7. Đóng góp của đề tài
2.2.2. Thế giới nội tâm
Trong truyện của nhà văn Vũ Hùng, mỗi con vật không chỉ hiện lên với vẻ đẹp của ngoại hình và đặc tính riêng mà còn mang đời sống tâm hồn phong phú. Chúng sống và sinh tồn theo những đạo lý riêng và có sức hấp dẫn với trẻ thơ cũng như người lớn bởi những tính cách cao đẹp. Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng và cao quý đối với xã hội loài người. Không chỉ có vậy, giữa quần thể các loài động vật, tình mẫu cũng tồn tại. Ở đây, tình cảm này không được thể hiện qua hệ ngôn ngữ nói mà thông qua hành động, sự chăm sóc và dạy dỗ của các loài động vật.
Chú ngựa đồng cỏ Antai được hưởng dòng máu cường tráng, hoang dã của cha – một con ngựa hoang dã và dáng dấp đẹp đẽ của mẹ – một con ngựa nuôi. Vào một buổi đầu xuân, tuyết chưa tan và cỏ vẫn bị vùi lấp trong những lớp tuyết dày, Antai được sinh ra, chú đứng bỡ ngỡ vì chưa quen ánh sáng với bộ lông ẩm ướt khiến chú rét run: “Gió đồng nội lùa qua bộ lông đang còn ẩm ướt của tôi, khiến tôi rét run”[18;21], mẹ chú ngựa dù còn đang rất yếu nhưng vẫn lo lắng cho đứa con của mình: “có lẽ vì trời quá lạnh và vì đã sinh đẻ nhiều lần, mẹ tôi mệt rũ. Mẹ đứng thở hổn hển, hơi thở trông rõ thành từng luồng khói trắng trong không khí giá buốt... mẹ cúi xuống liếm những hạt muối. Hơi thở nóng hổi của mẹ luồn qua đám lông, phả trên làn da của tôi khiến nó săn lại rất mau. Mẹ tôi được muối làm hồi sức, còn tôi thì được hơi thở của mẹ làm ấm áp
dễ chịu”[18;22]. Tình yêu thương của những người mẹ còn được kết tinh từ dòng sữa ngọt ngào: “Tôi bú chộp chộp, khoan khoái nuốt từng giọt sữa ngọt ngào và lát sau tôi đã no căng”[18;22]. Nhờ sự chăm sóc của ngựa mẹ, Antai dần quen với ánh sáng của cuộc sống bên ngoài, chú thong thả ngắm nhìn và cảm nhận về thế giới xung quanh.
Nuôi dưỡng và dạy dỗ đứa con của mình là một điều tuyệt vời nhất. Không có người mẹ nào lại mong muốn con cái của mình gặp những bất hạnh và nguy hiểm trong cuộc sống. Dạy bảo con cái là điều khó khăn nhưng họ luôn hướng chúng theo một con đường ít sai trái nhất có thể. Loài vật cũng như vậy. Chúng cũng dạy bảo con cái của chúng theo những luật lệ riêng biệt của từng loài. Mẹ của Antai theo sát mọi hoạt động của chú, khi Antai mải rong chơi, ngựa mẹ vừa lo lắng vừa nghiêm khấc nhắc nhở: “Từ nay tới ngày các con khôn lớn, đừng làm một việc gì mà không hỏi ý mẹ. Con không thấy gió lạnh đang nổi hay sao? Nó từ phương Bắc xuống, mang theo bão tuyết. Đêm nay bão tuyết sẽ tới”[18;27]. Và cũng chính dưới trời bão tuyết đó, ngựa mẹ đã che chắn gió tuyết cho Antai, nhờ hơi ấm của ngựa mẹ và sự giúp đỡ của ông chủ, chú ngựa Antai đã sống sót. Ngoài ra ta có thể thấy, tình cảm của những đứa con dành cho mẹ của mình như hình ảnh của chú lạc đà Mic trong câu truyện. Mic bị bão tuyết làm cho lạnh cóng và cứng queo