7. Đóng góp của đề tài
2.3. Những triết lí mang bóng dáng con người
Thông qua thế giới loài vật, nhà văn Vũ Hùng muốn gửi gắm những triết lí sống đến với con người. Mỗi trang sách của ông là một câu truyện, một khía cạnh nhỏ của thế giới thiên nhiên. Cách sinh tồn của mỗi loài vật là một bài học rút ra từ những kinh nghiệm quan sát thực tế. Qua đó, ta thấy được giá trị nhân văn trong từng đời sống các cá thể loài vật.
Con người có câu: “An cư lạc nghiệp”. Nếu cuộc sống được yên ổn thì chúng ta mới có điều kiện để phát triển. Loài vật cũng như vậy. Cả loài thú lành và thú dữ đều muốn có một cuộc sống bình yên. Trong truyện Giữ lấy bầu mật
đã thể hiện triết lí đầu tiên của nhà văn Vũ Hùng: “Con gấu không có nhà. Thú rừng biết lo xa: Cuộc sống của chúng chập chờn những lo âu nên chúng không bao giờ dám ở yên một chỗ”[19;25]. Thông qua hình ảnh con gấu, Vũ Hùng muốn khẳng định cái cốt của cuộc sống chính là sự bình yên và an nhiên. Nếu không có sự bình yên, chúng sẽ không ở cố định. Chúng luôn lo âu, sợ hãi về nơi sống của mình. Ở cố định một chỗ không có sự bình an là tự hủy hoại giống nòi của mình. Nên bằng sự khôn ngoan, chúng di chuyển liên tục để tránh kẻ thù và hạn chế thương vong. Đối với những loài thú dữ, chúng sẽ không sống ở nơi nào cố định cả. Sẽ khó lòng biết được hang ổ của chúng vì chúng luôn bị con người săn lùng nên dấu hang ổ rất kĩ: “Không ai biết bầy sói trú ở đâu. Khó lòng mà tìm thấy hang ổ của chúng trên thảo nguyên dù nơi này mênh mông trơ trụi. Chỉ biết rằng chúng ở rất xa, mỗi đêm chúng đi kiếm mồi tới vài ba chục cây số. Vì thế chúng thường xuất hiện vào lúc nửa đêm sau khi vượt qua những quãng đường dài. Chủ yếu chúng đi tìm những bầy cừu” [18;52].
Trong cuộc săn gấu của ông Poông, B’ru và Phựng, nhà văn Vũ Hùng đã đưa ra một chân lý: “Người thợ săn già không bao giờ muốn thi sức với thú rừng. Dùng sức đơn thuần thường thất bại”; “Khi còn ánh sáng ban ngày thì rừng chưa thuộc về loài thú” và “Con thú nào khi đói cũng rất hung dữ nhưng lúc no rồi thì đâm ra nhút nhát, lười biếng”[19;59]. Qua đó ta thấy hình ảnh về sự khôn ngoan và bản năng của thú rừng. Chúng không bao giờ gây sự với nhau trừ trường hợp bắt buộc. Mọi loài thú đều muốn nhìn thấy con khác chứ không bao giờ muốn con khác nhìn thấy mình. Người thợ săn cũng chỉ muốn rình theo con mồi chứ không muốn đấu sức với con mồi. Vì đấu sức đơn thuần sẽ luôn
