7. Đóng góp của đề tài
3.3.1. Giọng điệu triết lí, suy tư
Sở dĩ các trang văn của nhà văn Vũ Hùng được đông đảo độc giả người lớn tiếp nhận không chỉ vì thế giới loài vật nhiều gam màu sinh động mà còn bởi những triết lí sâu sắc của ông được gửi gắn vào trong từng câu chuyện. Đằng sau những câu chuyện tưởng như đơn giản về việc sinh tồn của các loài vật, là
những bài học mang nét suy tư của cuộc sống, tình yêu thương và sự gắn bó giữa con người với loài vật và giữa loài vật với nhau. Trẻ em với bản tính ngây thơ và trong sáng, luôn bị thu hút bởi những điều mới mẻ. Nhưng không chỉ dừng lại ở việc đưa sự kì thú trong đời sống thiên nhiên hoang dã cho các em khám phá, nhà văn Vũ Hùng còn muốn dạy các em nhiều điều. Việc tiếp nhận những bài học bổ ích của ông còn dựa vào sự tự phân tích, chọn lọc và khả năng cảm thụ của mỗi em. Những triết lí trong truyện loài vật của Vũ Hùng không phải là những chiêm nghiệm, nhận định, khái quát được đúc kết qua nhiều thăng trầm, trăn trở của cuộc đời mà xuất phát từ những câu chuyện đời thường trong đời sống sinh hoạt của mỗi loài vật theo hướng ngẫu nhiên. Các triết lí được phát ngôn qua lời của các nhân vật loài vật hoặc ẩn sau những tình tiết, hành động và suy nghĩ của chúng. Để có được giọng điệu triết lí, suy ngẫm có tính chất phổ quát và điển hình cao thì yêu cầu đặt ra cho mỗi nhà văn là họ phải có những suy nghĩ sâu sắc, cảm nhận thấu đáo, tâm hồn rộng mở và nhạy cảm. Khảo sát các tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng, giọng điệu triết lí mà ông gửi gắm đều giản dị nhưng sâu sắc. Bởi lẽ, đối tượng độc giả của ông là thiếu nhi. Đối với các em, mọi bài học triết lý cần dễ hiểu, dễ cảm. Nó giúp cho các em có cái nhìn và đánh giá về mọi vấn đề trong cuộc sống một cách chân thực nhất. Những triết lí sẽ giúp các em nhìn thấy được thế giới phức tạp mà các em sẽ gặp trong tương lai đồng thời tạo niềm tin và định hình nhân cách sống giúp các em có niềm tin và hy vọng để xây dựng cuộc sống cho bản thân mình.
Trước hết, giọng điệu chiêm nghiệm, triết lí được thể hiện qua phát ngôn của các con vật trong truyện. Thế giới loài vật được nhân hóa thành con người, chúng giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ của con người, có suy nghĩ, tâm trạng, cảm xúc như của con người. Trong truyện ngắn Những kẻ lưu lạc, cái nhìn về cuộc sống được nhà văn Vũ Hùng gửi gắm qua cô chó Kratiê. Mở đầu tác phẩm, là suy nghĩ, nhận xét của Kratiê về cô giáo dạy xiếc của mình: “Cô giáo chúng tôi là một diễn viên rất yêu nghề. Cô muốn cống hiến trọn đời mình cho đường băng của khu nhà bạt. Thế nhưng cô biết chắc chắn sẽ có lúc phải rời bỏ những tiết mục mà cô biểu diễn rất thành công. Cô sẽ phải trả lại chúng cho những diễn viên trẻ bởi sức khỏe, sự khéo léo và cả lòng dũng cảm mà cô đang có, sẽ mỗi ngày một tàn phai theo tuổi tác. Ai đã từng biểu diễn đều biết: phải xa rời
sân khấu, người nghệ sỹ đau khổ biết chừng nào!”[27;16]. Có lẽ, đây là cái nhìn chân thật nhất của một nhân vật loài vật gần gũi với cô giáo dạy xiếc hàng ngày, hàng giờ. Kratiê nhận ra nỗi niềm của cô giáo và khẳng định chắc chắn về những nỗi buồn mà cô phải mang theo khi xa rời sân khấu. Đó không phải chỉ là niềm trăn trở của cô giáo dạy Kratiê mà còn là của tất cả những người nghệ sĩ đứng trên sân khấu. Nhà văn Vũ Hùng đã thấy được nỗi khổ tâm của những con người có nhiều cống hiến cho nghệ thuật, xã hội để có một giọng văn nhiều trân trọng đến như vậy. Ông không để Kratiê gọi cô giáo của mình bằng tên thật mà chỉ dùng từ xưng hô “Cô giáo” từ đầu đến cuối tác phẩm truyện. Ngầm ý của nhà văn muốn nói rằng: “Cô giáo” ở đây không phải là một cá nhân cụ thể nào mà được khái quát, trở thành biểu tượng của thế hệ những người