7. Đóng góp của đề tài
3.1.1. Không gian nghệ thuật
Theo cuốn Thi pháp học của Phạm Ngọc Hiển, khái niệm không gian được hiểu theo hai phương diện: Không gian vũ trụ và không gian trong tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên không phải không gian nào trong tác phẩm nghệ thuật đều là không gian nghệ thuật. Vậy khái niệm không gian nghệ thuật và không gian trong tác phẩm nghệ thuật là khác nhau: “Không gian trong tác phẩm nghệ thuật bao gồm hai loại lớn: không gian lý tính và không gian cảm tính. Không gian lý tính được gọi là không gian vật lý và địa lý. Đó là không gian hiện thực có thể đo đếm được một cách cụ thể, chính xác, tồn tại khách quan và có tính phổ biến... Không gian cảm tính được gọi là không gian tâm lí và nghệ thuật (gọi chung là không gian nghệ thuật). Đó là không gian phi hiện thực, không thể đo đếm chính xác được, tồn tại trong cảm nhận chủ quan. Không gian nghệ thuật là loại không gian cảm tính, thể hiện cách nhìn, cách cảm độc đáo của tác giả và nhân vật. Không gian nghệ thuật có đặc điểm giàu hình ảnh sinh động, nhiều ẩn ý, thể hiện đời sống con người một cách sáng tạo. Nó có thể được khắc họa cụ thể hoặc trìu tượng, mơ hồ, tượng trưng, ước lệ, phi logic... tùy theo cảm nhận của nhân vật và dụng ý của nhà văn”. [14;28].
Trần Đình Sử quan niệm: “Không gian nghệ thuật không giản đơn là tái hiện không gian của thực tại mà thể hiện quan niệm không gian của con người và mở rộng ra là cả một nền văn hóa trong một thời kì lịch sử. Không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của nhà văn, thể hiện sự cảm nhận không gian của con người, có chức năng hiểu nghĩa và có giá trị thẩm mĩ. Không gian nghệ thuật là thuộc tính của tất cả mọi loại hình nghệ thuật, kể cả âm nhạc. Không gian nghệ thuật thể hiện cấu trúc bên trong của tác phẩm nghệ thuật, sâu sắc hơn nhiều so với khái niệm kết cấu, dường như là thiên về tổ chức bên ngoài của văn bản”[48;16].
Còn theo tiến sĩ Hoàng Trọng Quyền thì cho rằng“Không gian nghệ thuật trong văn học là một dạng hình tượng nghệ thuật, là một sự biểu hiện hình thức bên trong của tác phẩm, góp phần thể hiện tính xác định và tính chính thể của tác phẩm. Không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm biểu hiện con
người và thể hiện một quan niệm nhất định về cuộc sống, thể hiện nhà văn nhìn nhận và phản ánh con người, sự vật trong những khoảng cách, góc nhìn và kênh thẩm mĩ nào đó” [28;10].
Như vậy, có thể khẳng định không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm thể hiện cuộc sống con người thông qua những hình tượng nghệ thuật cụ thể trong sự thống nhất và toàn vẹn của tác phẩm văn học. Đó không phải là không gian vật chất đơn thuần mà là không gian được tinh thần hóa, sáng tạo hóa và mang tính chủ quan của người nghệ sĩ. Tìm hiểu được không gian nghệ thuật là cơ sở để hiểu thế giới tác phẩm và nhân vật.
Trong các tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng, hai không gian nghệ thuật nổi bật nhất là: Không gian rừng núi và không gian làng bản.
