Cách đặt tên các nhân vật loài vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới loài vật trong truyện viết cho thiếu nhi của nhà văn vũ hùng (Trang 104 - 107)

7. Đóng góp của đề tài

3.2.1. Cách đặt tên các nhân vật loài vật

Các nhân vật loài vật trong truyện của nhà văn Vũ Hùng gây ấn tượng với người đọc thông qua tên gọi. Mỗi cái tên gắn với những đặc điểm về ngoại hình, tính cách, số phận hoặc kỉ niệm của từng loài vật. Trong truyện Những kẻ lưu lạc, nhân vật loài vật đã trải qua nhiều lần đặt tên: “Khác với những lứa trước, lứa nào cũng đông, lứa này mẹ tôi chỉ sinh hai đứa chúng tôi: anh tôi và tôi. Mẹ tôi gọi anh tôi là Cún Anh và tôi là Cún Út”[27;22]. Còn cô chủ của các chú chó lại đặt tên chúng theo tính cách và diện mạo mà chúng đang sở hữu: “Cô chủ bảo tôi xinh đẹp như một con thỏ mà hàng năm cô vẫn làm vào ngày hội của trẻ con, bằng cách dán những miếng bông nõn trên một chiếc vỏ trứng. Cô đặt tên cho tôi là Côpbal. Trong tiếng Khơme của cô, Côpbal có nghĩa là nắm bông. Còn anh tôi vì tính hiếu động và nghịch ngợm, được cô đặt tên là Khla. Khla là con vật ghê gớm nhất trong rừng rậm Campuchia: Con Cọp”[27;24]. Hai cái tên của hai con chó đã diễn tả đúng về ngoại hình của chúng. Một con chó thì xinh đẹp, dịu dàng như cục bông; một con chó thì nghịch ngợm, hiếu động. Rồi khi Côpbal rơi vào tay lão chủ mới, nó được đổi tên là Chô, tiếng Khơme có nghĩa là “xông lên trước”. Với mong muốn huấn luyện con chó làm tay sai đắc lực cho mình trong những chuyến “săn”, lão chủ mới đặt tên cho nó như vậy. Rồi sau đó, khi được những người chủ mới cứu thoát khỏi tay lão chủ độc ác, Chô lại được đổi tên mới:

“Ông hỏi:

- Con chó tên là gì?

- Chô. Con Chô

- Chà “Xung Phong”. Con “Xung Phong”. Cái tên chẳng hợp với con chó tí nào. Nó nhỏ nhắn, xinh xẻo, hiền lành thế kia!”[27;94]

Người chủ mới đặt tên cho con chó dựa vào nơi nó đã từng sinh ra: “Vậy thì tôi đặt lại tên cho con chó này là Kratiê. Để nó nhớ đến quê hương của nó”[27;94]. Và các nhân vật loài vật khác với những cái tên nghộ nghĩnh thể hiện từng đặc điểm của chúng: “Chó mẹ, ưa dịu ngọt hễ bị mắng là biết hờn dỗi, được đặt tên là Cam. Anh chó đực đầu lứa tính tình nghịch ngợm và háu ăn, chưa làm xong các động tác mà cô giáo tôi yêu cầu đã vội vội vàng vàng đòi phần thưởng, được đặt tên là Láo. Anh chó đực thứ hai là Hấp, anh này gàn dở, tự nhiên đang yên lành anh cũng vặc với người khác và rất hay gây sự cãi nhau. Trái với hai anh, cô chó út là một cô chó ngoan ngoãn, dịu dàng, được cả người lẫn nết: dáng cô thanh mảnh, bộ lông vàng hồng êm dịu, lại thông minh và học rất chăm. Vì thế cô được cô giáo đặt tên là Khôn”[27;114]. Ngoài gia đình Cam, còn một đàn chó Nhật được đưa tới: “Ngày mới về, họ cũng gầy yếu xơ xác, nhưng được chăm chút, họ béo lên rất nhanh. Lông họ lại mượt mà, mắt họ lại rực sáng. Cô giáo tôi lấy tên những trái cây đặt cho họ: Mận, Na, Táo... Trông họ cũng xinh xinh như những trái cây nhỏ nhắn đó”[27;114]. Truyện Con cu li của tôi, người chiến sĩ rất khó khăn trong việc đặt tên cho con culi của mình: “Tôi đã mất nhiều thời giờ để chọn cho con cu li của tôi. Tôi muốn tìm một cái tên hay và đẹp, đúng với tính cách của nó. Cuối cùng tôi gọi nó là Lili. Một cái tên cũng có đôi chút âm điệu và dễ gọi”