như một khúc củi. Ông chủ đã mang Mic vào nhà và sưởi ấm. Khi Mic tỉnh dậy, chú kêu lên: “Mẹ tôi đâu?, tôi phải “về với mẹ”; “bão tôi cũng về, tôi không muốn để mẹ ở một mình ngoài ấy”[18;32] rồi Antai cũng nhớ tới mẹ và bầy đàn cũng đang run rẩy ngoài trời giông bão. Những người mẹ đang run rẩy ngoài trận bão tuyết kia hẳn sẽ cảm động lắm khi biết những đứa con yêu quý cũng đang lo lắng cho mình. Để giúp Antai sinh tồn và chống chọi được với điều kiện khí hậu vùng thảo nguyên khắc nghiệt, ngựa mẹ đã dạy bảo chúng rất nhiều điều: “Một con ngựa thảo nguyên cần phải khỏe mạnh, nhanh nhẹn và thông thạo các luật lệ của cuộc sống rừng. Mẹ đã dạy tôi những luật lệ đó. Nhờ mẹ, tôi đã phân tích được những cơn gió để đoán nhận sự biến chuyển của thời tiết. Tôi biết lắng nghe để hiểu gió nói gì: nó là kẻ truyền tin của thú rừng. Hãy nhìn đàn ngựa đang ăn trên thảo nguyên. Tất cả đều quay về hướng gió. Gió là bạn chúng tôi. Gió nói với chúng tôi bằng tiếng rì rào và mang đến cho chúng tôi hơi lạ để chúng tôi đề phòng”[18;42]. Ngựa mẹ còn
dạy ngựa con nhận biết các loài cây, cây nào ăn được, cây nào cần tránh xa:
“Vào những bữa đi ăn, mẹ dạy tôi nhận biết các loại cây cỏ, thứ nào ăn được, thứ nào độc, cây cỏ nào có thể dùng làm thuốc cho loài ngựa...”[18;42] Dù có vóc dáng lực lưỡng, cường tráng và quen với nắng, mưa, gió, bão, tuyết nhưng những chú ngựa đồng cỏ cũng hay bị ốm đau. Tuy nhiên, chúng sẽ tự chữa lành cho mình bằng những loại thuốc có sẵn trên đồng cỏ bao la nhờ sự hướng dẫn của ngựa mẹ. Loài ngựa cần có trí nhớ lâu bền, ngựa mẹ cũng thường xuyên giúp con rèn luyện điều đó: “Sau những bữa ăn no, mẹ thường dạy tôi luyện trí nhớ và nhận hơi. Loài ngựa chúng tôi rất nhớ chủ cũ, nhớ nơi ăn ở, không bao giờ lạc đường, ngay cả trong đêm tối. Đó không phải là một khả năng tự nhiên. Muốn có nó phải rèn tập”[18;43]. Những con ngựa mẹ vạch ra những bài tập để giúp ngựa con tập luyện: “Tôi rất ham những buổi tập cùng Xam. Mẹ Xam và mẹ tôi đi những vòng rộng trên thảo nguyên. Dấu chân của họ lẫn vào muôn ngàn dấu chân bừa bộn khác, nhưng vạch thành những con đường mà chúng tôi nhận biết được tuy đó chỉ là những vết tích vô hình... Công việc bước đầu thật khó khăn! Dấu chân chi chít nhiều đến nỗi dấu chân mẹ đôi khi chìm đi, tôi không nhận ra được”[18;43] nhưng ngựa mẹ luôn theo sát quá trình tập luyện của Antai để chỉ bảo và hướng dẫn: “Antai, con lầm rồi! Sao lại thế? Rà mũi xuống thấp chút nữa đi!”