* Không gian rừng núi
Những cánh rừng bạt ngàn trên dải Trường Sơn. Các ngôi làng của những con người chân chất, đượm tình. Thế giới loài voi kì bí, mạnh mẽ nhưng tràn đầy cảm xúc. Hành trình của ba người lính trẻ vào lòng nước bạn Lào là hành trình khám phá thiên nhiên hùng vĩ, “những cánh rừng có những vân màu xanh xám” hòa vào các phong tục, tập quán mới mẻ của người dân bản địa, trải nghiệm quá trình học hỏi kiên trì để trở thành những người quản tượng yêu thương và thấu hiểu loài voi. Đó là nội dung trong tác phẩm Phía Tây Trường Sơn. Và chính ở đó, chúng ta sẽ thấy được một không gian núi rừng hùng vĩ và thơ mộng: “Trời mới tang tảng sáng, Hưng đã cựa mình tỉnh dậy. Nằm trên nệm lá khô anh ngỡ mình vẫn đang ở giữa làng quê. Gió rì rào chung quanh, như bên những khóm tre làng. Một con gà vỗ cánh gáy đâu đó, trong những bờ bụi còn vương vất bóng đêm”[30;10]. Cảm nhận không gian núi rừng của nhân vật Hưng trong truyện, một không gian yên bình, trong trẻo như làng quê anh sống. Những không gian núi rừng thơ mộng được hiện ra trong từng lời văn. Đi qua từng vùng, ba chiến sĩ trẻ được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi rừng Trường Sơn. Những hình ảnh đó được hiện lên rõ nét và chân thực. Đó là cảnh đẹp sau những đêm mưa, mặt đất ẩm ướt với những đám rêu xanh bám dày, các loài động vật đua nhau bừng tỉnh để rủ nhau đi kiếm mồi. Sau trận mưa rào, rừng như trút bỏ được những lưu luyến của mùa đông để khoác lên mình bộ áo mới – bộ áo rực rỡ và đầy sức sống của mùa xuân. Vạn vật như trẻ lại, tươi mới
và rộn ràng hơn. Tất cả như thay đổi, chuyển mình. Tưởng như qua cơn mưa, bộ áo trầm cũ của núi rừng được thay thế:“Trời tạnh ráo, ấm áp, sau những cơn lạnh kéo dài. Bướm bay đầy trên những khoảng đất còn ẩm, nơi có những đám rêu xanh. Chim đi tìm sâu, nhảy lách tách trong bụi rậm. Từng bầy sóc ngồi ăn trên các cành cây, thỉnh thoảng lại lấy chân trước đập đập lên những sợi râu và chơm chớp cặp mắt đen láy để nhìn người. Rừng đã trút bỏ tấm áo mùa đông và mặc xong tấm áo rực rỡ của mùa xuân. Các đồi gianh dạt dào dưới xa, xanh rờn. Đâu đâu cũng thấy hoa lá tươi non. Những lớp rêu mới mịn như nhung phủ kín các vách núi trước đây xám ngắt. Cả đến các cây cổ thụ già nua cũng trẻ lại. Chúng rũ hết những chiếc lá úa màu vàng chanh xuống đầy dưới gốc và từ những cành trước đây còn khẳng khiu trơ trụi đã nảy ra những vầng lá non bát ngát. Không còn thấy những con thú đói ăn gầy gộc của mùa đông, lưng mang bộ lông đang rụng, bạc màu và xơ xác. Cây cỏ đầy chồi xanh, thức ăn thừa thãi, con vật nào cũng no béo. Bọn thú có gạc đã thay xong bộ lông mới. Chúng lũ ba lũ bảy rong ruổi rừng xuân, cứ như trời sinh ra mùa xuân là cốt để cho chúng thỏa thích chơi bời. Có khi chúng đưa nhau đến sát đường đi. Bạo dạn nhất trong bọn có lẽ là lũ cà tong. Chúng có những cặp tai to bên trong phủ lông trắng muốt, những cặp sừng nhiều nhánh dài và mảnh dẻ. Bộ áo của chúng làm chúng lẫn hẳn vào khung cảnh chung quanh: màu lông nâu lẫn vào màu đất rừng và những dấu sao trắng trên lưng lẫn với những đốm nắng lọt qua các kẽ lá” [30;13]. Loài vật, cây cối trở nên sinh động hơn qua cái nhìn của nhà văn Vũ Hùng. Ông đã nhìn thiên nhiên bằng con mắt tinh tế, nhạy cảm và cảm nhận thiên nhiên bằng các giác quan. Tiếng lá, tiếng chim, tiếng giọt nước rơi từ các nhũ đá, tiếng róc rách của suối nguồn rồi đến tiếng cựa mình của loài cà tong. Khe khẽ, êm dịu và nhẹ nhàng:“Tiếng lá rì rào, tiếng chim hót ở xa, tiếng róc rách của những con suối chớm có nước, tiếng khua của những cặp sừng cà tong và tiếng móng của chúng bước nhẹ trên đường”[30;14]hay như “tiếng rừng lao xao, có những tiếng gì đó thỉnh thoảng lại rung lên khe khẽ, như tiếng rung của những dây tơ giữa tiếng chim kêu thoang thoảng. Đó là tiếng của các giọt nước rơi từ thạch nhũ xuống vũng. Chúng ngân vang trong những hang động sâu thẳm, dội đi dội lại nhiều lần qua các vách đá trước lúc bay ra ngoài”[30;14]. Sau cơn mưa, không gian núi rừng như tươi mới và rạng rỡ hơn còn vẻ đẹp của