nghệ sĩ có tâm huyết với nghề. Theo tiến trình của câu chuyện, cô chó Kratiê còn dẫn người đọc đến nhiều bổ ích thông qua giọng điệu triết lí. Kratiê bộc lộ thái độ gay gắt khi không tán thành những ai nói rằng: bẩn như chó: “Không, loài chó chúng tôi không bẩn. Con người giữ ngôi nhà của mình sạch sẽ ra sao thì chúng tôi giữ cái ổ của mình như thế”. [27;24]. Hay giọng điệu khẳng định chắc nịch về việc học tập: “...mẹ dạy chúng tôi cách cư xử. Trong cuộc sống, nhiều khi chúng tôi phải biết cách biểu hiện những ý tưởng, những cảm xúc của mình hoặc tiếp thu những ý tưởng, những cảm xúc của kẻ khác” [27;25]. Cũng giống như con người, loài vật cũng cần phải được dạy dỗ để học cách đối xử với nhau. Trong cuộc trò chuyện giữa anh em nhà Kratiê với mẹ, mẹ Kratiê cũng dạy dỗ anh em chúng nhiều bài học. Qua đó, ta thấy rõ được giọng điệu triết lí của nhà văn Vũ Hùng. Khi Anh trai Kratiê thắc mắc với mẹ rằng: “Mẹ ơi! Sao mẹ lại sinh ra chúng con là chó cảnh thế này! Nếu như chúng con là chó săn...”, mẹ chúng đã giải thích: “Không ai có thể lựa chọn nơi mình sinh ra. Nếu lựa chọn được thì có lẽ không có kẻ khốn khổ trên đời, ai cũng sung sướng và mãn nguyện...”[27;44]. Mẹ khuyên chúng đừng xấu hổ với hoàn cảnh của mình:
“Chó săn có việc của họ thì bọn chó cảnh chúng tôi cũng có việc của chúng tôi... Nỗi phiền muộn thường đến với ta do ta ao ước thân phận của kẻ khác. Sự viển vông đó làm ta mất hết nghị lực. Tốt nhất hãy gây dựng đời mình từ thân phận đã sẵn có của mình...Đời chúng tôi còn dài, chúng tôi còn sống đến hai mươi năm nữa, ai mà đoán trước được rồi sau này chúng tôi sẽ ra sao. Cái
chính là phải cố gắng hết sức mình...kẻ nào biết gắng sức bao giờ cũng gặp nhiều dịp may mắn hơn kẻ khác”[27;44]. Nhà văn Vũ Hùng đã dùng rất nhiều từ mang màu sắc triết lí như: lựa chọn, khốn khổ, sung sướng, mãn nguyện, nỗi phiền muộn, ao ước, thân phận, viển vông, nghị lực, cố gắng, may mắn... nhưng từ này đã làm cho triết lí của Vũ Hùng thêm sâu sắc. Ông thông qua lời dạy dỗ của chó mẹ mà muốn nói với chúng ta về việc phải biết chấp nhận hoàn cảnh của bản thân, nghị lực và sự may mắn sẽ giúp chúng ta sống một cuộc đời có ý nghĩa. Trải qua thời gian, nhận thức của Kratiê ngày càng trưởng thành. Nhà văn Vũ Hùng đã đưa ra các triết lí sâu sắc hơn vào cái nhìn của nó: “Roi vọt và thói quen thật ghê gớm: ta có thể quen với nếp sống đàng hoàng tử tế, nhưng cũng có thể quen với một nếp sống hèn hạ, tối tăm” [27;68]. Qua đây, Vũ Hùng muốn ca ngợi cách sống của mỗi con người: Hãy sống đàng hoàng và tử tế. Khi Kratiê bị lão trưởng thôn Men – khen bắt, nó đã bị lão đánh đập và hành hạ. Tuy nhiên việc đó hoàn toàn vô ích: “Thật ra loài chó chúng tôi là những con vật phụ thuộc ghê gớm vào người nuôi, được tự do nhiều hay ít là tùy thuộc lòng tốt, no đói là tùy độ lượng của con người. Ngay cả việc sinh đẻ, chúng tôi cũng phụ thuộc vào ý muốn của chủ. Thế nhưng bao giờ cũng vậy, đối xử với kẻ khác thế nào sẽ nhận được một sự đối xử y hệt như thế đáp lại. Tôi đã dành cho lão trưởng thôn tất cả lòng căm giận của tôi. Tất nhiên tôi không cắn xé được lão nhưng tôi khinh bỉ lão theo cách của mình. Tôi không bao giờ nhìn lão bằng cặp mắt thiết tha mà tôi vẫn dùng để nhìn cô chủ cũ của tôi. Không bao giờ tôi vẫy đuôi mừng và liếm hai bàn tay đen đúa của lão. Cứ thấy lão về là tôi lảng đi, tìm vào nằm trong một xó tối”[48;72]. Qua đó, tác giả Vũ Hùng thể hiện cái nhìn gay gắt và châm biếm trước cách đối xử của con người với các loài động vật. Nếu chúng ta đối xử tốt với loài vật thì sẽ nhận được sự đối xử tốt và ngược lại nếu chúng ta tàn nhẫn với chúng thì chúng cũng sẵn sàng tàn nhẫn với chúng ta. Đó là điều mà nhà văn muốn chúng ta – những bạn đọc lớn tuổi và thiếu nhi hiểu được để có cách đối xử tốt với loài vật. Ở mỗi độ nhận thức của nhân vật, Vũ Hùng lại tăng cấp độ giọng điệu triết lí lên một mức cao hơn: “Tôi nghiệm ra ở nơi nào hạt gạo càng khan hiếm và quý giá thì ở đó con người càng ti tiện, xẻn xo. Họ tranh giành, tàn nhẫn cả với nhau, nói chi đối với những con vật nuôi trong nhà”[27;75]. Đặt nhân vật vào những tình huống cụ thể, Vũ Hùng
