọ học, lâu lâu mới về làng một lần thăm nhà và lấy lương ăn”

[31;26]. Hay như: “Trước đây ở các bản hẻo lánh không có trường. Con trai muốn biết đọc, biết viết thì đi tu: nhà chùa dạy chữ. Vì thế hầu hết con trai Lào đều ở chùa vài bốn năm. Đi tu vừa là nghĩa vụ, vừa được học, bao giờ đọc thông viết thạo, họ mới trở về làm ruộng. Ngày nay việc học được mở rộng, bản làng nào cũng có lớp học buổi tối. Thầy giáo là cán bộ cơ sở, bộ đội. Cả làng đi học. Các cụ già đầu bạc, các bà mẹ ôm con, các cô, cậu bé măng sữa, tất cả cắm cúi trên những cuốn vở nhàu nát, dưới ánh lửa những cây “cà boong” (nến trám) đầy khói” [30;45]. Bằng vốn sống phong phú cùng sự trải nghiệm thực tế và đức tính giản dị, gần gũi, thân thiện, đồng thời được sống và làm việc cùng với người đồng bào dân tộc hiền lành, chất phát mà nhà văn Vũ Hùng có một giọng điệu văn thành thật, dung dị và chân chất đến thế. Có thể thấy rằng, giọng văn trong các tác phẩm của ông không chỉ phản ánh cuộc sống và thiên nhiên của những vùng đất mà ông từng đặt chân tới mà còn thể hiện chính những đức tính cao đẹp trong cách sống và tâm hồn của ông.

* Tiểu kết:

Với khả năng quan sát tinh tế, sự nhạy cảm, giàu lòng trắc ẩn, Vũ Hùng đã dựng lên bức tranh thiên nhiên, cuộc sống loài vật sinh động, chân thực và rõ nét. Trẻ thơ sẽ khám phá được một thiên nhiên kì vĩ, thơ mộng và sự đa dạng của đời sống các loài động vật. Ông sử dụng những phương thức xây dựng nhân vật loài vật một cách độc đáo từ tên gọi, miêu tả ngoại hình, đến diễn biến trong nội tâm và tâm lí các nhân vật loài vật. Không gian thiên nhiên hùng vĩ, thời gian tâm lí nhân vật loài vật đã góp phần thể hiện cuộc sống nhân vật sinh động và sâu sắc. Giọng điệu trong tác phẩm Vũ Hùng đa dạng, khi thì mang chất chiêm nghiệm, triết lí, suy tư, khi thì trữ tình, giàu chất thơ.

KẾT LUẬN

1. Một nhà văn đã từng nhận định rằng viết văn đã khó, người viết văn cho thiếu nhi lại càng khó hơn. Với những nhà văn viết cho thiếu nhi, ta nên kính trọng họ. Đó là một lời khẳng định sâu sắc về tâm huyết của các nhà văn đã dành cả sự nghiệp để sáng tác những tác phẩm cho thiếu nhi. Viết cho thiếu nhi là đem lại cho các em niềm vui, cảm hứng và những bài học nhân sinh mà chúng ta đã trải qua. Mỗi người lớn, đọc tác phẩm dành cho thiếu nhi, là được một

“tấm vé trở về tuổi thơ” ngọt lành. Nhà văn Vũ Hùng đã chọn gắn bó cuộc đời mình với thiếu nhi và coi đó là duyên may của mình trong cuộc sống. Ngòi bút của ông đã chọn thiên nhiên, muôn thú để trải lòng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới loài vật trong truyện viết cho thiếu nhi của nhà văn vũ hùng (Trang 116 - 128)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)