luôn thất bại. Có phải bóng dáng xã hội tiềm ẩn trong mỗi câu truyện của nhà văn! Bọn sói hoang muốn săn mồi, chúng không lao vào đánh nhau với con mồi mà hú kêu làm con mồi hoảng loạn: “Bọn sói ít khi săn một con ngựa non. Chúng biết việc đó là vô ích. Một con ngựa dù còn non cũng có thể chạy nhanh gấp đôi chúng. Vả lại ngựa non được bảo vệ kỹ. Vì thế khi rình rập một bầy ngựa bao giờ chúng cũng tìm cách tách rời một chị ngựa cái đang mang bầu ra khỏi đàn. Chúng đuổi cho chị chạy hết hơi trên đồng cỏ, con này mệt thì con khác thay phiên, tới khi cái thai sảy ra ngoài mới thôi. Thế là chúng ngừng lại cắn xé con mồi, để mặc cho con ngựa cái trở về đàn”[18;33]. Chúng không đối đầu với đám đông mà luôn tách riêng từng cá thể: “Trái lại đối với các bầy lạc đà, bọn sói thường săn đuổi các con non, tách họ ra khỏi sự che chở của mẹ... Nhưng bọn lạc đà con thì khác. Họ nhút nhát, vụng về lại chạy chậm nên khi bị tách khỏi đàn thì hết cách chống cự. Bọn sói sẽ xúm xít lại, cắn vào chân kéo họ ngã xuống”[18;58]. Bọn sói kéo đến, “chúng không vội vàng, không tru, không sủa vì biết đối với bọn lạc đà non hiệu lực tinh thần là thừa đủ. Mùi sói sẽ làm họ hốt hoảng và lúc nào không còn chịu đựng được nữa, họ sẽ rời đàn bỏ chạy. Lúc đấy đàn sói sẽ đuổi theo”[18;59]. Có phải chính qua cách săn mồi của loài vật, ta thấy bóng dáng trong cách săn mồi của con người!
Trong truyện Chú ngựa đồng cỏ ta lại thấy những triết lý của nhà văn Vũ Hùng về khía cạnh tình bạn: “Thật vui thích biết bao khi được tâm sự với những người thân quen”[18;14]. Tâm sự với những người quen, người bạn là một nhu cầu của con người cũng như loài vật. Các loài thú có thể giao tiếp với nhau bằng bộ ngôn ngữ riêng của chúng. Và bao giờ chúng cũng thích thú khi nói chuyện với những con vật cùng loài. Ông còn khẳng định: “Cái gì tách ra khỏi mối liên quan của nó mà chẳng mất mát đi ít nhiều giá trị”[18;17]. Các mặt của cuộc sống đều được liên quan, tác động và ảnh hưởng lẫn nhau. Mặt này bổ trợ mặt kia. Nhưng nếu bị tách ra khỏi mối quan hệ, các mặt sẽ bị giảm sút giá trị của mình. Giống như một bầy voi, bầy trâu, bò... khi bị tách biệt từng cá thể, chúng sẽ không còn đủ sức mạnh để chống lại kẻ thù. Chính vì vậy tính đoàn kết sẽ giúp chúng tránh khỏi thương vong.
Vũ Hùng đã khẳng định: “Ở nơi hoang dã trong lành, người ta sống dài lâu hơn ở nơi tù hãm”[18;21]. Những loài vật trong truyện có một đời sống nội
tâm phong phú. Nhưng có một nét chung ở chúng đó là sự ham thích tự do. Chúng không muốn sống trong nơi tù đầy. Dù có được yêu thương, chăm sóc, nâng niu và che chở bằng bàn tay con người thì chúng vẫn muốn được sống trong thiên nhiên. Giữa cá thể trong cùng một loài và giữa các cá thể khác loài thì sự kết bạn là một điều quan trọng. Bạn bè sẽ giúp đỡ, bảo vệ nhau trong những lúc khó khăn và nguy hiểm: “Sống ở thảo nguyên người ta không thể không có bạn, không có bầy đàn”[18;25]. Không chỉ rêng ở thảo nguyên mà dù trong môi trường sống nào, loài vật đều cần có bạn bè. Giống như sự che chở của bầy trâu đối với con hươu tàn tật trong truyện Phượng hoàng đất, tình bạn giữa con tê giác già với bầy sáo, tình bạn giữa bầy voi với đàn hươu.v.v... Muốn cùng nhau sinh tồn phải cùng nhau đoàn kết.