muốn chúng nhận thức được giá trị của sự tự do: “Nhưng đường đến tự do có bao giờ dễ dàng như thế. Tôi đã từng thấy: khi người ta đã quá quen với cuộc sống trói buộc thì tự do làm cho người ta ngợp và hốt hoảng”[27;79]; “Đã bao lần tôi cân nhắc giữa tự do và yên ổn. Tôi tự bào chữa cho sự hèn nhát của tôi và tự bảo mình: dù sao thì tôi cũng đang sống yên ổn. Dù bị roi vọt, tôi vẫn có cơm ăn khi đói và có một chỗ ngủ yên lành mỗi khi đêm xuống. Roi vọt làm nhục nhằn đau đớn nhưng không làm ta chết. Còn những nguy hiểm của cuộc sống trong rừng thì hoàn toàn khác, có thể dễ dàng giết chết một con chó nhỏ bé và yếu đuối như tôi bất cứ lúc nào”[27;81]. Nhân vật loài vật của Vũ Hùng, khi đứng trước ranh giới của tự do và yên ổn thì lại rút rè, nhút nhát và lưỡng lự. Bằng giọng điệu đầy chất triết lí, ông giúp chúng ta nhận ra được rằng: thói quen rất khó bỏ và muốn bỏ nó cần phải cố gắng rất nhiều. Ông giúp nhân vật nhận ra nhiều khía cạnh hơn của cuộc sống: “Khi no đủ, người ta càng thích rong chơi”
nhưng “cái trước hết phải yên tâm là mình sống sót rồi mới nói tới chuyện rong chơi”[27;85]; “Những kẻ lưu lạc sống nay đây mai đó, có bao giờ ăn ở lâu dài với ai mà cần tên”[27;114]...
Trong truyện ngắn Chú ngựa đồng cỏ, giọng điệu triết lí của nhà văn Vũ Hùng được gửi gắm qua cách nhìn nhận của chú ngựa Antai. Mở đầu tác phẩm là sự hào hứng của Antai khi kể về cuộc sống của mình: “Thật vui thích biết bao khi được tâm sự với những người thân quen”[18;14]. Antai đã dẫn người đọc đi dần vào cuộc sống trên thảo nguyên mênh mông qua những sự việc và hành động cụ thể. Những suy ngẫm của Vũ Hùng được người đọc thẩm thấu qua mỗi nhận định của chú ngựa Antai: “Sống ở thảo nguyên người ta không thể không có bạn, không có bầy đàn”[18;25]. Hay như tình cảm mẫu tử cũng được ông khái quát bằng giọng điệu triết lí: “Ít ra được ở chỗ ấm áp, chúng tôi phải suy nghĩ tới mẹ và bầy đàn đang run rẩy ở người trời giông bão”[18;33]. Qua đây, chúng ta thấy cái nhìn nghiêm khắc của nhà văn Vũ Hùng về tình cảm gia đình. Nhân vật chú ngựa Antai đã thể hiện nhiều triết lí của ông thông qua các lời trần thuật ngắn: “Cuộc đời đâu phải lúc nào cũng sung sướng như thế” [18;38]. Giọng điệu chiêm nghiệm, suy tư của nhà văn Vũ Hùng thể hiện rõ ràng qua những nhận định của ông đối với các sự vật, sự việc của cuộc sống: “Chỉ trong lúc phải chờ đợi mới thấy thời gian trôi chậm”[18;72]. Những nhận định của
ông điều rất chính xác và phù hợp với tâm lí của con người. Nhưng khác với các tác giả khác, ông gửi gắm nhận định, thông điệp vào các nhân vật loài vật chứ không phải con người. Xét theo cấp độ cấu trúc câu, kiểu giọng điệu triết lí thường được thể hiện qua tính chất khẳng định/phủ định để nhấn mạnh những vấn đề mà tác giả cần triết luận và thông điệp với người đọc. Như vậy, điểm nổi bật của giọng điệu là qua nó nhà văn thể hiện thái độ, tư tưởng, tình cảm của chính mình. Thông qua thế giời của loài vật, nhà văn Vũ Hùng thể hiện một giọng điệu phân tích xã hội, mang những suy tư, chiêm nghiệm về thế sự, nhân sinh. Những triết lý của ông được tạo nên từ nhiều nguồn cảm hứng: cảm hứng thương cảm và cảm hứng phê phán. Mọi chất liệu của cuộc sống được Vũ Hùng đúc kết trong từng câu chuyện nhỏ. Mỗi câu chuyện là một nhận định và suy ngẫm mà qua thời gian ông khái quát được trong tác phẩm của mình.