[27;94]. Chú chó của Đam Đam trong truyện Các bạn của Đam Đam được đặt tên là Phay Phay, có nghĩa là lửa. Con vượn mà Đam Đam cứu trong rừng cũng được cậu đặt tên là Xa ni, tiếng Lào Xa ni có nghĩa là con vượn. Các nhân vật loài vật trong truyện Phía Tây Trường Sơn cũng được đặt tên theo đặc điểm ngoại hình. Đầu tiên là Ông Một, con voi dữ tợn và xông xáo ra trận với chiếc ngà duy nhất; Sao Nọi là “Cô bé voi”, đó là một con voi cái đẹp và hiền lành; Bạc Mày là con voi hưng dữ và hiếu động. Chú ngựa trong Chú ngựa đồng cỏ

thuộc miền Nam nước Mông Cổ mang dòng máu hoang dã của ngựa rừng hoang và dáng dấp đẹp đẽ của ngựa nuôi được đặt tên là Antai, tên rặng núi chất ngất và thảo nguyên mênh mông nơi chú sinh sống. Chú ngựa hồng, non nớt và nhút nhát tên là Xam. Sau đó chú ngựa Antai được người chủ mới đặt tên là Tai: “Tai đây là cái tai để nghe. Anh đặt cho tôi tên này vì trong một trận ẩu đả, loài ngựa chúng tôi cũng hay sinh sự đánh nhau lộn bậy, tôi đã bị

cắn sứt một bên tai” ngoài ra còn có “Lip, béo mập và hơi lùn; giống hạt mít được gọi là Mi. Ram, cao và gầy; giống Đông Ky Sốt được gọi là Sốt. Trai, chàng ngựa bất kham nhất trong chúng tôi, lúc nào cũng đã hậu vun vút, được gọi là Sêk, tên một điệu nhảy: dưới con mắt giàu tưởng tượng của các diễn viên xiếc ngựa, chàng ta nhảy sêk suốt ngày. Còn Mo, vóc dáng vạm vỡ và bệ vệ chẳng khác gì một người dân đồng cỏ, được gọi là Bo”[18;96]. Hay như chú hươu non trong truyện Sao Sao với bộ lông mang nhiều ngôi sao nhỏ xinh đẹp nên được đặt tên là Sao Sao: “Bố mẹ đặt tên em là Sao Sao, bao nhiêu ông sao trên lưng em. Thế là hươu con mang cái tên xinh đẹp Sao Sao. Chú đi đâu dân làng Hươu cũng gọi “Sao Sao! Sao Sao!” với một giọng chan chứa thương mến” [23;3]. Các bạn của Hươu Sao cũng được đặt tên theo những tính cách và ngoài hình bên ngoài: “Các cô Hươu mang những cái tên thật đẹp. Người thế nào thì cái tên thế ấy: cô Ngơ Ngác, cô Bình Yên, cô Dịu Dàng... Tên các cậu hươu thì hùng dũng hơn. Cậu nào có tài nhảy thường mang tên Chớp Lửa hoặc Gió Lốc. Cậu nào chăm chỉ luyện tập thân hình rắn chắc nở nang thì mang tên các trái núi trong vùng hoặc tên các loài gỗ: Núi Lam, Đá Bạc, Gụ Nâu, Lim Đen...”[23;5]. Cùng lứa của Sao Sao có một cậu hươu vừa còi cọc lại vừa cộc đuôi nên được đặt tên là Hươu Cộc: “Cậu không may mắn, mới sinh ra đã chịu tật nguyền: cộc đuôi là một bất hạnh rất lớn đối với thú rừng, cậu hươu ấy chẳng gì xua đuổi ruồi muỗi. Cậu bị gọi là Hươu Cộc. Bạn bè gọi thế để đùa vui thôi, cũng chẳng ai có ý gì độc ác”[44;5]. Sao Sao thấy cậu hươu xấu số thật đáng thương. Chú nhận ra cậu hươu bạn tuy còi cọc và cộc đuôi nhưng rất tốt bụng. Cậu ấy có một đôi mắt trìu mến, “một hươu con tốt bụng và can đảm như thế xứng đáng mang cái tên thật đẹp. Sao sao tự hỏi “hay gọi bạn ấy là hươu Mắt Đen. Mà không, vì bạn ấy nhỏ nhắn, phải gọi là Nai Bông... Nai Bông là cái tên mà các bác nai mẹ vẫn dùng ở nhà để gọi những đứa con bé bỏng xinh xinh của họ”[23;5]. Chú voi tinh nghịch trong truyện Sống giữa bầy voi được đặt tên là Bạc Nọi. Trong tiếng Lào, Bạc Nọi có nghĩa là thằng Cu Non. Đúng với bản tính ham chơi và nghịch ngợm của chú voi Bạc - Nọi mà nhà văn Vũ Hùng đặt tên cho nó. Khác với các nhân vật loài vật khác, chú voi chiến sĩ trong truyện Người quản tượng và con voi

bão, có một con voi bị lạc bầy vào làng Ta – khan và bị ông cháu Đik bắt được. Đó là một chú voi đẹp. Ban đầu, ông già Rem muốn đặt tên nó là Kham – toốc. Tiếng Lào có nghĩa là Vàng rơi. Đối với ông già Rem, chú voi quý hơn vàng vì phải vất vả lắm mới bắt được nó. Nhưng người cháu Đik lại muốn đặt tên nó là Luôm – luông, có nghĩa là giông bão.

Việc đặt tên các nhân vật loài vật theo tính cách, diện mạo, đặc điểm ngoại hình hoặc hoàn cảnh xuất hiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận tác phẩm nói chung và nhân vật nói riêng. Qua tên gọi, độc giả đã định hình được rõ ràng nhất về tính cách và diện mạo của nhân vật loài vật, giúp cho quá trình tiếp nhận nội dung tác phẩm được dễ dàng hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới loài vật trong truyện viết cho thiếu nhi của nhà văn vũ hùng (Trang 104 - 107)