rừng trong không gian của những buổi chiều lại ấm áp với những tia nắng sót lại: “Vào những buổi chiều xuân ấm áp, rừng Trường Sơn tràn đầy ánh nắng. Nắng vàng hoe trên những cây cổ thụ cao ngất, tán chạm trời xanh. Từng đàn chim về tổ vỗ những cặp cánh sặc sỡ, vẽ trong nắng những đường bay lấp lánh”[30;16]. Vượt qua những chặng đường rừng, các chiến sĩ trẻ đã có những giây phút dừng chân nghỉ ngơi để được ngắm nhìn khoảng không trước mắt. Từ điểm nhìn trên cao của đỉnh núi, hướng tầm mắt ra xa và cảm nhận không gian bao trùm trước mắt, dễ dàng lầm tưởng ngày hãy còn sớm, nắng vẫn long lanh, con suối nhỏ với dòng nước lấp lánh uốn mình qua từng chân núi, rừng chuối trải rộng mênh mang tận chân trời và những đường nét uốn lượn của các đỉnh núi xa xa. Không gian như mở rộng và trải dài ra vô tận: “Đứng trên cao chót vót, tưởng như chiều còn sớm. Nắng vẫn long lanh đầu núi, sương lam đã bắt đầu buông. Mọi người cùng nhìn xuống những sườn núi thoai thoải đổ về phía Tây... Trời phía Tây vẫn còn vàng rực. Không thấy làng bản, có lẽ chúng ở lấp đâu đó dưới các vòm cây, mà vẫn chỉ thấy rừng rừng núi núi trùng điệp. Các rừng chuối trải rộng mênh mông, xanh ngát màu lá non, đôi chỗ bắt đầu điểm vài bông hoa đỏ. Những dòng suối lấp lánh, len lỏi dưới chân các trái núi. Xa tắp, sát chân trời, thấy nét lượn nhấp nhô của những dãy đồi”[30;29]. Rồi bóng chiều bao phủ khắp nơi:“Nắng thong thả tắt. Sườn núi phía Tây chìm dần trong bóng chiều”[30;29]. Nắng lên, sương tan dần, rừng núi trùng điệp hiện lên trước mắt, khung cảnh thật đẹp và lãng mạn. Và rồi nắng tắt, dãy núi Trường Sơn chìm trong bóng tối.Cảnh vật hiện lên rực rỡ và cũng ẩn đi một cách chân thực.
Đi trên các con đường rừng và sống giữa thiên nhiên thơ mộng, những người lính đã nhận ra nhiều điều từ không gian họ đi qua. Đó là những con đường thênh thang đều dẫn đến các con suối. Mỗi con suối có một vẻ đẹp riêng nhưng đều ấm áp, bốc khói, tỏa mùi lưu huỳnh và hằn lên những dấu vết mà lũ voi để lại cùng những thân cây, tảng đá bị mài mòn: “Nước trong vắt, sủi tăm, chảy qua những tảng đá làm thành muôn vàn chiếc bong bóng, long lanh dưới các tia nắng lọt qua vòm cây. Lũ voi hoang để lại ở đây bao vết tích: những vết chân lui tới hằn rõ trên mặt đất, có dấu đã rắn đanh, có dấu còn mới, những thân cây bị mài mòn, những tảng đá bị cọ nhẵn, những bến tắm kín đáo dưới những vòm cây cao lớn hoang sơ và nguyên vẹn: lũ voi không bao giờ tìm thức
ăn ở bên những bờ suối này, giữ bí mật nơi chúng chữa bệnh trước những cặp mắt tọc mạch của các loài thú”[30;99]. Không gian rừng núi hoang sơ nhưng sống động cũng được lột tả rõ nét, tinh tế và chân thực: “Xa xa về phía đông, những đỉnh đồi lượn sóng bắt đầu vàng hoe như viền một dải nắng. Mặt trời chưa nhô lên nhưng đã hắt một vầng sáng rực rỡ sang các mỏm núi cao bên phía tây...”[33;9]. Nhà văn Vũ Hùng còn tinh tế khi theo dõi thiên nhiên qua từng chi tiết nhỏ, ông không bỏ lỡ dù chỉ là những giọt sương hay những cử động nhỏ của mỗi loài động vật để lột tả được khung cảnh trước mắt:“Dọc hàng cây ven đường, con sóc cong cái đuôi sum sê như bông lau, nhảy thoăn thoắt làm rụng xuống những hạt sương. Con bìm bịp thỉnh thoảng lại cất tiếng kêu, đứng ló cái mình nửa nâu nửa đen ra khỏi bụi rậm. Trên cây kỳ nam, bầy khướu bạc má chuyền cành, hót say sưa. Rừng nhộn nhịp đón bình minh”[33;10].
“Vách đá xám đục vì dầm mưa, dãi nắng, đôi chỗ phủ từng mảng rêu xanh. Chót vót tận trên đỉnh núi, một con sơn dương đứng ngất ngưởng, in bóng lên nền trời. Đôi lúc nó nhảy thoăn thoắt qua các mỏn đá, cúi xuống nhấm vài ngọn lá”[33;29].