Mùa xuân là mùa đâm chồi nảy lộc cũng là mùa có nguồn thức ăn dồi dào nhất cho các loài vật. Vạn vật sinh sôi vào mùa xuân do điều kiện thời tiết thích hợp. Nhưng nhà văn Vũ Hùng khẳng định: “Cuộc đời đâu phải lúc nào cũng sung sướng như thế”[18;38]. Đúng vậy! Cuộc đời của con vật cũng giống như con người, có lúc thăng, lúc trầm, biến động lên xuống. Có sung sướng thì cũng có khổ đau. Không ai biết trước cuộc đời sẽ ra sao nhưng chắc chắn thăng trầm là sẽ có. Làm sao lũ hươu, nai, lạc đà, ngựa, cừu... biết mình sắp bị sói ăn thịt. Làm sao báo, bổ, cọp... biết mình sắp bị giết. Qua hình tượng các con vật, chúng ta nhận thức ra một điều là phải sống thích ứng theo từng hoàn cảnh và cảm nhận cuộc sống theo những màu sắc khác nhau để không tự cao và cám dỗ:“Những bài học phải mua bằng giá đắt”[18;46]. Con vật đôi khi ngờ nghệch đến nỗi không biết những nguy hiểm đang rình rập, vây quanh. Chúng bị giết mà không hề nhận thức được chuyện gì đang xảy ra. Cũng giống như con người. Chúng ta hay vô tình, sơ suất mà mắc phải lỗi lầm. Có những lỗi lầm dễ dàng được bỏ qua, nhưng cũng có những lỗi lầm để lại cho cuộc đời chúng ta những bài học và kinh nghiệm đắt giá. Tác giả còn đưa ra một loạt các triết lí: “Chỉ trong lúc phải chờ đợi mới thấy thời gian trôi chậm”; “Muốn thay đổi một thói quen cũ bằng một thói quen mới cần có nhiều thời gian”. Qua chú ngựa đồng cỏ Antai trong truyện Chú ngựa đồng cỏ, Vũ Hùng đã chứng minh cho triết lý này. Khi bị chuyển từ vùng thảo nguyên đến đất nước Việt Nam, mọi lối sinh hoạt của chú ngựa bị thay đổi. Thức ăn lạ, không khí bí bách, ồn ào, không gian bức
bối... khiến chú bỏ ăn: “Cỏ Việt Nam rất xanh, rất tươi, thóc Việt Nam rất chắc, nhưng chúng tôi không quen ăn. Tuần đầu chúng tôi được ăn hoàn toàn cỏ thảo nguyên và lúc mạch. Tuần thứ hai, cỏ thảo nguyên rút xuống chỉ còn hai phần ba, chúng tôi phải ăn thêm một phần ba cỏ Việt Nam. Từ những chàng ngựa háu ăn chúng tôi trở nên khó tính: ai cũng uể oải lấy mõm bới tung đám thức ăn để nhặt những sợi cỏ gai thơm mùi của những vị thuốc. Tuần sau, lượng cỏ thảo nguyên rút xuống chỉ còn một nửa. Chúng tôi phải ăn thêm nhiều cỏ Việt Nam. Từ lúa mạch chúng tôi chuyển dần sang ăn thóc. Thức ăn lạ làm cả đoàn đau ốm. Người ta phải cho chúng tôi ăn thêm cám, lá tre, rơm khô, cà rốt, bầu bí và các loại rau. Những thứ đó không hề có trên đồng cỏ nhưng không phải vì thế mà chúng tôi ưa thích. Cuối cùng cỏ gai và lúa mạch đã hết. Đàn chúng tôi bắt đầu bỏ ăn. Cả đàn gầy sút trong đám lông bơ phờ”[18;91]. Thức ăn lạ khiến bầy ngựa ốm yếu, gầy hao. Tuy vậy chúng vẫn chỉ nhớ đến cỏ của thảo nguyên, không loại rau cỏ nào làm chúng thích thú. Thói quen ăn uống là thói quen khó bỏ và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bầy ngựa. Bên cạnh đó, không gian sống khác biệt cũng làm cho bầy ngựa khốn khổ: “Chỗ ở của chúng tôi cũng không thích hợp. Người ta nhốt mỗi chúng tôi trong một cái chuồng chật hẹp, bốn phía là những gióng gỗ ngổn ngang. Ngày đêm chúng tôi thiếu khoảng rộng, thiếu không khí và thiếu gió. Khí hậu ở nơi này đâu có nóng bức bằng cái nắng thiêu đốt của mùa hè đồng cỏ nhưng vì vắng những cơn gió, chúng tôi luôn thấy bức bối khó chịu. Chúng tôi thở hồng hộc trong chuồng. Mồ hôi rỏ ròng ròng, ướt đẫm bộ lông dày, không phải thứ mồ hôi sủi bọt nhưng chóng khô sau những chặng đường dài mà là thứ mồ hồi nhớp nhúa, ngứa ngáy và dai dẳng... Thức ăn lạ, tiếng ồn và những đêm trằn trọc làm chúng tôi gầy guộc...”[18;92]. Thói quen là một thứ khó bỏ nhất trong cuộc sống của con người, đối với động vật cũng vậy. Từ bỏ nó, chúng ta cần phải có thời gian và sự nỗ lực để thích ứng. Bầy ngựa cũng cần có thời gian, Nhưng nếu không rèn luyện đúng phương pháp thì sẽ không có kết quả: “Không ai biết chữa chạy cho chúng tôi bằng cách gì. Người ta quá coi thường sức mạnh của thói quen. Ở loài người các bạn, có thể dễ dàng phá bỏ một tập quán nhưng ở loài ngựa chúng tôi thì khác”[18;93]. Rất may người chủ của bầy ngựa đã có cách giải quyết. Một bữa anh mang đến hai hòn đá lớn rồi đánh mạnh vào nhau. Tia lửa khét lẹt – mùi của
thảo nguyên giông bão: “Người chủ mới vứt hai hòn đá xuống đống cỏ dưới chân tôi. Tôi hít ngửi mãi: Đó chính là thứ đá của thảo nguyên mà dòng giống chúng tôi thường liếm sau bữa ăn để có thêm chất khoáng. Cỏ có mùi của đá bỗng phảng phất một hương vị thân quen. Thế là tôi bắt đầu ăn và sau khi đã ăn no, theo thói quen tôi liếm trên những hòn đá. Chẳng bao lâu đá bị liếm mòn vẹt, nhưng nhờ đó bầy chúng tôi bắt đầu quen với cỏ và thức ăn Việt Nam. Mọi thứ, trước kia xa lạ, giờ đây đã trở thành những món ăn ngon: hàng ngày tôi ăn mười lăm cân cỏ, một bó lá ngô, một bó mía, năm cân thóc, một cân cám... Theo lời khuyên từ đồng cỏ, người ta đã mở rộng chuồng và cắt lông cho chúng tôi. Ở phía sau chuồng, người thợ điện đặt những chiếc quạt gió rất mạnh. Ngày đêm gió thổi vù vù làm bộ lông không nhớp nhúa mồ hôi...”[18;94]. Thói quen và đặc điểm sống của bầy ngựa đã được thay đổi nhưng theo cách chậm rãi. Từ bỏ thói quen là điều có thể làm được tuy nhiên cần thời gian và phương pháp. Nhà văn Vũ Hùng đã cho chúng ta thấy rằng, ở loài vậy cũng có những thói quen và lối sống nhất định. Để thích ứng với nơi ở mới, cần thời gian. Qua bầy ngựa thảo nguyên, ông còn thể hiện nhiều triết lý rất sâu sắc. Tính cách của mỗi con người một phần cũng do hoàn cảnh sống tạo nên. Loài vật cũng hình thành tính cách từ mỗi hoàn cảnh sống. Trong đàn ngựa có con ngựa