[18;43]. Cứ như vậy, chẳng bao lâu những chú ngựa đã quen với cách nhận biết dấu vết và các bài học rèn luyện trí nhớ. Ngựa mẹ cũng luôn dạy ngựa con biết thích ứng với những đòi hỏi của đồng cỏ, không được đi chơi xa và không ngủ một mình trên thảo nguyên dù là ban ngày. Lời dạy bảo của mẹ là đúng đắn nhất. Nhưng chú ngựa Antai cũng hay nghịch ngợm và nông nổi: “Một bữa tôi rủ Xam chạy thi tới một vùng xa tít, xa đến nỗi ngoảnh lại nhìn mãi mà không thấy bóng dáng của bầy. Tới một vũng nước, chúng tôi đã mệt lử. Uống xong tôi rủ Xam nằm xuống. Cả hai cùng thiu thiu. Lúc này tôi chợt nhớ tới lời mẹ nhưng không chống lại được giấc ngủ. Mẹ lo xa đấy thôi, tôi tự bảo mình. Giờ này làm gì có sói trên thảo nguyên. Trước khi nằm xuống, chúng tôi đã cẩn thận nhìn khắp nơi, không thấy một điều gì khác thường: gió thổi tới không mang một chút hơi lạ. Thế là chúng tôi yên tâm nhắm mắt và cả hai cùng ngủ thiếp đi”[18;44]. Chính vì không nghe lời mẹ, Antai và bạn đã phải nhận lấy hậu quả và một bài học nhớ đời. Trong lúc Antai và bạn ngủ thiếp
đi, đàn đại bàng, kền kền, chim ó,... đã đến. Chúng tưởng những chú ngựa là xác chết và sà xuống rỉa thịt. Trong lúc vội vàng chạy trốn, đầu Antai đã đập mạnh vào mắt bạn khiến con mắt u lên và lồi to: “nhử mắt kéo đầy. Gió thảo nguyên cuốn cát bụi rắc vào con mắt Xam khiến nó càng sưng húp. Vừa nhắm một bên mắt vừa đi, đầu Xam như nghẹo hẳn về một bên”[18;46] Còn về phần Antai, chú bị một vết thương trên bụng, mãi mới lành và đóng sẹo. Mỗi khi nhìn vết sẹo đó, Antai đều ân hận về việc làm của mình và chú đã có một bài học thích đáng. Tình mẹ còn được nhà văn Vũ Hùng thể hiện sâu sắc trong các câu truyện. Khi đàn sói kéo đến rình đàn gia súc, những con vật bị đe dọa, đặc biệt là những con non. Sói dùng cách hăm dọa tinh thần để tách các con non ra khỏi vòng vây bảo vệ, những con vật non yếu vì không cưỡng lại được sự hăm dọa của sói đã bỏ bầy chạy trốn và thiệt mạng. Trong bầy đàn gia súc, một chú lạc đà non đã bị sói ăn thịt. Lạc đà mẹ vì mất con nên kêu thất thanh, rền rĩ: “Loài lạc đà yêu con đến chừng nào! Có những bác lạc đà mẹ mất con thổn thức suốt mùa đông. Họ không chịu ăn uống đến nỗi bướu mỡ xẹp xuống, thân hình gầy rạc, chỉ còn da bọc xương. Phải chờ đến mùa xuân, mùa sinh sản, họ mới nguôi nỗi buồn và chịu ăn uống chút đỉnh để chờ đợi một đứa con khác sắp ra đời”.[18;64]. Mất con là một sự mất mát và đau thương quá lớn đối với những người mẹ. Tấm lòng những người mẹ trong mỗi loài vật đã cảm hóa được tâm hồn trẻ thơ.
Chú chó mẹ trong truyện Các bạn của Đam Đam tuy chỉ hiện lên qua vài dòng miêu tả của tác giả, nhưng chúng ta cũng đã cảm nhận được tình yêu thương và bảo vệ con cái của nó. Khi bị người lạ mang nguy hiểm đến gần đàn con: “Chó mẹ chồm ngay dậy. Nó nhe nanh, gầm gừ và giận dữ nhìn kẻ gây sự với nó bằng cặp mắt sáng quắc. Người chủ suỵt một tiếng dài. Con chó mẹ nhẫn nhục cúi xuống. Nó lẫy mõm dũi vào bầy con, hẩy những con bám ở trên và cắn gáy một con nằm dưới, bước ra khỏi ổ... con chó mẹ đặt nó xuống sàn rồi nhanh nhẹn bước vào ổ lần lượt tha những con khác ra ngoài đặt kề bên”[29;15]. Chó mẹ bảo vệ, chăm non và tránh nguy hiểm cho những đứa con. Đó là tình mẫu tử.
Hay như loài chim gáy trong truyện Phượng Hoàng Đất hy sinh thân mình lao vào nguy hiểm để bảo vệ đàn con: “Một buổi chiều khi chim bố và chim mẹ đi kiếm mồi, một con diều hâu đã nhìn thấy lũ chim nhỏ. Nó liệng vòng giữa trời, cái đầu nghiêng ngó xuống khắp rừng. Từ trên cao thẳm nhìn xuống
như thế thì còn cái gì mà đôi mắt soi mói của nó chẳng nhìn thấy. Diều hâu sà xuống đỗ bên cái tổ của đôi chim gáy. Lũ chim non thấy động, tưởng chim bố và chim mẹ đã về, vội mở mắt vương cổ lên đòi ăn. Gặp đôi mắt nảy lửa của diều hâu, chúng sợ quá, gục đầu lên lưng nhau và run bần bật...”[34;3]. Thấy bóng dáng diều hâu, vợ chồng chim gáy vội vã bỏ mồi quay về tổ. Chúng lao đi vun vút như những mũi tên. Diều hâu đang cà vuốt cho sắc để cắp chim gáy con. Chim bố và chim mẹ không lao vào đánh diều hâu vì chúng biết chỉ một mỏ của diều hâu là đủ giết chết chúng. Chúng nghĩ mưu lừa diều hâu: “Chim mẹ và chim bố cùng sã cánh, bay chập chờn trước mặt kẻ thù. Trông chúng vật vờ như đôi chim ốm, diều hâu chỉ việc giơ vuốt là cắp được... Thế là diều hâu dang cánh bay lên. Đôi chim gáy vụt trở lên nhanh nhẹn. Chim mẹ vội lao xuống, bay ngay về tổ trong lúc chim bố xập xòe bay đi, lấy thân mình làm mồi cho kẻ thù đuổi theo. Nó bị bám riết vì diều hâu thấy nó to và béo hơn chim mái. Mỗi lần diều hâu sà tới, nó lao vút đi rồi lại bay chập chờn, chờ kẻ thù đến gần. Cuộc săn đuổi rất ác liệt. Nhiều lúc chim bố tưởng đã nguy, những chiếc vuốt nhọn của diều hâu đã mấy lần quờ trên lưng nó làm những sợi lông nâu rơi xuống lả tả”[34;4]. Cuối cùng chim bố đã nhử kẻ thù đi xa tổ chim non, nó len lỏi vào những vòm cây và trở về: “Về đến tổ, chim bố đã thấy lũ con đã được mớm ăn no. Chúng đang bình yên nằm nghếch đầu lên lưng nhau mà ngủ dưới chân chim mẹ. Thấy chim bố về, chim mẹ chơm chớp đôi mắt nâu mở rất to... Nhìn đàn con nguyên vẹn, chim bố cất tiếng gáy dồn vui vẻ”[34;5]. Chim gáy quên ngay cuộc săn đuổi với diều hâu dù trải qua nhiều cơn nguy hiểm như vậy. Bằng sự khôn ngoan của mình và tình yêu thương con, chim gáy đã đánh bại được diều hâu để bảo vệ tổ và những đứa con thân yêu.