Bên cạnh khoảng không gian hoang sơ, thơ mộng của rừng núi là không gian hiểm trở, kì bí được nhà văn Vũ Hùng miêu tả qua các hình ảnh độc đáo. Những con đường gai góc mà chỉ có loài vật mới dám đi qua, những vệt nước chảy hằn sâu qua năm tháng, vách núi cao ngất xen kẽ là những vực thẳm hun hút, đáng sợ. Một không gian kỳ bí hiện ra:“Đường càng lên cao, càng gai góc, hiểm trở. Dần dần đó chỉ còn là dấu vết những lối đi mơ hồ của loài thú và những vệt nước chảy kéo dài của mùa mưa năm trước. Ông già Cao và các chiến sĩ cứ nhằm phía mặt trời lặn mà leo. Khắp nơi là những cánh rừng hoang vu, những vách núi cao ngất và giữa chúng là những vực sâu thẳm. Từ vách núi có thể nhìn thấy dưới xa, những túp lều đã sụp đổ, những nương rẫy bỏ hoang lâu ngày nay đã rậm rì, nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng con người”[33;26]. Rồi sự khắc nghiệt của thiên nhiên cũng được nhà văn Vũ Hùng miêu tả rõ nét qua thời tiết: “Chỉ cách Việt Nam có mấy vách núi mà thời tiết đã thay đổi hẳn. Nắng chang chang. Trời lúc nào cũng sáng bừng bừng, chừng như mặt trời luôn luôn ở trên đỉnh đầu, không có giờ lặn. Cây cổ thụ thân mốc bạc, cao vút và thưa lá, để lọt xuống mặt đường những vầng nắng gay gắt. Ve kêu ran và chim
gáy gù “cúc cu” đều đều trong các vòm lá lấp lánh”[33;32]. Không gian những miền đất mới nằm phía bên kia dãy Trường Sơn cũng hiện lên chân thực. Nắng chói chang, gay gắt như đốt cháy mọi vật, vẳng lại là tiếng rìu chặt gỗ cũng với tiếng rì rầm của tre nứa bị nắng làm cho nứt vỡ nhưng đằng sau những cảnh vật đó là những không gian bí ẩn hiện ra: “Đất Lào hình như không có mùa xuân. Càng rời xa chân núi, nắng càng gay gắt. Đâu đâu cũng thấy vẻ hoang sơ. Các lòng suối vẫn khô cạn. Trên những đường mòn dài vô tận, thỉnh thoảng lại nghe tiếng tre nứa nứt vỡ vì nắng và tiếng rìu chặt gỗ vang vang. Cảnh vật đơn điệu như nhắc lại những chặng đường họ mới vượt qua. Nhưng càng đi, các chiến sĩ càng thấy những điều kì lạ. Bất kỳ ở đâu, sau một vòm cây, một ngách núi, họ đều có thể gặp cái bất ngờ”[33;37]...
Qua các tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng, chúng ta thấy bao trùm lên là không gian kì bí nhưng đầy vẻ đẹp thơ mộng của núi rừng. Ông đã từng đặt chân và gắn bó cuộc đời mình với thiên nhiên nên ông cảm nhận về chúng một cách chân thực và tinh tế nhất. Không phải bằng sự tưởng tượng hay phóng đại, mà bằng những trải nghiệm gần gũi, Vũ Hùng đã thu gọn khung cảnh thiên nhiên vào trong tâm hồn nhạy cảm để viết nên những trang văn đẹp và lôi cuốn đến vậy!
* Không gian làng bản
Trong các tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng, song hành cùng không gian núi rừng là không gian của các làng bản dân tộc. Một không gian đơn sơ, mộc mạc của những người dân tộc thiểu số được hiện lên rõ nét qua cảnh vật và nếp sống, sinh hoạt của họ. Rừng già như lui dần về phía sau nhường chỗ cho khung cảnh gần gũi, ấm áp trong cuộc sống của con người. Hình ảnh đầu tiên xâm nhập vào tâm trí của người đọc là hình ảnh của những dải ruộng đan xen lẫn nhau như những dải lụa mỏng. Các bản làng nằm xen giữa những dải ruộng và cây cối như một bức tranh phong cảnh hữu tình: “Phút chốc rừng thưa lùi sau lưng và trước mặt đã thấy ruộng. Những rải ruộng hẹp và dài, viền quanh rìa núi, mảnh nọ chồng lên mảnh kia như những bậc thang. Dưới xa là làng, nằm trong những đám dừa, cau cùng những cây xoài xanh thẫm đã lác đác quả non. Nhà dựng chênh vênh trên những dãy cột, trước sàn là những cây hoa đại lác đác hoa trắng. Giữa
làng thấy một ngôi nhà gỗ rất lớn, mái nhiều lớp xếp lên nhau cong