Sêk hung hăng và ngang bướng: “Ngay từ buổi đầu mới gặp tôi đã thấy ở nó một điều gì không bình thường. Nó cứ nhởn nhơ trong lúc chúng tôi nhớ quê đến buồn rũ. Hỏi thì nó nói: Người ta gắn bó với quê hương không vì những tình cảm mơ hồ. Cậu nghĩ sao nếu ở đó cậu bị ngược đãi?...Trong hoàn cảnh khó khăn người ta sẽ bộc lộ những đức tính hoặc tật xấu. Sêk đã bộc lỗ nhiều đức tính”[18;98]. Dù thức ăn được chia ít ỏi, nhưng Sêk không bao giờ ăn tranh thức ăn của các con khác, nó chỉ ăn đúng nắm cỏ người ta chia cho nó: “Sêk không thích giành giật cái gì của ai. Trái lại nó thích bênh vực kẻ yếu. Trong bọn tôi có Mi là đứa chập chạp, hiền lành. Các chàng ngựa háu ăn, sau khi ăn hết phần, thường lén lút luồn đầu qua bụng Mi để khều những nắm cỏ của nó. Tệ hơn có chàng còn cướp đoạt công khai. Những lúc đó Sêk không ngần ngại và hục hặc giậm vó, hí vang những lời cảnh cáo”[18;99]. Chú ngựa Sêk ngang bướng và hung hăng là do có một tuổi thơ ấu cay cực: “Đồng cỏ quê của Sêk cằn cỗi, bầy đàn thì đông nên ai cũng đói khát. Sêk không được mẹ dạy dỗ như chúng tôi vì suốt ngày bà còn lo
chạy ăn. Chủ của Sêk là một người tàn bạo: ông ta nghiện rượu, không bao giờ cho Sêk ăn no và đã nhiều lần đánh đập Sêk bằng roi da. Tất cả những điều đó biến Sêk thành con ngựa bướng bỉnh hay ngờ vực và ưa gây gổ”[18;99]. Nhà văn Vũ Hùng đã chỉ ra được, điều kiện sống tốt có vai trò to lớn đối với sự hình thành và phát triển của loài vật. Điều kiện sống khó khăn, khắc nghiệt và tàn bạo sẽ biến loài vật thành những kẻ thô bỉ và tàn ác. Môi trường sống tốt sẽ giúp định hình tính cách tốt cho loài vật. Đây có phải chính là ý nghĩa về hoàn cảnh sống của con người. Mỗi chúng ta, từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành, nếu chúng ta được sống trong môi trường tốt, nhân cách chúng ta được tôi luyện, rèn giũa và trưởng thành. Môi trường sống là điều kiện đầu tiên để định hình nhân cách cho mỗi con người.
Bên cạnh đó, nhà văn Vũ Hùng còn đưa ra nhiều triết lí khác như: “Một con ngựa béo sẽ trở nên trì trệ: nó còn chạy, còn phi làm sao được nữa”; “Con ngựa không biết nói. Khi thấy nó cưỡng lệnh thì phải tìm ngay lí do vì sao. Đừng bao giờ trừng phạt nó một cách độc đoán và oan uổng”; “Đối với loài ngựa là thế: thà không trừng phạt còn hơn là trừng phạt muộn”[18;102]... các triết lí ông đưa ra đều thấp thoáng bóng dáng của xã hội con người, từ cách sống, cách làm việc hay cách dạy dỗ. Hình như thông qua đó, ông muốn nhắc nhở và gửi gắm một điều gì đó đến với con người!
Để rút ra những triết lý về cuộc sống, nhà văn Vũ Hùng cũng thông qua đặc tính sinh hoạt của loài vật. Mọi loài vật đều thích sống tự do trong môi trường thiên nhiên và chỉ có ở môi trường thiên nhiên, chúng mới sống đúng