Chúng ta còn thấy sự hy sinh của voi mẹ thật đáng nể. Loài voi không có hang ổ, vì ăn khỏe và bầy đông nên chúng phải thường xuyên di chuyển để tìm kiếm đủ thức ăn cho cả bầy. Voi mẹ thể hiện tình cảm âu yếm với voi con bằng cách vỗ vòi nhè nhè vào lưng voi con. Vừa di chuyển, voi mẹ vừa quơ vòi ngắt vội những chồi lá non trên đường. Khi bầy voi đến một bờ sông mênh mông, chảy siết với những tảng đá ngổn ngang. Chúng quyết định qua sông khi nhìn thấy những rừng chuối bát ngát. Chú voi con hoảng sợ khi thấy nước cuộn dưới chân. Voi mẹ nhẹ nhàng lắc lư cái đầu: “Đừng sợ! Ngậm lấy đuôi mẹ mà đi cho
vững”[34;33]. Nó ngúc ngoắc cái đuôi ngắn nhưng mập. Voi con ngậm lấy, nó cẩn thận lấy vòi cuốn chặt phần trên cái đuôi rồi bước xuống nước: “Nước ngập tới bụng nó. Hai con voi đực to lớn kèm hai bên, dìu nó đi”[34;33]. Đá dưới sông trơn và nước chảy siết, mỗi lúc trượt chân, cái đuôi voi mẹ lại căng ra vào kêu khục khục: “Đã đến giữa sông. Nước càng chảy siết, đá càng gập ghềnh, voi con loạng choạng... rồi bỗng con voi chúi hẳn xuống. Phựt! Cái đuôi voi mẹ không chịu nổi nữa, đứt rời ra. Voi con ngã lăn xuống nước giữa các tảng đá, vòi còn cuộn chiếc đuôi rỉ máu. Voi mẹ vội quay lại và rống lên. Nó kêu không phải vì đau mà là vì lo sợ. Tiếng rống thảng thốt làm cả bầy voi dừng lại. Mấy con voi đi gần vội vàng xô đến cứu voi con. Chúng bước vội làm nước sông bắn tung tóe. Voi mẹ lấy vòi cuốn lấy voi con. Nó gượng nhẹ nâng bổng con lên, mặc cho dòng máu từ cái đuôi cụt chảy chan hòa xuống nước” [34;34]. Nhà văn Vũ Hùng đã khẳng định ở cuối câu truyện của mình rằng: Mọi voi mẹ trên Trường Sơn đều là voi cụt đôi và sự cụt đuôi là biểu hiện của tình mẹ.
Bầy ri cũng là những người cha, người mẹ mẫu mực khi dạy cho con những đạo lí thường tình. Bầy ri non muốn đi dự hội theo lũ sáo xuống tận đồng bằng. Chúng nhao nhao đòi mẹ mượn cho đôi cánh của bọn sáo. Ri mẹ kêu lên lạ lùng và giải thích cặn kẽ cho đàn con hiểu: “Các con nói gì thế? Chẳng ai bay xa được với đôi cánh mượn của người khác đâu... Không phải cứ cánh to mới bay được xa. Mẹ đã xuống đồng bằng, khi bay qua các sân nhà mẹ gặp bọn gà và ngỗng. Họ có những đôi cánh rộng chẳng kém gì cánh phượng hoàng vậy mà họ vẫn không bay được”[34;7]. Ri bố đồng tình với ri mẹ và nó còn khẳng định:
“Chẳng mấy ai có đôi cánh khỏe như cánh chim ri nhà ta. Các con cứ bay đi, bay mãi, bay mãi rồi cũng tới được đồng bằng như bọn sáo”[34;8].
Cũng giống như ngựa mẹ, các loài thú dữ cũng dạy con theo các đặc điểm riêng biệt của loài. Với bản năng khắc nghiệt của hổ, chúng lựa chọn và dạy dỗ bọn hổ con theo những luật lệ tàn khốc: “...Không bao giờ hổ mẹ để sống những con hổ con thiếu sức mạnh, không đủ khả năng săn mồi. Khi bọn hổ con tập nhảy xa và cào xé, lúc chúng được chừng ba bốn tháng tuổi, hổ mẹ dẫn chúng ra bãi rộng. Nó nằm xuống, bắt lũ hổ con đứng từ xa lấy đà nhảy qua. Con nào nhảy được nó để sống, con nào rơi trên mình nó, nó vả chết liền”[32;47]. Cũng giống hổ, báo có cách dạy con hà khắc: “báo mẹ thường