Nhà văn Vũ Hùng mang trong mình những tâm tư và tình cảm phức tạp chính vì lẽ đó ông có cái nhìn đa dạng, đa chiều. Ông gửi chọn những suy nghĩ sâu sa của mình vào đời sống của các loài động vật. Phải chăng dưới mỗi câu truyện là một sự phản ánh về đời sống con người. Nét giao hòa và đồng cảm giữa loài vật và con người được thể hiện sâu sắc: “Người ta quá coi thường sức mạnh của thói quen. Ở loài người các bạn, có thể phá bỏ dễ dàng một tập quán nhưng ở loài ngựa chúng tôi khác. Muốn thay đổi một thói quen cũ bằng một thói quen mới, chúng tôi cần có nhiều thời gian”[18;93]. Thói quen là đặc tính của con người cũng như loài vật. Nhưng thói quen lại mang tính cố hữu, khó có thể thay đổi được. Không riêng gì con người, loài vật muốn thay đổi thói quen cũng cần phải có thời gian. Ngoài thói quen, tên gọi cũng gắn liền với con người, loài vật. Nó luôn gợi nhớ những kí ức, kỷ niệm: “Với loài ngựa, tên không phải chỉ để gọi. Nó mang trong đó bao sức sống, bao kỉ niệm. Mỗi khi người ta kêu “Antai”, lòng tôi lại xao xuyến vì cái tên ấy gợi lại những hình ảnh đồng cỏ và dãy núi quê nhà. Với những ngựa khác trong đàn cũng vậy. Tên họ khi gọi lên sẽ âm vang, sẽ làm sống lại những kỉ niệm gì đó trong tâm trí họ mà chỉ riêng họ biết. Vì thế tốt nhất là đừng gợi cho chúng tôi những kỉ niệm cũ”[18;95]. Đối với những kỉ niệm đẹp, tên gọi sẽ có tác dụng nhắc nhở và khơi gợi những giá trị mang ý nghĩa nhân văn. Còn nếu tên gọi gợi nhớ những kí ức buồn thì nó lại khắc khoải những thảm thương. Cũng giống như nói về quê
hương, Vũ Hùng nhấn mạnh, loài vật gắn bó với quê hương bằng những tình cảm chân thành, tha thiết chứ không phải từ những cảm xúc thoáng qua, hời hợt hay như những hoàn cảnh khó khăn sẽ tạo điều kiện khiến đức tính hoặc mặt xấu được bộc lộ: “Người ta gắn bó với quê hương không vì những tình cảm mơ hồ. Cậu nghĩ sao, nếu ở đó cậu bị ngược đãi? ...Trong hoàn cảnh khó khăn, người ta sẽ bộc lộ những đức tính hoặc tật xấu”[18;98]. Nhà văn Vũ Hùng còn căn cứ vào những hoàn cảnh tự nhiên và xã hội để thể hiện giọng điệu của mình.Ví như: “Ngựa sinh ra là để phi, để chạy. Một con ngựa béo sẽ trở nên trì trệ: nó còn chạy, còn phi làm sao được nữa”[18;103]. Có nghĩa là, bản tính tự nhiên của loài vật là cái tất yếu nhưng hoàn cảnh xã hội, đời sống sẽ tác động và làm thay đổi những cái tất yếu đó.
Không phân tích, phát biểu về những điều vĩ mô, Vũ Hùng suy tư, chiêm nghiệm, nhận định về những điều bình thường diễn ra trong thực tế, gắn với hiện thực đời sống và số phận của loài vật để đưa ra những chiêm nghiệm về cuộc sống của con người.